“Chính sự thật ‘nhạy cảm’ nhất, như vụ 7 sinh linh Cham An Nhơn bị giết oan – là sự thật đáng được kể ra nhất, cho các bên làm bài học”.
Tút sáng nay, bạn hỏi, tôi cần có giải đáp thỏa đáng.
[1] Hỏi: Sara cho rằng mình 40 năm [15-55 tuổi] khiếm tốn, hà cớ đột ngột thay đổi, để bị chê là khoe khoang? Có bí ẩn gì ở đây không?
– Đây là câu hỏi vui, và… độc. Bởi nó không sai một li. Tôi khiêm tốn là thật, cứ đọc lại “Bí mật của thất bại-04. Tôi khiêm tốn một cách đáng ghét như thế nào?” sẽ rõ. Mươi năm qua, tôi bị không ít người cho khoe khoang, cũng trúng luôn.
Không có bí ẩn gì cả, mà KỂ SỰ THẬT nhằm đáp ứng thực tiễn Cham, giúp Cham tự thức và chuyển đổi.
[2] Không ít Cham cho rằng Inrasara đầy kinh nghiệm và khôn ngoan, nhà văn quá hiểu câu ‘Non sông dễ đối, bản tính khó dời’, vậy mà ngày qua ngày cứ đòi thay đổi Cham, là sao?
– Bạn chú ý, hiện nay trên youtube xuất hiện vô số video dạy khôn. “Sao gọi im lặng là vàng”, “5 nguyên tắc để tuổi già an yên”, “Thay đổi mình là trí, thay đổi người là ngu”… Tất cả chỉ là thử khôn lỏi, khôn cho mình.
Tôi khác. Hoàn cảnh Cham và Việt Nam, tôi được cho là kẻ thành công, ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh, sau mấy chục năm dấn thân giải quyết chuyện cộng đồng, tôi tích lũy vô số kinh nghiệm, thành và bại.
Tôi cần kể chúng ra, làm bài học cho mọi người. Đó là thái độ của Bồ tát. Kẻ tu hành đã bước qua bên kia sông, từ chối “khôn ngoan” để an yên, hắn tự nguyện quay trở lại bờ, thực hiện hạnh pháp thí – cứu độ chúng sanh.
[3] Độ người trong nhà trước không hay hơn sao?
– Mặt trời chiếu ánh sáng xuống mặt đất, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, sang hèn. Nó chiếu sáng, thế thôi – Nietzsche ví von thế.
Tôi nói trong nhà, nói ở diễn đàn, và mươi năm qua – viết trên facebook. Tôi kể sự thật, phân tích sự thể, rút ra bài học. Ai có tai thì nghe.
[4] Sara không sợ mất lòng hay nguy hiểm đến mình sao?
– Nhà văn không cho phép mình né tránh sự thật nào bất kì. Hai ví dụ:
Dùng cụm từ “dưới đáy xã hội” để bàn về một sự thể, có nick nghĩ tôi ám chỉ kẻ đã khuất, nặng lời với tôi. Tôi nói, Sara quan hệ rất nhiều người, thuộc nhiều dân tộc và thành phần khác nhau, ở đó không ít “con tương cận” – bạn biết một ai đó rồi đoán mò. Chớ tôi dại gì đi nói xấu người đã chết!
Về mình, tôi còn xài cụm từ “mạng cùi Chàm”, lẽ nào tôi miệt thị chính tôi?
Hồi năm 1954, 7 sinh linh Cham bị người của Việt Minh giết, oan không biết kêu ai. Lỗi không phải ở tổ chức, mà do hai anh em nằm vùng ăn chặn tiền thuế, đã giết người diệt khẩu.
Thầy Nguyễn Văn Tỷ biết, hứa sẽ kể lại, cất kĩ cho con cháu làm bài học về sau. Tôi nói, sao không bây giờ mà phải sau này? Thế là tôi kể [năm 2017], kể ngay – qua đó vừa hóa giải sân hận, vừa được 3 cái lợi:
Cho Cham biết sự thật, nếu sai có thể đính chính; cho tổ chức hiểu để rút kinh nghiệm về dùng người; và cho anh chị em Cham hôm nay có được bài học khôn ngoan.
[5] Như vậy nếu không thay đổi góc nhìn, cách làm của Sara dễ bị ngộ nhận, không phải sao?
– Ngộ nhận, đã – và nhiều nữa là khác. Không có gì trầm trọng cả! Câu chuyện lan tỏa ra, được vài người hiểu và đón nhận, đã là quý rồi.