Ghi chép tháng 3-2010 kì 3

1. Các bạn Thái Lan ở Đài Truyền hình Spirit of ASIA – Thái Lan PBS ghé nhà tặng phim làm về các dân tộc thiểu số và dân tộc Chăm ở Việt Nam. Tặng cả cái áo thun nữa. Phim hay! Giá họ tìm được chuyên gia về Chăm cố vấn thì hay hơn, đặc trưng hơn. Suốt phim 2 tiếng rưỡi không lặp lại hay cứ quanh đi quẩn lại như đa số phim tài liệu của ta. Phim có nghề và rất góc cạnh. Mình xin phép sẽ trích đoạn chiếu trong Triển lãm không gian văn hóa Chăm tại Hà Nội sắp tới, các bạn vui vẻ đồng í.

2. Họp báo Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh tại Hội trường Saigon Times Club – TP Hồ Chí Minh vào ngày 19-3. Non 60 trí thức hàng đầu và khoảng hơn mươi nhà báo tham dự. Sang trọng, có bài bản và trí thức. Cảm tưởng chung là thế. Sáng mở mắt, báo Sài Gòn tiếp thịTuổi trẻ cuối tuần đăng 2 trang to đùng về riêng Inrasara! Nguyễn Ngọc Tư nói: – Anh Sara xuất hiện khắp. Mình đùa: – Sara đang là hàng nóng mà.
Lan Anh ở nhà xuất bản Đồng Nai đến tặng hoa. Vui.
Chiều, mình bay ra Hà Nội.
Hải Yến sang tặng quà, dẫn Ngọc theo “để biết mặt anh Sara”. Hạnh nữa. Lê Anh Hoài, Trần Thiện Khanh tạt qua khách sạn bình dân mình đang ở nói chuyện văn chương trên trời dưới đất. Hoàng và Minh mời kafe để làm cuộc phỏng vấn đưa tin. Nam đang làm luận văn thạc sĩ về thơ Inrasara tranh thủ giờ rỗi, ghé “làm việc”. Minh Triều con anh Trinh ở Hữu Đức đang làm ở Đài Truyền hình Việt Nam phone đến: – Cháu làm xong dĩa được mấy phim cho chú rồi nè. – Ừ, mang cho cei đi. Thế là ba chú cháu đánh cuốc taxi qua Hồ Gươm ăn sáng và tán dóc. – Lâu lâu lên đời cho sang nhé! Rộn rịp đáo để. Cám ơn Triều nhiều lắm đó nhé.
Nông Quốc Hiệp sĩ từ Hòa Bình đi xuống. Mình nói với nhân viên khách sạn anh bạn họa sĩ sẽ ngủ lại. Nhưng không. – Em qua uống mừng anh một li rồi còn tranh thủ nhảy xe đò về Quảng Ninh tối nay, anh à.
Bùi Việt Mỹ gợi í cộng tác với báo Người Hà Nội, – Trang 6 bạn nhé, anh dặn. Báo Dân tộc & Phát triển mời cơm trưa: – Chúng tôi đang thiếu người phụ trách trang quốc tế, anh tổng biên tập nói. Mình nghĩ Jaka giúp được. Jaka đang lo “học” và chơi, không biết nó có chịu viết không nữa.
Bạn thơ trẻ Tạ Thu Hà: – Tụi em đang lên chương trình văn học, anh giúp một tay nhé. Mình không hứa gì cả, không muốn gắn mình với bất kì đâu. Tập san Văn chương Việt ở Sài Gòn cũng có gợi í mình phụ trách mục lí luận phê bình, mình cũng – Ừ, hứng thì mình viết, còn chịu trách nhiệm thì mình xin. Dẫn Hà qua gặp Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại văn phòng Hội. Mình với anh Thỉnh biết nhau đúng một con giáp, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên anh em ngồi với nhau được 30 phút. Trước đó, trà – không, lai rai – không! Vài người cứ tưởng Sara có bao nhiêu giải là quen to lắm. Nhầm! Không quen thân ai cả. Biết thì có, chứ thân thì rất ít. Một lần anh Thỉnh hẹn nói chuyện về thơ, – Chỉ có thơ ca thôi nhé. Mình qua anh, mới 15 phút mà có đến mươi cú phone và 3-4 cái gõ cửa. – Thôi, đàm đạo văn chương chữ nghĩa thì vào kafe thôi, chứ ở đây mà ăn với nói gì. Thế là mình về. – Nhớ nhé, chỉ văn chương thôi nhé, anh nói, bắt tay và lắc mạnh.

3. Ôi thôi bao nhiêu là báo. Đưa tin và ảnh ông Sara. Người Lao động, Phụ nữ Thành phố, báo mạng,… Xa Sài Gòn, mình tránh lên mạng. Đầu óc rỗng toang, để thu nhận cái mới ở đất trời mới và để nạp năng lượng. Sáng nay rỗi, nổi hứng, tạt qua quán Internet vỉa hè xem hộp thư. Lướt qua vài web, mênh mông tin về Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh.
Hết 4 ngày đêm ở khách sạn quen, chiều 24-3 em bay ra Hà Nội. Qua khách sạn Thăng Long 3 sao. Ui chao, từ chòi rách bước lên lâu đài, thật đã! – Để mẹ nó còn chụp ảnh với bà Nguyễn Thị Bình cho oai chớ – Mình đùa Hani.
Và có chụp thiệt. Hani có đến 3 tấm với quý ngài trí thức và bà Bình, ông bà Sara chụp chung một tấm, và vân vân nữa. Cả thảy 18 tấm, bị bà thợ chụp ảnh (làm sao lén vào được cà?) chém đến 800.000 chiều hôm đó, đau điếng. Ai bảo? Buổi lễ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế. Phần mình trả lời báo giấy, báo tiếng với 2 đài hình, còn diễn từ 2 trang A4 mình thu lại còn một nửa, là xong. Chủ yếu là đến nghe thiên hạ. Nghe và nhìn thành phần ưu tú nhất của thủ đô Việt Nam ăn nói: – Tính tư tưởng và chất trí thức vẫn là nét nổi bật nhất của Giải thưởng này.
Sau cuộc lễ, không ăn uống gì cả. Thế mà lại hay!

4. Cuộc hội thảo Di sản văn hoá và Giải pháp số hoá không gian di tích diễn ra ngày 25-3 tại Bảo tàng lịch sử – Hà Nội. Hani cùng qua. Lạ, mình lại là người “diễn” đầu tiên. Mình nhấn về khái niệm hadiip sống với bhaw hoang của tháp, của ngôn ngữ,… nhấn về bảo tồn để phát huy và sáng tạo hơn là giữ kho, về tôn giáo mở rất độc đáo của Chăm dung chứa tất cả nhưng không chấp nhận mấy hình thức thực dụng phản văn hóa,… Cũng đáng kể đấy chứ.
Khi Trung tâm đề nghị viết bài, mình thật lòng từ chối: – Đây không thuộc chuyên môn của tôi, hiểu biết của tôi về kiến trúc Chăm như bao nhiêu người bình thường khác thôi. Nhưng cô phụ trách nói: – Chúng em rất cần đến í tưởng của anh.
Nhớ, “Khủng hoảng như là một tín hiệu tốt lành”, tham luận Hội thảo khoa học 20 năm Mĩ thuật đổi mới 1986-2006 tại Hà Nội, tháng 4-2007, Ban tổ chức chỉ mời 3 người từ Sài Gòn: 2 họa sĩ lớn và Sara. Mình hỏi Sài Gòn có đến ngàn người hoạt động mĩ thuật chuyên nghiệp mà; mĩ thuật có là lĩnh vực của tôi đâu. Họ cũng đã phát biểu hệt thế: – Í tưởng của Sara về mĩ thuật.

Chiều, gia đình nhà văn Phạm Lưu Vũ mời sang nhà hàng cơm chiều. Có cả nhà thơ Trần Ninh Hồ cùng vui. Chiều mai bay vào Sài Gòn rồi, các bạn ở lại mạnh giỏi nhé.

Sài Gòn, 2-4-2010.

5 thoughts on “Ghi chép tháng 3-2010 kì 3

  1. Có thể nói vui rằng Inrasara là người có duyên với các giải thưởng. Nhưng thật ra điều này không hề ngẫu nhiên mà là thành quả lao động nghiêm túc miệt mài qua bao năm tháng cộng với tài năng, trí tuệ xuất chúng của anh.

    Không ngạc nhiên sau khi giải thưởng Phan Chu Trinh công bố, tên Inrasara lại tràn ngập các báo. Tôi chỉ ngạc nhiên vì giải thưởng Phan Chu Trinh được trao cho năm người trên năm lãnh vực khác nhau. Toàn những người tài giỏi và xứng đáng, nhưng cánh phóng viên chỉ nhè vào Sara mà phỏng vấn.

    Có lẽ anh còn có duyên với cả …cánh báo chí!

    Và tuy kỉ lục Guiness Việt Nam chưa xác nhận, Sara còn là người đang nắm giữ những cái nhất, cái đầu tiên:

    – Người Chăm đầu tiên vào Hội Nhà Văn Việt Nam
    – Người Chăm đầu tiên có tác phẩm được xuất bản và phát hành chính thức trên đất nước Việt Nam.
    – Người Chăm đầu tiên được giải thưởng văn học Đông Nam Á.
    – Người Chăm đầu tiên (và người DTTS đầu tiên) được giải thưởng về nghiên cứu của quỹ Phan Chu Trinh.
    – Người Chăm đầu tiên nghiên cứu và xuất bản văn học Chăm một cách hệ thống, khoa học.

    (Tất nhiên là còn nhiều thứ nữa mà tôi không nhớ nên chưa thể liệt kê vui ra đây, bạn đọc nào góp thêm, xin …hậu tạ!)

  2. Trần Can đang làm bài tập tụng ca Inrasara rồi. Ông có mấy điều đúng khi bảo Inra rất có duyên với báo chí, nhờ ăn ảnh và trả lời báo chí thì cừ khôi. Rồi vài cái đúng khác nữa. Còn bảo Inra là tác giả Chăm có tác phẩm in chính thức đầu tiên thì trật đó, ông ơi. Dohamide này, nhiều nữa… Inra cũng đâu mặn mòi với ghi-nét này lắm đâu. Ông đã yêu cầu rồi, tôi kê thêm nhé:
    – Nhà văn Ninh Thuận đầu tiên vào Hội Nhà văn Việt Nam
    – Nhà văn trẻ đầu tiên đoạt Giải văn học ASEAN
    – Nhà văn dân tộc thiểu số đầu tiên 2 lần đoạt Giải Hội Nhà văn Việt Nam
    – Nhà nghiên cứu đầu tiên đoạt Giải Trung tâm thuộc Đại học Sóc-bon
    – Nhà văn đầu tiên mà tập thơ đầu tay và tác phẩm nghiên cứu đầy tay đều có giải uy tín…
    – Người đầu tiên làm Nhà trưng bày và Thư viện cho cộng đồng Chăm
    – Người đầu tiên chủ biên tập san duy nhất của dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam là Tagalau
    Nhiều nữa. Nhưng nó có quan trọng lắm không?

  3. Mãi bi chừ chú Sara mới đưa hình mình lên web. Đẹp wá mà hổng chịu đưa lên!
    Chú Can nói dzui, mà làm cũng zất là dzui. Cháu bít mà hổng làm được như chú nè. Cháu hâm mộ chú Sara gê lắm đó.

  4. Anh Trần Can nói hay và nói vui, sao Người Quan Sát lại cằn nhằn nhỉ?
    Phản hồi là phải dzui dzẻ và thú vị mọi người mới thích xem. Web anh Sara ít khi đăng phản hồi chống đối hay phê phán, mà chỉ cho lên phản hồi ca ngợi. Biết ca ngợi, như có một người nói. Anh Trần Can là người biết ca ngợi. Anh Sara cũng là người biêt ca ngợi: anh ca ngợi văn hóa văn học Chăm, ca ngợi thế hệ đi trước, và anh còn biết ca ngợi nhiều bạn thơ trẻ nữa. Anh viết ở đâu đó:

    Làm thơ như là tạ ơn
    Và sống như là phép lạ.

  5. Tháng Ba ghi chép nhiều, hết tháng Tư rồi mà không thấy nhà thơ Inrasara Ghi chép tháng Tư cho bà con xem nhỉ???

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *