“Hãy yêu hãy yêu như ta chưa từng
đứa con đi xa bỏ hoang làng mạc
mang bụi đất quê hương về miền xứ khác
Và hãy yêu hơn con người chân chất
sống một đời ôm mang đất – phù du”
Đoản thơ trong trường ca “Quê hương” viết ở tuổi 20, in Tháp nắng-1996. Vậy đó, hiểu thì không thể ghét được!
“Tôi coi mỗi Cham như là sinh linh sống sót đầy thương cảm”, bạn hỏi: Sara nói thế, có phải thái độ kẻ từ trên ngó xuống? Tôi nói – không, từ trong lòng cộng đồng Cham, hiểu và nói ra…
Mùa xuân 2014, từ Sài Gòn về ngồi cùng bằng hữu lai rai, một bạn thơ kêu: Kiến thức thì Sara nhà ta bát ngát, chớ thực tiễn đời sống Cham e hơi thiếu. Lúc đó khoảng 3g chiều, tôi hỏi:
– Chớ các bạn tính chơi đến khi nào tan ca?
– 7g là vừa, còn hứng thì tới bến
– Yut biết không, tôi nói – trong khi các bạn bám bàn nhậu, mình đến gặp 3-4 cộng đồng nhỏ khác nhau. Hỏi chớ ai thực tiễn Cham hơn?
Chuyện như đùa! Tôi giảng giải thêm, này nhé…
Ta cùng lò Pô-Klong, hỏi chớ sau ‘giải phóng’, có ai đến gặp quý thầy, Cham lẫn Việt: Thầy Phụng, thầy Ngậc, thầy Lộc, thầy Tâm họa [tức nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh]…?
Trong các bạn, có ai thâm nhập cuộc sống các khu trọ của công nhân Cham ở Bình Dương, Đồng Nai? Có ai ghé các cháu thiếu nhi trong các dịp Trung thu? Rồi các vị chức sắc ‘Halau janưng’ cả Ahiêr lẫn Awal?…
Các điểm nóng sinh hoạt chữ nghĩa Cham, từ ‘Akhar thrah’ đến biên soạn Từ điển? Ngay chuyện nghiên cứu thôi, Sara đâu thuần dân sách vở chúi mũi vào mớ mốc bụi dĩ vãng, mà đi vào lòng Cham để kể câu chuyện Cham ra thế giới.
Nữa, kẻ chủ biên và điều hành đặc san Tagalau kéo dài suốt 15 năm, hỏi chớ hắn làm quái gì để phải thiếu thực tiễn đời sống Cham? – Không hiểu luôn.
Cuối [chưa hẳn là] cùng, lên tiếng mênh mông vụ Cham từ nhỏ đến lớn, như: Đạo Bà-ni. Điện hạt nhân, Ghur Raneh… chớ ổng trốn ở đâu để biết mà nói, nếu không nhập cuộc vào dân tộc mình?
Nói nào ngay, ở đó tôi gặp vô số trí thức và công chúng từ Cham đến Việt, từ dân tộc thiểu số đến đa số, từ trong nước đến người nước ngoài. Để biết bà con Cham hiểu Cham và vấn đề Cham thế nào, người ngoài nhìn Cham ra sao.
Hiểu thì càng yêu hơn.
Trở lại suy tưởng trên: “Tôi coi mỗi Cham như là sinh linh sống sót đầy thương cảm”, là từ trong lòng Cham nói lên, là thế.
Năm 1998 ở hội thảo trên Ban Mê, nhà báo hỏi tôi: Anh khai thác được gì ở văn hóa Cham? Hỏi, làm như văn hóa Cham là xác trâu cho diều hâu tôi sà đến rỉa rúc, trục lợi. Tôi nói, tôi không khai thác mà ngụp lặn và lớn dậy từ giữa lòng nền văn hóa ấy, để bày nó ra và để sáng tạo cái mới (“Đi tìm chân dung văn học Cham”, 1998).