Bắc tiến-21. YÊU TẬN CÙNG

Gợi ý cho công trình “Dấu vết Cham ở đất Bắc”, công trình khả thể làm thay đổi cách nhìn của cộng đồng người trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp và đau khổ này. 15 năm qua đi vẫn chưa thấy ai nhập cuộc. Tôi đặt câu hỏi: “Yêu chưa đủ chăng?”, một bạn phản hồi, do bởi tại vì này nọ. Tôi nói: không!

Trước tôi, văn học Cham chưa được biết đến nhiều, chưa có công trình gọi là nào ra đời, đây đó chỉ là những mảnh, vài tác phẩm lẻ… ấn hành với số lượng cực khiêm tốn. Nếu tôi cũng viện lí do nọ kia, thì hôm nay làm gì có bộ Văn học Cham đầy đặn và dày dặn.

Khi ấy, tôi tuổi 15 – túi không, tay không nhưng hồn đầy chất ngất.

Đâu chỉ mỗi thứ ấy, mà nhiều món khác nữa [đã kể]. Đang ngon trớn, mỗi bận tôi chuyển giao là mỗi bận chúng tắt! Đó là bạn yêu cái gì khác, chứ không phải yêu chính nó, hết mình cho nó.

Tôi thì khác.

Trước vấn đề, sự việc nào bất kì: Nhìn toàn cảnh, biết cụ thể và chi tiết, yêu tận cùng và làm tới cùng. Như Dostoievski: “Suốt đời tôi không làm gì hơn là đấy tới cùng cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa. Và các vị cho như thế là khôn ngoan…”.

Làm nửa chừng rồi bỏ, là dấu hiệu của một tâm hồn yếu đuối, không hơn. Tắt một lời: Yêu không đủ sâu, đủ mạnh.

Như mươi năm qua, sau trận trận giú mình trong bóng tối vô danh tu và hành đạo Thơ, tôi lên diễn đàn các loài ở mọi nơi, để truyền đạo Thơ.

“Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”, hệt… Khổng Tử!

Yêu, có nghĩa là rời bỏ, cắt đứt mọi rườm rà, mọi vướng bận…

Đại học, bỏ. Biên chế, bỏ. Tiền bạc hay danh vọng, bỏ! … để đuổi theo, mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy hoạn nạn cũng vượt qua.

Tôi thơ từ cấp Tiểu học sang Trung học lên tận Đại học. Cộng Hòa đổ Cộng Sản lên, tôi thơ. Bạn bè quanh mình vứt bỏ thơ, tôi thơ. Tiếng Cham, tiếng Việt, và cả tiếng Pháp. Từ cơm độn sang bao cấp cho đến kinh tế thị trường, tôi thơ. Cày ruộng, làm rau muống qua mở quán tạp hóa nhà quê đến thành lập Cty tại Sài Gòn, tôi vẫn thơ. Độc thân hay vợ con đùm đề, còn vô danh hoặc đã nổi tiếng, tôi chưa nửa lần rời bỏ thơ.

Đọc thơ, làm thơ, in và bán thơ, nghiên cứu các trào lưu thơ, phê bình thơ, tổ chức ra mắt thơ hay thuyết về thơ. Ăn ngủ, sáng chiều tối, thu sang đông về cũng thơ. Đau khổ tím người hay hân hoan ngây ngất vãn cứ thơ.

Với văn hóa Cham cũng hệt, tôi không nghiên cứu với khai thác [tôi có tút: “Làm nhà nghiên cứu là một tai nạn”], mà lặn sâu trong nó, rồi từ giữa lòng nền văn hóa ấy, bước ra, làm một Cham-Storyteller kể câu chuyện Cham với thế giới. Tâm hồn con người Cham và tinh thần văn hóa Cham…

Yêu, có nghĩa là cả đời và hết mình: đọc, đi, viết và nói về…

Bạn có dám không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *