Minh triết Cham-16. HUYỀN NGHĨA CỦA CHẤP NHẬN

Có nước da hơi sáng – em chối mình là Cham

mới ít tháng tha phương – anh không nhận Việt Nam

vì tự trọng – Karl Jaspers không cho mình người Đức

Henry Miller chối từ Mĩ – bởi chán ghét chiến tranh

giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực

                     (“Ngụ ngôn của Đất”, Tháp nắng, 1996)

Ông Glơng Anak đã không vượt biên.

Như bao sinh linh Cham khác, đại khủng hoảng xảy tới, ông cũng bỏ đi, được nửa chừng ông quay trở lại. Chấp nhận sự tủi nhục của con dân mất nước, nhận phận kẻ cùng khổ, để được sống giữa lòng dân tộc. Cưu mang dân tộc vào lòng mình.

Để làm gì? – Cứu sống cả một dân tộc!

Nhưng rồi, sau non 200 năm lầm lụi, hôm nay các sinh linh sống sót và khôn lớn đó làm gì? – Không ít kẻ rời bỏ ông, phản bội sự hi sinh trời biển của ông, quay lưng lại với tình tự dân tộc.

Ông trở về với nỗi cô đơn thăm thẳm của một trí thức, như định mệnh ông buộc phải thế. Buồn không? Có giọt nước mắt nào nhỏ xuống trên trang thơ mỏng manh kia không?

Hiểu mệnh, và yêu mệnh – không thể khác.

Minh triết Cham dạy tôi biết tôi là Cham…

Khi tôi nhận biết tôi là Cham sinh tại Chakleng trong đất nước Việt Nam sống bập bênh giữa hai thế kỉ XX và thế kỉ XXI, tôi chấp nhận định phận tôi, từ đó tôi dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Tôi trụ lại quê bám đất bám ruộng hay tôi lang thang khắp tỉnh thành buôn bán kiếm tiền, tôi lên vùng cao dạy học hay tôi vào thị xã mở phòng mạch, tôi lên tiếng về các vấn đề xã hội hay tôi phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ cùng tồn tại, phát triển công bằng và lành mạnh, tôi làm thơ tiếng Việt hay tôi miệt mài nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Cham để níu nó ở lại với trời đất.

Dù tôi biết chắc nó sẽ tiêu mất vào một tương lai vô định nào đó, tôi vẫn hết mình. Nỗ lực và hết mình mà không để cho bị cầm tù trong thế giới vây quanh. Nói cùng thể cách: Hành động trong chân trời khả thể thì cách biệt cả vực thẳm với “hoạt động trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép”. Hành động trong chân trời khả thể nghĩa là tự do khỏi mọi giới hạn.

Tôi thường trực tự thức sự thể. Tự thức, tôi hết bám vào các công trình hay sự nghiệp, học vị hay chức vị, quốc gia hay quốc tế, ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, ranh giới địa lí hay biên giới tinh thần, thôi còn đồng hóa tôi với chúng. Đồng hóa, không mục đích gì hơn làm trương nở tối đa cái tôi với tính cách là chủ thể tính. Cái tôi này xung đột với [những] cái tôi khác gây bạo động và đau khổ. Tự thức, tôi hành động và tự do như là một cư lưu đầy thơ mộng.

Do đó, dù tôi khai sinh Cham, tôi vẫn vô ngại với các dân tộc trên đất nước hình cong chữ S này. Tôi là Việt Nam, trong tôi vẫn có cả thế giới. Dù trên vai nặng trách nhiệm, hay cho dù tôi có lưng vốn công trình, nhưng…

Đầy tràn công danh sự nghiệp

nhưng con người cư lưu đầy thơ mộng trên mặt đất này

(Full of merit,

yet poetically, man dwells on this earth.)

                                    (Hoelderlin)

Và nhất là, dù tôi gắn mình với “mặt đất trầm trọng và đau thương”, tôi vẫn có thể nhẹ nhõm vẫy tay giã từ tất cả lúc nào bất kì. Hành động trong chân trời khả thể và tự do là cư lưu thơ mộng. Một cư lưu đầy trách nhiệm mà vẫn sẵn sàng lên đường đi mất.

(Minh triết Cham-2011) 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *