Tuyên ngôn muộn có muộn không? 10 & 11

HanPhai-Baranưng.1
“Chớ lo lắng về vài mảnh văn minh Champa thất tán. Suốt dòng lịch sử, Cham đã nhiều lần bị, nhưng ta đã biết làm lại, oách hơn”
Suốt dòng lịch sử, không phải Cham chưa từng bị mất, bị phá. Tháp Po Klaung Girai, tháp Po Nưgar vài lần bị phá đi xây lại. Không có nền văn minh nào không chịu quy luật [hay định mệnh] ấy; điều quan yếu là dân tộc đó có biết đứng dậy và làm lại hay không?
Ngày trước, Cham đã nhiều lần đứng dậy và làm lại. Còn ngày nay, chúng ta mất quá nhiều, có thể nói gần như mất hết, và không có cơ hội làm lại như đã. Cho nên tâm lí sợ mất “mấy mảnh vụn” còn lại vẫn tồn tại rất mạnh nơi cộng đồng, thì không gì khó hiểu. Nhưng lẽ nào ngồi đó mà thở than, oán trách và… nguyền rủa bóng tối?!

Tuyên ngôn muộn có muộn không? – KHÔNG.
“Pauh Catwai, Glơng Anak còn thì nguyên khí Cham còn. Damnưy còn là tinh thần huyền sử Cham còn. Là dân tộc Cham còn.”
Qua non 2 ngàn năm luân lạc khắp địa cầu, bị kì thị, bị nạn bài Do Thái và bị tàn sát, dân Do Thái vẫn tồn tại và phục sinh. Không phải do chữ viết hay văn học, không phải bởi lịch sử được ghi chép nghiêm xác, càng không phải bởi phong tục tập quán hay gì gì khác, mà bởi KINH.
Kinh Torah là chất kết dính tất cả thành tố kia lại làm một Do Thái nhất quán đầy sức mạnh tâm linh và tinh thần. Kinh Torah và Do Thái giáo, theo Moses Meldelssohn, “đã chỉ dẫn hành vi của con người bằng những luật lệ hợp lí của cuộc sống, một ngọn hải đăng của niềm hi vọng và sự thách thức đối với thế giới” (Michael Shapiro).
Dân tộc Cham không có kinh nhất thống, đó là cái rủi ro mang tính định phận. Dẫu sao trong cái rủi vẫn có cái may. Cái may mắn, đó là Cham có THI. Thi đó, không phải là các sử thi [với cốt truyện vay mượn] như Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra…; cũng không phải các Ariya trữ tình hay trường ca thế sự, mà là Pauh Catwai, Glơng Anak, 2 thi phẩm nổi tiếng và phổ cập nhất, được chấp nhận bởi các bộ phận cộng đồng Cham khác nhau.
Glơng Anak như người MẸ giãi bày và chăm sóc đầy tình thương yêu trìu mến. Bằng tinh thần giải sân hận (PALAI MƯBAI JANƯK), Glơng Anak dạy ta khiêm cung xây dựng cuộc sống mới từ những đổ vỡ và tuyệt vọng.
Pauh Catwai đích thị người CHA, người thầy nghiêm khắc với lời lẽ chắc nịch mà không thiếu bao dung. Pauh Catwai phê phán quyết liệt những hủ bại của lối sống, sa đọa của tâm hồn, hèn yếu của tinh thần để, từ nền tảng văn hóa dân tộc (BHAP ILIMO) – Cham dũng mãnh nhập cuộc vào thế giới mới.
Còn “Tinh thần Damnưy”? – Tại sao?
Damnưy không phải là sử kí, mà là tinh thần lịch sử ẩn sau lễ hội với đủ đầy ca-múa-nhạc được tái tạo liên tục qua các thế hệ khác nhau nhưng không bao giờ mất đi cốt tủy sử tính dân tộc. Đây đích thực là huyền sử. Damnưy được sáng tạo và hát bởi thầy Mưdwơn trong lễ Rija thuộc cả dòng Ahier và Awal, vô biện biệt.
Đó chính là 3 cột trụ chống đỡ tâm linh Cham vượt qua sóng gió thời cuộc và lòng người. Để sống – làm việc và sáng tạo.
*
Tuyên ngôn muộn có muộn không? 11: Tại sao sợ hậu hiện đại?
“Nhập cuộc về hướng mở, sẵn sàng thâu thái tinh hoa thế giới
Ta hãnh diện về di sản ông bà để lại; và chính ta cũng phải là niềm hãnh diện của con cháu ta, ngày mai”
Mặc cảm tỉnh lẻ, nghèo khổ hay thấp kém, là thừa; mặc cảm mình thiểu số với sắc tộc, thì không gì tệ hơn trong thời đại mở này. Bác sống ở trung tâm văn hóa lớn chắc chi đã làm thơ hay hơn tôi ở tỉnh lẻ; ông là dân tộc đa số chắc gì đã cảm nhận âm nhạc cao hơn tôi người Radhé ở Ban Mê! Cứ so đọ Nobel văn học giữa hai nước Trung Hoa bao la với Ireland bé xíu cũng đủ thấy… Thế giới phẳng phá đổ mọi vách ngăn, ở đó tồn tại mênh mông đất cho ta thi thố – cơ hội chia đều cho tất cả..

Ai sợ hậu hiện đại? – Phía chính thống sợ hậu hiện đại, là điều miễn bàn; bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền và lợi của họ. Cánh bảo thủ, luôn sợ cái mới, từ đó sợ cả hậu hiện đại. Bên trung tâm sợ hậu hiện đại đã đành, ngay cả người thuộc phía ngoại vi cũng lo sợ hậu hiện đại, mới lạ. Sợ, bởi chưa hiểu, hay hiểu chưa thấu đáo tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Tại sao sợ hậu hiện đại?
Tạm gác qua mấy yếu tố hậu hiện đại dễ gây phản ứng và dị ứng, cũng cần bỏ ngoài tai tư tưởng vô chính phủ hiện lồ lộ ở bề mặt hậu hiện đại, mà chú tâm đến cái tinh túy nhất của nó. Hậu hiện đại ĐỨNG VỀ NGOẠI VI, về phía yếu: đất nước nhược tiểu, nền văn hóa “nhỏ”, dân tộc thiểu số, nữ, bộ phận nhân loại dưới đáy xã hội…
Tinh thần cốt tủy của hậu hiện đại là chống lại tâm phân biệt đối xử, là chấp nhận và tôn trọng CÁI KHÁC THE OTHERS: giới tính khác, dân tộc khác, niềm tin khác, văn hóa khác, lối nghĩ khác.

Ta tiếp nhận những gì ông bà để lại, thâu thái tinh hoa nhân loại, sao ta không nghĩ đến đóng góp phần của chính ta? Tại sao không nhập cuộc – nhập cuộc về hướng mở?
Ta hãnh diện mình là Cham, hãnh diện về những gì tổ tiên ông bà để lại, dù không ít người vẫn còn mơ hồ về niềm hãnh diện ấy, không vấn đề gì cả. Hãnh diện, hay lắm! Thế nhưng, tại sao hôm nay ta không thử nỗ lực, để là niềm hãnh diện cho con cháu ta, ngày mai?

Tuyên ngôn muộn như thế, có muộn không? – hẳn nhiên là KHÔNG rồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *