Ghi chép tháng 4-2010

Hẹn Nhamy lên Tháp Bình Thạnh – Tây Ninh.
Gần nhà mà xa ngõ. Tháp Bình Thạnh cách Sài Gòn chưa tới trăm cây, trong khi mình làm dân Sài Gòn gần hai mươi năm rồi mà chưa một lần lên thăm tháp. Lạ vậy đó.
Tháp như thể đứa con út bơ vơ trong vô vàn cụm tháp Chăm. Út và còi cọc. Cao chỉ có 10,2 mét. Thảm thế chứ. Vừa thấp lùn vừa lưu lạc tuốt tận miền Tây giáp ranh với xứ Khmer. Ai mà chú ý?!

Cả trong thẳm sâu mình cũng mang tâm lí hơi phân biệt, nói chi khách tham quan. Cả tiếng đồng hồ cùng Nhamy ngồi đó. Không một bóng người đi qua khu tháp. Vắng hoe.
Một xúc động kì lạ dâng lên trong mình, đánh động miền tâm thức còn chưa có tên gọi. Mỗi lần viếng tháp là mỗi lần nó xảy đến, dù mỗi nơi có biến đổi mỗi khác. Lần đầu đến Mĩ Sơn hay Dương Long nhìn thấy sự hoang phế của tháp, hay khi bất ngờ được bác giữ tháp Chiên Đàn chỉ cho thấy phù điêu gạch hình con voi nâng đóa hoa sen nằm lẫn trong đất. Sự vô ích của trí tuệ cùng sức lực con người, nỗi mong manh của nền văn minh, cái phù du của thói xa hoa các triều đại,…
Bình Thạnh vào thế kỉ IX hay X chắc cũng huy hoàng, rộn rã lắm, nhưng nay nó chỉ còn trơ lại một cái tháp giữa cái nắng hầm hập Tây Ninh.

Nhamy đưa mình sang khu Căn cứ Lõm.
“Tây Ninh nắng nung người mà trận địa thì loang máu tươi”, có lẽ diễn ra quanh đây. Ba giờ chiều mà nắng vẫn cứ nung người. Khu di tích vắng ngắt. Lác đác vài người trực nằm lơ đãng trên chiếc võng. Rồi bất ngờ Nhamy chỉ cho mình thấy cây nần danin.
– Trời đất! – Mình muốn kêu to lên. Tiếng kêu bật ra với Nhamy:
– Phải thật “nần” không em?
Em đùa mình là không phải. nhưng rồi em dẫn mình đi xem các dây nần, bao nhiêu là dây màu tím, cả tìm củ nần nổi lên mặt đất nữa.
– Chắc chắn anh sẽ viết bài kí về nó. Thật cừ đấy nhé. Nần ghi đậm dấu ấn trong tâm khảm mình, ở xứ nắng Phan Rang. Em bảo em em cũng có đầy ắp kỉ niệm với nội về nần.
Nần vẫn còn ám mình về tận Sài Gòn, sau đó cả Thủ Dầu Một nữa, không dứt ra được. Mà cũng không muốn dứt nữa. – Một nỗi đau ngọt ngào, nếu muốn nói một cách thơ mộng thế.

+ Củ nần.
*
Về Sài Gòn, Đài HTV hẹn mình làm một lúc ba đoạn phim ngắn. – Ăn khách dữ! Kịch bản Cuộc sống quanh ta, với 1. “Inrasara người lưu giữ văn hóa Chăm”, 2. “Nghệ thuật kiến trúc độc đáo của người Chăm”, và 3. “Thổ cẩm Chăm trong đời sống”. Ba phút mỗi phim. Sáng sớm, hai bạn trẻ bên Đài chạy xe qua nhà ở Tân Phú. Mình giúp các bạn giải quyết nhanh, gọn.
Nhận thêm cú phone từ Hà Nôi về kêu chuẩn bị ra để truyền hình trực tiếp Inrasara trong dịp Đại hội dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhưng có lẽ trục trặc về tiền nong quảng cáo gì đó, nên chương trình bị đình. Đại hội, luôn thiếu vắng mình. Dù Đại hội Văn hóa dân tộc năm 2005, đã có người la lên sao không có mặt nhà văn duy nhất của Chăm? Ờ, khi chọn lựa làm nhà văn đường biên, mình phải chịu, không trách ai cả. Mình có thuộc cơ quan nào đâu, cũng không Đảng viên hay chức vụ nào cả! Nên, mời cũng được, không được mời cũng chả sao. Làm chuyện khác.

*
Đầu tháng Tư, Jaka qua được cuộc phỏng vấn để đi dự Hội nghị quốc tế với chủ đề “Sự đa dạng văn hóa” trong chương trình JENESYS East Asia Future Leader Programme tại 5 thành phố Nhật Bản. 13 ngày cháu về. Jaka bao giờ cũng vậy: nhanh, gọn nhẹ. Giữa tháng 5-2010 lại đi nữa. Chương trình “Mang lại sự thay đổi cho xã hội” của IOFC – Nhật Bản, hai tháng rưỡi. Theo chương trình cháu từng đi Ấn Độ trong non nửa năm, năm 2008.
Cuối tháng 4, Hani và Jaya về quê để chuẩn bị ra Hà Nội làm cuộc triển lãm Không gian Văn hóa Chăm do Trung Nguyên tài trợ. Anh Thành, họa sĩ Lê Thiết Cương và Inrasara đạo diễn chương trình. Khai mạc 10-5-2010, kéo dài suốt nửa tháng. Về thổ cẩm, gốm và sách Chăm. Sự thể diễn ra thế nào, xin hẹn ở Ghi chép tháng 5-2010.

*
CML forward Harak Champaka số 40 cho mình, bảo: – Anh đọc đi. Mình nói: – Anh không đọc nó từ lâu rồi. Em cho anh xin: chẳng có gì để đọc cả, em à. Em bảo: – Anh cứ đọc đi, họ phê phán sai Hội của chúng em đó. Thế là mình… đọc.
Và đúng là… chẳng có gì cả!
– Em sẽ viết bài phản hồi, CML nói.
– Thôi, em à. Theo anh thì đừng phản ứng gì cả là khôn nhất.
– Em là người trong cuộc biết chuyện, em có trách nhiệm phải nói lên sự thật.
– Nguyên tắc của anh: “Ai chửi người ấy nghe”. Còn em thế nào thì tùy em quyết.
Thế là CML viết, và gởi mình xem. Mình bảo ờ, cũng tạm được. Nhưng chỉ một lần này thôi nhé, chứ kéo dài nhì nhằng mất thời giờ lắm. Hãy dành thời gian ít ỏi của đời người vào cái gì to tát hơn, í nghĩa hơn.
Và đúng như mình glơng anak (tiên đoán), CML bị phản ứng, theo em là “bất công”. Và em lại đòi viết nữa!

*
Về quê Rija Nưgar. Cùng Trà Vigia qua Padra với Đảo, bác sĩ Tuấn, yut Lê,…
Rija Nưgar Caklaing đầy linh thánh và… vui. Nhất là ngày đầu ở Danauk Ppo Riyak. Trước đó hai tháng, mình có bài kí về “Mưdwơn gru Hán Phải” đăng báo gởi về quê, bà con photo chuyền tay nhau đọc. Và khen nức nở. Mình nói với bà con rằng Sara sẽ viết loạt bài tôn vinh Nghệ sĩ dân gian Chăm. Những con người vô danh đóng góp phần khiêm tốn tùy trí và lực của mình cho cộng đồng. Không hô hoán to tát rằng “làm xã hội” này nọ. Cứ để chuyện bươi móc, chửi bới cho kẻ tài hèn trí mọn làm. “Đừng cất tay chống lại bọn chúng. Bọn chúng nhiều vô số kể, và vận mệnh của mi không phải là làm kẻ đuổi ruồi”, – như Nietzsche nói.
Hãy học biết sống và biết ca ngợi. Ca ngợi và tạ ơn.
Rồi bất ngờ ngay trong ngày Rija Nưgar đó, mình nhận tin báo rằng bài viết vừa đoạt Giải thưởng cao nhất của báo Dân tộc & Phát triển. Lễ phát Giải sẽ diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 5-2010.
Út Jakha hỏi: – Cei làm gì cũng có Giải cả. Vấn đề to hay nhỏ, tác phẩm nghiên cứu hay sáng tác,… Cei thấy có lạ không? Mình bảo: – Cei không biết. Cei làm bất kì gì không có í giật cái phần thưởng nào đó, nhưng có giải thì vui. Vui và chia sẻ niềm vui đó đến với mọi người.
Trưa, mình chọn gần 50 cuốn sách gởi lên cho các sinh viên Chăm ở Đà Lạt.
Cũng là một cách…

Ngủ một đêm ở quê, rồi đón xe đò vào Sài Gòn ngay chiều Xuk Rija Nưgar. Để còn lo in tập thơ Tuyển Tân hình thức song ngữ Việt – Anh do nhà thơ Khế Iêm chuyển bản thảo từ Mỹ về. Và cả sách nghiên cứu xã hội Chăm của thầy Nguyễn Văn Tỷ nữa.

Sài Gòn, 1-5-2010.

12 thoughts on “Ghi chép tháng 4-2010

  1. Thật lạ khi Tây Ninh cũng có Tháp Chàm. Nhưng Tháp Bình Thạnh còn cao hơn Tháp Yang Prong ở Daklak.(Yang Prong chỉ cao 9m, rộng 5m)

    Mình đã có lần ghé tháp Yang Prong, cảm giác về một tháp Chàm lẻ loi, u uẩn nằm giữa rừng cổ thụ âm u thật lạ lùng, khó tả…

  2. Cám ơn Inrasara đã có ghi chép tháng Tư. Trong bài viết của anh có đề cập đến Củ Nần, có phải là củ Nâu (Dioscoreaceae) một loại củ được nhiều nước Đông Nam Á dùng làm lương thực và dùng để chế thuốc độc?
    Ngày xưa ở các nước ĐNA & cả Ấn Độ, củ Nần thường được chế biến cẩn thận dùng làm thức ăn trong lúc thiếu lương thực, trong lúc giáp hạt.
    Nhưng củ Nần cũng rất độc, một lát xắt củ to bằng quả táo tây đủ để làm chết một người lớn trong 6 giờ.
    Có vẻ anh Inrasara cũng đã ăn loại củ này rồi?
    Tôi suy đoán thế.

  3. Inra rất có lý khi khuyên Chế Mỹ Lan đừng dây dưa đến Harak Champaka. Anh có quá nhiều kinh nghiệm với tập san này. Inra kinh thường nó, nên không một lần nào trả lời các tố cáo của rất nhiều bài chống phá anh của tập san này. Nhưng CML cũng có lý của CML khi cô ta phải phản bác lại luận điểm cố tính xuyên tạc của HC số 40. Tôi đã đọc bài của CM L, rất hay.
    Tôi ủng hộ thái độ của cả hai.

  4. Có lẽ bác Quảng Văn hiểu hơi trật í Sara rồi đó.

    1. Tôi không “khinh thường” ai cả đâu. Tôi chỉ không quan tâm thôi. Thật tình tôi có rất ít thời gian để đọc những gì không đáng đọc. Mới đầu, tôi có đọc thử HC 3-4 kì, sau đó thấy không có gì, nên tôi không đọc nó nữa. Cũng như tôi không đọc rất nhiều báo khác vậy thôi.
    Tôi rất ít chú í đến Chăm, chú í được hiểu như dòm ngó, liếc nhìn. Ai làm ăn ra sao, đỗ đạt thế nào hay làm lớn tới đâu. Mặc dù tôi là người quan tâm rất nhiều đến xã hội. Nhưng tôi quan tâm để giúp đỡ chứ không “liếc nhìn”. Vì ngay từ nhỏ, điều tôi quan tâm rất ít Chăm quan tâm. Ví dụ triết học chẳng hạn. Hay các tác phẩm văn chương, như của Dostoievski, Faulkner,…

    2. Việc trích dẫn câu của Niet mà tôi coi như châm ngôn, là để phòng ngừa mình phản ứng với mọi tố cáo không đáng về phía mình. HC rất nhiều lần viết bài bậy bạ về tôi, vài bạn forward cho tôi, tôi có đọc 1-2 bài gì đó rồi thôi. Khi gặp sự cố, tôi thường lẩm nhẩm câu đó của Niet để tự khắc chế mình. Châm ngôn đó đã giúp tôi vượt qua được ham muốn phản ứng. Qua kinh nghiệm của mình, tôi dẫn nó ra để khuyên CML, là vậy.

    Bác hiểu cho và vui nhé.

  5. Bài viết “Giải Nobel văn chương cho Việt Nam, tại sao chưa?” SARA viết rất hay! Nhưng mà anh SARA còn quên 2 túi khôn nữa ngoài “triết học đúng nghĩa” đó là THẦN HỌC và LỊCH SỬ.

    nếu một nhà văn mà không biết 3 thứ cốt yếu này thì viết sao đây, thưa anh SARA?

  6. Nếu bảo cần thiết cho nhà văn thì rất RẤT nhiều điều cần nữa, anh Khâm ạ. Tôi thấy nhà thơ Inrasara nhắc đến “riết học đúng nghĩa” là để nhấn mạnh vào TƯ DUY ĐỘC LẬP thôi. Không có tư duy độc lập thì chỉ biết nhai lại, nói theo, thuật nhi bất tác.

  7. đồng ý với bạn! tôi thấy văn chương bây giờ chỉ một nhịp điệu, nó nhàn nhàn giống giống nhau. đó là nói về ý thức hệ.

    tôi thấy âm nhạc cũng y chang vậy. cho dù lời ca có khác nhau, nhưng chỉ chung quy một mối là bị đụng nóc, không thoát được, rồi từ từ lụi đi, ngán ngẫm quá!

  8. Pà con hổng chú í, chú Sara viết nè:

    “Sara sẽ viết loạt bài tôn vinh Nghệ sĩ dân gian Chăm. Những con người vô danh đóng góp phần khiêm tốn tùy trí và lực của mình cho cộng đồng…
    Hãy học biết sống và biết ca ngợi. Ca ngợi và tạ ơn.”

    Chú Sara dzễ thương dzễ sợ!
    Iêu chú lamaắm!

  9. Nghệ sĩ dân gian như nhà thơ gọi thì nhiều người còn đói khổ. Giỏi hay tài tình như ông Hán Phải trong bài, vậy mà phải kham khổ thì thê thảm cho nhân dân ta thật. Nhà nước có hỗ trợ cho ông chút ít, nhưng vấn đề là phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Chứ không phải như cho mọi người có tuổi chung chung.
    Nhà thơ Inrasara viết về nghệ sĩ vô danh này là làm 1 việc nhiều ý nghĩa là vậy.

  10. Bạn trẻ thân mến
    Mình không phải chuyên gia về kiến trúc và điêu khắc, nên chỉ nói “theo” một số chuyên gia uy tín. Bạn có thể tham khảo các tác phẩm hay vào nhiều trang mạng để biết rằng tháp Bình Thạnh được nhiều nhà nghiên cứu xếp vào hệ thống tháp Champa.
    Cám ơn bạn.
    Vui nhé
    S

  11. dạ cháu cám ơn chú ạ
    Bởi các tài liệu cháu được học và biết đều không nói điều này.
    Mới đây nhất cuốn của Đền tháp Champa bí ẩn xây dựng do Trần Bá Việt Chủ biên theo đề tài của Bộ Xây Dựng đều nói khá rõ ràng.
    Những tháp trên thuộc về Văn hóa Oc eo.
    Tháp Chăm Xa nhất về phía Nam hiện còn là Phú Hài.
    cũng như bi kí xa nhất là ở Đồng Nai
    Có cả dấu vết Thành Đá Trắng mới tìm thấy ở Bà Rịa.
    Một số phế tích tháp mới tìm thấy như Mường Mán ở Bình Thuận…
    Nếu thánh địa Cát Tiên còn nguyên hình hài thì có thể còn tạo nhiều sự nhầm lẫn vì với tháp rất dễ nhầm giữa tháp Khơ Me và tháp Chăm và tháp tại Cat Tiên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *