Inrasara-TV.06. CÁCH TÂN THƠ VÀ THƠ CÁCH TÂN

Sau Đổi mới, nhất là từ cuối thập niên 1990, “cách tân, làm mới” là chữ thời thượng. Đâu đâu cũng cách tân, động tí của kêu cách tân. Nhưng thế nào là cách tân thì rất ít nhà bàn tới, bàn cho rốt ráo thì càng. Cả một công trình dày cộm và công phu về thơ đổi mới và cách tân, người đọc cũng chưa thấy đâu một định nghĩa bao quát và cụ thể. Vẫn cứ mơ hồ, chung chung và tùy hứng.

Nhà thơ Việt hôm nay, sau thơ cổ thuyền là cách tân. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi nhà vận dùng vài thủ pháp mới với nỗ lực làm chuyển đổi hành trình thơ Việt.

Hôm nay Inrasara-TV thử điểm qua vài nét chính của cách tân thơ sau thời kì Đổi mới, để ta cùng thảo luận. Tạm chia cách tân làm hai phần: nội dung và hình thức nghệ thuật.

1. Nội dung

[1] Trước hết đó là ý thức phản tỉnh, hay tự thức self consciousness. Tự thức về cuộc chiến vừa qua:

Thế hệ chúng tôi

Cõng trên lưng quá khứ

Một hình hài tàn tật của chiến tranh

(Nguyễn Quốc Chánh, Đêm mặt trời mọc, NXB Trẻ, 1990)

Phản tỉnh về ảo tưởng Việt Nam giàu và đẹp:

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên…

(Nguyễn Duy, Đánh thức tiềm lực, 1987)

Phản tỉnh về dàn đồng ca khiến ta mê ngủ:

Có một thời ta mê hát đồng ca

chân thành và say đắm

ta là ta mà ta cứ mê ta

… Vâng – một thời không thể nào phủ nhận

tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược giòng

(Nguyễn Duy, Nhìn từ xa… Tổ quốc)

[2] Ở các nhà thơ cách tân, cảm thức cá nhân lấn át tập thể. Khi thức nhận mình bị vong thân, nhà thơ quyết tìm lại bản thể của chính mình.

Nếu “Người đi tìm mặt” của Hoàng Hưng đẫm chất hiện sinh, thì đến Trần Quang Quý, “mặt” người đã khác, rất khác. Chúng biến chất và biến thiên đa dạng, trơn trợt khó nắm bắt. Chúng làm nhạt nhòe cá tính và nhạt nhẽo, vô vị hóa cuộc đời. “Cuộc sống của tôi là sống giữa tầng tầng thế giới mặt” – Trần Quang Quý viết. Anh tiếp:

Những cái mặt di cư trong nhau

đến nỗi quên lối về

mặt thật!

             (Trần Quang Quý, Siêu thị mặt, NXB Hội Nhà văn, 2006)

Lắm khi nỗi đi tìm này trở thành thứ thời thượng. Ở phong trào thơ nữ, tôi có tiểu luận đùa “Ngựa đi tìm mình”, là vậy. Tại sao cứ là ngựa, mà không con gì khác?

[3] Hiện thực không còn là hiện thực đời sống hiện ra ở bề mặt, mà được khám phá và phát hiện ở tầng sâu, bề tối. Tiềm thức, vô thức và cả đời sống tâm linh.

Lần đầu tiên gọi đúng tên khai sinh

Sự vật đã nhẫn mòn dưới bước chân ngày tháng

Người đứng canh!

Giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng

Phôi thai nơi góc khuất tâm hồn chốn trú ẩn linh thiêng.

          (Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, NXB Thanh niên, 1997)

[4] Thơ với tư tưởng mở, không còn ta địch, trắng đen. Thơ Việt đã biết hội nhập trào lưu thơ ca thế giới, ở đó phong trào nữ quyền là một. Ở miền Bắc Dư Thị Hoàn hô, thì ở Sài Gòn Thảo Phương ủng:

Rừng

Và núi

Và bầu trời

Đầy âu lo

Trái tim ta chợt rời thành phố

Ta lần về dòng suối hoang sơ

Đầm mình giữa bầy hà mã hóa đá

Những thiếu nữ mơn mởn ngó sen

Tung lên trời những chuỗi cười như ngọc

Đây là nước hay thời gian róc rách?

Vỗ về con hà mã lạc bầy…

Nơi đây sau tiếng ngáp dài khoái cảm

Không có căn hộ hình hộp với ô cửa rộng

Đã vạn năm

Ta – con hà mã thức giữa bầy

             (Người đàn bà do đàn ông sinh ra, NXB Văn nghệ, 1994)

[5] Nhà thơ cách tân không ham nói to về chủ đề lớn nữa, mà kể câu chuyện của mình, những câu chuyện nhỏ, lẻ ở đời thường. Phan Thị Vàng Anh:

Một đèn chùm như những vỏ sò hồng

Treo trên trần

Đe dọa

Hai nhà tắm

Một đã không thể tắm

Một đèn bàn 
Ba cái bình hoa
Bát Tràng
Nung ẩu
Hình như đất còn
giẫy giụa 
… Một lồng chim hàng xóm sáng nào cũng hót
Tiếng rao bánh khúc không rõ lời
Tia nắng đúng chín giờ vào lọt khe cửa sắt
Chạm viên gạch số ba…

(“Danh sách chuyển nhà”)

[6] Cuối cùng là biểu tượng. Thôi còn là các biểu tượng vĩ đại mang tính đại diện cho cả cộng đồng, mà nhỏ lẻ mang tính địa phương.

Nguyễn Quang thiều có Làng Chùa và Sông Đáy, Inrasara có Cây xương rồng với Sông Lu nhỏ bé ở quê nhà.

2. Nội dung khác đòi hỏi hình thức nghệ thuật khác. Tạm nêu ba:

[1] Ngôn ngữ đời thường.

Chế Lan Viên:

Lũ chúng ta năm trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con…

Có vẻ xem thương, coi nhẹ lại là điểm nhấn của thơ cách tân: Vi Thùy Linh:

Khỏa thân trong chăn/ thèm chồng

[2] Thi ảnh lạ lẫm, nhảy cóc bất ngờ. Hoàng Hưng:

Đỉnh vú đi lừng lững

Đây là câu thơ thiên tài thể hiện tính nhân văn đẫm chất Hiện sinh. Thử liên hệ với bài thơ “Năm ngón tay” của Nguyên Sa.

Năm ngón tay/ Trên bàn tay năm ngón

Có ngón dài, ngón ngắn/ Có ngón chỉ đường đi

Có ngón tay đeo nhẫn/ Ngón tay tô môi

Ngón tay đánh phấn/ Ngón tay chải đầu

Ngón tay đếm tiền/ Ngón tay lái xe

Ngón tay thử coóc-sê/ Ngón tay cài khuy áo

Em còn ngón tay nào/ Ðể giữ lấy tay anh?

– Du Nguyên:

… Tôi là kẻ khất thực đêm

Trắng tay đi yêu nỗi cô đơn không phải của mình.

(Mục: Xó xỉnh. Cười, NXB Hội Nhà văn, 2011)

[3] Nhịp điệu: tự do

Những chiều xa quê / tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời /

cho tôi được nhìn thấy

Cho đôi mắt nhớ thương của tôi / như hai hốc đất ven bờ / nơi những chú bống đến làm tổ / được giàn giụa nước mưa sông.

              (Nguyễn Quang Thiều, Sông Đáy trong Thơ tự do, NXB Trẻ, 1999)

Nhịp chỏi, trúc trắc:

Những câu chuyện phiếm, giấc ngủ, bữa ăn… đã chiếm dụng thời gian ít ỏi của ngày, mùa hè thu mình như con cuốn chiếu, mỏng hơn, mỏng hơn, mỏng hơn… mỏng đến lúc bằng cọng tóc mai con gái, cọng tóc mai nấp vào củ sen nâu, củ sen nâu ngủ dưới đầm lầy mịn mát…

(Đinh Thị Như Thúy, Phía bên kia cây cầu, NXB Phụ Nữ, 2007)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *