Nguyễn Đức Sơn:
”Giữa trưa nằm nghĩ quanh
Thấy đời sao muốn chửi
Ngẫm một kiếp qua nhanh
Buồn buồn móc đít ngửi”
“Ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư” – Chủ tịch Hoa Sen Group Lê Phước Vũ đã kêu như vậy tại đại hội cổ đông, về Dự án Thép Cà Ná.
Tinh thần quý tộc, ba câu hỏi cốt tủy: Thế nào là tinh thần quý tộc? Đâu là môi trường cho quý tộc? Và tinh thần ấy biểu hiện ở đời thường ra sao?
Truyền thống nào bất kì đều cần đến sự trui rèn trì trì tuần tự nhi tiến, qua sàng lọc của bộ máy thời gian và con mắt người đời. Tinh thần quý tộc không khác, nó cần đến độ sâu và dài – ở cá nhân, gia đình và tầng lớp.
Tục ngữ Việt: “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”
– Không sai, bởi ca dao:
“Con vua thì được làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Bao giờ trời nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa”.
Khác với phương Tây, môi trường Việt Nam không có và không tạo độ sâu, dài cho truyền thống quý tộc. Thế nên đòi hỏi nẩy nòi dòng họ, tầng lớp hay cá nhân có tinh thần quý tộc, là khó.
Chiến tranh loạn lạc, kẻ thiên tài từ tầng lớp “áo vải cờ đào” nổi lên dựng triều đại mới, kéo dài không lâu thì đổ. Chuyến đi kinh lí, nhác thấy bóng xinh xắn cô gái quê ngoài nương, nhà vua cưới về làm thiếp, sinh con đẻ cháu. Trăm năm sau, tầng lớp ưu tú chưa hình thành thì triều đại sụp đổ. Cứ thế…
Cham hơi khác.
Triều đại này đổ triều đại khác lên thay, là quy luật lịch sử – khó tránh. Tuy nhiên ở Cham tập cấp Bà-la-môn vẫn tồn tại, trên thượng tầng tổ chức xã hội. Nỗi này có thể sai lầm ở đâu đó, điều được nhất là tầng lớp quý tộc luôn truyền thừa xuyên thế hệ.
Nơi đó, tinh thần quý tộc có mặt.
CEO nhà sở hữu vạn lạng vàng, thể thân váy áo hàng hiệu mà ăn nói thô tục, thì không thể là quý tộc rồi. Quan tham ăn của dân không từ thứ gì, ở biệt thự, đi xe sang, đến lúc đứng trước vành móng ngựa lại khóc lóc nước mắt nước mũi bét nhè, thì còn dưới cả đẳng “paria”.
Ở đời thường thì thế nào?
Sáng mở mắt, ngó quanh, có quá ít những thân hình khỏe khoắn tập thể dục, quá ít tiếng cười sáng trong, quá ít sinh linh thả bước thưởng hoa dọc đường. Ngày qua ngày, có quá nhiều tiếng nói cười hô hố hết “thằng” đến “con mẹ”, bàn tiệc ê hề thức ăn với những dzô dzô dzô, bạt ngàn lời tâng bốc đẹp một cách giả dối với hành xử tục tằn, thô lỗ.
Làm sao để cho người, đời bớt tục? Tôi tin tưởng vào cá nhân.
“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” – hô vậy thì cao quá. Vài câu hỏi đơn giản hơn đặt ra: Khi có tiền, thứ tiền dễ kiếm, bạn làm gì? Khi có quyền bính trong tay, bạn hành xử với thuộc cấp ra sao? Lúc thất thế, hoặc rơi vào vòng túng quẫn, cùng cực; khi ở chỗ không có ai, hay lúc đơn độc, thái độ bạn thế nào?
Đó chính là thách thức như lửa thử vàng cho Tinh thần quý tộc.
Tháng 4-1975, vừa làm bài thi văn xong, chiếc Jeep an ninh tỉnh xộc vào trường đỗ xịch trước phòng hiệu trưởng. Tôi và Hiển bị kêu tới, “hai đứa ở lại làm liên lạc cho Fulro” – thầy Tỷ bảo, họ nghi vậy. Lúc ấy hơn 300 sinh linh Chàm ào lên núi, và đang bị vây trên đó.
Lên xe, hai tôi bị đẩy vào phòng biệt giam riêng. Trưa, qua phòng ăn, nhìn xoon cơm với tô thịt chó thừa, tôi ngồi ngó, không động đũa. Một anh đi tới, tôi nói: Cho tôi xin cơm trắng với chén mắm không. Rồi mầy phải ăn, anh nói, bỏ đi. Mãi lát sau, có chị mang cơm tới.
Tôi gọi đó là phong thái quý tộc: không dùng đồ thừa.
Cha tôi nông dân vô sản toàn phần – con của một thầy cao đạo, một chữ quốc ngữ không biết, vẫn hành xử rất ư là quý tộc. Từ nếp ăn, ngủ, cho đến ngôn từ. Để nuôi anh em tôi ăn học, mẹ thuê 2-3 lượt “đứa chăn trâu”. Trước khi bới cơm cho cả nhà dùng, cha luôn kêu mẹ chia phần trước cho “người ở”, đậy lại cẩn thận.
Đó là hành xử quý tộc, ngay cấp độ đời thường.
Quý tộc ấy được dưỡng nuôi qua tinh thần Bà-la-môn, từ ngàn năm – sót lại.