Lê Thị Việt Hà: Inrasara trong hành trình cách tân thơ Việt

Trích đoạn Luận văn Thạc sĩ văn chương
Hành trình cách tân thơ của Inrasara

1.
Khái quát cuộc vận động cách tân của thơ Việt Nam đương đại

Ở Việt Nam, trong hơn nửa thế kỷ qua, thơ đã có những nỗ lực cách tân đáng ghi nhận. Đầu tiên, phong trào Thơ mới (1932-1945) cố gắng vượt thoát khỏi tính qui phạm của thơ ca cổ điển, nhằm hiện đại hoá nền thơ ca nước nhà. Các nhà Thơ mới đã đạt được những thành tựu vẻ vang và xác lập được một hệ thống thi pháp mới, rời bỏ tính qui phạm của thơ ca trung đại. Sau đó thế hệ các nhà thơ chống Pháp (1945-1954) và chống Mĩ (1954-1975) tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của thơ tiền chiến bằng cách kéo thơ gần hơn với cuộc sống đời thường, làm mới ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ cảm xúc. ở miền Nam những năm 50, 60 nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn quyết cắt đứt với tinh thần thơ ca và lối thể hiện của Thơ mới. Họ xiển dương thơ tự do không vần và mỗi người tìm một hướng đi riêng. Sau 1975, thơ Việt chạy theo quán tính cũ một thời gian rồi phân nhánh và chuyển dòng. Dòng chủ lực vẫn là các nhà thơ khoác áo lính. Họ tiếp tục làm thơ và về cơ bản vẫn tiếp tục duy trì dòng thơ đã đem lại vinh quang về mặt xã hội cho họ, tức là họ vẫn tiếp tục sản xuất thứ thơ mà thế hệ làm thơ sinh ra thời hậu chiến gọi là thơ chính thống.
Một số thi sĩ đích thực từ thế hệ này quyết định thay đổi diện mạo và khí chất của thơ khi Việt Nam bước vào thập kỉ 80. Có thể gọi họ là những thi sĩ trước Đổi mới. Đó là Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Nguyễn Trọng Tạo, Dư Thị Hoàn…
Đến lượt thế hệ hậu Đổi mới, họ lại nỗ lực vượt thoát khỏi ảnh hưởng của hệ mĩ học cũ để khai vỡ cõi miền sáng tạo mới. Từ 1986, Đại hội Đảng cộng sản VI và Nghị quyết 05 về Văn hoá và Văn nghệ đã thực sự thổi một luồng gió mới vào đời sống văn học nói chung và đời sống của thơ nói riêng.
Trước hết, những nhân vật Nhân văn – Giai phẩm được trả lại quyền xuất bản thơ. Những công trình tiên phong của họ đã phải nằm chờ 20 năm, thậm chí 30 năm, khi ra mắt, vẫn tạo một ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng thơ, buộc một số nhà thơ Việt phải nghĩ rằng họ chẳng còn thể nào đi theo lối làm thơ như xưa.
Cùng xuất hiện đồng thời là các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Dư Thị Hoàn,… Chính họ đã tạo cho thơ thời kì này một diện mạo mới.
Ta có thể thấy ảnh hưởng của các nhà thơ đó trong lớp “tiên tiến” của thế hệ nhà thơ trẻ ngày nay. Được cổ vũ bởi sự dũng cảm của các nhà thơ đi trước, lại được trang bị tiếng Anh cơ bản cùng với những chiếc máy tính cá nhân và những mối liên hệ với các bạn đồng nghiệp Việt Nam hải ngoại, nhiều nhà thơ trẻ bắt đầu tạo ra làn sóng hiện đại hoá thơ lần thứ ba ở Việt Nam, và công cuộc này đang còn tiếp tục hoàn thiện (có thể lấy ví dụ về trường hợp Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư ở miền Bắc; Văn Cầm Hải, Lê Hưng Tiến ở miền Trung; nhóm Mở Miệng, nhóm thơ nữ Ngựa Trời [Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Lynh Bacardy, Phương Lan, Khương Hà Bùi] ở miền Nam…)
Trên con đường lắm chông gai ấy, không ít người tự bằng lòng với chính mình, không ít người đã bỏ cuộc nhưng cũng đã có những nhà thơ can đảm dấn tới, từ bỏ vinh quang trong quá khứ, chấp nhận mạo hiểm lên đường khai phá những miền đất mới, thiết lập hệ mĩ học mới và tìm kiếm lớp độc giả mới.
Ghi nhận sự nỗ lực cách tân thơ, Nguyễn Việt Chiến khẳng định: “Nhìn lại chặng đường thơ Việt Nam ba mươi năm qua đối với những thành tựu mới được công chúng văn học ghi nhận, chúng ta nhận ra rằng đội ngũ những nhà thơ Việt Nam xuất hiện sau 1975 đã chia vai gánh vác được một phần gánh nặng văn chương được nối tiếp chuyển vai từ các thế hệ nhà thơ đã hành trình trong suốt ba mươi năm chống Pháp và chống Mĩ” [1] .
Cũng trong công trình của mình, ông cho rằng: “Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người, thơ của họ nghiêng về những cá thể và tiếng nói của thân phận. Ngòi bút thơ của họ chủ động tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng, tinh thần và đời sống con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới”.
Thơ Đổi mới đi sâu khai phá đề tài lâu nay bị bỏ quên hoặc chưa được khám phá thấu đáo. Đó là mảng đời sống bên trong tâm hồn con người. “Tiếng thơ đổi mới tái khám phá cá nhân và là tiếng thơ kêu đòi tự do cho cá thể bị đánh cắp” [2]. Thơ đi sâu hơn vào những mặt tối, mặt khuất lấp trong đời sống con người, sự va chạm giữa các thế hệ, sự va quẹt của các nền văn hoá khác nhau.
Giọng thơ chủ lưu của thơ đổi mới theo Inrasara là “giọng đòi vượt thoát khỏi thân phận mặc cảm và tòng thuộc… Rất nhiều những tiếng hú, hét, réo, gào, kêu gọi con người quay lại với bản thể người, khẳng định và đầy bất trắc, mặc cảm và lắm rủi ro” [2].
Điều đáng lưu tâm hơn cả là các nhà thơ cách tân đang cố gắng tạo lập hệ thống thi pháp mới. Mỗi nhà thơ nỗ lực tìm một lối đi riêng. Nguyễn Việt Chiến đã bước đầu phác thảo những đường hướng đổi mới của lớp nhà thơ cách tân với nhiều thể nghiệm đẹp: “Hoàng Cầm khơi nguồn mạch chảy của thơ từ những cảm xúc duy mĩ nên ông đã rung động được lòng trắc ẩn của người đời”; Lê Đạt “chủ động cách tân nhằm hiện sinh hoá những mảnh rời của hiện thực theo những bài thơ hai kâu”, ông “dày công tìm tòi nhiều cách chơi chữ rất kì ảo và biến hoá, nó nén lại cả một năng lượng thẩm mĩ chỉ trong hai câu thơ ngắn và đây là một hướng cách tân thơ rất hiện đại của nhà phu chữ – thơ” [1]; Hoàng Hưng dẫn dụ ta đến với “cơn mê dài của thơ cách tân”; Dương Tường “âm thầm khai phá một nẻo đường thơ nhạc lạ”; Thi Hoàng “có một lối nói – trạng ỡm ờ, nhấm nhẳng, nửa uyên thâm triết lí” [1]; Thanh Thảo “vỡ vạc chính anh ở mảng đời sống tâm trạng và mảng đời sống thơ trước đây anh chưa có thời gian khai phá đến”; Nguyễn Lương Ngọc “bừng cháy và ngạo nghễ trong tìm tòi”; Nguyễn Quang Thiều “đã tạo nên một từ – trường – thơ mới”; Dư Thị Hoàn “độc đáo trong sáng tạo thơ”; Đỗ Minh Tuấn “lập trình bằng những suy tưởng mới”; Ly Hoàng Ly “cộng hưởng của thi ca với ngôn ngữ hội hoạ hiện đại”; Vi Thuỳ Linh với “cơn cuồng lưu từ những mê lộ chữ” [1]…
Bên cạnh việc làm mới các thủ pháp mà các nhà thơ trước đó đã sử dụng, các nhà thơ thế hệ đổi mới còn tạo ra một hệ thống thủ pháp nghệ thuật đặc thù. Điều này đã được Inrasara thống kê trong Các thủ pháp thơ đương đại. Theo ông, thơ đương đại tạo ra những thủ pháp mới như phỏng nhại, cắt dán, siêu hư cấu sử kí, vắt dòng, thơ phụ âm, thơ graphic, thơ phân thân, thơ động tác, thơ thị giác, thơ cụ thể, thơ phôtô, thơ trộn lẫn nhiều thể loại khác nhau… Các nhà thơ cách tân không những không ngại mà còn vận dụng khoa học kĩ thuật để làm mới thơ.

2.
Quan niệm thơ của Inrasara nhìn qua sáng tác thơ

Nhắc đến Inrasara, người ta nhớ đến huyền thoại của loài hoa xương rồng, của tháp Chàm muôn mặt. Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, Inrasara là người luôn trăn trở suy tư một cách nghiêm túc về nghề nghiệp. Ông phát ngôn về thơ không chỉ trong các sáng tác mà còn trong các bài phê bình. Ông gọi phê bình của mình là loại phê bình lập biên bản. Ta có thể kể đến những công trình như Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Song thoại với cái mới, Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại và nhiều bài viết khác đăng trên các báo. Điều này chứng tỏ ông là một nhà thơ có tư tưởng và viết không hề cảm tính. Quan niệm thơ của Inrasara được phát biểu một cách có hệ thống trên mấy vấn đề chính: vai trò, vị trí, nhiệm vụ của nhà thơ; sứ mệnh của thơ và vấn đề cách tân thơ… Những phát biểu về thơ của Inrasara không chỉ có ý nghĩa đối với sự nghiệp sáng tác của chính ông, gợi mở cho người đọc hiểu hơn về thơ ông mà còn có ý nghĩa gợi ý một hướng đi cho thơ Việt đương đại.
Trước hết, là một người sáng tác, Inrasara xác định rõ về vai trò nhiệm vụ của nhà thơ; trách nhiệm của nhà thơ với dân tộc, với cuộc đời. Là người theo đòi chữ nghĩa, Inrasara lo lắng, day dứt trước tình trạng ngôn ngữ chết; trước tình trạng những “câu thơ kêu cứu!”:

Bởi ngôn ngữ vừa chết
Không kẻ đưa tang

(Chuyện chữ)

Ông băn khoăn trước sự thực đau lòng:

làng tôi vừa dựng lên một ngọn đồi
làm nghĩa trang chôn xác chữ
ngày mai

(Chuyện chữ)

Vì thế ông trân trọng, nâng niu vô cùng những trang sách lạc:

Những cuốn sách chôn mờ kí ức
Những cuốn sách treo mòn tháng năm
Trang bụi phủ
đè trang ẩm mốc
Mấy dòng thơ trôi lạc
Bao câu văn bỏ quên
Rũ buồn
Đợi bước chân quen thuộc

Làm lang thang
Một hôm đi lạc miền quá khứ
Tôi gặp sách như gặp người thân
Từng trang, từng trang lòng lần giở

(Những trang sách lạc)

Đó là thái độ thành kính cần có của một người nghệ sỹ trước những trang sách của cha ông. Với Inrasara, không thể tách người nghệ sỹ khỏi nguồn mạch văn hóa dân tộc. Từ nỗi đau, nỗi băn khoăn day dứt đó, Inrasara tự nguyện làm kẻ canh đêm và không sợ phí cả đời mình cho việc phụng sự ngôn ngữ dân tộc. Vất vả là thế, tâm huyết là thế nhưng thực hiện sứ mệnh ấy nhiều khi không phải là để đựơc ghi nhận:

Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?
nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó
dù chỉ còn dăm ba người
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai
!
(Ngụ ngôn của đất)

Trong quan niệm của ông, cống hiến hết mình cho ngôn ngữ dân tộc là không là gì không vì đâu. Đó là thái độ vô tư đặc biệt và là sự công tâm của người nghệ sỹ trước công việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc mình.
Giống như Lê Đạt quan niệm nhà thơ là phu chữ, Inrasara đặc biệt chú trọng đến việc trau dồi ngôn ngữ. Ông nói thiếu khả năng sáng tạo ngôn ngữ riêng ông, ông chưa thực sự lớn [3]. Như vậy, theo Inrasara nhà thơ không thể là người lười biếng trong dùng chữ, dễ dãi trong diễn đạt. Hoạt động sáng tạo là thứ lao động nghiêm túc, đòi hỏi người nghệ sĩ phải cật lực:

Tôi đốt lên hàng đống chữ
dưới tàn tro
bươi lấy vài lời

(Những ý tưởng không mùa)

Thật vậy, trong sáng tác của mình, Inrasara luôn luôn nỗ lực sáng tạo cái mới. Mới trong cách biểu đạt, mới ở đề tài và đặc biệt là sự lựa chọn ngôn ngữ. Nhà thơ phải là người mang khả tính sáng tạo. Theo Inrasara, sáng tạo là phẩm chất cốt lõi của nhà thơ. Người làm thơ phải luôn ý thức làm mới mình để mỗi vần thơ thoát thai là mỗi lời tinh khôi:

Khép một cõi đất, mở một chân trời
thơ chập chững ngày mới
bập bẹ lời tinh khôi

(Những ý tưởng không mùa)

Nhà thơ làm thơ phải như trẻ con học nói những lời đầu tiên, mới mẻ, thiêng liêng. Inrasara không chấp nhận sự lặp lại người khác, lặp lại chính mình hay kí sinh trên thành quả lao động của kẻ khác. Ông không chấp nhận khuôn mình trong sự chật chội sáo mòn:

Con ốc đội vỏ suốt dặm dài
Yên tâm với ngôi nhà vay mượn
Trong chật chội

(Thi sĩ)

Nhà thơ, muốn vậy phải biết quên đi những thành công của mình để đi như là ở lại, phải thoát khỏi cái bóng của mình bài thơ xong là thuộc về KHÁC, để khai vỡ những miền đất mới, tìm đến những chân trời mới, trút gánh nặng lên đường với ý tưởng khai vỡ và như thế mới hi vọng vào mùa sau:

Không là gì không vì đâu
Một giọng nói mỏng manh dễ đổ
Vãi gieo vô hình trên cánh đồng ngữ ngôn chưa vỡ
Cứ hi vọng mùa sau.
Không gầy nửa khoảng không làm đất đứng
Đi như nỗi trầm tư
Không là gì không vì đâu
Một hơi gió xâu dài thế kỉ

(Thi ca và thi sĩ)

Nhà thơ, vì vậy phải có một vốn sống phong phú, một sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời và hơn hết là một tài năng thật sự để có thể nghĩ kĩ viết dài, phải luôn có mặt ở nơi khổ đau có mặt, phải mang thân phận yêu đau để có thể đồng cảm, sẻ chia. Nhà thơ, theo Inrasara không thể đắp tai ngoảnh mặt trước vang động cuộc đời, bởi chỉ có mở lòng ra đón lấy những va đập ấy người nghệ sĩ mới có thể làm nên những tác phẩm lớn. Ông phê phán những kẻ đại ngôn đứng ngoài lề cơm áo, đứng ngoài cuộc sống của dân tộc, của đất nước, né tránh sự thật, uốn gối, khom lưng trước quyền lực. Nhà thơ phải dũng cảm. Đó là thông điệp mà Inrasara gửi bạn đọc qua Ở nơi ấy hảo hảo hảo, Bên lề cuộc đời.
Hay nói khác đi, nhà thơ không thể tự bằng lòng với phận gà ăn quẩn mà phải sống hết mình cùng thời đại. Ông nói:
“Trên dòng sông thi ca, tất cả mọi người sáng tạo cái mới, cái hay, cái đẹp đều là của chung, đứng về phía con người, không có ranh giới, sự phân biệt. Thi sĩ, người tắm gội, giao đãi mình trên dòng sông kia đang cất tiếng hát, tiếng hát vừa là lời kinh vừa là lời khước từ chiếc bóng cũ kĩ, chiếc bóng đầy dọa nạt của bản ngã [3].
Vậy vị trí của nhà thơ ở đâu? Inrasara khẳng định:

Không vỗ ngực
Không tranh hơn
Không chạy trốn những phận đời thất bát
Luôn có mặt ở nơi khổ đau có mặt

(Ngụ ngôn viết cho mình)

Với quan niệm ấy, thơ Inrasara mang khuôn mặt lấm láp và in dấu bể nước mắt nghìn năm khô đọng. Ông muốn người đọc thơ cũng cần phải vỡ nỗi đau mình để có thể hiểu thơ.
Theo Inrasara, để có những tác phẩm lớn người làm thơ không chỉ phải lao động hết mình mà còn phải đạt đến độ chín của cảm xúc và suy tư nghệ thuật nếu không tác phẩm chỉ là một thứ cây non vội mọc làm sao chống chọi nổi dông bão cuộc đời:

Đám cây non vội vươn lên khoảng xanh
mà rễ chưa cắm sâu vào đất
chỉ cần một cơn bão rớt
cũng đủ làm chúng run bấn lên

(Ngụ ngôn của đất)

Muốn đạt được điều đó, theo Inrasara, nhà thơ phải là kẻ cô đơn trong sáng tạo, nhà thơ phải là người đạt đến đỉnh thẳm cô đơn tuyệt đối toàn tâm, toàn ý trên từng trang viết. Trước hết, người nghệ sĩ phải cô đơn trong quá trình thai nghén tác phẩm, cô đơn trên miền cao tư tưởng để mỗi tác phẩm phải là một phát kiến. Người nghệ sĩ phải cô đơn trong quá trình sáng tạo, phải biết làm rỗng mình để khởi động cho miền sáng tác mới, cho ý tưởng mới được nảy mầm:

Có những buổi chiều không muốn làm gì cả/ nghĩ/ nói gì cả
Cho
trăm con sông nuôi nấng tuổi dại mình
chảy đầy trí nhớ
cho
ngàn câu thơ thuộc lòng thuở chưa làm thơ
tràn vào hồn bỏ ngõ

(Những ngày rỗng, ngày thứ năm, ngày đẹp)

Cô đơn trong sáng tạo cũng là lúc nhà thơ thoát khỏi những bon chen, tẹp nhẹp của cuộc đời thường, những ăn thua và cả những thói hám lợi thông thường. Lúc bấy giờ, sáng tạo chỉ đơn thuần là sáng tạo:

Thì có sá chi thơ anh cõi còm chiều ngày tất bật.
Hãy thả cho gió bạt chúng về mấy cõi hư vinh

(Ngụ ngôn viết cho mình)

Nhà thơ sáng tạo cũng đồng nghĩa với việc quên đi mọi sự khôn ngoan, tỉnh táo để cho cảm xúc được thăng hoa: “nhưng khi ngồi trước giấy trắng tôi quên khôn” (Cái khôn thừa). Nhờ cái quên khôn ấy mà người nghệ sĩ trở về đúng với cái bản nguyên của mình, để thơ chỉ còn là tiếng nói trong trẻo nhất, nguyên thủy nhất của tâm hồn.
Người nghệ sĩ phải thoát li khỏi lí lịch của chính hắn, nghĩa là cô đơn ngay cả với những thành công của bản thân mình. Inrasara luôn cảnh báo về tình trạng ngủ quên trên chiến thắng. Ông cho rằng người nghệ sĩ không nên để quá khứ vinh quang của mình trì níu khả năng khai vỡ. Không bằng lòng với chính mình, đó cũng là yếu tính sáng tạo.
Và cuối cùng, tác phẩm ra đời cũng phải đặt trong tâm thế cô đơn, phải để nó tự khẳng định mình. Nhà thơ thậm chí phải quên đi đứa con tinh thần của mình để hi vọng mùa sau:

Kẻ từ đáy khổ đau vươn vai khôn lớn
Không mang hào nhoáng hôm nay
Mới mong đón nhận niềm vui ban mai

Như vậy, sáng tạo nghệ thuật là cả một chặng hành trình dài đầy gian khó mà tác phẩm mới luôn ở phía trước. Nỗi cô đơn được coi như là nơi cư trú của người sáng tạo. Người nghệ sĩ phải luôn vươn tới nhưng cũng phải biết trở về trú ngụ trong nỗi cô đơn. Đây là điểm mới mà không phải người sáng tác nào cũng ý thức rõ. Chính điều này khiến cho nguồn năng lượng thơ Inrasara ngày càng thêm dồi dào. Vậy mà, sau mỗi tác phẩm Inrasara luôn thanh thản khi nhìn lại những thành quả của mình. Thái độ này cũng thật hiếm:

Anh nhà nông lãng tử
Lên đường và nhìn ngoái lại đám ruộng lúa đang trổ đòng đòng

(Ngụ ngôn của đất)

Và cuối cùng, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng đó, nhà thơ rất cần thiết có mặt ở đời. Không đại ngôn vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy, Inrasara khiêm tốn khẳng định vị trí của mình giữa cuộc đời này:

Dẫu không là cái đinh rỉ gì cả
Tôi vẫn cần thiết có mặt

Inrasara ý thức rõ về thơ và sứ mệnh của thơ. Trước hết ông cho rằng thơ dung chứa tất cả, chấp nhận tất cả, thơ không đóng khung ở một vai trò cụ thể nào. Những gì tồn tại trong cuộc đời đều có quyền có mặt trong thơ. Thơ chấp nhận cái bộn bề, ngổn ngang của cuộc sống như nó vốn thế. Với Inrasara, thơ là sự nhận chân cuộc đời. Ông đòi hỏi:
“Trả thơ và người làm thơ về vị trí xuất phát ban đầu, nguyên thủy. Nhà thơ là kẻ hát rong, đem câu chuyện đời thường đi hát, kể khắp ngõ thôn, góc phố. Và thơ không là gì hơn mấy lời hát rong ấy. Đồng thời tiếp cận tinh thần thời đại: thơ là món hàng, đứng không cao hay thấp hơn bao thứ hàng hóa khác” [3].
Dưới ánh sáng chỉ đạo của quan niệm ấy, trong sáng tác của Inrasara, thơ có nhiều vai trò khác nhau. Thơ là sự thanh lọc tâm hồn con người, nhóm lên trong họ niềm hy vọng sống:

Dẫu thơ tôi không khuây khỏa khổ đau anh
Tiếng hát tôi khôn vực dậy khốn khó anh
Thì có hề chi
Nếu chúng một lần nhúm trong anh hy vọng
.
(Ngụ ngôn viết cho mình)

Thơ mang sứ mệnh chia sẻ những nỗi đau, những nhọc nhằn của con người trong cuộc đời đầy bất trắc, lắm rủi ro. ấy là những câu thơ buồn phải có mặt nơi khổ đau có mặt. Inrasara say sưa kể chuyện về những số phận đang oằn lưng với cài nghèo cùng năm tháng:

Ai đang đi kia
Băng cánh đồng khô chân trần hối hả
Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ
Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao

(Quê hương)

Đó là câu hỏi luôn day dứt trong lòng nhà thơ, thôi thúc ông phải nhìn thẳng vào sự thật để không thể cơm áo bên lề mồ hôi / niềm vui bên lề nước mắt..
Thơ, theo Inrasara không chỉ khơi gợi vẻ đẹp mà còn phải hữu ích, thực dụng. Thơ không thoát li cuộc sống mà phải che chắn từ vòng xa vòng rộng cho những sinh phận nhỏ nhoi yếu ớt trước bão lốc số phận:

Em trách anh cứ mãi triết lí xa trong khi mắt mẹ buồn gần
Gót chân gái quê lấm lem mà tứ thơ anh cứ là sang trọng
Thì em trách
Anh chỉ mong đưa thơ che chắn từ vòng xa, vòng rộng
Mai bão có thốc về cũng nguôi bớt rét vòng trong

(Xa và gần)

Thơ Inrasara đi sâu khám phá số phận những con người đời thường lam lũ. Chính họ chứ không ai khác đã vẽ nên khuôn mặt quê hương. Thơ Inrasara lặn vào số phận cơ cực bất hạnh. Ấy là những phận đời trôi dạt tha hương sau bao mùa bất trắc:

Dặm tuyết xứ người cấu rát gót chân quê
bàn tay cuốc cày cóng vô lăng hàn đới
trận trận mistral thổi chùng hai lá phổi

(Những bước chân xa)

Hai mươi năm trở lại xóm thôn
cũ tiếng bò trưa, vầng trăng muộn
mới điệu cười, lạ nhịp sống

Hốt nhiên
chàng úp mặt
khóc oà

(Anh Đạm)

Thơ không chỉ dừng lại ở những chuyện vặt vãnh đời thường. Thơ, theo Inrasara phải nói lên tiếng nói của thời đại, tiếng nói chung của nhân loại. ấy là số phận con người trong bão lốc chiến tranh:

Người nằm bên bờ xanh buổi chiều trận mạc
Người nằm bên bờ xanh – tóc người còn xanh
Da người còn tươi – môi người còn thơm
Một mùi thơm của cây của đất

(Đoản khúc chiêu hồn)

Thơ, hơn thế còn là vấn đề tự do, vấn đề số phận và tâm tình dân tộc. Nhà thơ không né tránh hiện thực lớn lao và thơ phải vào cuộc. Inrasara bất bình trước tình trạng nhà thơ nói riêng, trí thức nói chung đi bằng đầu gối một cách hèn hạ ngay cả trong thơ. Ở nơi ấy, hảo hảo hảo, Ở nơi, ấy tự do là những bài thơ thấm thía về thời cuộc và là những hồi chuông thức tỉnh về vấn đề sứ mệnh của thơ ca. Thơ Inrasara dám đặt ra những vấn đề lớn lao của thời đại. Trước những sự kiện trọng đại của đất nước, Inrasara đã dũng cảm nói lên tiếng nói của riêng mình. Đó là tiếng nói của nhà thơ có lương tâm trách nhiệm trước số phận dân tộc. Đó cũng là biểu hiện thiết thực của tình yêu tổ quốc.
Thơ Inrasara nói lên tâm tình của dân tộc mình, thức dậy nền văn hóa Chămpa có nguy cơ bị vùi vào quên lãng. Những tiếng trống ginang vang lên, điệu múa apsara sống dậy, mầm xương rồng bật lên. Ông kiêu hãnh về một quá khứ hào hùng của dân tộc mình và đau đớn trước sự bào mòn của thời gian với những nét đẹp ấy:

Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
Biển bên kia và cát bên này
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày.

Không một bụi cây không một cụm mây
Bao la nắng và mênh mông cát
Âm thanh câm thời gian vắng mặt
Trắng không gian đậm đặc tư bề.

Không có một bài thơ ngợi ca
Không lấy một lời ca ngợi ca
Tháp vẫn đứng miệt mài với nắng
Trong hoang mạc lòng nhân gian lạnh.

Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang tôi đi lại quá trăm lần
Tháp có đó tôi vờ như không có
Thoáng sát-na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình
tháp nắng
thênh thang
.
(Tháp nắng)

3.
Cách tân – vấn đề trung tâm trong quan niệm thơ của Inrasara

Thuộc thế hệ nhà thơ hẫng, Inrasara xuất hiện muộn. Cùng với sự du nhập của nhiều trào lưu văn hóa, sự bùng nổ thông tin và mạng internet, Inrasara đã sớm bắt nhịp với thời đại mình. Ông quan niệm, thơ phải bắt kịp nhịp sống của thời đại. Ông không nhìn thơ theo lối bảo thủ, không đóng khung đông cứng, dám chấp nhận cái mới, hơn thế còn cỗ vũ mạnh mẽ cho cái mới. Nói về sự thể nghiệm cái mới, ông cho rằng:
“Vậy thì, làm sao một nhà thơ, một nhóm thơ lại nghĩ rằng mình có thể làm một cái gì mới hơn, có giá trị hơn, gây sốc hơn? Cái chúng tôi đang làm, không phải đã làm là một cố gắng (có thể là vô vọng) làm khác đi chính mình, lập tức khác đi những gì mình vừa quen, làm và người quan sát cũng có thể thấy được điều đó [2].
Cuộc sống đã thay đổi, thơ cũng phải thế. Nhưng thay đổi thái độ, thay đổi cảm quan thẩm mĩ, hệ mĩ học đối với nhiều người thật không dễ dàng gì. Inrasara lại khác, có thể nói ông đã rất dứt khoát nói lời từ giã hệ mĩ học lỗi thời để tiên phong trong việc tiếp nhận hệ mĩ học mới. Trong Song thoại với cái mới ông viết: “nhưng tại sao cứ nhà quê mà không là thành phố? Cứ mộc mạc thanh bần mà không phức tạp phồn hoa?” Và ông kêu gọi đưa những thi liệu mới vào thơ để thể hiện chân thực hơn hơi thở của cuộc sống mới như: cột đèn, thương xá, xa lộ, quán bar, mail, ca-ve, shoping. Ngôn ngữ thơ vì thế cũng thay đổi. Ông cho rằng: “Nhà văn hậu hiện đại nhận định vào vai trò của nghệ thuật là tham dự vào trò chơi hỗn loạn giữa các sự thế vì giả tạo”. Inrasara chấp nhận đưa thứ ngôn ngữ đời thường, thậm chí dung tục vào trong thơ, đương nhiên là để gọi đúng tên sự vật như nó vốn có và thứ ngôn ngữ ấy phải được qua màng lọc tâm hồn. Trong thời đại cạn kiệt này, thơ không sợ đụng hàng và nhà thơ chấp nhận thủ pháp nghệ thuật cắt dán như một giải pháp khi mọi đề tài, mọi hình thức đã bị cạn kiệt, họ thoải mái xài lại cái đã có, cắt dán chúng đầy ngẫu hứng không chỉ ngôn từ mà mọi chất liệu bất kì, tước bỏ cơ sở mĩ học của sản phẩm gốc bằng thủ pháp phỏng nhại, giễu nhại để làm tác phẩm khác. Trên hệ mĩ học mới này Inrasara đã mở ra một hướng sáng tác mới làm phong phú thêm thơ ông. Yêu nhau ba thì là sự nỗ lực làm mới mình trong thơ tình của Inrasara nhằm vượt thoát khỏi cảm giác sến và ủy mị trong thơ tình một thời để tình yêu của con người thời đại mới được thể hiện một cách chân thực hơn, Tân lạc hậu cảm thán cũng là cách Inrasara nói lời từ giã với thơ lãng mạn bằng cách cắt dán những câu thơ cũ để làm một cuộc đối thoại với nó.
Hành trình thơ Inrasara là hành trình đến cái mới. Những ngày đầu trong Tháp nắng người đọc tinh ý còn dễ nhận mặt những nắng quái, sầu miên viễn, tàn tạ, buồn hải hồ qua Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức đến Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] đã là những bước đi dài và có thể nói Inrasara đã thanh toán sòng phẳng với lãng mạn, nhảy sang bên kia bờ của hậu hiện đại – việc không phải người làm thơ nào cũng can đảm làm và làm được, nhất là khi đã có một bề dày thành tích như ông.
Trên phương diện phê bình, Inrasara còn cổ vũ cho cái mới bằng việc lập biên bản để ghi nhận những nhà thơ mới và thành tựu bước đầu của nó. Chưa đủ cô đơn để sáng tạo, Song thoại với cái mới, Thơ việt từ hiện đại đến hậu hiện đại là những công trình có ý nghĩa khái quát cao.
Nỗ lực cách tân, cổ vũ cho cái mới nhưng không rời xa truyền thống. Thơ, theo ông phải bám sâu vào cội nguồn văn hóa dân tộc. Đương nhiên khái niệm dân tộc, truyền thống trong quan niệm của Inrasara đựơc hiểu theo nghĩa rộng. Ông lí giải: ngay cả thơ Đường luật, Thơ mới vốn vay mượn từ Trung Quốc và các nước phương Tây nhưng đến nay đã trở thành di sản văn hóa dân tộc. Như vậy cần phải hiểu khái niệm dân tộc một cách linh hoạt. Việc du nhập cái mới, Việt hóa chúng, dân tộc hóa chúng cũng là một cách làm giàu thêm vốn văn hóa. Vậy thì sao lại phải khước từ những thể nghiệm thơ Tân hình thức?
Đọc thơ Inrasara ta có thể cảm nhận rõ màu sắc dân tộc đậm đà, thơ ông là nỗi niềm của tháp, là linh hồn của gió cát, là thế giới huyền thoại với apsara điệu múa níu hồn người, tiếng trống Ginang mê hoặc… Nhưng những điều đó không hề khiến người đọc cảm thấy nhàm chán mà ngược lại, dưới bàn tay người nghệ sĩ tài hoa và cảm thức hậu hiện đại, Inrasara đã thổi cho chúng một linh hồn, khoác cho chúng một vẻ đẹp mới, tinh khôi. Ngay cả những bài thơ tân hình thức của ông người đọc vẫn không cảm thấy xa lạ. Những vấn đề mà ông đề cập là những vấn đề nhân loại đang phải đối mặt, cách diễn đạt ông dùng là cách diễn đạt của con người hôm nay. Nói về tập thơ Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], Inrasara bày tỏ: “Trong tập này tôi đề cập đến mọi vấn đề nóng đang xảy ra trên thế giới: nạn đói, chiến tranh, khủng bố, phân biệt đối xử, mất tự do, giá dầu leo và xuống thang, từ Tây Tạng, Trường Sa – Hoàng Sa, Iraq, Apganishtan cho đến Miến Điện. Tôi vận dụng tối đa thủ pháp hậu hiện đại. Nó sẽ ra đời khi hội đủ cơ duyên” [2].
Mới, lạ nhưng quyến rũ, thuộc quen là văn phong của Inrasara trong Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]. Cổ vũ cho cái mới song ông cũng phê phán những lối làm mình, làm mẩy, sự thái quá hoặc dễ dãi trong thơ một số cây bút đương thời. Đó là điều tối kị trong nghệ thuật mà một người viết chắc tay như Inrasara hẳn ý thức rất rõ.

Inrasara chỉ ra rằng: “Nhà văn hậu hiện đại nhập lưu vào mênh mông hiện thực thậm phồn, khắp xung quanh là cả kho tàng trân bảo văn liệu và ngữ liệu sẵn có của nhân loại, họ đến đó, cúi xuống nhặt lấy và khai thác. Mỗi văn bản là một liên văn bản. Mặc cảm đụng hàng không còn nữa. Phỏng nhại, cắt dán là sáng tạo: Sáng tạo hậu hiện đại”.

Lê Thị Việt Hà
Cao học 15, Lí luận Văn học, Đại học Vinh.

_________________

Tài liệu tham khảo chính
(1) Nguyễn Việt Chiến (2007), Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân (1975 – 2005), Nxb Hội Nhà văn- Công ty Văn hoá trí tuệ Việt, Hà Nội.
(2) Inrasara (2009), “Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại”, http://tienve.org
(3) Inrasara (2008), Song thoại với cái mới, tiểu luận, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Các tập tiểu luận của Inrasara: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận, Nxb Văn nghệ, 2006; Song thoại với cái mới, tiểu luận, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội (2008); Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tiểu luận, Nxb Văn học, Hà Nội (2008); và website Inrasara.com.

Summary
Irasara’s poetry through his poem volumes: Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em and Lễ tẩy trần tháng Tư.

The article focuses on the system of poetic topics, Irasara poetry’s artistic feature researches and his contributions to Vietnamese poetry in general and ethetic minorities’ poetry in particular through some poem volumes: Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em and Lễ tẩy trần tháng Tư.

3 thoughts on “Lê Thị Việt Hà: Inrasara trong hành trình cách tân thơ Việt

  1. Ui, chị Việt Hà viết về chú Sara hay wá xá! Khen chị gê đó. Hổng bít nói sao nữa, chỉ bít khen thôi.
    Nhắc lại lời chị bình thôi nhé:
    Mới, lạ nhưng quyến rũ, thuộc quen là văn phong của Inrasara trong Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]. Cổ vũ cho cái mới song ông cũng phê phán những lối làm mình, làm mẩy, sự thái quá hoặc dễ dãi trong thơ một số cây bút đương thời. Đó là điều tối kị trong nghệ thuật mà một người viết chắc tay như Inrasara hẳn ý thức rất rõ.

  2. Nhu vay la anh Sara có có 4 luan van THAC SI roi. Rat vui, rat hanh dien. Anh chua hoc xong Dai hoc, vay ma da co 4 luan van Cao hoc ve tho anh. Khong tuyet voi sao!!!! Noi gi thi noi, toi voi tu cach la nguoi Cham luon luon hanh dien ve anh Sara. Luon luon la nguoi ham mo anh, yeu anh – co len anh.

  3. Tầm của nhà thơ Inrasara là phải thế, không thể khác. Tôi còn tin chắc rằng sau này sẽ có luận án tiến sĩ về thơ anh, sẽ có luận án về phê bình của anh. Tôi chưa được đọc các luận văn trước về thơ anh, nhưng với cách viết của tác giả Lê Thị Việt Hà, bài mới nhất đăng ở Văn chương Việt sáng nay:

    http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11684&LOAIID=33&LOAIREF=1&TGID=2066

    Tôi phải nhìn nhận rằng chị này đã tiếp cận rất tốt thơ Inrasara.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *