Phuel Dhar: LINGA PO YANG CHẤT THƯỜNG – HƯỚNG GIẢI QUYẾT

[Chuyên đề Đá Kut Boh Dana]
9-Kut Raglai1992 [Kut Raglai hay Kut Po Danauk ở Chakleng]
Lời mào đầu.
Phuel Dhar dù là tác giả ẩn danh, nhưng theo tôi là con người đầy hiểu biết, và có tinh thần thiện chí ước mong hóa giải sự cố và hòa giải các bên liên quan. Đây là bài viết với những đề nghị thiết thực, nên cần post lên để thông tin rộng rãi đến mọi người và các cấp chính quyền biết.
Phần tôi, tiếc là vài ngày nay tôi đang theo dõi in tác phẩm lí luận phê bình, chuẩn bị cho buổi thuyết trình về văn học vào 9g ngày 4-7 tại Cà phê Văn học, để ngay sáng hôm sau bay ra Hà Nội chuẩn bị cho buổi khác ở Heritage Space 15g ngày 8-7, sau đó dự Đại hội Nhà văn VN đến hết 11-7. Chương trình đã lên từ hơn tháng trước không thể hoãn được. Do đó, nếu chính quyền địa phương tổ chức buổi họp sớm, tôi sẽ ủy nhiệm cho người thay mặt mình dự họp.
Xin tin cho hay như thế, và cảm ơn nhiều.
Mong mọi điều tốt lành.
Inrasara.

*
Từ khi sự vụ xảy ra, tình hình an ninh trật tự địa phương mất ổn định, cuộc sống người dân đảo lộn. Các cấp các nghành, cán bộ, hội đồng chức sắc cần ngồi lại, đưa ra phương án khả dĩ nhất để giúp người dân trở về cuộc sống thường nhật, hàn gắn lại mối đoàn kết làng xóm, đồng tộc mà vụ việc đã gây ra. Chúng tôi xin khẳng định lại một số ý kiến chủ quan như sau:
1. Linga Po Yang Chất Thường có phải là “Kut hoang”? Linga là một biểu tượng thờ phụng của vị thần Ấn Độ giáo Shiva. Đây là một trong hai vật thờ linh thiêng (cùng với yoni) của người Chăm. Linga tượng trưng cho dương tính, có hình khối trụ đặt trên yoni (hình khối vuông, đại diện cho âm khí) trong chính điện của các tháp Chăm. Linga kết hợp yoni biểu thị cho tính âm-dương, tạo ra sự hủy diệt và tái sinh của vũ trụ. Linga được khắc mặt người trên đỉnh gọi là Mukhalinga – một biểu tượng tôn thờ các bậc thần linh, vua chúa xuất hiện trong các tháp Chăm như Po Klaong Girai, Po Rome, Po Ina Nagar ở khu vực Ninh Thuận. Chính vì thế, tục thờ Linga là truyền thống có từ lâu đời của người Chăm, Linga Po Yang ở thôn Chất Thường cũng nằm trong hệ thống thờ tự này, tức không phải là “Kut hoang” [Hội đồng Sư cả Chăm viết sai thành “Kuk hoang”] như mọi người thường hiểu lầm. Truyền thống thờ Linga nhằm cầu xin thần linh ban mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống được ấm no. Lễ thờ được được tổ chức vào đầu năm Chăm lịch, trùng với lễ Rija Nagar, lễ Palao Pasah, lễ Po Nai,…. Vật lễ thường cúng dê, gà, bánh trái, rượu. Những lễ vật đơn giản, lễ nghi được tổ chức mỗi năm một lần, người thực hiện nghi lễ do các chức sắc Chăm Ahier hay Awal tiến hành. Chính vì thế, không thể cho rằng tục thờ Linga là một hoạt động mê tín dị đoan hay là vi phạm luật tục Chăm được. Tiếc rằng, vì vội vàng mà cán bộ địa phương thôn Chất Thường, Hội đồng Sư cả Bà La Môn đã phê phán bà con thôn Chất Thường là những người mê tín dị đoan, thờ Linga Po Yang làm mất an ninh trật tự địa phương.

2. Hội đồng Sư Cả cấm vận bà con thôn Chất Thường thực hiện lễ tục tôn giáo. Từ khi vụ việc tại thôn Chất Thường xảy ra, một số gia đình người Chăm tại thôn có nhu cầu thực hiện lễ tục như làm đám tang (Ndam Haram), đám giổ, cúng đất,…đến xin ngày giờ các vị cả sư thì gặp phải vấn đề “cấm vận” từ Hội đồng Sư cả Chăm tỉnh Ninh Thuận. Nhất là các hộ dân có trong danh sách 207 ký tên ủng hộ việc thờ tự Linga Po Yang, với lý do khi nào dời Linga Po Yang ra khỏi khuôn viên làng thì các vị chức sắc mới tiến hành làm lễ tục cho các hộ gia đình này. Theo chúng tôi được biết, đây là quyết định của Hội đồng Sư Cả nhưng dưới sự tác động của cán bộ địa phương. Vì đây không phải là phương án cưỡng chế tâm linh hữu hiệu, vô tình đẩy tình hình tôn giáo khu vực đi vào phức tạp hơn, nguy cơ họ từ bỏ truyền thống tín ngưỡng tốt đẹp do cha ông để lại để theo các hình thức tôn giáo mới, làm mất sự ổn định tôn giáo mà chính quyền mong muốn.

3. Đại biểu các làng Chăm phát biểu không trung thực, thiếu khách quan. Tại các cuộc họp của Hội đồng Sư cả, các Ban phong tục làng Chăm, UBND các xã, huyện thì các đại biểu đến từ ngoài thôn Chất Thường có những phát biểu thiếu khách quan, không trung thực, dẫn đến thông tin không chính xác minh bạch. Các cán bộ địa phương vì không muốn thờ Linga đã đi ngược với truyền thống phê phán các lễ tục Chăm là lạc hậu, mê tín dị đoan cần phải bài trừ. Đây là những phát biểu khiến các cấp lãnh đạo không nắm đúng tình hình thực tế, dẫn đến những phương án giải quyết không hợp lý từ phía chính quyền.

4. Vị trí hiện tại nằm trong quy hoạch. Đến thời điểm hiện tại, bà con vẫn chưa nhận được văn bản, quyết định có tính pháp lý cao về vị trí đất hiện tại thuộc quy hoạch xây dựng trường mẫu giáo. Nếu đúng thực tế, vị trí đất hiện tại nằm trong quy hoạch xây trường mẫu giáo là điều đáng mừng cho bà con Chất Thường nói riêng, xã Phước Hậu nói chung.

Từ đó, chúng tôi xin đưa ra các giải pháp như sau:
– Đề nghị Cán bộ địa phương, Hội đồng Sư cả Chăm Bà La Môn công khai xin lỗi bà con vì phát biểu Linga thôn Chất Thường là “Kut hoang”.
– Thực hiện lại lễ tục tôn giáo tại thôn Chất Thường, không phân biệt hộ nào thờ Linga, hộ nào không.
– Các đại biểu làng Chăm cần phát biểu trung thực, khách quan, không bài xích, phê phán hay cổ xúy cho rằng lễ tục Chăm là lạc hậu, mê tín dị đoan.
– Tổ chức họp toàn dân, các chức sắc, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, người có uy tín trong cộng đồng, các bạn trẻ am hiểu vấn đề để thông báo công khai, rõ ràng về kế hoạch xây dựng trường mẫu giáo, sử dụng đất quy hoạch và tổ chức vận động bà con bàn giao lại quỹ đất cho chính quyền để tiến hành xây dựng trường mẫu giáo.
Những tổ chức cá nhân mà chính quyền cần mời họp để giải quyết vấn đề: BQL thôn, Hội người Cao tuổi trong thôn và các làng Chăm, Hội đồng Sư cả, cá nhân có uy tín: Inrasara, TS Thành Phần, TS Trương Văn Món, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tỷ, Ths Đàng Năng Hòa, nhà báo Kiều Maily, các đại biểu trong thôn: Ô. Sắn, Ô. Hùng, Ô. Trượng Linh, Ô Đàng Sức, Ô. Quảng Văn Đại, Ô. Điểm, Ô. Thất,…
– Mong chính quyền xem xét lại vấn đề đưa Linga Po Yang trở lại vị trí cũ: Nghiên cứu xem trong khu vực làng còn khu đất công cộng không nằm trong quy hoạch nào hay không, nếu có thể dựng Linga thì cần bạc bàn với bà con để thực hiện di dời [trong trường hợp bà con nhất quyết không đưa trở lại vị trí cũ vì vấn đề tâm linh].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *