Tuyên ngôn muộn có muộn không? 9

2010-Khonggian VHCham.8
* Một góc Không gian Văn hóa Cham tại Hà Nội, 2010.
“Hãy PR Cham, hãy làm cho thế giới ngoảnh về Cham, hãy biết làm cho từ “CHAM” vang lên rộng và xa hơn – một Cham đau khổ, tài năng và nhân bản.”

Đây là vấn đề nhạy cảm. Nhạy cảm, bởi không ai ưa gì kẻ khoe khoang… Bởi nhạy cảm nên cần đến mào đầu dài dòng.
“Khoe ra” tiếng Cham là PAHƠH; nghĩa là bày ra, nói ra những gì mình có. Còn “khoe khoang, nổ” là MƯYAIH, PAMƯYAIH DREI, nghĩa là nói cái mình không có, hay nói quá đi thành tích của mình. Tạm hiểu vậy.
Mục này có đề cập vài kinh nghiệm liên quan đến cá nhân tôi. Xin giải đáp 3 câu hỏi: 1. Inrasara có khoe khoang không? 2. Khoe PAHƠH cho ai? 3. Và khoe Cham thế nào?

1. Inrasara có khoe khoang không? Không ít người trả lời “có”, khá sai. Sai nên oan!
– Vào Hội Nhà văn Việt Nam khó, ai cũng biết. Nhiều người vào, tiệc tùng linh đình và hơn thế nữa. Đó là chưa nói chính quyền địa phương tổ chức đón rước này nọ. Tôi vào, không ai hay ai biết.
– Hai lần nhận Giải Hội Nhà văn VN, cả hai lần tôi không tin cho ai. Lần đầu, hơn tuần sau nhà báo NLH mới biết, anh la tôi, “chuyện tày trời vậy mà ông không cho hay” để mình viết cho báo. Lần thứ hai, tôi còn không ra Hà Nội nhận giải nữa là. Còn giải Văn học ĐNÁ, cơ quan Thông tấn xã VN tại Bangkok hỏi: về, chính quyền Tỉnh tổ chức đón Inrasara thế nào? Tôi nói, không gì cả. Và không gì cả thật. Mới nhất, Giải HĐLLPB Trung ương cho tập phê bình, tôi chỉ nhắn tin cho mươi người thân biết. Đáng lẽ không, nhưng tôi đã nhắn. Tại sao? Bởi tin về Giải Văn hóa Phan Châu Trinh (khá to đấy chứ), tôi cũng đã im re, đến nỗi hai bác ở Hamu Tanran xem tivi biết, la tôi, “danh dự lớn cho Cham thế mà Sara không cho bà con hay”. Tôi phải nói chống chế.
– Vài chục bận tôi tổ chức ra mắt sách cho bạn bè, mà chưa bao giờ ra mắt sách của mình. Thuyết trình về thơ, tôi không bao giờ đọc thơ tôi. Vân vân…
1-Ngaytho-14-2-2014.3
* Chòi thơ Cham tại Ngày thơ VN, TPHCM 2-2014.
2. Khoe PAHƠH cho ai?
Năm ngoái, có một tổ chức của Cham triển lãm sách về Cham mà chỉ bày ra 5-6 tác giả, tôi nghe kể thế. Tôi ngược lại, tháng 5-2010, nửa tháng làm “Không gian Văn hóa Cham tại Hà Nội”, tôi khoe không thiếu ai. Từ văn bản cổ, tác giả-tác phẩm trước 75 cho chí tên tuổi mới xuất hiện. Các Luận văn Thạc sĩ, rồi Cham hải ngoại nữa. “Ngày thơ Việt Nam 2014” ở thành phố HCM cũng thế: chỉ thiếu mỗi tập thơ tiếng Cham của Sakaya do tôi tìm không ra.
Tôi khoe PAHƠH là khoe cho Cham, là điều rất cần thiết. Viện Goethe lập ra để khoe văn hóa Đức. Trung tâm Văn hóa Pháp dựng lên để khoe về Pháp…

3. Nhưng khoe Cham thế nào?
Ở đây tôi muốn xin lỗi anh PQT ôn lại chuyện cũ xíu. Trên tạp chí Nhà văn, số 6, 2011, suốt bài “Đối thoại cùng Inrasara”, vị PGS-TS này quy rằng Inrasara cho cái gì của Cham cũng nhất. Sau đây là đoạn ông nhấn: “”các cây bút trẻ Chăm theo Inrasara, “đa dạng và đa diện, sâu thẳm và dữ dội, đồng thời sâu cay và chua chát”, và cố nhiên, hơn hẳn các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác”.
– “CỐ NHIÊN”, là chữ PQT suy luận, và suy diễn thành… “HƠN HẲN CÁC CÂY BÚT TRẺ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở NHỮNG VÙNG MIỀN KHÁC”. Đó là anh thêm vào, chứ tôi không dại dột viết câu văn có ý đó. Trong bài, tôi chỉ nhấn về cái KHÁC BIỆT. Tôi đã trao đổi lại, và anh im.
Trên các diễn đàn, tôi đã khoe đặc san Tagalau rằng “chưa có dân tộc thiểu số nào trên đất nước VN làm được”. Khoe như thế gây phiền không ít cho người anh em, nhưng cần thiết. Thứ nhất, đó là điều thật; thứ hai, khoe Tagalau để mọi người đọc Cham và biết Cham; cuối cùng, để họ thấy thế mà đau, – đau không phải để mặc cảm, mà phấn đấu làm được như Cham.

Tuyên ngôn muộn có muộn không? – KHÔNG.
Gần 2 thế kỉ Cham bị lãng quên. Quên béng! Đến nỗi không ít sinh viên Kinh hiện nay vẫn còn lẫn lộn Cham với Khmer. Có nhà văn còn cho Inrasara sống trên Tây Nguyên nữa là! Thế nên, cần cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam biết Cham. Cần cho thế giới biết Cham là ai, Cham ở đâu và Cham đang làm gì.
“Hãy PR Cham, hãy làm cho thế giới ngoảnh về Cham, hãy biết làm cho từ “CHAM” vang lên rộng và xa hơn – một Cham đau khổ, tài năng và nhân bản.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *