Câu chuyện sẽ lên sóng sáng nay, mời các bạn đón xem. Sau đây là 3 trích đoạn:
[1] Tại sao cần trào lưu?
Festival Thơ châu Á-TBD 2015, một chiều đẹp trời dạo bờ biển Tuần Châu, nhà thơ Vũ Quần Phương hỏi tôi: Sara có tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” rất hay. Làm sao một người vừa ca ngợi cô đơn lại đi xiển dương các phong trào, có mâu thuẫn không?
Tôi nói, không. Phong trào làm văn đàn sôi động, còn sáng tạo thì cần cô đơn. Cứ nhìn phong trào Siêu thực ở Pháp đầu thế kỉ XX, sẽ hiểu.
[2] Tại Hội nghị Viết văn trẻ, Đà Nẵng tháng 6-2022, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: “Thơ trẻ có nhược điểm chung là… giống nhau quá… cần có dấu ấn cá nhân riêng”.
– Có vậy đâu!
Tạm dẫn thế hệ @ để dễ nhận biết. Cùng địa phương Sài Gòn, Lê Thiếu Nhơn khác Nguyễn Hữu Hồng Minh khác Lý Đợi; cùng hệ mĩ học hậu hiện đại, Bùi Chát khác Phan Bá Thọ khác Lê Vĩnh Tài – khác cả vực thẳm.
[3] Tại sao các “thế hệ” thơ Việt không chấp nhận, thậm chí bài bác nhau?
Trả lời câu hỏi này, tôi trích lại từ tập tiểu luận Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006:
Cứ xem cụ thâm nho Huỳnh Thúc Kháng đối xử ra sao với nhà thơ mới Lưu Trọng Lư, cũng đủ biết. Trong khi Tố Hữu, Xuân Diệu cho thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi là “lủng cà lủng củng”, thì Trần Mạnh Hảo gán cho thơ Nguyễn Quang Thiều là “thơ dịch, toàn một thứ Tây giả cầy”.
Làm như ta đã biết “thơ Tây” là gì rồi!
Khi đã hay, không phải lo ta bị bỏ quên! Tố Hữu, Trần Mạnh Hảo vẫn được đọc, nhưng chính Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Thiều tạo ảnh hưởng đến thế hệ thơ sau đó, Và chương trình tiếp tục…
Chớ hôm nay nhiều nhà còn coi sản phẩm của Mở Miệng không phải là thơ nữa là!
Tại sao các “thế hệ” thơ Việt bài bác nhau?
Thời đại đa nguyên, thẩm mĩ nghệ thuật thôi còn thuần nhất. Mỗi dòng thơ có bộ phận độc giả riêng. Chúng có mặt là cần thiết, để phụng sự cho bộ phận độc giả của mình.
Còn không, hãy đấu tranh mang tính mĩ học. Thời Tiền chiến, các trận bút chiến giữa thơ Mới và Cũ, Văn học vị nghệ thuật vị nhân sinh diễn ra quyết liệt và lành mạnh. Ông bà làm được, tại sao ta thì không?
Các cuộc chiến hôm nay nếu [có diễn đàn để] nổ ra, chắc chắn sẽ làm giàu sang không chỉ nền văn học một đất nước mà cả tinh thần con người.