Ghi chép tháng 3-2010

1. Ngày 8-3, Ngày Phụ nữ Quốc tế, nói chuyện với 27 sinh viên Khoa văn Đại học Đà Lạt do Tiến sĩ Phạm Quốc Ca hướng dẫn xuống Sài Gòn thực tập. Phạm Quốc Ca là bạn thơ quen biết từ thuở Trại Sáng tác Đải Lải mùa hè 1996. Bài viết soạn sẵn “Thơ, thay đổi để tồn tại” dài 12 trang, có cả bản tóm lược. Nhưng không. Bạn cho biết, nói chuyện như thể một tâm tình. Và đúng vậy. Tất cả ngồi chật kín trong phòng ngủ sinh viên không gian 60m2. Bia bọt, bánh trái, thâm tình và ấm áp. Mình cũng mong vậy. Chớ lần lên Đà Lạt vào mùa xuân 2006, cả 500 sinh viên vừa Quy Nhơn vừa Đà Lạt nhồi trong hội trường ồn chả thua kém lúc tan chợ, thì nói chuyện thơ ca cái nỗi gì. Để cho sinh viên thưởng ngoạn bộ mặt ông nhà thơ lâu nay mình thần tượng thì có.
Nói chuyện và đọc thơ. Hậu hiện đại và hiện đại. Toàn nữ. Có cả Kiều Thị Kim Luân cô sinh viên người Chăm Ninh Thuận lang Pabơng nữa.

12-3 lên Đà Lạt chuẩn bị Hội nghị VHNT các DTTS Việt Nam.
Mang 30 cuốn sách tặng cho sinh viên. Trường ca Chăm, Tagalau, Thơ Chế Mỹ Lan, Tự học tiếng Chăm,… Riêng Luân, bởi đang chuẩn bị đề tài về thơ Inrasara, nên được ưu ái các tập thơ và bản thảo. 32 cô cậu cả thảy, bó hẹp trong phòng trọ sinh viên nghèo. Trời Đà Lạt se lạnh, nhưng hơi thở quê hương và tình người đủ sưởi ấm căn phòng. Nửa tiếng sau, mình cởi áo khoác ngoài. Một cô bé chỉ chỏ: – Nhà thơ mà có bắp thịt săn chắc như lực sĩ kìa. Sinh viên Chăm ở Đà Lạt không được hưởng sự chăm sóc như các bạn ở Sài Gòn. Hội đồng hương, không! Không cả thế hệ đàn anh chị, chú bác hướng dẫn nói chi chuyện tổ chức dạy chữ mẹ đẻ, nên gần như ít ai biết chữ Chăm. Các cháu ít khi có dịp sinh hoạt chung, được dịp mình lên thì vui hết biết. Câu chuyện râm ran về tình hình văn hóa và xã hội Chăm, về nền văn minh Chăm, về các công trình và cả quãng đời thăng trầm của Sara nữa. Các cháu yêu cầu thế. Mình hứa sẽ lên thường xuyên hơn, và chắc chắn không khi nào bỏ rơi các bạn.
Cuộc sống luôn có bất ngờ thú vị, khôn lường. Mình dẫn Luân làm quen với các văn nghệ sĩ, dự buổi tiệc thân mật tại Hội nghị,… và cả tiếp xúc với cánh báo chí nữa, điều mà từ còn nhà quê, cô bé Chăm này chưa một lần biết tới.

2. 14-3: Hội thảo về tình hình VHNT các DTTS khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Chăm từ Ninh Thuận lên có Lộ Minh Trại, Trà Vigia, vợ chồng Thành Chiểu, Amư Nhân, Dương Tấn Đức. Tiến sĩ Phú Văn Hẳn mãi tối 13 mới từ Sài Gòn đi xe lên. Mình hỏi Hẳn lâu quá, cậu có gì mới không? Hẳn bảo: – Em vừa có giải thưởng về Bác Hồ, cấp thành phố (Hồ Chí Minh) thôi. –Nghiên cứu về Bác, – Hẳn thêm. Mình nín lặng. Đầu năm 2010, Chế Kim Trung cũng có giải thưởng loại A của Hội VHNT các DTTS Việt Nam dành cho họa phẩm Làng Chăm ơn Bác. Nữ họa sĩ này trả lời phỏng vấn rằng tác phẩm được gợi hứng từ ca khúc cùng tên nổi tiếng của nhạc sĩ Amư Nhân. Buổi chiều hôm trước ông quan văn đã gợi í mình: – Sara hãy viết một công trình về Người Chăm và Bác Hồ đi, sang năm đoạt giải cao là cái chắc. Mình nín lặng.
Ấn tượng hơn cả có lẽ về sự vụ một vị Phó giáo sư-Tiến sĩ không hiểu cái nỗi gì cứ chạy lên chạy xuống nhớn nhác như thể gà mẹ lạc con, khiến mọi người chỉ chỏ mà cười. Tối 13 và cả trưa tiệc kết thúc Hội nghị cũng vậy. Tội!

3. Lên tham luận, như thói thường, mình không đọc mà chỉ nói. Những câu hỏi cốt tủy:
– Hôm nay tại Hội trường này không có một đại biểu Chăm Bình Thuận, là sao? Vì sao 5 năm qua khu vực Nam Trung bộ cụ thể là Ninh Thuận và Tây Nguyên hiếm có hội viên mới? Ai chịu trách nhiệm? Tại sao Siu H’Keth nữ nhiếp ảnh trẻ người dân tộc Giarai đã là Hội viên Hội Nhiếp ảnh Trung ương mà chưa được vào Hội ta?
– Hội không có tiếng nói ở khu vực này, tại sao? Người ngoài xem nhẹ Hội đã đành (một nhà thơ nổi tiếng đã phát biểu rằng Ban văn học Dân tộc của Hội Nhà văn Việt Nam chỉ là ban phong trào), sao người trong Hội cũng xem nhẹ chính mình? Nhà thơ Y Phương với tư cách Trưởng ban chả thèm có lời phản ứng nữa là! Như vậy làm sao đòi các văn nghệ sĩ là người dân tộc xem trọng Hội dân tộc thiểu số?
– Chúng ta nói nhiều về đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ, nhưng hà cớ Trại sáng tác này chỉ có mỗi Y Thư là trẻ (30 tuổi) và lạ, còn lại bao nhiêu khuôn mặt quen thuộc? Câu này đã gây mất lòng khá nhiều, bởi các anh chị em ngồi dưới tham dự Trại toàn là người quen. Nhưng lẽ nào chỉ bởi sợ mất lòng mà không nói?
– Các nhà thơ Chăm đã có nhiều sáng tác khác lạ. Trà Vigia, Jalau Anưk khác lạ. Tập thơ của Đồng Chuông Tử, của Tuệ Nguyên năm 2009 vào chung khảo Giải thưởng Thơ Bách Việt, cũng khá lạ. Khi xét đầu tư, giải thưởng hay đăng báo, cần chú í tới chúng. Vậy mà có nhiều bài thơ khác lạ ấy gởi đi không được đăng nên họ không gởi nữa. Câu này làm buồn lòng anh bạn Cao Duy Sơn. Tại bàn chủ trì, anh phản ứng (riêng với Sara) tức thì: – Ai tác giả Chăm đã gởi thơ khác lạ mà mình không đăng? Ông đừng nói như thế ở đây. Biết anh khá giận, bởi nhận định thế bạn văn sẽ nghĩ anh bảo thủ. Mình hiểu thế, nên ậm ừ cho qua và bảo để xem. Không vấn đề gì cả! Có thể giai đoạn Sơn làm tổng biên tập, anh không nhận được các bài thơ đó. Chớ trước kia, nhiều bài thơ khác lạ gởi đi đã bị từ chối. Chính mình gởi nên mình quá rõ. Ngay thơ Inrasara, gởi cho tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận cũng chịu chung số phận. Tạp chí này luôn ưu ái các bài thơ được viết từ thuở hai mươi, mà không màng đến bài thơ nhiều nỗ lực sáng tạo của mình.
Viết xong bài “Sinh chỉ một lần”, mình gởi ngay cho Văn nghệ Ninh Thuận, Tạp chí này bỏ rơi nó nhưng lại đăng bài lục bát cũ. Khi “Sinh chỉ một lần” được chọn và bình là bài hay trong tháng trên báo Văn nghệ, mình lại gởi lượt nữa, vẫn bị từ chối. Thì làm gì tỉnh nhà có thơ mới và hay?

Mình kết: Theo tôi từ nay Hội ta không phải nói nữa mà hãy LÀM. Nếu không, sang năm chúng ta lại mở cuộc hội thảo bàn về chính vấn đề đặt ra hôm nay nữa cho mà coi.

4. Trà Vigia cũng có tham luận rất oách, với giọng đọc trầm ấm và vang.

5. Nguyên và Trần Nhã Thụy phỏng vấn qua email. Nguyễn Hàng Tình mời cơm trưa lai rai tán chuyện suốt hành trình chữ nghĩa Inrasara: – Để đăng Tuổi trẻ chủ nhật, anh nói. Sáng 15-3, Luân với Trinh qua Khu Sáng tác tiễn mình về Sài Gòn.

Sài Gòn, 17-3-2010.

4 thoughts on “Ghi chép tháng 3-2010

  1. Biết Inrasara đến Đà Lạt để nói chuyện với sinh viên. Mình ao ước giá mà có thể nghe được, thấy được. Xem ghi chép này, mình an ủi phần nào, giống như mình có tham dự buổi đó. Cảm ơn Inrasara đã ghi lại.

  2. Inra làm vậy là đúng đó. Ở Sài Gòn đã có nhiều ông lo rồi. Nếu Inra có điều kiện thì hãy thường xuyên lên Đà Lạt với các cháu. Tôi có cháu học trên đó. Nó nói ở Sài Gòn các bạn nó được này được nọ, còn chúng cháu hả? – Không có gì cả. Buồn lắm, bác à. Nó nói, nghe mà thấy tủi thân. Nó nói, nghe nhà thơ Inrasara lên nó mừng không ngủ được. Chưa gặp Inra mà. Inra tặng sách cho nó có 1 cuốn mà nó điện về cho tôi khoe và cám ơn. Bảo có chữ kí của nhà thơ nổi tiếng nữa đó. Nó còn khoe nhà thơ Inrasara nói chuyện hấp dẫn lắm, bác à. Và rất giản dị, dễ hòa đồng.
    Đừng bỏ mấy cháu ở Đà Lạt, Inra nhé.
    Thân mến. Bạn vong niên của Inra.

  3. Cháu đã đọc được trang ghi chép của cei!
    được cei quan tâm đến sv Đà Lạt, tụi cháu rất hãnh diện và vui mừng lắm cei ạ. Vậy là từ đây tụi cháu đã không bị hổ thẹn là sv rừng rú, sv bị lãng quên nữa rồi. Thấy hoạt động của hội đồng hương sv Sài Gòn đi vào nề nếp, tụi cháu khao khát lắm, nhưng không biết phải làm sao. Khi nghe tin cei lên Đà Lạt và ghé thăm tụi cháu, ai cũng hân hoan đón đợi,nét phấn khởi của những sv bần hàn lộ rõ trên mặt mọi người. Dược nói chuyện với cei, mọi người hiểu thêm một chút về nền văn hoá của mình,đó là một diễm phúc của tụi cháu
    Niềm vinh dự của tụi cháu càng tăng lên nữa nếu được cei quan tâm nhiều hơn và nếu cei nhân lời đề nghị của tụi cháu là đứng ra thành lập hội đồng hương, để tụi cháu được tham gia hoạt động của hội đề ra, và được giao lưu với những sv bạn.
    Cháu biết là người làm nghề như cei sẽ không có thời gian lo những việc vặt vãnh như thế này. Đây là việc nhỏ của cei nhưng là việc rất lớn của tụi cháu, từ lâu lắm rồi tụi cháu có bàn nhưng chưa bao giờ thực hiện được.
    Tương lai sv Đà Lạt trông chờ vào cei!!!
    kính thư cei.

  4. Chau Luan noi dung do. Sara thuong di noi chuyen va chac se ghe cac chau. Sara lam viec rat vo tu. Toi biet Sara da tang sach cho sinh vien Cham gia hon tram trieu. Chi tinh rieng Truong Ca Cham, Sara da tang 800 cuoc cho sinh vien bang 48 trieu dong. Toi o nha que cung co 1 cuon do Sara dong dau Ban gia thap cho ba con Cham. Cac chau vui ve va hoc gioi di.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *