THƯ MỜI: CÀ PHÊ VĂN HỌC – CÁC TRÀO LƯU THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI

Anh chị và các bạn thân mến!
Vào 9h sáng thứ bảy ngày 04/07/2015,
tại SALON VĂN HÓA quán CÀ PHÊ THỨ BẢY,
Lầu 1, 19B Phạm Ngọc Thạch, Quận 3
sẽ diễn ra buổi cà phê CÀ PHÊ VĂN HỌC
Chuyên đề: CÁC TRÀO LƯU THƠ VIỆT Ở ĐƯƠNG ĐẠI
Diễn giả : Nhà phê bình Văn học, Nhà thơ Inrasara
Chủ trì: Dương Thụ
Rất mong anh chị và các bạn đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp
GĐ CPTB – Dương Thụ

POSTER CA PHE VAN HOC,04.07.2015
Inrasara: 30 NĂM ĐỔI MỚI, CÁC TRÀO LƯU THƠ VIỆT Ở ĐÂU, VỀ ĐÂU?

1. TÌM TRÀO LƯU THƠ VIỆT Ở ĐÂU?
Thơ Việt sau 30 năm đổi mới đã nảy ra nhiều trào lưu mới với nhiều cách biểu hiện và xuất hiện khác nhau. Một khi văn hóa internet phát triển cùng nhiều quan điểm sáng tác và xuất bản khác nhau, khi văn học trong nước và hải ngoại phần nào đó đang xu hướng “hợp lưu”, để tránh sự thiếu khuyết, người nghiên cứu cần có cái nhìn toàn cảnh mới bao quát được vấn đề. Nhìn toàn cảnh thơ Việt sau 30 năm đổi mới qua con mắt hậu hiện đại là lối nhìn giải trung tâm, coi các phong trào thơ ngoại vi là những dòng chảy quan trọng không chút kém cạnh so với thơ dòng chính, để tạo thành một hợp lưu là thơ Việt, nói chung. Thơ của các nhà thơ ở vùng sâu vùng xa hay thơ người Việt ở nước ngoài, thơ in photocopy hay thơ đăng lên mạng, thơ của các nhà thơ là người dân tộc thiểu số hay thơ nữ, thơ của người làm thơ chưa [không muốn] là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tất cả! Chính lối nhìn mở này mang khả tính phát hiện và thông dòng mọi trào lưu thơ Việt, 30 năm qua.
30 năm, thơ Việt có bao nhiêu trào lưu?

2. BẢY TRÀO LƯU THƠ VIỆT, MINH GIẢI TỪ THỰC TIỄN SÁNG TÁC
Trào lưu cách tân thơ Việt nhận ảnh hưởng từ hai chiều ảnh hưởng: thơ của Nhóm Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc và thơ Sáng Tạo ở miền Nam, cùng các tìm tòi đơn lẻ khác
Thơ Tân hình thức & nỗ lực dự cuộc vào dòng chính
Thơ thị giác trong đó thơ trình diễn là một nhánh nổi bật
Phong trào thơ nữ quyền: thời kì sơ khai và giai đoạn chín rộ với những khuôn mặt độc đáo
Thơ hậu hiện đại với sự phát triện đa dạng và đa diện của nó
Trào lưu thơ trẻ Cham, một nhánh mới trong dòng chảy của thơ Dân tộc Thiểu số Việt Nam
Dòng thơ phản kháng với 2 dòng chảy chính: chính thống và ngoại biên

3. CHUYỂN MỘT HƯỚNG SAY
30 năm và 7 trào lưu thơ, là nhiều và không nhiều với một nền văn học. Bởi không ít phong trào ra đời sớm nở tối tàn, như Nhóm Ngựa Trời. Trào lưu thì nội lực chưa mạnh, như tân hình thức. Có trào lưu xuất hiện rầm rộ và kéo dài: nhóm Mở Miệng trong dòng thơ hậu hiện đại, nhưng do bị kì thị và nghi kị, nghi kị cả ở phía cách tân khác, cho nên nó chỉ tác động ở phần chìm mà chưa được sự công nhận rộng rãi của xã hội.
Phía ngoại vi đã vậy, phía chính thống cũng chẳng hơn gì. Nỗ lực cách tân cá nhân các loại, bởi không đặt trên nền tảng lí thuyết và lí luận vững chắc, khi vào trận, đã lâm nguy ngay. Các “cách tân” được Hội Nhà văn Việt Nam mạnh dạn vinh danh vài năm qua, gần như rơi vào sự im lặng đầy nghi kị, khi bị công phá. Bởi cư dân mạng, lẫn dư luận chính thống. Tại sao? Không ai hiểu tại sao! Hội đồng Giải thưởng khinh thường miễn chấp, hay không đủ lập luận để bác lại các “luận điệu xuyên tạc” kia? Không ai buộc Hội Nhà văn phải trả lời các phản bác về giải thưởng cả. Thế nhưng sự im lặng – dù bất kì nguyên do nào – ở khía cạnh này, Hội Nhà văn Việt Nam rất dễ tạo hồ nghi về sự bất lực của mình. Qua đó, thơ cách tân thất bại. Và hệ quả là: nền văn chương Việt Nam chịu thiệt.
Dù sáng tạo văn chương là hành trình cô độc, như rất nhiều nhà thơ độc hành trong tìm tòi, thử nghiệm trong thời gian khá dài và đạt không ít thành tựu, nhưng chính các trào lưu, nhóm văn học mới tạo nên không khí sôi động cho văn đàn. Chúng xuất hiện, cạnh tranh nhau để có mặt và tồn tại. Vậy, đâu là diễn đàn độc lập để các trào lưu thể hiện? – Không đâu cả. Báo chí văn học chính thống thường đăng ý kiến một chiều, hiếm khi chấp nhận sự phản biện, những phản biện ở cấp độ mĩ học, chứ không phải ở mấy chi tiết lẻ tẻ, vụn vặt.
Do đó, cuộc cách mạng văn học, nếu có – luôn bị dang dở.
Dẫu sao, qua ý hướng cách tân thơ cũng như sự thâu thái các trào lưu nghệ thuật đương thời trên thế giới cùng việc tiếp nhận tinh thần dân chủ mới, thơ Việt đã có bước chuyển động mạnh. Chuyển động cả ở cách nghĩ, cách làm, và thái độ. Hậu hiện đại giai đoạn đầu với thái độ quá khích [rất cần thiết] phản kháng lại mấy đại tự sự và nỗi hãnh tiến vô lối các loại khi bị phản ứng, đã biết phản tỉnh để tìm hướng đi nền tảng hơn trong hành trình đổi mới thơ Việt.
Họ sẽ làm nên bước chuyển mới của thơ Việt ngày mai, hi vọng thế.

VÀI NÉT VỀ DIỄN GIẢ INRASARA – PHÚ TRẠM

Sinh 20-9-1957 tại làng Chăm Caklaing – Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận
1977 – sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh
1978 – bỏ học, đi, đọc và làm thơ
1982 – nghiên cứu ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận
1986 – thôi việc, làm nông dân, đi, nghiên cứu và làm thơ
1992 – nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh
1998 – tự do. Hiện sống tại Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh
Công việc đang làm: Nghiên cứu văn hóa Chăm; làm thơ, viết văn, dịch & viết tiểu luận – phê bình văn học

TAC PHẨM
Về văn học
– Tháp nắng – thơ và trường ca, NXB Thanh niên, H., 1996
– Sinh nhật cây xương rồng – thơ song ngữ Việt -¬ Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1997
– Hành hương em – thơ, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999
– Lễ Tẩy trần tháng Tư – thơ và trường ca, NXB Hội Nhà văn, H., 2002
– Inrasara – Thơ cho tuổi thơ, NXB Kim Đồng, H., 2003
– The Purification Festival in April, thơ song ngữ Anh – Việt, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2005; tái bản 2015.
– Chân dung Cát – tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2006
– Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, H., 2006
– Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận – phê bình, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006
– Song thoại với cái mới, tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, H., 2008
– Hàng mã kí ức, tiểu thuyết, NXB Văn học, H. & Cty Phương Nam, 2011
– Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, tiểu luận – phê bình, NXB Thanh niên, 2014
– Nhập cuộc về hướng mở, tiểu luận – phê bình, NXB Văn học, 2014.

Về nghiên cứu văn hóa Chăm
– Văn học Chăm I – Khái luận
+ In lần thứ nhất: NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994
+ In lần thứ hai: NXB Tri thức, H., 2012
– Văn học dân gian Chăm – Ca dao, Tục ngữ, câu đố
+ In lần thứ nhất: NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1995
+ In lần thứ hai: NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2006
– Văn học Chăm II – Trường ca, sưu tầm – nghiên cứu
+ In lần nhất: NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1996
+ In lần thứ hai: NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006
+ In lần thứ ba: NXB Thời đại, H., 2011
– Từ điển Chăm – Việt (viết chung), NXB Khoa học Xã hội, H., 1995
– Từ điển Việt – Chăm (viết chung), NXB Khoa học Xã hội, H., 1996
– Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tiểu luận
+ In lần thứ nhất: NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1999
+ In lần thứ hai: NXB Văn học, H., 2003
+ In lần thứ ba: NXB Văn học, H., 2008
+ In lần thứ tư: NXB Khoa học Xã hội, H., 2011
– Tự học tiếng Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2003
– Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường (viết chung), NXB Giáo dục, H., 2004
– Sử thi Akayet Chăm, NXB Khoa học Xã hội, H., 2009
+ In lần thứ hai, NXB Văn hóa Thông tin, 2013
– Thả diều xứ nắng, NXB Kim Đồng, 2012
– 4.650 Từ Việt – Chăm thông dụng, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2014.

Chủ biên
– Tagalau, tuyển tập sáng tác – ¬sưu tầm – nghiên cứu Chăm (15 tập, 2000-2014)

Chức danh
– Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học – nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Trưởng Ban Lí luận – phê bình (2005-2010)
– Phó Ban Văn học Dân tộc – Hội Nhà văn Việt Nam (2000-2005 & 2006-2010);
Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam (2010-2015)
Được VTV3 bầu là Nhân vật Văn hóa năm 2005, VTV1 bầu là Nghệ sĩ tiêu biểu năm 2005.

Giải thưởng chính
– CHCPI – Sorbonne (Pháp), Văn học Chăm I (1995)
– Hội đồng Dân tộc – Quốc hội khóa IX, Văn học Chăm II (1996)
– Hội Nhà văn Việt Nam, Tháp nắng (1997), Lễ Tẩy trần tháng Tư (2003)
– Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Sinh nhật cây xương rồng (1998), Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại (2003), Ca dao – tục ngữ – câu đố Chăm (2006)
– Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, Lễ Tẩy trần tháng Tư (2005)
– Giải thưởng Sách Việt Nam, Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường (2006)
– Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Trường ca Chăm (2006)
– Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (lĩnh vực nghiên cứu), 2009
– Tặng thưởng chùm thơ Hay Work of the Month, Tienve.org (Úc) tháng 9-2006; tặng thưởng Tiểu luận Hay tạp chí Sông Hương năm 2010.
________________________________________________________________

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *