Chào ngày Thơ Việt Nam-3. TÌNH & LÝ, DÂY OAN & CÕI PHÚC

Nhiều người đọc hiểu “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” theo nghĩa thường tình, chớ Nguyễn Du có đơn giản thế đâu!

“Tu” ở đây mang nghĩa rèn luyện, tu sửa, còn “tình” bao hàm nhiều món với vô số hỉ, nộ, ai, lạc đủ kiểu. Vắn tắt: tình chủ về cảm, còn tu thiên về lí.

Con người để cho cảm tính, cảm tình thao túng dễ bị mắc vào mớ bòng bong “dây oan”. Ngược lại, lí [không hẳn duy lí] dạy ta biết phản tỉnh, phản tư để soi lại mình, từ đó tu sửa để đạt đến “cõi phúc”.

Sản phẩm Đức được đánh giá là đỉnh, tại sao?

Bởi mỗi loại sản phẩm đều có sự đóng góp từ 3 bộ phận: Kẻ Tư tưởng, người Sản xuất và nhà Phê bình. Kẻ Tư tưởng đưa ra ý tưởng và lập dự án, người Sản xuất theo đó mà làm, cuối cùng nhà Phê bình xem xét, đánh giá, từ đó sản phẩm được chỉnh sửa, nâng cấp cho tới đỉnh, mới thôi.

Nghệ thuật cũng không khác.

Ch. Fredriksson trả lời báo Thể thao & Văn hóa, ngày 28-11-2006:

“Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng.

[…] ở trường chúng tôi, khi một nghệ sĩ làm nghệ thuật thì điều đầu tiên họ phải được học về các vấn đề lí luận nghệ thuật. Sau đó họ bắt đầu viết các dự án nghệ thuật thành các bài viết, rồi mới đến công việc thực hiện các ý tưởng đó. Công việc này được lặp đi lặp lại trong các năm học”.

Thử liên hệ qua văn chương, nhà văn Việt Nam thế nào?

Người sáng tác [Sản xuất] không cần biết lí thuyết [Tư tưởng], thậm chí dị ứng với lí thuyết. Còn với Phê bình, ta khoái dẫn phát ngôn của Nguyễn Tuân: “Khi tôi chết hãy chôn theo tôi một nhà phê bình để còn tiếp tục cãi nhau”, ý cho rằng kẻ sáng tạo và nhà phê bình không thể song hành để có thể song thoại đẩy sản phẩm ngày càng hoàn thiện.

Thơ Việt Nam không Tư tưởng dẫn đường, và cả thiếu Phê bình thẳng thắn và công tâm để buộc kẻ Sản xuất nhìn lại mình, thế nên cứ ì à ì ạch là vậy. Cạnh ta cũng không khác.

Bei Dao cho thơ Trung Quốc hiện đang rơi vào tình cảnh ấy. Thơ cần sự chỉ dẫn đúng cách, vậy mà ở đất nước rộng lớn này chưa nẩy ra nhà phê bình giỏi, qua đó hình thành nên bộ phận độc giả tinh tường, có khả năng thẩm định giá trị đích thưc của thơ.

Tại sao, và bao giờ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *