Cái dở tệ, chống là phải rồi, sao gọi là bệnh. Tuy nhiên với cuộc chiến giữa những hệ mĩ học nghệ thuật, thì khác.
Thời đương đại, văn học thôi còn đi theo một lối, mà phát triển đa diện đang dạng, đa phong cách và cả đa hệ mĩ học – ở người viết lẫn người đọc. Vậy mà độc giả cao cấp, tục gọi là nhà phê bình ta cứ lối cũ, mà đoc, mà phê.
Nhà thơ ĐHG – đã điểm qua, đọc bài phê bình trích dẫn thơ dở, liền bỏ đi. Mã Giang Lân đụng loài thơ rối rắm, gán ngay đó là thơ của người điên.
Thế này mà là thơ à? Ta hay kêu thế! Rồi, nhẹ thì ngoảnh mặt, nặng là chống, trầm trọng hơn nữa là triệt hạ. Nhất là với sáng tác hậu hiện đại.
Tang chứng…
GS-TS Mã Giang Lân trên tờ Hồn Việt, ngày 10-2013, cho Bùi Giáng – ở bộ phận sáng tác thứ nhất tức “thời kì đầu”, có “những bài thơ, câu thơ tuyệt bút, ngôn ngữ phóng túng, tài hoa… tiếng Việt trong sáng, tinh tế, tài tình”. Bước sang bộ phận thứ hai, khi bình bài “Ngẫu hứng”, anh viết:
“Tất cả đều không có nghĩa. Thế nên thơ Bùi Giáng, ở dạng thứ hai này, chúng ta không thể/ không nên để công vào khảo sát. Đây là ngôn ngữ của bệnh nhân tâm thần.”
Mã Giang Lân “không thể/ không nên để công vào khảo sát”, chớ Nguyễn Hưng Quốc thì khác. Qua phân tích độc đáo của mình, anh cho đó là bài thơ phơi bày hiện thực đời sống đô thị miền Nam thời bấy giờ với nhiều dự cảm bi đát, theo cách kì lạ nhất. Cạnh đó, cùng các sáng tác khác thời kì này, ông đã khơi mào cho sáng tác hậu hiện đại Việt.
“Một hiện tượng văn chương bất kì, không thể bị giập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở” (Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006).
Quá nhiều bài thơ “dở tệ” được gán cho hậu hiện đại, từ người làm ra chúng cho đến kẻ đọc phải chúng – đúng lắm! Nhưng đâu phải cứ làm thơ theo kiểu hậu hiện đại là ngon. Trào lưu hay hệ mĩ nào cũng hệt.
Thời Thơ Mới, Hoài Thanh đã phải đọc cả vạn bài “thơ mới” để chọn ra hơn trăm bài “hay”. Nghĩa là ông đã loại bỏ 98,6 bài [thơ giông giống thơ mới, thơ mới không hay, chưa đạt] để lấy một bài thơ mới hay!
“Các nhà thơ hậu hiện đại Việt, tôi đã làm thao tác vứt bỏ rất nhiều để lưu lại vài cái đáng lưu. Thái độ công bằng cần thiết của độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị mọ [không thuộc hệ mĩ học truyền thống] vào văn chương hậu hiện đại để chê trách nó. Chấp nê vào hàng đống bài thơ “hậu hiện đại” kém để qui trách trào lưu này “mang tính chất phá hoại” thì càng. Hệ mĩ học nào bất kì chỉ có thể bị vượt qua, khi nó bị tát cạn bằng phơi mở trọn vẹn thủ pháp đặc trưng của nó qua sáng tác ưu tú nhất thuộc hệ mĩ học đó”.