Phú Lâm: Vấn đề quản lý văn hóa Chăm hiện nay

Myson-Jaka.111
Tôi có một kỉ niệm khi thăm thánh địa Mỹ Sơn đó là khi vào khu di tích thì có các thiếu nữ Chăm đang múa những điệu múa của dân tộc Chăm và khách du lịch chụp hình họ. Lúc đó ai cũng vui vẻ nhưng riêng tôi thì lại cảm thấy rất buồn. Tôi buồn bởi vì tôi cảm thấy thương cảm cho một nền văn minh lớn, một nền văn minh lâu đời mà giờ đây nền văn hóa đó chỉ để múa hát, mua vui, làm trò cho thiên hạ, cho những con người ở tận trời Tây.
Chẳng có ý nghĩa gì khi gọi đó là phát huy truyền thống văn hóa, đem văn hóa của dân tộc Chăm ra tầm thế giới cả trong khi tại các làng Chăm: ngôn ngữ thì đang mại một dần, lối sống thì đang từng ngày biến đổi. Chính cộng đồng Chăm mới là người cần được hưởng thụ nền văn hóa của dân tộc mình chứ không phải là ai khác. Đó chính là nghịch lý trong công tác quản lý các di tích Chăm nói riêng và văn hóa Chăm nói chung.
Người quản lý văn hóa phải là người am tường nền văn hóa đó và đặc biệt phải là người có niềm đam mê, có lòng tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa. Kiến thức thì có thể được tích lũy nhưng niềm đam mê thì đã được qui định sẵn trong mỗi người. Những người làm công tác quản lý văn hóa Chăm hiện nay họ có am tường cái mà học đang quản lý hay không ? Họ có tâm huyết với nghề không ? Điều này thì không ai có thể biết được. Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng có một người, hai người thậm chí là nhiều người có những hiểu biết về nền văn hóa Chăm tốt hơn, sâu sắc hơn, có lòng đam mê, bầu nhiệt huyết cháy bỏng hơn, đó chính là người Chăm.

Có lần tôi đi tham quan tại các biệt thự của vua Bảo Đại ở Đà Lạt. Tôi được biết tại đây có một người quản lý rất tâm huyết với nghề và am tường tất cả về vua Bảo Đại. Ông ấy hàng ngày vẫn lên chăm sóc cây cảnh, quét dọn nhà cửa dù đã về hưu. Khi được hỏi thì ông ấy nói ông ấy gắn bó với ngôi biệt thự này từ rất lâu và xem nó như ngôi nhà của mình vậy. Chính vì thế, dù khu biệt thự rất rộng, nhiều đồ đạc và nhiều khách viếng thăm nhưng nó vẫn luôn sạch sẽ, gọn gàng, cây cảnh thì được tỉa gọn, khu vườn với nhiều loài hoa đẹp.
Trái ngược lại với điều đó, tại ngân hàng nhà nước khu vực thành phố Hồ Chí Minh luôn có sự hiện diện của nhiều bảo vệ và những người chăm sóc cây nhưng mà quan cảnh thì thật là xấu xí. Những chậu hoa trước cổng thì xếp không đều nhau, đang cùng một loại hoa thì xen vào một hai chậu sứ. Nói chung nhìn vô là biết người chăm sóc cây ở đó không có đầu ốc thẩm mỹ, không có tinh thần trách nhiệm, thiếu tâm huyết bởi vì họ chỉ làm vì tiền, tới tháng lãnh lương thế là xong.
Hai ví dụ trên cho ta thấy để quản lý một vấn đề thì điều quan trọng là người quản lý phải có cái tâm với công việc của mình. Hiện tại tất cả các bảo tàng Chăm, các di tích Chăm đều do nhà nước đứng ra quản lý và quản lý theo cách của riêng họ. Và cứ theo cách quản lý như vậy thì nền văn hóa của chúng ta sẽ mãi là nền văn hóa của một dân tộc thiểu số mà thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *