Hoàng Nguyên: Inrasara, một phong cách thơ trong Tháp nắng.

Inrasara, cái tên còn xa lạ lắm đối với nhiều độc giả Ninh Thuận vốn rất yêu thơ. Song độc giả cả nước đã “chuyện trò” với anh qua những bài thơ được đăng tải rải rác trên các báo và tạp chí văn học ở trung ương và tại TP Hồ Chí Minh. Và mới đây, Inrasara đã chính thức trình làng với tập thơ Tháp nắng (NXB Thanh niên, 1996), tập hợp những bài thơ anh viết từ những năm 70 đến nay.

Trừ một số bài thơ anh viết vào thời kỳ đầu còn nặng nề trong diễn đạt ngôn ngữ và day dứt, giằng xé trong ý tưởng, bởi theo lời anh tâm sự: “Vừa bước sang tuổi hai mươi, tôi như bị chìm nghỉm trong bòng bong của bao nhiêu trào lưu nghệ thuật và hệ tư tưởng. Tôi viết giữa sự rối mù của nhiều luồng tư tưởng mà tôi tiếp cận từ rất sớm” (Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam). Nhưng đến những bài thơ anh viết trong những năm gần đây, Inrasara đã dần định hình cho mình một phong cách thơ theo hướng trí tuệ và hiện đại. Những câu thơ như:

Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy
Lại chảy trong tôi – dù sông đã chết
Chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru
Chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp

được nhà thơ Trúc Thông xem là có bút pháp của thơ hiện đại.

Là một trí thức người Chăm, (thôn Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước), công việc chính của Inrasara là nghiên cứu khoa học. Anh hiện đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á, thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh. Anh là tác giả của 5 công trình nghiên cứu về ngôn ngữ và văn chương Chăm; trong số này, công trình Văn học Chăm – khái luận đã được CHCPI (Đại học Sorbonne – Pháp) trao giải thưởng về nghiên cứu năm 1994.
Cũng vì Inrasara là người dân tộc Chăm nên khi đọc tác phẩm thơ Tháp Nắng, nhiều độc giả cho rằng anh viết “Việt” quá. Nhưng theo anh, tự thân ngôn ngữ là đối thoại, và trước hết là đối thoại với những người sống xung quanh mình và cùng sử dụng một thứ tiếng với mình.
Năm nay mới vừa tròn 40 tuổi – cái tuổi quá già của một vận động viên thể thao, nhưng vẫn là quá trẻ đối với những ai đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Chúng ta hy vọng nhiều ở Inrasara trên con đường sáng tác thơ ca, bởi anh đang viết rất khỏe với một hồn thơ đang sáng mở, đầy hứa hẹn.
*
Báo Ninh Thuận, Xuân 1997.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *