Tuyên ngôn muộn có muộn không? 3.2. Bạn hành xử thế nào khi bị phân biệt đối xử?

2012-T&Th-SG.9
Đây là câu hỏi thường xuyên gặp phải trong suốt cuộc đời của một sinh linh ngoại vi?
Là Cham, bạn hành xử thế nào khi bị phân biệt đối xử?
– “… ta dũng cảm phản kháng, nhưng phải thật thông minh và trí tuệ. Chớ tin vào bạo lực dưới bất kì hình thức nào”.
Mục này, tôi xin kể kinh nghiệm của chính tôi, biết đâu các bạn có thể rút ra được điều gì gì đó cho mình.

Đánh nhau luôn là giải pháp cho mọi xung đột, nhất là khi bị giễu “Hời Nhome”. Đó là nói thời thằng Klu trước 13 tuổi. Sau đó tôi nghĩ nhiều, nhưng vẫn cứ muốn động tay chân. Mãi năm 30 tuổi, lần cuối cùng đánh người, để chừa tật bạo động, tôi toan đưa ngón út ra chặt. Nhưng khi ngó ngón út quá xinh và quá tội nghiệp, tôi kịp nghĩ lại. Rồi chừa luôn. Cũng bỏ luôn khóa dạy võ từ ấy.

Năm lớp 12 trường Nguyễn Trãi, đi lao động nông trường, tôi bị bạn Kinh cùng lớp chọc quê mang tính phân biệt, lại trước mặt anh em Cham nữa. Máu nóng sôi lên, tôi toan bật dậy đá banh ngực hắn ra, nhưng rồi kịp trấn tĩnh. Tôi bỏ đi. Về trường, hai ngày liền tôi không nói chuyện với ai trong lớp (lớp 58 mạng toàn toàn Kinh, mỗi tôi Cham). Mãi bạn ấy gặp tôi nói lời xin lỗi, tôi mới chịu hòa. Học kì 2, giờ họp tổ khai lí lịch, tôi khai họ và tên: Phú Trạm, dân tộc: Hời Nhome, khiến cả bọn trố mắt, mỗi tôi nhe răng ra cười. Tôi nói, D mới kêu bạn tôi dân tộc đấy không phải sao? – Thôi mà Trạm, ông thù dai quá. Thế là huề cả làng. Sau đó tôi không còn nghe Hời Nhome nữa. Ngay thời điểm đó, tôi đã biết giải trầm trọng bằng tiếng cười khoái tỉ.

Chuyện chữ nghĩa thì khác. Về phân biệt đối xử, có 2 vụ tiêu biểu.
1. Tháng 9-2008, báo mạng VCV đăng bài phỏng vấn nhà thơ HCB (vì chuyện xưa rồi nên xin viết tắt tên). Nhà thơ này vừa sai về kiến thức chuyên môn, vừa dùng lời lẽ mang tâm phân chủng. Tôi viết bức thư chung gửi cho cả ba: báo, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn. Ngay tức thời, báo xin lỗi và rút bài, người phỏng vấn cũng xin lỗi, riêng HCB thì không (ở đây còn tùy thuộc vào văn hóa xin lỗi).
Tôi dự tính, nếu báo không hành xử biết điều, tôi sẽ làm to chuyện. Hơn mươi lần tôi đã buộc các báo uy tín đính chính, xin lỗi và rút bài [nếu là báo mạng] khi viết sai về tôi.

2. Mới năm ngoái, 2014, một facebooker mang tâm phân biệt bảo tôi được giải thưởng này nọ là “do chính sách mị dân của giới cầm quyền vì cái tên Chăm của anh”. Khi tôi viết trả lời, tôi có 20 giải thưởng khác nhau, anh mới ngớ ra: “mãi Sara nói tôi mới biết anh có đến 20 cái giải thưởng”. Nghĩa là anh không biết mà nói bừa, lại nói với tâm phân biệt bậy bạ.
Tôi ôn tồn giải thích thêm: – 20 giải ở 4 nước khác nhau – thuộc bốn lĩnh vực khác nhau: nghiên cứu, sáng tác, phê bình, báo chí – ở ba khu vực khác nhau: nước ngoài, phi chính thống và chính thống. Nghĩa là Inrasara được giải chỉ một phần nhỏ thuộc “chính sách mị dân của giới cầm quyền”. Đó là chưa kể có giải chả liên quan gì đến đề tài Cham, thậm chí không liên can gì đến tên Inrasara (tôi dùng bút danh nữ chưa ai biết).
Có ba điều tối kị mà nhân loại qui ước với nhau tuân thủ: giới tính, khuyết tật trên thân thể con người và sắc tộc. Tôi yêu cầu người viết này nhận lỗi, chẳng những anh từ chối mà còn xuyên tạc tôi vấn đề khác nữa. Đó là Facebook cá nhân, tôi không đòi hỏi gì hơn, thế là – block. Lần đầu tiên và duy nhất. Coi như sinh linh này không có mặt trên đời, với tôi.
Ba cách thế chống tâm phân biệt đối xử: Thượng sách là, giải nghiêm trọng bằng tiếng cười; trung sách: đấu tranh để họ từ bỏ; và hạ sách: cắt quan hệ. Cùng lúc phối hợp cả ba càng tốt. Chứ không cần thiết động thủ. Tôi cho đó là ứng xử thông minh.
Bạn nghĩ thế nào?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *