Inrasara: “Tuổi trẻ là dám mang cuộc đời của chính mình ra đánh cược cho chân lí tìm thấy”.
Các bạn làm thơ mong được đăng báo, phấn đấu vào Hội Nhà văn, và sau bao nhiêu năm chờ đợi, thèm thấy câu thơ của mình bay lên [chầu] trời, đi vào cõi bất tử. Hay lắm! Tôi không phản đối, thế nhưng…
Buổi nói chuyện tại một Trường Chuyên, bên ngoài hội trường, một bạn trẻ thắc mắc, rằng: Nhà thơ mở đầu bằng “Tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu” để kết thúc với “mạch nước ngầm, “dòng sông ẩn”. Cháu thấy có cái gì hay hay, lạ lạ dù có vẻ hơi mâu thuẫn. Nhà thơ có thể giải thích rõ hơn không?
Tôi nói, bạn nắm được tinh thần bài thuyết giảng kiểu ấy là hay lắm, chỉ lưu ý thêm về đoạn giữa: KHÔNG BỎ HỌC.
“Tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu”. Hôm nay, tuổi trẻ được gì và thấy gì?
Khắp xung quanh tuổi trẻ đang bị lừa dối, bị phản bội. Tuổi trẻ băn khoăn, tuổi trẻ cô đơn, tuổi trẻ nổi loạn, tuổi trẻ mất phương hướng. Tuổi trẻ bất lực và kiệt quệ.
Bộ phận tuổi trẻ khác bị cuốn vào dòng sống hời hợt, muốn thể hiện cá tính, thứ cá tính yếu đuối, bạc nhược. Khao khát phô bày mình trên facebook cho thế giới trầm trồ; không ai trầm trồ, hay chả có gì khác và mới hơn để được trầm trồ, tuổi trẻ tiếp tục đi chệch hướng.
Tuổi trẻ trở lại với cô đơn phó mặc cho nỗi cô đơn gặm nhắm sinh lực mình. Cuối cùng tuổi trẻ mất lửa, ngồi nguyền rủa bóng đêm, hoặc buông thả…
Tuổi trẻ đánh mất niềm kiêu hãnh tuổi trẻ: Tuổi bẻ gẫy sừng trâu.
Tôi đến, mục đích đốt lửa để đánh thức trở lại niềm kiêu hãnh đó!
Đâu là kiêu hãnh tuổi trẻ?
Giữa hỗn loạn của môi trường toàn cầu, Greta Thunberg-14 tuổi ném ra tiếng phê phán đanh thép vào mặt thế hệ đi trước: “Di sản các vị để lại cho chúng tôi không gì khác ngoài hỗn độn và gánh nặng”. Cô bãi khóa, lôi kéo mấy chục triệu học sinh, sinh viên khắp thế giới bãi khóa theo. Tuy nhiên, cô không bỏ… HỌC.
Chìm dưới hỗn mang của xã hội Việt Nam, giữa nhàn nhạt của thơ ca, Lý Đợi-19 tuổi quyết “mở miệng”. Mở miệng, anh vẫn trì trì viết báo nuôi vợ con, và nuôi thơ… rác.
Chán ngấy nền giáo dục Theo-ism, Inrasara-20 tuổi bỏ Đại học với tuyên bố “Tôi không có gì để học ở đây cả” rồi cạo đầu đi tu – là điều ít ai thời ấy dám, Cham lại càng. Bỏ Đại học, tôi vẫn miệt mài cày thuê lấy tiền mua sách… ĐỌC.
“Khi hoài vọng mờ xa
người bạn bè mất lửa
hôm nay còn mình ta
ôm con đường đóng cửa…”
Đoạn thơ viết năm 1984. Tôi “ôm con đường đóng cửa”, chịu “giú mình trong bóng tối vô danh”, khiêm cung và tin tưởng đợi mùa chín tới. Để cuối cùng – như cây xương rồng sau mùa nắng gió, kiêu hãnh trồi lên lồng lộng ở tuổi tứ thập.
Dẫu nỗi mất niềm tin đang tràn lan, thì không phải tất cả đã tuyệt vô hi vọng. Đây đó vẫn ẩn hiện những điểm sáng.
Bạn Dương Trung Dũng dùng chữ “dòng nước ẩn”. Những dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung mà tràn sức mạnh. Các bạn chính là “dòng nước ẩn”, “mạch nước ngầm” ấy.
Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.