Có 4 cấp độ…
1. Ở giai độ nhân loại
Đức Phật tuyên chân lí đầu tiên: Khổ đế.
Nỗi này thiên hạ bàn nhiều, xin miễn thêm bớt.
2. Với tư cách nhà văn
Henri Miller: Tiếng run rẩy đầu tiên được đặt vào trang giấy là tiếng của thiên thần bị thương: KHỔ.
Một tâm hồn sáng trong bị vùi giập, một giấc mơ đẹp bị đày đọa, một tinh thần phiêu lưu khai phá bị chặng họng: khổ.
Đa số nhà văn Việt Nam không khổ ở cấp độ ấy, mà khác. Vì cơm áo gạo tiền, có; đấu đá giành ghế cao thấp, có; do ảo tưởng tài năng bị bỏ quên, có; bởi không nổi tiếng bằng kẻ bên cạnh, cũng có luôn…
Ai có thể vượt thoát được?
3. Với tư cách Cham
Inrasara: “Tôi coi mỗi Cham như một sinh linh sống sót [khổ đau] đầy thương cảm”.
Thế nên ngay từ tuổi hiểu biết, mọi so đo kèn cựa với Cham nào đó chưa bao giờ sượt qua đầu tôi, cả ý định trù giập kín đáo hay giận lẩy bỏ mặc lộ thiên, cũng không. Trong tôi ngập tràn sự cảm thương và ưu tư và chăm sóc, hiểu theo nghĩa thơ mộng nhất của từ.
4. Như một công dân thế giới
Krishnamurti: “Nếu con người khổ thì con người khổ, nếu con người không có gì để ăn để mặc và để ở thì con người khổ, dù ở Tây phương hay Đông phương, ở đâu cũng vậy. Ngay giây phút này, bao nhiêu người đang bị chết và bị thương, người Việt và người Mỹ, cả hai bên đều khổ.
Hiểu được sự đau khổ này đòi hỏi một sự ngộ nhập sâu thẳm, một kiến quan nội tại sâu thẳm. Hiểu được sự đau khổ này hòa bình sẽ đến một cách tự nhiên, không những trong chúng ta, mà cả ở ngoại giới”.
Vậy đó,…
Ngay giây phút này, người Nga và người Ukraina, người Palestine và người Do Thái, và cả người anh em Myanmar với nhau… đang bị chết và bị thương. Nhân loại quyết đẩy nhau lún sâu và sâu hơn vào biển khổ cuộc đời.
Buồn không?