Inrasara-TV.03. THÁP CHÀM, NHỮNG ĐIỀU ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN

Tháp Chàm – kiến trúc cổ Champa, đóng góp lớn vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Tiếp nhận kiến trúc Ấn Độ và các nước trong khu vực, Cham sáng tạo nên 7 phong cách lớn với trăm ngọn/ cụm tháp có mặt suốt giải đất miền Trung Việt Nam hiện nay.

7 phong cách được các nhà bàn nhiều, ở đây xin miễn, mà bàn thẳng về sinh linh Cham trong tương giao với Tháp.

Tháp Chàm, những điều ít được biết đến – YouTube

[1] Theo chức năng, có thể chia kiến trúc cổ Cham làm hai khu vực chính:

Từ Phú Yên trở ra, toàn bộ tháp Cham để thờ các vị thần trong hệ thống Ấn Độ giáo, còn từ Nha Trang vào thì thờ các vị vua hay danh nhân được được thần hóa.

Người Cham lấy tên vị ấy đặt tên cho cụm tháp, để thờ phụng. Tháp Bà ở Nha Trang thờ người sáng lập vương quốc Champa là Pô Inư Nưgar; tháp Pô Klong Girai hay tháp Pô Rômê ở Ninh Thuận thờ hai vị vua này; tháp Pô Dam và Tháp Pô Sah Inư ở Bình Thuận cũng vậy.

[2] Minh định tên gọi.

Lâu nay chúng ta [và cả tôi] mãi lệ vào nhà nghiên cứu ngoài mà nhìn Cham, rồi gọi tên. Tên tháp không là ngoại lệ. Như “Tháp cổng”, “Tháp lửa”, vân vân. Có vậy đâu!

Bimông’ là từ để chỉ nguyên cụm tháp gồm 1 ‘Kalan’ + 4 ‘Thang’ (nhà) ở đó có: ‘Thang Cabbak Yang’: Nhà cổng Yang hay được gọi là tháp cổng, ‘Thang cuh Yang Apui’: Nhà thắp lửa cho Thần Lửa bị định danh thành tháp lửa, ‘Thang Pô Bia’: Nhà Hoàng hậu gọi là tháp bia, và ‘Kalan’ là tháp chính. 

Lưu ý: Cham gọi ‘Thang’: nhà, chứ không phải “tháp”; chữ này do Tây và Việt dịch, mà dịch sai. Từ đó không ít Cham gọi sai theo.

Thang Pô Bia’: Nhà Hoàng hậu (tháp bia) ở phía tây, trước thập niên 1960 còn có tượng Bà, sau đó bị đánh cắp, Cham thay bằng ‘Patau Kut’ Đá bia. Gọi “tháp bia” là gọi sau này, sai cả hai: “tháp” và “bia”!

Ngoài ra trước ‘Kalan’ còn có ‘Thang Uơk’: Nhà Trang điểm. Đây là chỉ tiết dường chưa có nhà nào chú ý.

[3] Tháp Pô Klong Girai có ‘mandapa’ không?

“Mandapa” giữ vị trí quan trọng trong cấu trúc tháp, Trần Kỳ Phương khẳng định. Trên đồi tháp Pô Inư Nưgar ở Nha Trang nó còn sờ sờ đó, sao tháp Pô Klong Girai không? – Đơn giản, chỉ vì ta không nhìn thấy nó!

Giữa ‘Kalan’ và ‘Thang Cabbaak Yang’ là ‘Thang Uơk’: Nhà Trang điểm.

“Nhà” này trước thập niên 1960 còn tồn tại với 4 ‘gang’ (cột) gỗ lớn cùng nguyên giàn chính. Mỗi bận Katê, bà con Raglai xuống lợp ‘ralaang’ che nắng mưa để chức sắc “trang điểm” chuẩn bị hành lễ. Sau, người ta bứng nó đi, làm mất cả “mandapa” gỗ độc đáo.

Ở Lễ Tôn chức ‘Tapah’, có một nhà cũng gọi là ‘Thang Uơk’: Nhà Trang điểm dựng ở phía tây nhà chính để làm một số nghi thức cho thầy ‘Paxêh’ thành một đạo sĩ Bà-la-môn thực thụ.  

[4] Bố cục

Tháp Chàm có nhiều phong cách khác nhau, nhưng dẫu khác nhau đến mấy thì một cụm tháp Cham chuẩn, nhất là ở khu vực nam Champa luôn được bố trí theo sơ đồ nhất định.

Cần hội đủ 4 ngôi thành cụm mới gọi là ‘bimông’. ‘Kalan’ cửa mở về hướng mặt trời mọc, trước mặt là ‘Thang cabbak Yang’, phía nam là ‘Thang cuh Yang Apui’, và sau cùng, phía sau kalan là nhà dành cho hoàng hậu.

[5] Vị trí

Khác với nhiều đền chùa tôn giáo khác, tháp Chàm được xây dựng ở rất nhiều địa hình khác nhau: Trong thung lũng kín đáo, cạnh sông lớn hay giữa đồng bằng; tháp cũng có thể dựng trên trên ngọn đồi gần cửa biển, ven sông hay trên ngọn đồi biệt lập; được dựng bên sườn núi, trên bờ biển, trên đỉnh núi cao, trong hang động… Tất cả đều giống nhau ở sự tách biệt với khu dân cư. Tại sao?

Bởi sinh hoạt cộng đồng nào bất kì luôn xảy ra bao nhiêu chuyện, trong khi tháp là khu vực linh thiêng chỉ dành cho việc thờ phụng. Người Cham vừa sợ hãi vừa tôn kính tháp. Vài thập niên trước, đi gần khu vực tháp, không người Cham nào dám nói lời sằng bậy hay chửi thề, là vậy.

[6] Kĩ thuật

Tháp Chàm đến hôm nay vẫn còn phong kín nhiều bí mật.

Chất kết dính gạch, đã có nhiều giả thuyết đưa ra, cả thử nghiệm. Bằng phương pháp loại trừ, chúng ta có thể tìm ra vài bí mật của nó.

Chất những viên gạch sống, sau đó đốt lên, là sai lầm bị loại sớm nhất. Vật liệu xây tháp đâu chỉ có mỗi gạch, mà còn có đá với cả gỗ. Nữa, trong khu vực tháp hiện còn tồn tại rất nhiều “lò gạch”. Tabbok Kiak (Gò Gạch) ở Chakleng được cho là địa điểm làm gạch để xây tháp Pô Klong Girai.

Truyền thuyết còn kể, người Cham chuyển gạch bằng cách xếp hàng đưa-nhận theo hệ thống dây chuyền. Từ lò gạch đến đồi Bbôn Hala, chỉ cần vạn nhân công là đủ.

Dầu rái và lò xay vỏ sò ở khu vực tháp Pô Rômê vừa được phát hiện, đã chỉ ra ông bà Cham đã dùng chất kết dính gì để xây tháp.

[7] Tất cả tháp Chàm đều có 13 vòm trụ, tương ứng với cơ số 13 mà Cham dùng trong sinh hoạt ngày thường. Đó là con số biểu trưng cho sự vượt quá, thiếu cân đối ở đó hoặc rất tốt hoặc rất xấu.

Trong quá trình lịch sử, Bimông bị bỏ rơi, không được thờ phụng được gọi là Bimông bhao hay Bimông jwa tức tháp hoang; còn các tháp đang được thờ phụng gọi là Bimông diiup. Trong các dịp lễ, bà con lên tháp làm lễ mở cửa, cúng tế trời đất và những vị vua có công với non sông đất nước.

Người Cham không bao giờ mở cửa tháp cho khách tham quan, nếu không nhằm vào ngày lễ.

[8] Tại sao người Cham Bà-ni thờ phụng tháp?

Tháp Cham là để thờ các thần linh thuộc Ấn Độ giáo, thế nên khi bảo Cham phi Ấn Độ giáo không phải phụng tự tháp, thì không có gì sai. Nhìn sâu hơn vào tinh thần văn hóa Cham, sự thể hoàn toàn khác.

Ngoài các tháp ở bắc Champa, còn lại hầu hết các tháp khu vực nam Champa đều được dưng lên để thờ anh tài Champa được thần hóa. Các vị là ân nhân của cả dân tộc, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng.

Cạnh đó, khi nhập địa Champa, ý nghĩa và chức năng của tháp đã hoàn toàn bị chuyển đổi, tách biệt khỏi nguồn gốc Ấn Độ của nó. Cũng như tôn giáo Bà-ni dù từ Islam, nhưng Cham đã hóa giải thành tôn giáo đẫm tính dân tộc.

Trong thực tế sinh hoạt tín ngưỡng, bà con Cham Bà-ni vẫn thờ phụng tháp từ mấy trăm năm qua. Tháp Pô Sah Inư và Pô Dam ở Bình Thuận, cả tháp Pô Klong Girai ở Ninh Thuận, rất nhiều bà con Cham Bà-ni lên cúng tế mỗi dịp tế lễ. Ở tháp Pô Rômê, Katê hằng năm, người làng Cham Bà-ni Phước Nhơn lên tháp cúng tế, có khi còn đông hơn cả bà con Cham Bà-la-môn làng Hậu Sanh gần đó nữa.

[9] Đâu là phạm vi không gian tháp?

Tháng 7-2020, “vụ tổ chức tiệc tùng, ca hát trong khuôn viên Tháp Chăm 700 tuổi để quảng bá du lịch gây bức xúc” dư luận Cham.

Tại sao? Đơn giản, do hai phía hiểu “đất tháp” khác nhau.

Như một ‘wang paga’ khuôn nhà Cham chuẩn, luôn có 3 phần: Nhà, sân trước nhà dành cúng tế, sân xung quanh, và ‘takak” (vườn rau nhỏ trong khuôn nhà). Cham xác định khuôn nhà bằng lối đi 3 mặt: đông, tây và nam. Ngoài lối đi kia thuộc về khác.

Cũng hệt, phạm vi không gian tháp Pô Klong Girai gồm 3 khu:

Khu [1] “Kalan’ tháp chính và 4 “Nhà” cùng khoảng đất xung quanh dành cho tín đồ cúng tế;

Khu [2] Bbôn Hala Đồi Trầu, khu này hiện còn nhiều di tích chưa khai quật, ở đó bia kí mặt nam đang lộ thiên;

Khu [3] Phần không gian rộng lớn gồm mặt đông, tây và nam của khu [1&2].

Tanưh Yang’ đất thiêng của tháp nằm gọn trong đó. Bên ngoài 3 khu ấy giới hạn bởi ‘jalaan’ đường hướng đông, ‘bbaak’ lối đi ở hướng nam, là thuộc về sinh hoạt đời thường.

Agal KINH SÁCH và Cham QUAN NIỆM như thế. Không hiểu biết, ta thành mù mờ. Hiện tại, khu [3] được BQL di tích ngăn làm 2 phần:

[3-1] Từ cổng ngoài đến cổng soát vé: Có căng-tin, chỗ giữ xe, nhà vệ sinh…

[3-2] Từ cổng soát vé đến chân Đồi Trầu, có: Nhà trưng bày, gian làm gốm…

Hiện nay, ‘Halau janưng’ và tín đồ Cham chấp nhận không gian từ Cổng soát vé [3-2] đến Khu [1] là: ĐẤT THIẾNG bất khả xâm phạm.

Chỉ khi phân biệt sáng rõ như vậy ta mới xác định được đâu là khoảng cách “gần 1km”, “hơn 1km” và “01km” chẵn. Còn không thì ta cứ mù mờ, và lập lờ.

[10] Để tránh sự cố như vừa nêu, việc thực hiện ở mọi cấp tinh thần “Văn hóa Cham nhìn từ Cham” là điều cần thiết.

Nữa, vụ nâng tượng Pô Inư Nưgar cao quá đầu người trong Tháp Bà ở Nha Trang là chiuyện dễ nhận ta nhất. “Nâng” này xuất phát từ đâu? Tại sao các tượng vua-thần được thờ trong tháp khác khá thấp, ở đây thì ngược lại?

Phong tục Việt là đứng, chắp tay lạy chớ Cham thì khác: nằm rạp xuống, ngẩng lên là thấy Thần, còn hiện tại mỗi lần nhìn lên Cham thấy mỗi cái đế! Ta lấy Việt làm trung tâm, trong khi chủ nhân ông/ bà của tháp lại là Cham.

Phi tinh thần “văn hóa Cham nhìn từ Cham” – hỏng to là vậy!

Trên đây là những điều cần biết về tháp để tránh hiểu lầm và xung đột văn hóa không đáng có. 10 điều, và còn hơn thế…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *