HIỂU THÌ CÀNG YÊU HƠN 09. Tinh thần phiêu lưu Cham 5. Cham xưa buôn bán

Jaya
Tiếng Chăm có nhiều từ để chỉ biển. “Tathik” là biển; bên cạnh “tathik” tiếng Chăm còn có “darak”. Dân gian Chăm nói: “Laik tamư tathik praung darak praung”, nghĩa là chìm vào biển cả. Như vậy, “darak” vẫn là biển. “Darak” còn được dùng để chỉ chợ. “Nau darak”: đi chợ. Bởi chợ ngày trước luôn được họp cạnh bờ biển. Cũng phải thôi, người Chăm là dân sống với biển và nhờ biển, nên chợ lớn phải được họp cạnh bờ biển, và lắm lúc dựng ngay trên biển.
Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hoá với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” (Nguyễn Đức Hiệp, 2006, “Lâm Ấp, Champa và di sản”, Vanchuongviet.org).
Cửa sông chạy ra biển tiếng Chăm là lammưngư, hay lơmngư. Xóm Cửa người Chăm gọi là “palei Lơmngư”. Biển xa và rộng, Chăm có chữ “tathik kuradong”, nghĩa là biển khơi. Lớn rộng và xa hơn nữa thì dùng từ “jallidi”: đại dương.
Dân tộc Chăm có máu phiêu lưu, mà phiêu lưu ra trò nhất phải là dám đánh vật với song đại dương. Máu phiêu lưu thể hiện ngay trong câu nói cửa miệng dân gian:
Mưtai di kraung, mưtai di tathik
Thei mưtai di danaw kabaw mư-ik takai palei.
Chết nơi biển rộng sông sâu
Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng.

Cham biết làm kinh tế thị trường từ rất sớm. Thế kỉ X, qua thương cảng Cù lao Chàm, Cham buôn bán mọi thứ. Từ nước ngọt cho đến trầm hương. Sở hữu chiều dài bờ biển với thương cảng tấp nập tàu ngoại quốc ra vào, các vương triều Champa đã xây dựng cơ cấu kinh tế đất nước dựa trên thương mại biển thuộc hàng đầu trong khu vực.
Cù Lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa… Trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai ngày nay) đến Canton (Quảng Châu – Trung Quốc) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng – Cù lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hoá… trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851-852) cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của Champa để lấy nước ngọt và trầm hương” (Lâm Thị Mỹ Dung, 2012, vntimes.com.vn)
Dẫu vậy không phải vì thế mà ông bà Cham chừa món “thương mại đất liền”.
“… vì người Champa có lợi trong việc buôn bán với Trung Quốc, năm 1438 ông lại phải gửi sứ bộ sang nhà Minh (Maspéro, p. 225).
Tạ Chí Đại Trường cho biết: “Một tướng của Nguyễn Nộn là “phiên” Ma Lôi từng đi buôn bán xa, tận Ai Lao” (Hopluu.net, 2008).
Ma Lôi thuộc sắc dân Cham, lại là Cham trong đoàn tù binh của nhà Lý! Tù binh mà đã thế, nếu đang là công dân tự do tại quê nhà thì họ còn tung hoành dọc ngang thế nào nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *