HIỂU THÌ CÀNG YÊU HƠN 08. Tinh thần sáng tạo Cham

1. Haumkar – Akhar thrah – ngôn ngữ
[Cham hoặc là làm mới, hoặc là làm khác, chứ ít khi để nguyên – khi mượn]

1. HAUMKAR (đọc hom-kar). Haum = Aum, đọc là OM, một âm linh thánh. Aumkar là chữ viết tắt tiếng Phạn Aumkara. Có thể hiểu là Haumkar là kí hiệu, vật thể biểu tượng cho tiếng OM linh thánh.
AUM là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa nhất trong truyền thống Ấn Độ. AUM là âm nguyên bản, âm sáng thế, là Lời Thượng Đế, là cái Bất Diệt, cái Vô Tận, cái Vô Thỉ Vô Chung… AUM chia làm ba phần tử: ba pho kinh Vệ Đà; ba trạng thái của con người: thức, mơ và ngủ say.
Theo Māndukya Upanishad, chữ cái A biểu tượng cho sự sáng tạo, khi tất cả các tồn tại xuất phát từ hạt nhân vàng là Brahma; chữ cái U liên quan đến Vishnu là Thần Bảo dưỡng và lưu trì, và chữ cái M tượng trưng cho phần cuối cùng của chu kỳ tồn tại, khi Brahma ngủ thiếp đi và Shiva xuất hiện như kẻ phá hủy.

OM
* Biểu tượng AUM nguyên bản Ấn Độ.

Các khu vực văn hóa Ấn Độ và các nền văn minh ảnh hưởng triết học Ấn Độ tiếp nhận và biến thái AUM bằng nhiều dạng thức khác nhau. Từ Kannada, Bengali cho đến Tamil, hay chữ cái Grantha… lối thể hiện AUM có sự khác biệt nhất định. Nhưng chung quy tất cả đều nhất thống ở huyền nghĩa của tiếng AUM. Đó là tên tối thượng và thích hợp nhất dành cho Thượng Đế.

2. Qua đến Champa, âm AUM đã biến thái và được lí giải khác đi rất nhiều. Cham đã ‘phá hủy’ gần như hoàn toàn Aumkara Ấn Độ để ‘Sáng tạo’ thành Haumkar của mình.
RỜI BỎ ‘TƯỢNG CHỮ’ CHUYỂN QUA ‘TƯỢNG HÌNH’ VÀ ‘TƯỢNG SỐ’.
Số 6 ở trên cùng – tượng trưng cho ĐỰC (likei), nói lên sức công phá mãnh liệt của sự sống và thăng tiến. Tận dưới đáy là con số 3 – tượng trưng cho CÁI (kamei): vừa nâng đỡ vừa chịu đựng mang ý nghĩa thu phối và bao dung. 6 + 3 = 9, là con số tiếp cận con số 10 toàn bích. Gọi con số 9, bởi không có gì được cho là toàn bích dưới anh mặt trời. Khoảng giữa của biểu tượng, MẶT TRỜI (đực) nằm bên trên, phía dưới là MẶT TRĂNG (cái). Một đường thẳng kéo dài từ trên xuống như sợi chỉ xuyên suốt, xâu chuỗi tất cả. Như CÁI – ĐỰC kết hợp tạo thành thể thống nhất, để bật ra tiếng AUM linh thánh. Đạo trời đất và con người nằm tất cả ở đó.

Giữa cõi sống và chết, người Cham cũng có sự phân biệt hình tượng AUM bằng cách biểu hiện khác nhau. Trong cõi sống, khi vẽ trên nhà cửa, sách vở, lễ lạt… nghệ nhân hoặc thầy cúng vẽ hình số 6 xoắn ốc và hướng thẳng lên. Người Cham gọi là “Haumkar sống”. Ngược lại, để dành cho thế giới chết thuộc cõi âm như: Kut nghĩa trang tộc mẫu, các dạng đám tang… hình số 6 được vẽ cong xuống, gọi là “Haumkar chết”.
Aumkar-01.
* Haumkar “sống” ở bìa tác phẩm Tự học tiếng Chăm.
Aumkar-02.
* Haumkar “chết” ở một góc “Chim Hang” trong Nhà táng Đám tang Cham Ấn Độ giáo.

3. So sánh với Haumkar Bali và Java, khá gần với Cham nhưng cách biệt ngàn trùng ở tình thần ‘phá hủy & sáng tạo’.
Omkara-Bali
* Homkara – Bali.
Omkara-Java
* Homkara – Java.

HIỂU THÌ CÀNG YÊU HƠN 08. Tinh thần sáng tạo Cham 2. Akhar thrah
[Tinh thần Shiva: phá hủy ĐỂ sáng tạo, phá hủy VÀ sáng tạo, phá hủy LÀ sáng tạo]

Trimurti là Brahma, Visnu và Shiva. Cham mượn từ Ấn Độ, nhưng đã làm khác, rõ nhất ở văn hóa dân gian. Tam vị, hiện nay Cham chỉ còn giữ lại 2: Thần Phá hủy và Thần Sáng tạo. Tiếng Cham: Po Xapalai & Po Xapajiơng. Cham còn thêm…
Po Xapalai xa-ai Po Xapajiơng: Thần Phá hủy là anh Thần Sáng tạo.
Cham xu hướng làm mới, tìm cái mới; nếu có mượn ở đâu đó, họ cũng chế biến thành KHÁC đi. Muốn làm khác đi, nghĩa là muốn sáng tạo đòi hỏi đến phá hủy. Chúng ta đã thấy tinh thần này ở HAUMKAR, nay xin chuyển qua ngôn ngữ.

Tiếng Cham ngữ hệ Nam Đảo, cùng với tiếng Malaysia, Indonesia… trong khi 2 dân tộc trên [và nhiều dân tộc khác] đa phần giữ nguyên gốc, thì Cham đã rất khác.
Ví dụ nguyên gốc tiếng Nam Đảo:
MATA, LANGIT, PUTAU, ORANG Cham “phá” đi để biến thể thành MƯTA, LINGIK, PATAU, URANG.
Mượn Sanskrit, Cham vừa cắt đuôi âm cuối vừa biến đổi cả âm chính, chứ không để yên như Malaysia:
NAGARA là tiếng Phạn được nhiều nước ở Đông Nam Á mượn. Indonesia và Malaysia vẫn giữ nguyên [do làm biếng hay ít sáng tạo?], Cham thì biến thành NƯGAR. Và rất nhiều tiếng như thế:
BHUMI = BHUM, MANUSIA = MƯNUS, LANGALA = LINGAL, GARUDA = GIRUT.
Thế mới kì! Nếu bây giờ mà một hai đòi viết MANUSIA như nguyên mẫu thì ta lỗi thời rồi còn gì. Còn viết là MANUS thì ta đang tập nói tiếng… Raglai.
Mượn Ả Rập Cham cũng không để yên:
QUR’AN = KURA-ƯN, RAMADAN = RAMƯWAN, ISLAM = ASULAM, NABI = NƯBI.
Cùng chung tiếng Nam Đảo hay cùng mượn tiếng Phạn và Ả Rập cả, nhưng Cham đã làm khác. CHAM MUỐN KHẲNG ĐỊNH DÂN TỘC TÍNH CỦA MÌNH, BẰNG CÁCH LÀM KHÁC ĐI. Phá hủy để sáng tạo, phá hủy là sáng tạo, là vậy.

2. A chuyển thành I, nhất là A chuyển thành Ư…
Chính từ sự làm khác đó mà Cham đã sáng tạo thêm 4 chữ cái: NGƯK, NHƯK, NƯK, MƯK vào bảng chữ cái nguyên gốc mượn từ Ấn Độ. Bảng chữ cái Cham ông ngoại dạy tôi học thuở lên 4 là: 41, chứ không phải 37. Ở cấp Tiểu học, thầy Hồng cũng dạy thế. Từ điển Moussay cũng ghi 41 chữ cái. Nghĩa là chúng đã có từ lâu rồi, còn chúng ra đời ở thời điểm nào thì chưa có nhà nghiên cứu nào xác định.
4 chữ cái này không có trong hệ thống chữ cái Ấn Độ, mà Cham đã sáng tạo ra, để không phải đánh “tut kai mưk” vào Ngak, Nhak, Nak, Mak.
Chú ý, Từ điển Aymonier tuyệt đối không đánh “tut kai mưk” vào 4 chữ cái trên. Tiếng nào có âm tiết chính là A mới viết: Ngak, Nhak, Nak, Mak; còn lại dùng NGƯK, NHƯK, NƯK, MƯK. Còn ngoài đời, ông bà ta viết ở các bản chép tay xưa thì siêu… tùy tiện.
NGƯK, NHƯK, NƯK, MƯK là truyền thống đấy, chớ có đùa. Ai đã sáng tạo chúng, và ai đã “phá” chúng?
Hôm nay “truyền thống” đó không còn nữa, tiếc không?

HIỂU THÌ CÀNG YÊU HƠN 08. Tinh thần sáng tạo Cham 3. Ngôn ngữ
[Ai biết thế nào ĐÚNG/ SAI?]

1. Tên gọi
Một dân tộc, một cộng đồng được gọi bằng nhiều tên khác nhau: tên khoa học của giới nghiên cứu, tên dân gian gọi, biệt danh, vân vân. Có “sai” có “đúng”. Dù sai hay đúng, không ai có thể chối bỏ chúng được, đơn giản: chúng có mặt trên trần đời đều có nguyên do chính đáng.
Tôi đã từng viết bài “Chăm hay Chàm đúng?” để đặt lại vấn đề tên “Chăm” được Nhà nước đặt cho dân tộc CHAM sau 1980. Trong quá trình lịch sử, Chiêm, Hời, Chàm, Chà, Chăm, người Đàng Thổ… đã từng có mặt.
Cham ở Bình Định, Phú Yên gọi là Chăm Hroi, Chàm Cổ…
Riêng Cham theo tôn giáo Ấn Độ giáo được gọi là Cham Ahier, Cham Bà-la-môn, Chàm thiêu, Bà Chăm…
Cham theo Hồi giáo bản địa hóa là: Cham Awal, Bini, Chăm theo Hồi giáo Bà-ni, Cham Hồi giáo cũ…
Cham theo Hồi giáo chính thống (Islam) là Cham Asulam, Chàm Mới (Cham Biruw)…
Tùy bài viết là tiểu luận nghiên cứu khoa học hay bài báo phổ thông mà tôi sử dụng linh hoạt các tên gọi khác nhau.

2. Về tên các lễ hội cũng thế.
Katê còn được viết là Bbơng Katê, người Việt và báo phổ thông hay gọi là Tết Chăm. Lễ Ramưwan, Cham gọi là Bbơng Muk Kei, còn ngoài đời thường người Việt cứ kêu nó là Tết Chăm Bà-ni.
Các tiếng “phổ thông” này có thể “sai”, nhưng chúng cứ tồn tại. Bởi chính chúng làm cho vốn từ vựng Cham phong phú. Người viết vẫn có thể dùng, miễn sao các nhà nghiên cứu sử dụng chúng đúng nơi, đúng lúc là được.
Không thể đứng ở phạm trù này để phê phán ngôn từ được dùng thuộc phạm trù khác cho bộ phận độc giả khác.

3. Về ngôn ngữ.
Tạm đưa 2 ví dụ:
“Bblang mưcuw” trong Từ điển Aymonier (1906) dịch là: khốn khổ (misérable), đói khát (affamé); Từ điển Moussay (1971) dịch là “đủ ăn”; chứ ngoài đời Cham hiện nay cứ hiểu là “phát đạt”. Ngap bbơng bblang mưcuw: làm ăn phát đạt.
Ai đúng?

WAKTU tiếng Ả Rập là: “thời gian, giờ, khoảnh khắc, lúc”. Từ điển Aymonier cũng ghi thế. Còn TUK, ông dịch là: “thời gian, giờ, lúc, khi”. Riêng WAK, ông chú thích và dịch: “Wak hay wakak có xuất xứ từ tiếng Pali: vagga: lúc, khoảnh khắc”.
Từ điển Moussay dịch:
Tuk: giờ; Wak: giờ hành lễ của Hồi giáo.
Từ điển Đại học (1995):
Tuk: giờ, lúc…; Tuk wak: giờ giấc; Waktu: thời gian, thời kì, thời đại
Đến BBSSCC và hiện nay đa số người Cham hiểu là:
Wagtu: thời gian; Tuk: giờ; Wag: phút.

Ai đúng ai sai?
Tham khảo: ngôn ngữ (ngữ âm, ngữ nghĩa, và…) biến động theo thời kì, và là thói quen sử dụng của công chúng mà thành.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *