Giải thưởng cần hướng về phía mới, phía tương lai

Tạp chí Văn hóa Dân tộc, 1-2010.

1. Chất lượng giải thưởng thơ VHNT các DTTS năm 2009 như thế nào, thưa ông?
Inrasara: Việc chọn 3 tập thơ vào Giải năm nay là đạt yêu cầu, không thể khác hơn. Bùi Nhị Lê qua tập Hát quanh bếp lửa viết đều tay nhưng chưa có bài nào nổi bật. Còn tập thơ Bạn với cỏ cây của Hồ Thủy Giang đoạt Giải C thì ngược lại, tôi đánh giá cao tập này, tiếc là ở đó bài hay và chưa hay không đều. Giải cao nhất (hạng B) được trao cho tập thơ Sông Cầu đang chảy đâu đây của Lưu Thị Bạch Liễu, tôi có lối nhìn khác. Hơn phân nửa bài thơ trong tập này thuộc môtip thơ hoài cảm, cảm tác đã quá nhàm cũ; riêng ý niệm và hình ảnh sông Cầu có mặt xuyên suốt phần còn lại của tập thơ đã cứu cả tập thơ đứng được.

2. Theo ông, năm nay tác giả là người DTTS viết thơ (chất lượng) như thế nào?
Inrasara: Rất ư là trung bình, hoàn toàn chưa có gì nổi bật cả. Có chăng là các tác giả trẻ dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Nam, cụ thể là Chăm, nhưng họ chưa là hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Đồng Chuông Tử (29 tuổi) với tập thơ Mùi thơm của im lặng và Tuệ Nguyên (26 tuổi) với tập thơ Những giấc mơ đa chiều là hai tác phẩm lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt đợt một năm nay (gồm 3 tập), là tín hiệu đáng mừng. Tác giả khác nữa có giọng thơ khá lạ là Trà Vigia. Tiếc là anh chưa in tập. Cảm thức khác, thơ họ hoàn toàn khác lối thơ của các DTTS ở các tỉnh phía Bắc. Khác cả lối thơ của đa số tác giả người Kinh quen thuộc nữa.
Theo tôi, chỉ có hơi thơ như Vi Thùy Linh mới thổi nổi một luồng khí mới vào thơ DTTS, nhưng lại tiếc nữa – ở đó có quá ít chất liệu Tày, dù là Tày hiện đại. Khác hẳn với một Jalau Anưk ở miền Trung, cảm thức hậu hiện đại nhưng vẫn cứ đặc chất Chăm.

Ai như em – dán dính mình bằng quần jean, áo pull, bầm môi như máu ứa?
bập bẹ Chăm, Kinh, nụ cười ngượng nghịu, dáng đi mùa dịch gia cầm – avian flu?
ném vào nhân gian cái nhìn bạc bẽo, cơn đói tờ giấy bạc, giấc mơ nail-doer, hơi thở overseas
?
(Jalau Anưk, “Ng.”, Tienve.org, 2006)

Ngọn tháp là của ngày xưa
ngôn ngữ đẹp là của ariya ngày xưa
điệu múa kì ảo, say đắm lòng người là của ngày xưa
bản đồng dao hay mà em hát cùng anh thuở thiếu thời
là của ngày xưa
của ngày xưa tất…
bây giờ lai căng
.
(Jalau Anưk, “Dưới bầu trời là những mái nhà”, Tagalau 7, 2006).

Đấy chính là “suy tư toàn cầu, hành động địa phương” trúng nhịp tinh thần thời đại.

3. Nguyên nhân vì sao trong năm nay, tác giả là người Kinh lại được giải thưởng ở thể loại thơ? Phải chăng tác giả là người DTTS viết về thơ đang có chiều hướng đuối dần và thiếu vắng.
Inrasara: Đúng, đuối và thiếu nhân tố mới và trẻ. Tất cả, từ tác giả đã nổi tiếng cho đến cây bút in vài ba tập hay mới xuất hiện vài năm qua. Cứ thử đặt các tác giả trẻ bên cạnh tên tuổi như Mai Liễu, Dương Thuấn, Y Phương,… ta cũng đủ làm cuộc so sánh, đánh giá. Thế là tác giả người Kinh gởi tác phẩm tham dự và đoạt giải cao hơn, thì không có gì lạ cả. Rất sòng phẳng!
Cuộc sống dân tộc thiểu số đầy vấn đề lớn và nóng đang xảy ra xung quanh ta, hàng ngày – nhưng hỏi có cây bút nào động cập đến chúng chưa? Động cập cho rốt ráo? Cạnh đó, bao nhiêu trào lưu văn chương mới nảy nở và phát triển cả trong lẫn ngoài nước, hỏi có ai trong số nhà thơ DTTS từng mạo hiểm tiếp nhận để có thể tìm lối đi khác cho thơ dân tộc thiểu số hôm nay? – Chưa ai cả! Chúng ta cứ hệ mĩ học cũ kĩ lặp lại, thơ thì cứ hậu lãng mạn hay “thuần dân tộc thiểu số” mà làm tới.
Thời thế thay đổi, thơ phải thay đổi. Nói như Lưu Hiệp: Văn chương thay đổi theo thời – thời tự. Thế nhưng chúng ta thì cứ dẫm chân tại chỗ! Còn tác giả người Kinh, với lối viết nhuần nhị vốn có, khi họ đề cập đến đề tài dân tộc thiểu số, là đã có ngay những bài thơ đọc được. Nếu có tài và dụng công hơn, thơ sẽ đạt hạng kha khá trở lên.

4. So với năm nay và năm ngoái, ông có đánh giá gì về tác giả cũng như tác phẩm thơ DTTS?
Inrasara: Nếu so sánh với thơ đoạt giải cả hai năm 2008 và 2009, tôi thích tập Sau đêm của Hữu Tiến hơn cả. Đây là một tập thơ khá đặc sắc. Đa phần thơ Hữu Tiến ngắn, cấu tứ chặt và nhất là ngôn từ rất đơn giản. Đó là ngôn từ của lời nói ngày thường người miền núi.
Thơ Hữu Tiến như thể ngụ ngôn hiện đại. Ngụ ngôn nhưng không dấu vết ẩn dụ hay bóng bấy. Anh đề cập chuyện thật, cảm nghĩ thật, như là một ghi ngắn, nhanh sau ngày dài vật lộn với văn xuôi. Không lựa chữ, ép vần, mà đạt hiệu quả nghệ thuật khá cao.
Không làm dáng ra vẻ dân tộc thiểu số, từ cách nghĩ cho đến cách diễn đạt. Tôi không biết tiếng Tày, nhưng qua bản tiếng Việt, tôi có thể khẳng định Sau đêm của Hữu Tiến đích thị dân tộc thiểu số trăm phần trăm!
Riêng tập thơ Lời cầu hôn của rừng của Hoàng Thanh Hương, thơ đề cập về cuộc sống dân tộc thiểu số có đôi bài khá bên cạnh nhiều bài nhạt nhòa.

5. Theo ông, có ý hướng tích cực nào để giải quyết các vấn đề đã nêu không?
Inrasara: Không ai có thể dạy nghệ sĩ sáng tạo (cũng chẳng ai khờ khạo đi làm việc đó) nên viết thế này hay không thế kia cả. Trách nhiệm chính là ở Tiểu ban của Hội đồng nghệ thuật. Chon tác phẩm để trao giải trên tiêu chí nào? Bốn câu hỏi đặt ra: – Tác phẩm đó có tư tưởng gì mới? – Nó có nêu được vấn đề dân tộc (hay thời đại) không? – Ở đó có bút pháp gì đặc sắc? – và cuối cùng: Dung lượng nó thế nào? Khi đặt ra các câu hỏi nền tảng như thế, ta mới có thể tránh sự nhầm lẫn hay bất công không đáng có.
Ngoài ra, theo tôi: Giải thưởng cần nghiêng về cái mới, hướng phát triển ở tương lai của thơ ca dân tộc thiểu số nói riêng và Việt Nam nói chung.

Sài Gòn, 4-12-2009.

3 thoughts on “Giải thưởng cần hướng về phía mới, phía tương lai

  1. Ông Inrasara viết:
    “Cuộc sống dân tộc thiểu số đầy vấn đề lớn và nóng đang xảy ra xung quanh ta, hàng ngày – nhưng hỏi có cây bút nào động cập đến chúng chưa? Động cập cho rốt ráo? Cạnh đó, bao nhiêu trào lưu văn chương mới nảy nở và phát triển cả trong lẫn ngoài nước, hỏi có ai trong số nhà thơ DTTS từng mạo hiểm tiếp nhận để có thể tìm lối đi khác cho thơ dân tộc thiểu số hôm nay? – Chưa ai cả! Chúng ta cứ hệ mĩ học cũ kĩ lặp lại, thơ thì cứ hậu lãng mạn hay “thuần dân tộc thiểu số” mà làm tới.”
    Trúng phóc!
    Các bạn trẻ nghĩ gì về ý tưởng này?

  2. Mùa giải thưởng vừa qua, mọi ngươi lại xúm lại cãi nhau là tác phẩm nào xứng đáng hơn. Cãi nhau riết không biết lối nào để mò ra nữa. Cần có chuẩn của nó chứ. Như chuẩn sau đây:

    “Chọn tác phẩm để trao giải trên tiêu chí nào? Bốn câu hỏi đặt ra: – Tác phẩm đó có tư tưởng gì mới? – Nó có nêu được vấn đề dân tộc (hay thời đại) không? – Ở đó có bút pháp gì đặc sắc? – và cuối cùng: Dung lượng nó thế nào? Khi đặt ra các câu hỏi nền tảng như thế, ta mới có thể tránh sự nhầm lẫn hay bất công không đáng có”.

    Còn mấy ông bám vào bản sắc dân tộc mãi thì có mà theo đuôi người ta thôi. Người ta cho ngửi khói. Ngu không thể tưởng tượng được.

  3. Ngu hệt vài ông Chăm bám chắc vào bản sắc văn hóa dân tộc rồi tố cáo người lam ra cai MOI. Ngu hết cỡ!!! Vậy thì cứ ôm mấy tháp Chàm mà làm “kẻ ăn mày dĩ vãng” đi. Ui chu choa!!! Co MA nghe ong.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *