Tuyên ngôn muộn có muộn không? 6&7

LophocCham-02
“Cham không cần đoàn kết, nếu đoàn kết chỉ mang tính thỏa hiệp hình thức, thậm chí là thứ chiêu bài. Ta chỉ cần thức nhận ta là Cham, dù đang cư trú bất kì đâu – là đủ.”

Trước và sau 1832, Cham luân lạc khắp nơi: Thái Lan, Malaysia, Campuchia… Đại bộ phận họ vẫn nhận mình là Cham, nhưng hiếm khi bà con trở về thăm cố quận. Cả trước và sau 1975. Tại sao? Đây là câu hỏi lớn không ai có thể trả lời được, lúc này. Dù sao, biết và nhận mình là Cham, cũng đủ rồi.

Có nước da hơi sáng – em chối mình là Chăm
mới ít tháng tha phương – anh không nhận Việt Nam
vì tự trọng – Karl Jaspers không cho mình người Đức
Henry Miller chối từ Mĩ – bởi chán ghét chiến tranh
giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực
(“Ngụ ngôn của Đất”, Tháp nắng, 1996)

Nhận mình là Cham, nếu có thêm món đoàn kết, thì càng tốt hơn nữa. Nhưng thế nào là đoàn kết? Khác đi: thế nào là KHÔNG đoàn kết? Tôi không chơi thân với Cham nào đó, có phải tôi không đoàn kết? – Chắc chắn là không rồi. Quan điểm và chính kiến khác biệt, tình khí không hạp nhau, việc làm khác ngành với nơi ở xa cách… thì làm gì có chuyện cứ phải “gần gũi thân mật”?
Chúng ta vẫn còn nghĩ theo lối nghĩ làng xã rằng, gần gũi bu lu ba la thân mật bù khú nhậu nhẹt lai rai mới là đoàn kết; làm khác thế thì không. Lầm! Tôi với Đàng Quang Dũng anh em chung làng, yêu thương nhau, cùng hoạt động văn học nghệ thuật nhưng khác chuyên môn, anh em 3-4 năm gặp một lần, là bình thường.
Còn ai đó kêu gọi đoàn kết, mà bụng chưa thuận, đầu óc còn cứ tính toán này nọ, thì hỏng.
Tốt hơn, ta KHÔNG chống báng hay nặng lời với nhau, ta chấp nhận sự khác biệt của nhau, nhất là lúc này, cũng đủ.

*
“Ta cần làm giàu; ví có phải nghèo, ta không hèn
Ta cần phải giỏi; nếu không giỏi, ta không việc gì mặc cảm, ta học biết trân trọng người giỏi hơn ta
Chúng ta không yêu cầu ưu ái, chúng ta đòi hỏi công bằng
Cham cần hiểu biết, để sống sót: làm việc – yêu thương – sáng tạo.”

Cham có vài nhân vật dựa cơ quan nhà nước mà làm giàu, vài người bám cơ chế mà có của ăn của để. Xin không bàn tới, ở đây ta nhấn về những sinh linh Cham vận dụng tối đa trí, lực mình để làm giàu. Họ là nhừng người đáng quý!
Cần phải làm giàu, học để biết làm giàu. Nếu vì nguyên do nào đó mà phải nghèo, ta cũng không hèn. Mặc cảm hèn bởi vì bị nghèo, hay chịu luồn cúi (hèn) để được giàu – cũng như nhau.
Cần phải giỏi. Giỏi ở đây là luyện khả năng cao hơn tầm trung bình, để có đóng góp cho cộng đồng. Làm cho thế giới bên ngoài biết đến CHAM nhiều hơn, rộng hơn.
Tinh thần cộng đồng được đo lường chẳng những qua việc cộng đồng đó có bao nhiêu người tài giỏi, mà còn là/ và nhất là cộng đồng đó đối xử với nhân tài của mình như thế nào. Do đó mới có mệnh đề thứ hai: “học biết trân trọng người giỏi hơn ta”.
Cả hai: giàu và giỏi ĐỂ SỐNG SÓT.
Khi ta đã giàu và giỏi, ta không cần đến sự ưu ái, ưu tiên, châm chế nữa – mà đòi hỏi được đối xử sòng phẳng và công bằng. Trong hưởng thụ giáo dục, trong xử án, trong xét giải thưởng, tuyển lao động…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *