Phuel Dhar: VẤN ĐỀ LINGA PO YANG, TUY NHỎ MÀ LỚN! – Một hướng giải quyết

(Chuyên đề Đá Kut Boh Dana)
Lời mào đầu.
Sáng nay, tôi vừa nhận được bài viết của Phuel Dhar, kí tên chung “Những Người nông dân”. Đây là bài viết hay, thấu tình đạt lí, nhằm đưa ra lối thoát khả dĩ nhất cho bế tắc “Vấn đề Đá Kut Boh Dana”.
Lâu nay website Inrasara.com không chấp nhận đăng bài khuyết danh, nặc danh, mà chỉ đăng bài viết của tác giả kí tên thật hay nickname, bút danh quen thuộc, hay ít nhất chủ trang web biết đích danh người viết là ai. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt về một vụ đặc biệt đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật và tâm linh bà con.
Thế nên, xin mạn phép độc giả cho tôi được đăng lên ở đây, như là một tài liệu/ ý kiến tham khảo. Tôi giữ nguyên văn, chỉ chỉnh vài lỗi chính tả, và cắt bỏ vài từ mang tính phê bình. Riêng các nhận định của tác giả, nếu có sai, chủ trang web này xin nhận lỗi với các đối tượng.
Thuk siam! – Inrasara.

*
Sự việc xảy ra tại thôn Chất Thường, rõ ràng chính quyền và Hội đồng Chức sắc hoàn toàn không cấm người dân tế tự Linga, mà chỉ yêu cầu di dời về vị trí cũ (thuộc Làng Cà Giang, cách điểm hiện tại 600m về phía Đông) với lý do là vị trí hiện tại thuộc quy hoạch xây dựng trường mẫu giáo cho con em thôn Chất Thường. Đây hoàn toàn là một lý do chính đáng để bà con chấp hành vì giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhưng tại sao khi chính quyền thực hiện việc cưỡng chế lại gặp phải sự kháng đối quyết liệt của bà con. Nút thắt vấn đề ở đâu? Giải pháp nào là tối ưu để tránh mất đoàn kết đồng tộc, nội bộ làng xóm?

Để tìm nút thắt, cán bộ địa phương, chính quyền cần trả lời với bà con các vấn đề sau đây:

1. Cần giải quyết các câu hỏi liên quan đến vị trí đất được quy hoạch: Vị trí hiện tại có phải nằm trong diện quy hoạch xây dựng trường mẫu giáo hay không? Tại sao, khi đất đã được quy hoạch mà bà con không hay biết? BQL thôn Chất Thường đã có cuộc họp với dân về vấn đề quy hoạch đất hay chưa? Nếu rồi, có thể công bố biên bản cuộc họp hay các văn bản liên quan để làm bằng chứng? Ở cấp cao hơn, UBND huyện Ninh Phước quản lý trực tiếp hồ sơ quy hoạch xây dựng trường mẫu giáo thôn Chất Thường, vậy tại sao UBND huyện lại không công bố các quyết định xây dựng trường mẫu giáo để làm cơ sở pháp lý thực hiện viện cưỡng chế. Bà con cũng rất cần biết đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát, nguồn vốn, bản vẽ kỹ thuật của trường mẫu giáo sắp được xây dựng ra sao?

2. Trước khi cưỡng chế cũng như phản đối bà con di dời Linga vào khuôn viên làng, BQL thôn đã họp toàn dân, những người có uy tín trong thôn, những người hiểu rõ sự việc hay chưa [Trước cuộc họp với sự có mặt của Hội đồng Sư cả Bà La Môn tại thôn ]? Tại cuộc họp, BQL thôn và Chi Hội Người Cao Tuổi thôn Chất Thường đã trả lời bà con như thế nào về việc dời Linga, cơ sở pháp lý để trả lời bà con là gì [biên bản, quyết định UBND]?

3. Nếu các câu hỏi ở mục trên được giải đáp thỏa đáng, thì việc đưa Linga trở về vị trí cũ có phù hợp hay không? Chúng tôi thấy phù hợp hơn chỗ nào hết. Tại sao?
Theo chúng tôi được biết, làng Cà Giang trước đó thuộc thôn Chất Thường, chỉ có vài gia đình người Kinh sinh sống. Nhưng sau này, số nóc nhà người Kinh ngày một tăng lên, đất ngày một hẹp dần, nên bà con Chăm xem phần đất này không phải là làng Chăm nữa, nhưng đó chỉ là biên giới đất đai mang tính cách về hành chính mà thôi. Ngược lại, chúng ta có thể khẳng định thôn Cà Giang vẫn nằm trong biên giới thần linh của người Chăm. Nếu dời về, bà con không cần sợ thần linh sẽ trừng phạt hay quở trách. Truyền thống thờ Linga không bắt buộc bà con phải thờ tự trong làng, có thể ngoài rìa làng, khu vực vắng vẻ, linh thiêng để Po Yang an nghỉ phù hộ độ trì cho bà con, xóm làng. Mặt khác, vị trí hiện tại phía Nam là nhà máy nước, phía Bắc là đường đi, phía Tây là chợ tạm và trường Tiểu học, rõ ràng đây là nơi ồn ào náo nhiệt không phù hợp để tế tự Po Yang. Po Yang luôn thích ngự trị ở những nơi thanh tịnh vắng vẻ, như Po Rome, Po Klaong Girai, Po Ina Nagar trước đó nều nằm trên ngọn đồi cao, xa khu dân cư rất an bình tĩnh tại. Không nhất thiết phải nơi này chỗ nọ, Po Yang làng Chất Thường sẽ luôn phù hộ bà con nếu có chăm nom và tế tự đàng hoàng.

4. Làm sao để tránh xả rác, phóng uế khu vực thờ Linga cũ. Xây rào và xin sổ Đỏ như Ghur Darak Neh mà bà con làng Pabblap, Cang và nhà báo Kiều Maily đã làm là cách tốt nhất. Tôi nghĩ rằng, nếu đưa về chỗ cũ, cộng đồng Chăm khắp nơi sẽ hoan nghênh và ủng hộ để giúp bà con xây dựng miếu thờ, khuôn viên khang trang sạch sẽ hơn. Chính quyền địa phương cũng đã đổ đất và hứa sẽ giúp bà con xây dựng miếu thờ Po Yang. Như thế, vừa tránh được rác thải, phóng uế, vừa có nơi khang trang để thờ phụng Po Yang.

Quay lại vấn đề, sự việc tuy bé [phạm vi làng xã] nhưng ảnh hưởng vô cùng to lớn đến an ninh trật tự, tình hình tín ngưỡng của đồng bào Chăm ở vùng Ninh Thuận [vì có sự tham gia của Hội đồng Sư cả Chăm Bà La Môn, chính quyền huyện]. Chính vì thế, độc giả cũng như bà con cần tỉnh táo để chờ ý kiến của các cấp lãnh đạo, nhất là UBND tỉnh, Ban dân tộc tỉnh. Phân tích nguyên nhân gây thêm phức tạp vấn đề là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, hầu rút ra kinh nghiệm để giải quyết vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo của đồng bào Chăm trong tương lai. Chúng tôi xin mạn phép đưa ra những ý kiến chủ quan mà chúng tôi đã thực địa và phỏng vấn bỏ túi với bà con địa phương.
Thứ nhất, giải quyết đơn từ không kịp thời. Trước khi rước “linga Po Muk”, bà con Chất Thường đã làm đơn thỉnh cầu BQL thôn Chất Thường cho phép dời “linga” vào trong khuôn viên làng cách đó hơn 10 ngày. Nhưng BQL thôn vẫn thờ ơ, có động thái ếm đơn của bà con, cũng như không thông báo vị trí đất đó nằm trong quy hoạch xây dựng trường mẫu giáo. Vì không trả lời cho bà con thích đáng nên ngày 4/4/2015, bà con quyết định rời “linga” vào khuôn viên làng, dẫn đến sự việc kéo dài đến ngày hôm nay. Chính quyền cần xem xét lại trách nhiệm của BQL thôn và UBND xã đã có đơn trả lời cho bà con trước đó hay chưa.
Thứ hai, hành xử của vị chức sắc không thấu tình đạt lý. Để rước Linga vào làng, bà con [bà T] đã đến gặp ngài cả sư Po Adhia Hán Đô (Phó Chủ tịch Hội đồng Sư Cả Bà La Môn, Ninh Thuận) để xin ngày giờ làm lễ. Ngài cả sư cũng đồng ý và rất hoan nghênh việc thờ tự “linga” của bà con, cho ngày giờ để dựng miếu thờ Po Yang. Nhưng sau khi gặp phải sự phản đối của chính quyền, thì trong cuộc họp với dân, Po Adhia đã thay đổi lại chính kiến của mình. Ngài bảo đây không phải là Po linh thiêng như bà con nghĩ, mà chỉ là “Kut hoang” phải di dời ra khỏi khuôn viên làng. Hãy khoan nói kẻ đúng người sai, mà hãy rút ra bài học từ cách giải quyết của ngài cả sư. Không giữ được lời hứa với tín đồ, thay đổi chóng vánh chính kiến của mình nhưng ngài cả sư hoàn toàn không có một lời giải thích cũng như xin lỗi với bà con. Ngược lại, ngài lại liên tục chỉ trích bà con là mê tín dị đoan, làm mất an ninh trật tư trên khắp mặt báo Ninh Thuận cũng như trong cuộc họp dân. Đây có phải là cách giải quyết hợp lý của ngài cả sư hay chưa. Nếu cứ tiếp tục hành xử như vậy, e rằng tín đồ sẽ không tin vào sự lãnh đạo tín ngưỡng của các ngài nữa, hệ quả vô cùng khôn lường.
Thứ ba, thái độ […] của cán bộ địa phương. Khi xảy ra sự việc, cán bộ địa phương thôn […] tuyên bố với bà con, nếu không đưa “linga Po Muk” ra khỏi làng thì vị này sẽ không định cư tại địa phương nữa, bỏ làng ra đi. Đây là một tuyên bố vô trách nhiệm, vô tình đẩy sự vụ thêm phức tạp hơn. Vì qua tuyên bố này, giữa bà con và cán bộ địa phương không còn làm việc trên tinh thần đối thoại, tôn trọng, vận động bà con nữa mà là tạo thành sự đấu đá nội bộ, phải có kẻ thắng người thua mà không biết hậu quả để lại như thế nào. Cán bộ địa phương còn tỏ thái độ chê bai bà con là dân nghèo, kém học nên mê tín dị đoan. Thái độ […] của cán bộ địa phương làm mất đi hình ảnh công bộc của dân, hệ quả của vấn đề là cha anh chú bác chia năm xẻ bảy, làng xóm mất đoàn kết, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự địa phương, làm lung lay khối đại đoàn kết dân tộc mà Đảng và Nhà nước đang tích cực xây dựng.
Thứ tư, thông tin thiếu chính xác, không minh bạch. Phát biểu trong cuộc họp các Ban phong tục làng Chăm ngày 20/6/2015 tại UBND huyện Ninh Phước [chắc chắn Ban chủ trì cuộc họp cũng có quay phim, ghi âm cuộc họp], một số đại biểu vì không nắm vững tình hình, không đi vào thực tế địa phương để thăm hỏi, đã có những phát biểu không đúng sự thật, thiếu khách quan. Một số vị cho rằng có ít gia đình theo Po Yang mà chính quyền không cưỡng chế được, có vị còn đề nghị phải đem Linga ra bỏ ngoài rừng rú, sông suối hoang vu để bà con khỏi tôn thờ nữa. Hoặc cho rằng từ khi dời Linga vào làng thì làng có rất nhiều người chết nên cần phải dời đi. Một số đại biểu đến từ thôn khác cũng hùa theo báo cáo không chính xác của địa phương, phê phán bà con là mê tín dị đoan, cần di dời Linga. Đây là những phát biểu không đúng sự thật, mê tín, mang tính hận thù nhiều hơn là tìm phương án giải quyết hợp lý. Từ đó khiến cho các cấp lãnh đạo không nắm được tình hình đúng với thực tế, hệ quả là dẫn đến cuộc cưỡng chế vội vàng, gặp phải sự phản kháng quyết liệt của bà con vào ngày 25/6/2015 vừa qua.
Thứ năm, phê phán dân thiếu công tâm. Vùng địa phận Ninh – Bình Thuận có khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn, nạn trộm cắp hoành hành, người Chăm nghĩ rằng chỉ có bậc thần linh mới có năng lực siêu nhiên để đem lại mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, đẩy lùi đi cái xấu xa mà họ gặp phải. Điều này là nguyên nhân giải thích lý do người Chăm vẫn duy trì các lễ tế gia súc (gà, dê) vào đầu năm Chăm lịch. Người Chăm thôn Chất Thường tôn thờ Linga cũng không nằm ngoài truyền thống trên, họ tôn thờ Linga vì họ tin rằng Po Yang sẽ phù hộ độ trì, giúp họ tai qua nạn khỏi, mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc mà thôi. Tiếc rằng, các cán bộ địa phương, các vị chức sắc tôn giáo lại phê phán họ là những người mê tín dị đoan, cho rằng Linga là “Kut hoang”. Đứng trên phương diện tự do tín ngưỡng, chúng ta không có quyền phê phán bà con thờ tự Linga là mê tín dị đoan, đồng bóng bói toán, vì truyền thống thờ tự Linga đã có mặt từ thờ Champa cổ, và là truyền thống chung của cư dân bản địa nông nghiệp vùng Đông Nam Á. Họ thực hiện tế tự Linga hầu mong sự che chở của thần linh, giúp họ có tinh thần tốt hơn để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Điều này hoàn toàn không vi phạm hệ thống luật tục tín ngưỡng của đồng bào Chăm.
Thứ cuối, vội vàng cưỡng chế. Ngày 25/6/2015, chính quyền thực hiện việc cưỡng chế Linga ra khỏi khuôn viên làng, sự cưỡng chế này gặp phải sự phản đối quyết liệt của bà con. Dưới sức ép của vũ trang, công an, lực lượng 113, cảnh sát cơ động bà con Chăm chỉ biết ôm Linga khóc than thảm thiết. Dù gặp phải sự phản đối quyết liệt, lực lượng cưỡng chế cũng dở được dàn gỗ dựng miếu. Sự cưỡng chế này có vội vàng không, tại sao chúng ta không lựa chọn phương án mềm mỏng hơn, nhân văn hơn. Đối thoại với dân, mời những người có uy tín đến vận động bà con? Sự cưỡng chế vô hình chung làm xấu thêm bộ máy công quyền địa phương vốn đã không có hình ảnh đẹp trong lòng người dân Chăm ở đây. Điều đáng nói, ngày 1/6/2015, ông PVD đã gửi đơn cầu cứu đến Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận [kèm chữ ký của 207 bà con thôn Chất Thường có ký tên], nhưng khi chưa có văn bản trả lời hay giải quyết của UBND tỉnh thì UBND huyện Ninh Phước lại quyết định cưỡng chế Linga. Đây có phải là sự cưỡng chế vội vàng? Ngoài cách cưỡng chế, có vô vàng cách xử lý mềm mỏng hơn, nhân văn hơn đối với đồng bào Chăm – một cộng đồng dễ bị tổn thương và kém may mắn nhất ở khu vực Đông Nam Á này.
Qua đó, tôi – người nông dân địa phương mong bà con cần tình bình và hợp tác với chính quyền để giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp nhất. Tôi xin khẳng định ý kiến chủ quan như sau để mong muốn vấn đề được giải quyết êm đềm hơn:
– Bà con nên nghiêm túc thực hiện theo nội dung văn bản cưỡng chế của UBND huyện Ninh Phước đồng ý di dời Linga trở lại vị trí cũ [bà con cũng cần có văn bản cưỡng chế này để làm cơ sở cho các khiếu nại về sau].
– Lực lượng cưỡng chế cần mềm mỏng để vận động bà con, chưa nhất thiết phải đem công cụ, lực lượng quá nhiều vào làng Chăm, gây mất hình ảnh đẹp của các cán bộ công quyền, làm rạn nứt tinh thần đoàn đoàn kết dân tộc mà Đảng và Nhà nước đã dày công xây đắp.
– Cần thiết phải có cuộc họp toàn dân, các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, người có uy tín và hiểu vấn đề trong và ngoài thôn Chất Thường, các bạn trẻ hiểu rõ sự việc để cùng chung tay giải quyết vấn đề một cách êm thắm, đưa làng xóm Chăm trở lại ổn định, đưa người dân trở lại cuộc sống bình an thường nhật.
– Thực hiện xây dựng miếu thờ, khuôn viên tại vị trí cũ để bà con an tâm thờ tự Po Yang.

Những Người nông dân

One thought on “Phuel Dhar: VẤN ĐỀ LINGA PO YANG, TUY NHỎ MÀ LỚN! – Một hướng giải quyết

  1. Ngày họp ở Ninh Phước là 18.6.2015. Sự việc đưa đưa đá Kut về đang giải quyết thì người lại dựng nhà thờ ngay 18.6.2015, để đối phó, tiếp đến 25.6.2015 đổ vật liệu để xây dựng, từ đó địa chính xã chỉ tạm giữ vật liệu xây dựng, không cưỡng chế đá Kut.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *