Thư cho bạn trẻ 10. Hiểu thì càng yêu hơn

Sài Gòn, tháng 11. 2005.
1. Năm 2002, Katê, một gia đình từ thiện tổ chức phát quà cho bà con nghèo tại một palei Chăm. Xe từ Sài Gòn ra. Nhưng mới sáng sớm, làng phát loa mời bà con đến nhận quà, trong lúc xe phải một giờ chiều mới đến. Thế là giải tán. Và ông thôn trưởng làm lẩy cho nghỉ luôn. Xe tới, ông không chịu thông báo nữa, cũng không đưa danh sách cho người thành phố. Ông nói: mệt thân tôi lắm! Tôi được gì ở đây đâu, có khi lại phiền. Thế là xe chở quà qua làng khác.
Như vậy gọi là chưa thực sự yêu. Yêu lại sợ mệt hay phiền. Tội vậy chớ!

2. Một bạn người Kinh làm gốm mĩ thuật ở làng Chăm, giúp bà con sản xuất gốm. Đạt vài hiệu quả khích lệ và rất đáng theo đuổi. Nhưng chỉ hai năm sau, anh phát biểu: không thể làm với người dân tộc được (ý nói bà con ít học, nhưng anh ngại nói rõ), họ đã gây đủ thứ phiền cho mình. Tôi hiểu ý anh bạn, bởi tôi cũng có “làm ăn” với người dân quê một thời gian. Tạm nêu vài cái phiền để cùng biết:
– Không đúng giờ (thói quen nông thôn)
– Khất lần khất lữa, có khi nợ rất nhỏ nhưng không trả (dù chưa hẳn quá khó khăn)
– Giao hàng sai quy cách hay sai hẹn (lại là thói quen tùy tiện của nông dân – cả nông dân người Kinh), vân vân…
Đó là chưa nói đến chuyện ăn nói, xử sự không đúng phép người văn minh.

Tôi nói: Bạn bảo bạn yêu Chăm, vậy mà mới bấy nhiêu đã hết yêu rồi! Như vậy vì bạn không hiểu đấy thôi. Nếu bạn thật sự yêu thì bạn thể hiện quyết tâm hơn: hãy từ từ uốn nắn bà con, bày họ làm ăn đúng phép tắc, chứ cả một nếp sống đâu phải một sớm được chiều mà thay đổi được! Bạn làm ăn với họ bạn có lãi rồi. Ví dụ bạn lãi mười, bạn hãy cho họ “quỵt” ba, bốn thì có sứt mẻ gì đâu!
Tôi thêm: Tôi đã từng hai lần đốt sổ nợ xóa trắng cho bà con tương đương 100 triệu cho bà con Khmer ở Miền Tây năm 1990 và bà con Chăm tại quê vào khoảng 1992 – 1995! Chỉ như vậy mỗi lần gặp bà con hay khi về quê, tôi mới nhìn mọi người là người thân yêu chứ không phải như con nợ của mình. Hành xử như vậy, tâm hồn tôi nhận “lãi” nhiều hơn là những người được xóa nợ.

3. Đầu năm 2005, Hani và các sư ni Phật giáo tặng quà nhân dịp mổ đục thuỷ tinh thể cho bà con Chăm ở Ninh Phước, cả tặng quà cho người khuyết tật. Danh sách thì do Ban chủ nhiệm thôn lập, có thiếu người này nọ. Vậy mà Hani cũng bị phiền toái vì nỗi bà con la. Vừa đúng vừa không đúng. Đúng là người kia cũng khuyết tật như tôi, sao họ được, còn tôi thì không!? Đó là lẽ công bằng. Không đúng là Hani vô tư bỏ công sức ra huy động quà và hao tốn thêm chứ không lợi lộc gì cá nhân cả!
Như vậy, chỉ có hiểu mới thông cảm và yêu nhau hơn. Bà con hiểu cho tấm lòng Hani và Hani nên hiểu sự la lối của bà con.

4. Có bạn nọ, không ân oán gì với tôi, chưa đọc tôi kĩ [để hiểu], hoặc đọc hiểu nhưng không biết vì nguyên do gì, đã viết mấy bài phê phán rất to con. Tôi hiểu tâm tư bạn ấy. Chăm rất cô đơn, con người càng hiểu biết thì càng cô đơn! Là thi sĩ sống giữa làng văn nghệ Sài Gòn, tôi rất thấm với sự cô đơn này. Tôi thấy tội cho anh ta và càng yêu anh ta hơn. Đơn giản vì anh không biết mình đang làm gì!
Hiểu thì càng yêu hơn là vậy.

Tôi là kẻ say mê dân tộc mình.
Say mê, nhưng không bao giờ là kẻ theo chủ nghĩa dân tộc.

One thought on “Thư cho bạn trẻ 10. Hiểu thì càng yêu hơn

  1. Hieu thi cang yeu hon. Chi mot cau noi don gian the thoi nhung qua nhung gi nha tho Inrasara chia xe da dem lai cho nguoi doc biet bao dieu de suy nghi.

    Cam on nha tho Inrasara
    Duyen
    mot nguoi ban cua Hani

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *