Giải thưởng báo Dân tộc và Phát triển & Lang thang Tây Ninh
* Inrasara và văn hữu Tây Ninh, tháng 2-2010.
1. Hani và Jaya đi xe đò chuyển hàng hóa ra Hà Nội chuẩn bị triển lãm Không gian Văn hóa Chăm. Hoãn nữa rồi, đến 28-5 mới khai mạc được. Vào lại Sài Gòn. Em đến thành phố 9 giờ thì 5 giờ sáng hôm đó mình đã ra sân bay.
9-5-2010, ra nhận Giải thưởng báo chí báo Dân tộc và Phát triển. Anh chị em tòa soạn bố trí khách sạn và tiếp đón nhiệt tình. Tối lễ phát Giải, Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh 500 ghế nhưng có độ trăm người tham dự. Hẫng. Anh Định bảo kế hoạch thì đúng, nhưng khách tới Đại hội dân tộc thiểu số muộn, nên xảy ra tình trạng như thế. Nếu không thì phòng này không chứa hết được.
Trả lời phỏng vấn báo chí, mình đã đơn giản như sau:
“20 năm sưu tầm và nghiên cứu, 15 năm nhập cuộc chữ nghĩa, đầu tiên tôi đoạt Giải thưởng CHCPI thuộc Đại học Sorbonne – Pháp, và mới nhất là Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh. Đó là phần thưởng lớn dành cho cá nhân tôi, và là vinh dự chung của dân tộc Chăm. Ở đó, đóng góp của những con người từng cung cấp tư liệu cho tôi – dù là nhỏ như một câu tục ngữ, một trang thơ cổ hay lớn như là một ciet sách quý -, những con người tôi từng gặp gỡ trao đổi, bạn bè và người thân của tôi, vân vân là rất lớn.
Các bài viết của tôi là để ghi nhận công lao của những con người vô danh đó (gần trăm sinh linh cả thảy), vừa như là một cách tạ ơn, bên cạnh – qua đó sự thể cũng biểu hiện được sinh hoạt tinh thần của con người và xã hội Chăm giai đoạn qua. Không ngờ, các ghi chép đó được báo Dân tộc và Phát triển ghi nhân, đưa nó vào hệ bài dự thi rồi cuối cùng đoạt giải. Dù đây chỉ là Giải báo chí hàng năm, nhưng tôi rất muốn nói lời cảm ơn chân thành nhất đến quý báo và Ban Giám khảo”.
Sáng hôm sau dời khách sạn, trời đang nóng thì mưa bất chợt đổ xuống cả tiếng đồng hồ. Phải lên taxi qua trung tâm Hà Nội làm việc với họa sĩ Lê Thiết Cương về kế hoạch triển lãm.
2. Phát hành tặng 50 cuốn tuyển thơ song ngữ Anh Việt Thơ kể do nhà thơ Khế Iêm biên tập. Trưa 11-5, sau khi thăm vài nhà xuất bản, Hiền Anh và Khương bạn thơ ở báo Biên phòng mời cơm. Đi với Hiền Anh cùng một bạn ở tạp chí Cộng Sản nữa.
4:30 giờ phải ra sân bay, nên tranh thủ tiếp 5 nhà báo liên tục.
Bạn thơ Lương Ngọc An đang làm 2 phim 30 phút về Doanh nhân giữa cộng đồng trước. Ờ cũng vui. Kịch bản có vài thay đổi, thay đổi cả thời gian quay. Giữa tháng 7 thì quyết.
Các nhà báo thì vẫn cứ câu hỏi cũ lặp lại. Lạ là không biết thông tin từ đâu, không ít vị cho Sara “kiêu ngạo”, “ngạo mạn”,… Hay báo Thể thao – Văn hóa đặt ngay cái tên bài báo về mình: “Inrasara – Cây xương rồng ngạo nghễ”. Buồn cười! Mình trả lời một lần cho trót:
PV: Sau Tháp nắng, anh tiếp tục được nhận Giải thưởng của Hội Nhà Nhà văn lần hai (Lễ Tẩy trần tháng Tư) rồi Giải thưởng Văn học ASEAN, bao nhiêu giải khác nữa và mới đây nhất là Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, những giải thưởng lớn và dồn dập đến như thế, liệu có làm cho Inrasara trở nên kiêu ngạo?
Nhà thơ Inrasara: Tôi sáng tác không với ý đồ ăn cái giải này nọ cả. Bất ngờ có giải thưởng thì vui, vui lắm chứ. Nhưng chỉ khoái một ngày thôi, để rồi sáng hôm sau lại lao vào cô đơn tiếp (cười). Với tôi, giải thưởng chỉ là pit-tông đẩy tôi dấn mình trên con đường khai phá vùng đất mới, cách thể hiện mới, chứ không phải dừng lại nghỉ ngơi xoa tay thảo mãn mà vểnh râu. Vẫn còn có rất nhiều việc phải làm, nhiều tác phẩm phải hoàn thành, nên bạn nghĩ thời gian đâu mà dành cho kiêu ngạo!
Giữa thiên địa mênh mông, vũ trụ vô cùng và thời gian vô tận này, làm gì một người hiểu biết dám cho phép mình kiêu ngạo hay ngạo mạn kia chứ. Giải thưởng, dù to đến đâu vẫn là một cách lượng giá của con người ở cõi người!
Nói về sinh hoạt chữ nghĩa, mình chưa bao giờ nhìn xuống hay ngó lên, mà chỉ nhìn tới. “Ngó lên” dễ sinh đố kị, “nhìn xuống” thì khinh thường và ngạo mạn, còn nhìn về phía trước luôn là cái nhìn mở, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trước mặt Sara từ bao giờ đến bây giờ vẫn là mươi khuôn mặt: Dostoievski, Faulkner, Heidegger, Đức Phật,… Các tác giả mà mình nghĩ họ là cái giếng sâu hun hút không gàu nước nào tới đó mà không múc lên bao nguồn nước ngọt ngào. Còn các tác giả khác dù vĩ đại tới đâu cũng chưa bao giờ gây cho mình chút lấn cấn. Nghĩa là nếu muốn và ở vào hoàn cảnh họ mình vẫn có thể viết được như họ. Dù họ có tên là Rilke, Camus, Char,… hay là ai đi đi chăng nữa.
3. Lang thang Tây Ninh.
UBND Tỉnh Tây Ninh mở cuộc thi về Đất nước và Con người Tây Ninh. Gồm thể loại văn học, âm nhạc và nhiếp ảnh. Và mời mình mình chấm giải văn học. Ban Tổ chức đề nghị mình mời thêm một người nữa vào Ban Giám khảo bộ phận này. Thế là mình kêu Nhật Chiêu, giảng viên văn học nước ngoài Trường Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh đồng thời là nhà văn để anh em cùng lang thang lên Tây Ninh.
Nhật Chiêu với mình từng đi và chấm giải nhiều cuộc, cảm quan nghệ thuật gần gũi nên dễ làm việc. Tây Ninh nắng nung người, mà xe của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Tỉnh máy lạnh lại yếu. Nên nóng ơi là nóng. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tuổi 84 đã chịu được hơn tiếng đồng hồ phải khen là oách!
May, đất và người Tây Ninh quen thuộc và thâm tình nên cuộc đi và về đều vui vẻ. Văn thơ ở đây rất khá. Tiếc là thơ thì vẫn còn nhiều lặp lại câu cú cũ, bên văn xuôi thì không ít thí sinh chưa phân biệt được bút kí văn học với ghi chép. Nên, tài liệu thì nhiều với bộn bề chi tiết rất thực để người ngoài nhận diện đất và người Tây Ninh, nhưng phần văn thì hơi yếu. Mình đã nói í này ngay trong cuộc họp tổng kết.
4. Lưu Khánh của Đài truyền hình VTV1 ở Phú Yên đang ở quê Ninh Thuận, mấy hôm nay cứ réo mình về Phan Rang đóng phim. “Không có anh Inrasara thì phim này mất đi rất nhiều”. Cả tháng nay đi đi về về, dịch chuyển 4-5 tỉnh thành liên tục, trời nóng, mỏi nhừ, nên không hứa chắc với bạn đâu. “Mình sẽ cố gắng” – mình nói. Vậy mà bạn phóng viên cứ tưởng mình “đã hứa”, thế là réo và réo!!!
Tối 14-5 anh chị em thơ làm lễ ra mắt tập thơ in chung Bông & Giấy ở Khu du lịch Văn Thánh, cũng không đi được.
5. Viết 2 tiểu luận phê bình văn chương và 2 tham luận cho Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lí luận Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, chỉ trong vòng 12 ngày.
Sài Gòn, 15-5-2010.
Sara đi nhiều thật đấy. Xưa, người ta gọi Rimbaud là “thi sĩ có đế giày gió” vì Rimbaud đi rất nhiều, nhưng mình thấy Sara còn đi nhiều hơn cả Rimbaud…
Không biết phải gọi là thi sĩ gì nhỉ?
chào lão CAN !
Lão cũng biết Rimbaud là “thi sĩ có đế giày gió” nữa à? (Sách xưa thứ đó hiếm lắm !) Tôi đang đọc cuốn Con đường sáng tạo của NGUYỄN HỮU HIỆU. Có phải lão CAN đọc cuốn sách này?