HUYỀN NGHĨA CỦA CHẤP NHẬN 1-4

Con không thể chọn làm đứa con Tổng thống Pháp hay cháu đích tôn Quốc vương Brunei

con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mỹ quốc

con là Cham ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc

(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)

khi con cắm rễ nơi đây

hay khi con lang bạt tận cùng trời

con cứ là Cham cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.

Tháp nắng-1996.

Huyền nghĩa của chấp nhận-2. TINH THẦN PANGDURANGGA

Pangdurangga là khu vực địa lí lịch sử cực nam trong bốn khu vực thuộc vương quốc Champa. Suốt chiều dài lịch sử đầy biến động, khu vực này luôn chịu thiệt. Về mọi mặt. Xa trung tâm văn hóa lớn là vùng Amaravati thời Champa hưng thịnh, nó ít được ưu ái; không biết bao lần bị quân Khmer xâm lăng mà nó phải đơn thương chống cự, rồi sau đó khi vương quốc suy yếu, một mình Pangdurangga phải chịu trận để thay mặt cả dân tộc mà tồn tại.

Tồn tại theo đúng tính cách của người Pangdurangga.

Vị trí địa lí cùng hoàn cảnh sống buộc Pangdurangga tự trang bị tinh thần độc lập. Tinh thần độc lập cùng sự đề kháng được rèn từ thế hệ này sang khác làm nên sức chịu đựng đến lì lợm. Chẳng ngạc nhiên khi không ít lần nó gây phiền hà cho chính triều đình trung ương. Một đoạn trên bia kí dựng trên đồi tháp Po Klaung Girai vào giữa thế kỉ XI (Claude Jacques):

… vì người ở vùng Pangdurangga này ngang bướng, ngu ngốc, hung ác luôn chống lại hoàng đế tối cao. Cuối cùng ngài phải thân chinh đến. Những kẻ chống đối muốn tôn người Pangdurangga lên ngôi vua. Nhưng bằng trí thông minh khôn khéo của mình, ngài đã chinh phục được tất cả…

Lạ, chính sự “ngu ngốc, ngang bướng” đó đã trui rèn Pangdurangga để nó được là chính nó. Thế nên, thế kỉ XVII-XVIII, khi Chúa Nguyễn cai quản phần phía nam và Tây Sơn thống ngự phần đất phía bắc Pangdurangga, Cham vẫn trụ vững. Hai nhà đã phải dành cho người Cham khu vực quyền tự quản và tự quyết. Rồi khi Gia Long thống nhất đất nước, Cham vẫn phần nào còn làm chủ mảnh đất quê hương mình, mãi khi Minh Mạng quyết định hủy bỏ quy chế tự trị của Champa vào năm 1832, Champa mới mất hẳn (P-B. Lafont).

Khởi nghĩa và bị càn quét. Chết chóc và chạy loạn đến không còn sinh linh nào trụ lại. Pangdurangga vẫn thở, dưỡng nuôi mầm sống chờ đợi đứa con của Đất trở về.

Trở về, chịu đựng và dung nạp mọi cư dân các nơi khác chạy loạn thiên di tới, thổi vào họ tinh thần Pangdurangga tạo nên một cộng đồng cố kết, vừa đậm chất dân tộc vừa mang đặc trưng vùng miền. Quyết liệt và bao dung, ngang bướng mà vẫn nhún nhường, chính người Pangdurangga đã hóa giải và hòa giải hai tôn giáo từng đối kháng là Ấn Độ giáo và Islam để tạo nên “đạo Bà-ni” (Cam Awal) có một không hai trong lịch sử loài người.

… Nhớ, năm 1908, Cham Ninh Thuận vỏn vẹn 6.000 người, để đúng một thế kỉ sau, con số tăng gấp 12 lần: hơn 72.000 người.

Đói khát, Cham vẫn làm lễ, đủ loại lễ hội. Đau khổ, Cham vẫn ca hát, nhảy múa và làm thơ – mênh mông thơ được viết ra trong giai đoạn này. Chưa qua kĩ thuật in ấn, ông bà chép truyền tay nhau thứ chữ “con giun” đầy mĩ thuật. Sống xen cư và cộng cư với người Việt, sinh linh Cham nhanh chóng hòa đồng nhưng chưa bao giờ đánh mất tính cách Pangdurangga cũng như bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc.

[1] Bia kí Đá Chẻ Patuw Tablah, và

[2] Xe trâu biểu tượng tinh thần Pangdurangga]

Huyền nghĩa của chấp nhận-3. KHỔ

Henry Miller: Tiếng run rẩy đầu tiên hắn đặt vào trang giấy, là tiếng của một thiên thần bị thương: ĐAU KHỔ.

… Ai đang đi kia?

Băng cánh đồng khô chân trần hối hả

Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ

Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?

Ai đang bước kia?

Quẩy lúa bó ướt nhèm đang vượt lội

Bờ vùng thì trơn mà sân hợp tác thì xa

[Đường nội đồng vỡ toang trong cơn lũ đêm qua]

Ôi hai vai tuổi đôi mươi đã sớm sần chai lằn đòn gánh

Tóc em nước mưa chưa khô mà lưng em mồ hôi đã đẫm

Có kịp không, cho mơ ước lớn khôn?

Ai đang đi kia?

Gói khăn dằn lên lưng gùi qua đất Thượng

Chàm mình nghèo mà Thượng có giàu đâu

Nhưng đã đi thì phải quến nhau

Có kịp không, với vòng xoay công nơ?

Và ai đi kia?

Ciet gha harơk lên vai đổ xô đất lạ

Hành nghề thầy lang dạo cùng quê khắp chợ

Mình cầu hên còn ai phải gặp xui?

Sẽ có kịp không, cho lương tri hóa thể?

                    (Trường ca “Quê hương”, Tháp nắng, 1996)             

Huyền nghĩa của chấp nhận-4. NỖI THÈM KHÁT BẤT TỬ BỆNH HOẠN

Con người thèm khát được biết đến, được công nhận. Càng nhiều càng tốt, càng rộng càng dài lâu càng khoái. Dài lâu đến bất tử mới tuyệt đỉnh vinh quang.

Không gì đáng trách cả, phiền là khi sự thể được nâng lên, đẩy tới thành thứ bệnh khó chữa trị.

Chuyện các vị vua Champa bòn rút ngân sách quốc gia dựng lên cụm tháp gắn tên mình vào, tôi đã bàn, không nhắc lại. Ngay cái tổ chức bé nhỏ hay cá thể mỏng mảnh cũng thèm khát nổi tiếng, bất tử.

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam xài tiền dân hơn 20 tỉ làm bộ Sử thi 64 quyển đóng gáy dày cộm, là điển hình. Hỏi chớ 64 quyển kia có mặt trong các tủ sách gia đình bà con Tây nguyên không? – Tuyệt không! Chúng được làm ra cất thư viện để các nhà nghiên cứu đến sau nghiên cứu cất thư viện. Chấm hết!

Tại sao không thể tóm gọn trong một cuốn 300 trang sách, in và rải khắp buôn làng Êđê, Giarai, Bana…? Tôi đã đặt câu hỏi đó, nhiều lần tại nhiều diễn đàn, nhưng thói nào tật nấy – không đổi.

Chúng ta đang làm thứ văn hóa chết, với hi vọng qua đó, chúng ta… sống!

Năm 2004, tôi và một nhà Cham được Toyota Foundation tài trợ. Tôi: Trường ca Cham với 4 tác phẩm, nhà ấy mỗi một: Muk Thruh Palei [nhớ, tập thơ cố này tôi đã sưu tầm, dịch và in trong Văn học Cham khái luận từ mươi năm trước rồi].

Xong dự án, đại diện nhà tài trợ hỏi:

– Anh muốn in nhiêu?

– 1.500 cuốn.

– Sao anh […] ấy nói sách loại này khó bán, chỉ cần 200 cuốn là đủ.

– Đó là anh ấy nghĩ và nói, – tôi trả lời, Sara khác chứ. Nếu anh ấy in 200 cuốn mang đặt vào các thư viện lớn trong nước và… quốc tế, để bất tử; tôi muốn tất cả các gia đình có học Cham đều có tác phẩm này. Để trường ca Cham được thở hơi thở của sự sống.

Thế là họ duyệt [tiền Toyota mà, có phải của mình đâu]. 1.500 bản, dày 600 trang, giá bìa 60k, tôi cho đặt làm dấu giảm nửa giá còn: 30k. Bọn trẻ đến nhận phát hành, bà con được sách hay, giá rẻ, sinh viên nghèo có tiền xài.

Tôi không nói đến cái TÂM, mà khác nhau ở CÁCH NGHĨ.

Vấn đề ‘Akhar thrah’ cũng hệt.

Không ít anh em Cham rành [hay mới biết sơ sơ] chữ mẹ đẻ cứ đòi chơi cao tay “nghiên cứu” với làm cho rắc rối vào, riêng dành cho kẻ “cao chữ” ‘gloong akhar’. Tôi ngược lại, viết giản đơn nhất, phiên âm hay chuyển tự dễ tiếp nhận nhất có thể – cho giới BÌNH DÂN, chiếm đến 98,7% dân số Cham.

[Đồng chí] Tố Hữu:

Núi cao nhờ có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi nơi đâu?

Hay ta chỉ thèm cao sang ngồi với nhau, mà tám – hử???

[Làm sao cho Trường ca Cham được thơ hơi thở của sự sống giữa cộng đồng?]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *