Katê năm ngoái, bà chị ở xa, sau buổi gặp mặt, biếu tôi tờ 100usd. Lưỡng lự vài giây, tôi nhận. Bởi dù cho không “nguyên do chánh đáng”, tôi không thể từ chối tấm lòng bà chị. Karun!
Nhận đã khó, cách cho còn khó hơn, biết tạ ơn dù giản đơn lại là chuyện khó nhất.
1. Năm 2016, tôi tặng 3.000 cuốn Thả diều Xứ nắng cho sinh viên phát hành đến các trường Tiểu học ở quê nhà, để các em có tiền xài đỡ. 2.000đ/ cuốn, rẻ như cho. Lẽ nào cho, có mua các cháu mới biết giá trị đồng tiền, từ đó cố gắng… đọc. Tôi cũng không trực tiếp cho nữa, mà biếu qua tay sinh viên.
Thầy cô các nơi vui cả trời, 12 câu chuyện trong sách người lớn đọc cũng khoái. Dẫu sao nơi ấy đã xảy đến 1 cá biệt. Hiệu trưởng kia không mua mà còn gửi lời cho gió bay tới tôi:
– Nhà văn giàu với nổi tiếng như thế kia mà viết sách bán cho trẻ con Cham nghèo.
Tưởng làm ơn lại thành… mang tiếng!
2. Tôi cho đi nhiều, mà nhận về cũng lắm.
Tôi hiếm khi xin, bởi không thích mang nợ ai.
Năm 1995 ông anh họ bên vợ, sau khi được tôi kí tặng công trình đầu tay Văn học Cham khái luận, khoái quá kêu: “Cuốn sau, tao cho mầy tiền in luôn”. Nhớ lời, năm sau tôi và Hani lên xe đò xuống anh ở Vũng Tàu, anh đãi chúng tôi bữa ăn rồi lì xì tiền xe về! Tôi ngắc Hani, mẹ nó đừng nhắc thêm.
Nữa, năm 2005 đứa cháu cùng quê mời tôi cà-phê Dấu Ấn ở Sài Gòn, nổi hứng hô: “Chú làm cái gì thật lớn đi, cháu tài trợ”. Dù lúc này đã thoát nghèo, nhớ “kỉ niệm xưa”, tôi mời cà-phê cũng chốn ấy, nó bảo: “Ôi, nếu chú nói sớm thì hay quá, cháu vừa tài trợ cho anh D 10 bộ trống ginang rồi”. Sau tôi gặp D, không có – 2 lần xạo!
Chừa hôn?
Tôi làm, ai thấy hay thì cho. Nhận, hầu hết là cho công việc chung, ở đó tôi nói lời cảm ơn, hoặc ghi trang trọng vào trang đầu [Tagalau, hay tác phẩm riêng].
Cũng có người biếu riêng, nếu VÔ TƯ tôi mới nhận. Như ông anh Cham, hay ông bạn thơ già ở Anh quốc tôi chưa hề gặp mặt. Tôi nhận và nói karun!
3. Tôi cho đi
Năm 2002 ra Hà Nội công tác, để kỉ niệm người thầy vui tuổi già, tôi hỏi thầy thích gì, thầy bảo “bồ câu”. Thế là tôi tặng cái chuồng cu đẹp cùng 10 cặp bồ câu giống. Hiện chúng sống thọ, sinh con đàn cháu đống.
Ở quê, yut đang hiệu phó Trường cấp II ngon lành, tôi thuyết yut chuyển cơ quan để có điều kiện giúp Cham. Yut khó khăn, tôi hỏi nhu cầu, yut nói và tôi biếu vợ yut bàn máy may với mấy lỉnh kỉnh khác. Yut ừ, cảm ơn và hai tôi tốt lành đến ngày yut về với ông bà.
Cũng ở quê, năm 1999, buổi tối qua chơi nhà bạn không thấy con đâu, hỏi ra mới biết cả hai qua láng giềng xem ké tivi trắng đen. Tôi nói, mai yut xuống Phan Rang rinh cái màu về đi, nhiêu mình trả. Ba năm sau, yut thèm cừu, tôi biếu luôn cặp cừu mẹ. Thế rồi một buổi chiều…
Năm 2006, chúng tôi ghé nhà một người bạn lai rai. Lại yut ấy, xin hai bộ sách cho con nhập học [trong khi vợ chồng đều giáo viên cấp II lương đủ đầy], dù biết yut có tâm tham, tôi vẫn cho. Tôi về trước, sáng sớm lên xe đò vào Sài Gòn, tôi phon hỏi thăm tối qua cuộc chiến tới đâu thì được một bạn cho biết: Tiền ông cho hắn đã chơi hết luôn rồi.
Và tôi cắt từ đó, rồi cũng từ đó nẩy ra chiến dịch xuyên tạc… Inrasara [Hay do tôi không biết cho chăng?]
“Tạ ơn làm cho ta lớn lên”, tôi không muốn dùng từ vô ơn, mà là ở đây sinh linh ấy không muốn lớn – chịu!