Nghĩ-71. CŨNG TỪ YẾU ĐUỐI TINH THẦN MÀ RA

Được khen, thích thì có thích nhưng tôi ít nghĩ đến nó hơn bị chê. Bị chê, tôi không phản ứng mà suy tư và liên tưởng sâu, xa hơn, về cấu trúc tâm lí con người. Xin tuần tự…

[1] Anh Chi: “cách phê bình của anh [Inrasara] dễ khiến người đọc cảm thấy bị coi thường… anh tỏ ra coi thường công chúng mỹ thuật ta!” (Nhân dân Cuối tuần, số 23-2013).

– Như thể tôi từ đất nước ất ơ nào đó ghé qua phê bình thơ Việt Nam… ta!

[2] Đỗ Hoàng: “ba lần trao giải cao cho Inrasara là Hội Nhà văn Việt Nam tát vào Đại Việt ông cha ta!” (Blog dohoang, 22-12-2013).

– Hà cớ mãi hôm nay mà còn bám vào Đại Việt… ta?

– Và làm như Inrasara còn thuộc về đất nước Champa NÓ xa lơ xa lắc!

[3] Sakaya: “Đảng ta đã đào tạo nhiều nhà văn, nhà thơ Chăm” (Văn hóa Chăm, nghiên cứu và phê bình t-1, Nxb Phụ Nữ, 2010).

– Đảng chưa đào tạo một, nói chi “nhiều” hén?

– Sao không là Đảng, mà phải “Đảng ta”? Nói vậy khác chi đẩy “nhiều nhà văn Cham” về một phía, còn mình ở phía “Đảng ta”!

[4] Bài “Chú giải ngắn về văn chương vỉa hè Sài Gòn” (Tienve.org, 19-8-2011), vài bạn thơ vỉa hè Sài Gòn bình luận: Rằng hay thì thật là hay, nhưng Inrasara có phải dân vỉa hè đâu mà lên tiếng bênh vực văn chương vỉa hè!

– Mèng ôi, kêu vậy thì tôi không được quyền bênh thổ dân Úc, vì tôi không phải… thổ dân!

[5] Trích “Chuyện buồn [hết] cười [nổi]”:

Năm 2007, bài “Văn chương mạng” được báo Văn nghệ, 19-5-2007 với mấy sửa đổi tệ hại. Đòi bộ phận biên tập đính chính, im lặng, tôi buộc tự giải minh trên Tienve. Sau đó, qua trao đổi thư điện tử, tôi nói:

– Nếu bài không hợp thì không đăng, còn khi “biên tập”, báo cần tôi đồng ý chứ.

Bị đẩy vào thế kẹt, nhà văn Lã Thanh Tùng “thở dài”:

– Chúng tôi cứ tưởng anh Inrasara là “người nhà” của báo.

Cho là người nhà, thế nên tùy nghi, – tính tập thể rất cao!

Nghĩ.

Con người là sinh thể mỏng manh, yếu đuối. Nhanh nhẹn không, bay cao nhảy xa không, nanh vuốt đáng gờm không, nọc độc cũng không, nghĩa là chẳng có ngón độc nào hơn thiên hạ để gọi là tự vệ. May, tạo hóa ban cho loài này trí tuệ.

Thế nên từ nếp sống bầy đàn, các cá thể loài biết và dám tách ra sống biệt lập, ngang tàng một cõi, bất cần cộng đồng. Ở đó, đạo sĩ là một. Nhà tư tưởng, nhà văn nữa.

Dẫu thế nào, loài người vẫn cứ yếu đuối. Bởi yếu đuối tâm hồn, nhiều nhà văn không dám khẳng định TÔI mà bám vào TA. Kẹt là vậy!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *