Hành trình Cham-31. TÔN GIÁO AHIÊR AWAL & HUYỀN NGHĨA CỦA KINH

[& Những kiêng kị]

Agal’ Kinh cần ẩn mật; mang Kinh ra giảng nghĩa đen thì mất hết huyền nghĩa của Kinh, – Kim Định nói đại ý thế.

Khi đọc qua bản dịch Kinh Awal chép tay tôi đưa cho, một vị Imưm buồn bã nói: Vậy thì còn gì là huyền bí nữa!

Đúng!

Kinh Awal là các trích đoạn nguyên văn từ ‘Kura-ưn’ (Kinh Qu’ran) được ‘Halau janưng’ tụng đọc phụng sự cho các lễ nghi khác nhau. Trước đây, tụng đọc mà không phải hiểu nghĩa, các vị nghĩ đó là huyền ngữ cao siêu bất khả nắm bắt. Nay, đã có người hiểu và dịch ra nghĩa tiếng Việt, thì còn đâu huyền bí. Tính linh thiêng của Kinh mất trơn trọi rồi còn gì…

Bên Cham Ahiêr thì càng.

Nhớ, truyền thống Ấn Độ có 4 loại Kinh, trong đó Kinh Rừng là tuyệt mật(1). Ngay Kinh Bà-la-môn hiện nay các ‘Halau janưng’ ‘Ahiêr đang sử dụng – dù không phải trích nguyên văn mà chỉ vay mượn đoản văn, ngữ hay từ để sáng tạo Kinh cho riêng mình, cũng đầy ẩn mật. Bí mật, và kiêng kị.  

Tạm nêu hai điều kiệng kị.

Cấp ‘Tapah

[hay ‘Baic’]

chỉ qua lục thập mới được phong. Cấp ‘Paxêh’ ông mới là học trò học Đạo. Chỉ sau hai phần ba đời người, khi ông đã kinh qua mọi hỉ nộ ái ố, tham sân si cõi trần, ông mới được lên ‘Tapah’ – làm một đạo sĩ thực thụ. 

Lảng vảng ham hố lên sớm, ông bị đọa không kịp đỡ.

Agal’ Kinh các loại không được lấy ra tụng đọc tùy tiện hay đem cho mang tính đổi chác đời thường, gặp nạn thì chớ có kêu. Đã có sinh linh và chính người cho bị, để chịu tiếng ‘patat’ quở của miệng lưỡi người đời.

Chú ý, ‘Agal’ Kinh Ahiêr có thể phân làm hai loại chính: Kinh thiêng trong đó có ‘Agal praung’ Đại bộ kinh và ‘Agal Buh bit’ là tối kị, mang ra khỏi ‘Baganraic’ (rương cất dụng cụ hành đạo của ‘Adhya’) còn chưa được, huống hồ. Riêng Kinh đời. gồm các loại kinh như ‘Baic Balih’, do bận việc đạo, chức sắc ‘Ahiêr’ tạm chuyển giao cho ‘Gru Urang/ Adam’ (thầy pháp) hành sự, thì có thể.

Hiểu bao nỗi đó, sau hơn hai năm ròng – dù có làm xong công trình Kinh Agal Ahiêr, và dẫu có ngang bướng tới đâu, tôi chỉ có thể in ra vài bản để các vị ‘Halau janưng’ và những người quan tâm với tâm sạch tham khảo. 

Dẫu sao để bà con Cham có cái nhìn khái quát, tôi đã dịch và đưa ra một phần Kinh Tẩy trần và Kinh Cấm, còn lại – xin cho  ‘Agal’ Kinh được giữ lại trong chân trời ẩn mật và huyền nhiệm của nó.

Heleh!

_____

(1) Kinh Rừng được cho là bí mật của bí mật. Ông Phok Dhar Cơk ông họ nội tôi dường là nhân vật duy nhất trong Cham dụng Kinh này. Tôi đã viết nhiều bài/ doản thi về ông. Tiếc, ông đã đi, và mang cả một “niềm bí mật câm” theo mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *