Vấn đề Chăm hôm nay 02: Bằng cấp & khả năng

QuangCan-05

* Quang Cẩn, Tiến sĩ mới nhất của cộng đồng Chăm.

1. Thói thường, trình độ được đo lường qua bằng cấp. Thế nhưng lắm khi, hai thứ không tương đồng, thậm chí đối nghịch. Từ đó, người có bằng cấp không đủ năng lực làm việc gì đó hợp với trình độ của mình.

Không lạ, khi ta biết, ở Việt Nam số lượng thứ trưởng mang hàm “tiến sĩ cao gấp 5 lần Nhật Bản” (TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia, Kienthuc.net.vn, 5-3-2012). Cao gấp 5 lần, chớ đùa! Còn việc họ điều hành và quản lí cơ quan ban ngành mình thế nào, ai cũng hiểu.

Bàn về thực học – bằng cấp – khả năng thì đến tết Congo cũng không xong. Tạm chia như sau:

Học thực, bằng thật, khả năng thực thì miễn bàn.

Học thực, bằng thật, khả năng dỏm là chuyện có. Phó tiến sĩ Hữu nghị thuở Liên Xô là ví dụ sinh động nhất. Ngay Đại học Sorbonne tưởng ngon, nhưng nó là Université. Muốn vào, chỉ cần ghi danh; và có đến 95% hồ sơ được chấp nhận. Nó ưu tiên cho sinh viên từ thế giới thứ ba, và các quốc gia đang phát triển. Khác với Grande École (trường lớn) phải qua cuộc sát hạch nghiêm ngặt, nên rất nhiều người giỏi rớt tại cửa này.

Học dỏm, bằng thật. Ở Việt Nam, các cán bộ luôn được Nhà nước tạo điều kiện để có bằng. Dĩ nhiên, cách làm này, đa phần người cầm văn bằng trong tay nhưng vẫn chưa chắc đã có năng lực.

– Cuối cùng là: Không học (hay học dỏm), bằng giả. Ở đây cũng cần công bằng. Có khi vì nguyên do nào đó, đối tượng cần cái bằng kia, sau đó nỗ lực tự học để có được khả năng tương ứng.

 

2. Người Chăm vốn thật thà, ít ai muốn cầm bằng giả. Chơk karơk nữa! Do đó không ít người cho mình “tự học” mà trình độ hơn cả tiến sĩ. Cũng vui! Dẫu sao do thời cuộc, anh chị em Chăm cũng này nọ như ai. Nghĩa là, có người vẫn sẵn sàng đút túi cái bằng giả, khi cần.

Ai có trách nhiêm truy bằng giả? – Cơ quan công quyền, chắc chắn thế. Đối tượng có thể bị tù hình sự, nếu dùng bằng giả gây thiệt hại lớn. Còn cá nhân hay tổ chức dân sự, thì sao? Họ vẫn làm, bởi 2 nguyên do sau:

– Đố kị thuần túy, vạch mặt dối trá của nó ra cho bõ ghét.

– Đối tượng sử dụng bằng giả ấy từng [hay có thể] gây thiệt hại cho mình và tập thể mình. Về uy tín, quyền lợi… Phải đưa bộ mặt giả dối của nó ra trước công luận, dập cho nó mất uy tín, để không còn ai nghe theo nó.

Còn đối tượng có bằng thật, khi bị cá nhân nào đó tố cáo sử dụng bằng giả, nên hành xử thế nào? Thượng sách là im lặng, mà làm công việc của mình. Còn trưng bằng chứng ra, chỉ là trung sách. Hạ sách, không gì khác là đi… cãi nhau.

 

3. Nói thêm.

Bằng cấp thì cần, nhất là với xã hội Chăm còn chưa nhiều người có bằng cấp cao. Nhưng bằng cấp cũng gây phiền không kém. Có người giật được cái bằng rồi, thôi học luôn. Có kẻ có tấm bằng đút túi, ăn nói hệt ông trời con. Ở bề khác, người không có bằng cấp, biết thân biết phận, nên âm thầm học, riết rồi vẫn có năng lực như ai.

Cá nhân tôi chưa bao giờ chú ý đến cái bằng. Của mình, hay của ai đó. Giả dụ nếu ngày đẹp trời nào đó cơ quan nào đó nổi hứng cho tôi cái bằng gì đó, có lẽ tôi không dám nhận. Đơn giản, trong các dịp hội hè, tôi rất sợ bị… kính thưa.

 

Kì 3. Vấn đề Chăm hôm nay 03: Sự kiện nổi bật trong năm

 

4 thoughts on “Vấn đề Chăm hôm nay 02: Bằng cấp & khả năng

  1. Mấy năm qua, vài ông “trí thức” Chăm cãi nhau chí chóe chả ra thể thống gì cả. Đến bọn trẻ cũng xấu hổ lây.
    Chẳng cần cao đơn hoàn tán, hôm nay bác Inra hốt phương thuốc rất rẻ tiền. Đơn giản mà hiệu quả vô cùng, nếu ai đó biết lắng nghe. Thử đọc:
    Còn đối tượng có bằng thật, khi bị cá nhân nào đó tố cáo sử dụng bằng giả, nên hành xử thế nào? Thượng sách là im lặng, mà làm công việc của mình. Còn trưng bằng chứng ra, chỉ là trung sách. Hạ sách, không gì khác là đi… cãi nhau.
    Vậy mới siêu!

    Mik wa thuk siam!

  2. Cãi nhau chưa chắc là “xấu”, hạ sách chưa chắc “sai”.. .chúng ta hãy tự xem mình đã làm được gì cho chính mình, gia đình mình, cho Cham (to quá)… Giả hay thật có quan trọng không? Quả thật nếu có bằng giả ở nước ngoài, tôi thấy đấy cũng là cái tài đấy chứ… biết bao người Chăm thèm muốn và ko làm được đó sao… chúng ta có thật sự quan tâm đến bằng cấp? Có những người không bằng cấp gì cả mà vẫn thì thầm cống hiến cho xã hội… đó mới là quý.

  3. Quả thật kẻ hèn này đọc Ngakpui mà không tri nổi ổng đang viết cái gì!!!
    – Bằng giả ở nước ngoài ư? Dễ ợt. Có anh du học 3 tháng lận lưng bằng tiến sĩ Úc, Mỹ về.
    Hàng ngàn cán bộ Việt Nam làm đủ thứ để giật bằng cấp ở nước ngoài gây nhức nhối xã hội, thiên hạ đang lên án rầm rầm. Tác hại thì vô cùng tận. Có mỗi ông Chăm nêu lấy “bằng giả” thật, thì tài cái quái gì chớ.
    – Còn cãi nhau đến dùng ngôn từ dơ bẩn, rồi tao mầy, rồi ném cả đồ dơ vào nhau mà tốt à??? Mà toàn người có bằng cấp cao nữa chớ, Trời đất…
    Suy nghĩ lại đi, Ngakpui ơi.
    Riêng câu sau thì đúng: ông Inrasara có miếng bằng cấp quái nào nào đâu, mà làm được bao nhiêu là chuyện. Chà chà, không khéo tôi lỡ mồm đi ca ông này rồi…

  4. Vì mê tín vào bằng cấp mà xã hội Việt Nam nát bê bết như hôm nay.
    Phó tiến sĩ hữu nghi do Liên Xô phân phát ngày trước là đại nạn. Rồi mấy ông này đào tạo ra ngàn ngàn tiến sĩ dỏm nữa.
    Còn bằng cấp Tiến sĩ “nhân văn kiểu Pháp” đang là tai nạn ngày nay. Nó đào tạo ra không ít tiến sĩ dỏm. Thảm họa dịch thuật phát ra từ đó (xem Tiền Vệ bàn về việc này). Chưa nói nhiều thảm họa khác.
    Chớ mê tín vào bằng cấp, mà chết cả đám. Câu này dành cho cả người Chăm lẫn người Việt.

Leave a Reply to Trần Sáng Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *