Ghi chép tháng 1-2010

1.
Sau khi thầy Tỷ đi Mỹ dự Katê Chăm, rồi khi bài phát biểu của ông và thầy Sang được website Binguchampa của Chế Linh đưa lên, vài Chăm hải ngoại lại nổi lên đánh nhau. Thêm mấy người trong nước nhập cuộc. Chế Mỹ Lan nói anh Sara đứng ra giải minh đi, em biết có vị còn có thể nghe được. Mình yêu quý bạn, định “vào cuộc”, nhưng cuối cùng rồi thôi. “Sẽ không bao giờ nữa đâu”, em à.
Các vấn đề xã hội thì mạnh ai nấy nói, phe ai nấy theo. Còn vấn đề khoa học chiều sâu thì nếu muốn nói tận cùng thì yêu cầu các đối tượng phải có hiểu biết chuyên môn và nhất là phải có sách báo trước mặt cụ thể, mới giải minh ra lẽ được.

Sau khi Nguyễn Đức Tùng cho in cuốn Thơ đến từ đâu? ở NXB Lao động, văn giới Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước nổi lên đánh nhau, hết Talawas lại kéo sang Tienve. Mình không làm gì cũng bị dính một đòn rất ẹ. Bài của NQC đã đăng lên Talawas. Mình nín lặng. Nhưng rồi thì nó lại qua ngồi tiếp ở Tienve. Thôi thì nói một lần cho trót. Rồi thôi. Không phải chuyện chuyên môn mà là, tâm địa con người.
“Sẽ không bao giờ nữa đâu” – câu nói dội tới dội lui trong hồn mình như một điệp khúc giã từ.
Nên sau đêm 6-1-2010 tham dự ra mắt Thơ đến từ đâu? ở L’Espace tại Hà Nội, hứa với anh chị em rằng Sara sẽ làm “Biên bản lập chậm” buổi tối này thật ra trò. Nhưng suy đi nghĩ lại – thôi. Thế nào cũng bị đòn, nếu mình nói thật. Mà Sara thì chưa bao giờ chịu nói giả. Chỉ mong anh chị em cho Sara một từ “đại xá” về tội thất hứa.

2.
3-1-2010 bay ra Hà Nội dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Ra trước một ngày lo chuyện in sách, vẫn chưa đến đâu. Quen thức 4 giờ sáng, trời lạnh, không mang laptop, nên chẳng nghĩ hay làm gì ra hồn cả.
Khách đông ngợp. Ở khách sạn Tây Hồ với Phạm Quốc Ca. Khai mạc tại Hội trường Quốc gia Mỹ Đình. Múa dân tộc và hát mở màn. Tham quan Bảo tàng Dân tộc, rồi Văn Miếu. Luôn chờ nhau lên xe. 20-30 phút cho mỗi cuộc chờ. Nhà văn thì phải thế chăng?
Chia 4 nhóm thảo luận. Sáng mình ngồi nhóm Văn học cổ điển Việt Nam, chiều qua nhóm Văn học Trẻ. Nhà văn Việt Nam thì muôn năm lạc đề. Ở đâu cũng thế. Ở cổ điển thì biến “quảng bá văn học” thành ra hội thảo dịch thuật chiều sâu. Còn nhóm trẻ nghe kể buổi sáng khá lãng nhách, buổi chiều cụ thể và xôm tụ hơn chút đỉnh.
Mục này cần ghi nhận nỗ lực của Hữu Thỉnh. Trách là trách chính nhà văn, những người trong cuộc kéo đề tài đi lạc.
Xuống Tuần Châu. Đêm Thơ quốc tế. Lại múa và hát khai mào cho đêm thơ quốc tế. Mình trả lời báo chí: “Đêm thơ quốc tế thì phải thật trí thức, như thế mới sang trọng và cuốn hút”. Đằng này, sân khấu quá thấp, có cũng như không. Ngồi hàng dưới cố ngỏng cổ cũng chỉ thấy mỗi cái đầu người nhúc nhích. Mà mình thì lại không ưa ngồi mấy hàng ghế đầu toàn quý quan trịnh trọng. Thêm tiết mục anh nhà thơ ỉ ôi về hoàn cảnh ra đời của bài thơ dài ngoằng hết kham nổi. Thế là về. Có vài người muốn về nhưng ngại cuốc bộ qua khách sạn, đã cắn răng ngồi lại. Hôm sau cũng vậy, sau buổi tiệc chiêu đãi của tỉnh Quảng Ninh, Ban tổ chức lại cho khách quốc tế xem thú diễn xiếc. Trời đất! Mình lại về trước, với Thủy Anna quá giang xe điện cùng về.
Đi Hạ Long. Hạ Long thì đẹp rồi nhưng trời mùa Đông, nên vẻ đẹp của nó đã mất hết chín phần – một bạn văn nói thế.
Lên Yên Tử. Trước khi cho lên cáp treo vãn cảnh chùa, Ban tổ chức lại bắt quý khách văn thập phương ngồi suốt tiếng đồng hồ xem diễn vở vua Trần Nhân Tông. Mà chả có ma nào dịch cho nữa. Mấy chục sinh viên làm nhiệm vụ túm tụ nói chuyện hay rủ nhau xuống suối chụp ảnh. Khách quốc tế cứ thế ngẩng cổ mà nghe và, ngáp. Ờ, sao không trích đoạn đi cho người thiên hạ nhờ!
Nằm chung phòng với Vũ Quần Phương. Nói chuyện với nhà thơ lão làng này dễ hơn mình tưởng nhiều. Dẫu anh được xếp vào cánh “bảo thủ”, nhưng cái cần là anh có chính kiến rõ ràng, và chịu lắng nghe. “Sara quán xuyến thơ Việt Nam và bàn luận rốt ráo, rất hay. Nhưng mình thấy ông có vài mẫu thuẫn”, anh nói. Buổi sáng anh rủ mình dạo một vòng con đường nhỏ đảo Tuần Châu, để nghe Sara giải minh vài “mâu thuẫn” ấy.
Trên đường về Hà Nội, ghé qua Việt phủ Thành Chương. Oách và miễn chê. Chỉ có cá nhân mới có thể làm được. Gầy dựng nên cái phủ như thế, họa sĩ này có nổ chút đỉnh thì có chết ai đâu, thêm thú vị.
Một cuộc nào đó bất kì, được và mất, tùy góc độ hay tâm thế người nhìn mà nhận định. 20 tập thơ The Purification festival in April được Phan Huyền Thư chuyển hết cho khách quốc tế. Nhiều vị đến cám ơn và xin chữ kí tác giả, ngon lành chớ. Lại thêm vài hứa hẹn này nọ. Vẫn có nhiều tấm lòng và con người đẹp đột ngột hiện đến trong cuộc đời. Đẹp và lạ. Phan Huyền Thư, Nguyễn Phan Quế Mai, Thủy Anna, Dili, Nguyễn Đình Tú, Geetesh Sharma, Kusum Jain,…

3.
Lẽ ra phải tạt qua Vinh tặng bó hoa cổ động tinh thần Lê Thị Việt Hà bảo vệ Luận văn Thạc sĩ “Hành trình cách tân thơ của Inrasara” nhưng mắc kẹt Đêm thơ quốc tế, nên đành chịu. Thêm lỡ hẹn bạn văn ở Đà Nẵng luôn. Cả vụ giải quyết nỗi nhớ quê nữa.
Ryan hẹn nói chuyện về văn chương Việt Nam tại Sài Gòn.
Lại thay đổi bộ dạng và hình hài Tuyển thơ. Bao nhiêu lần rồi nhỉ? Còn chưa in là còn thay đổi, xáo trộn, cắt dán. Vào Sài Gòn, gõ và gõ liên tục trả nợ báo chí. 12 bài cả thảy. Buồn vui, hưng phấn và chán nản lẫn lộn…

Chế Mỹ Lan, quý bạn văn à, xin miễn cho Sara nhé! Lòng người thì thâm và hiểm vô cùng, ai biết đâu mà dò. “Kanhjrung dalam lo ra-ong”, Chăm nói. “Thung” với “lũng” còn có thể, chứ lòng người thì xin thưa rằng – NON! Một bạn thơ đang yên ấm, đột ngột quay sang đá giò lái Sara đầy trịch thượng. Không thể hiểu.

Lời thư của Van Gogh chợt bay xộc về đậu vào đỉnh tâm thức:
“Trong cuộc đời, và cả trong hội họa cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần thượng đế; nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần đến một điều cao viễn hơn anh, chính là đời anh – quyền năng sáng tạo”.
Xin đa tạ!
Sài Gòn, 19-1-2010.

2 thoughts on “Ghi chép tháng 1-2010

  1. Cobewe
    Lâu wá mới gé lại chú Sara. Ai làm chú Sara bùn là tui bùn lây. Bùn 2 fút rưỡi thui. Chớ chú còn bát ngát bạn mờ.
    Nhưg chú ham dzui mà hổng đi Vinh là sai đó. Kiểm điểm chú đó. Cô Hà bùn đó.
    Còn mí chuyện Chăm mình gởi meo cãi nhau chú KHÔNG dzô là trúng đó. Hoan hô chú đi hén.

  2. Ac liet qua nhi! The la tho Inrasara da chinh phuc den 4 vi Cao hoc roi.
    The chu. Nghe noi sap toi co nguoi lam Thac si ve Phe binh cua anh Inrasara nua do. Ai tin khong? nhung ma chuyen thiet.
    Than men

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *