Chào ngày Thơ Việt Nam-2. LÀM THƠ, KHÓ NHẤT

Vậy mà không ít bạn Cham lao vào làm thơ, trước tiên…

Ở buổi gặp mặt các bạn Cham – những đứa con ưu tú, tự tin bước vào đời với tinh thần sẵn sàng cống hiến, phụng sự cộng đồng – khi tôi đề cập đến cần học biết làm giàu, rất ít người hào hứng.

Michael Roach, tác giả Năng Đoạn Kim Cương cho rằng: “Tiền ít quan trọng nhất lại là thứ cơ bản mà khi có nó một cách đủ đầy, ta có cơ hội tìm thấy những giá trị lớn khác, ý nghĩa hơn trong cuộc đời mình”. 

Ông đề ra 5 mục tiêu cuộc đời: Tự do tài chính, có hạnh phúc, có sức khoẻ, có sự bình an trong tâm hồn và phụng sự xã hội.

Chưa có cái đầu tiên: TIỀN, chúng ta đi lộn ngược: PHỤNG SỰ XÃ HỘI. Ở đó sáng tạo THƠ là hình thức phụng sự bậc cao. Nói cách khác, đó là Pháp thí bằng phương tiện nghệ thuật cao đẳng.

“Làm giàu, dễ nhất”, tôi tút 3 năm trước. Dễ, ta không làm, lại đi làm thứ khó. Thơ – khó nhất, so với lấy bằng tiến sĩ, làm nghiên cứu, hay phê bình.

Lạ, thơ cũng là loài dễ làm nhất, ít dụng công nhất, kẻ viết dễ thành nhà thơ nhất. Tiến sĩ, bạn phải chịu khó vào ngồi thư viện, theo hầu giáo sư hướng dẫn, và phần nào cả biết đến văn hóa chạy. Nghiên cứu hay phê bình [cả tiểu thuyết], bạn cần tìm tài liệu, làm hồ sơ, và nhất là chịu bám bàn viết. Thơ, thì không. Ngẫu hứng và bất kì đâu cũng ra thơ.

Thơ có phải dễ như thế?

Truyền thống Ấn Độ đòi hỏi thi sĩ tôi luyện ở cấp độ cực cao. Bhagavad-Gita cho rằng, đấng tối cao đầu tiên là thi sĩ. Nhà thơ là hiện thân của tiên tri thấu thị, kẻ thông tuệ. Bạn phải kinh qua sáu bậc tôi luyện:

– Svabhava: cảm tính thuộc bản năng.

– Carana: cảm tính hướng thượng.

– Abhyasa: sự tinh luyện về sử dụng nghệ thuật ngôn từ.

– Yoga: tham thiền nhập định để đạt đến hòa hợp với Thượng đế.

– Adrsta: sự kế thừa tài năng từ tiền kiếp.

– Visistopahita: ân sủng đặc biệt được làm chủ tài năng của người thông tuệ và tiên tri phi thường (nói như ngôn ngữ hiện đại: được ân sủng đứng trên vai các người khổng lồ). Do đó, nhà thơ Ấn Độ ngày xưa bị/ tự buộc tuân thủ kỉ luật rất khắc khe về giờ giấc sinh hoạt cũng như các lề luật đối xử với cuộc sống, chữ nghĩa. (Hoàng Ngọc-Tuấn/ Nguyễn Hưng Quốc, 2000).

P.S.

Tuổi trẻ tôi từng thơ như thế như thế.

Lớp đệ Tứ, ba ngày liền tôi đẻ nguyên tập thơ chép đầy cuốn sổ nhỏ tặng bạn thân. Tặng, tôi quên béng đi, bạn lại nhớ.

Hè 1975, để phục vụ khóa ‘Akhar thrah’, tôi viết hai trường ca tiếng Cham – mỗi tối một tác phẩm! Lạ, trong khi tôi không nhớ, thì 34 năm sau VTV làm phim về tôi, anh bạn thuộc, và đọc cho phim.

Năm 1977 thời sinh viên, cánh bạn làm đặc san kêu tôi viết tựa. Chả ngán, tôi ngồi vào bàn và chơi ngay ba trang. Gửi nó đi, bạn học kêu lên, đích thị Tố Hữu Chàm!

Nhưng tất cả chúng không phải… thơ.

Sau đó, suốt 20 năm tôi viết hàng trăm bài thơ [lẫn trường ca] cả tiếng Cham lẫn Việt, đóng tập, để rồi chưa qua tháng đã vứt! Cứ thế, sự thể kéo dài mãi tập thơ đầu tay Tháp nắng ra đời khi tôi tứ thập “nhi bất hoặc”.

Thơ, dễ mà cực khó, là vậy

Kẻ làm thơ cần đọc thật nhiều, học dài hạn, và yêu sâu đậm. Yêu, mà không được quyền bảo vệ nó, khi ta đã ném nó ngoài mưa gió cuộc đời. Chớ không như nhiều nhà thơ Việt Nam, bị phê bình là nhảy xổ ra cắn nhà phê bình để bênh vực “đứa con tinh thần”. – Nhảm!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *