Văn nghệ Việt Nam, điểm tên vài con bệnh-02. KHÔNG HIỂU MÀ CHỐNG

Bệnh không hiểu mà chống, ở đó chống trào lưu nghệ thuật mới, là một.

Tôi gặp rất, rất nhiều nhà chống Hậu hiện đại, cả những người được cho là có đầu óc mở, trong khi họ không đọc tí ti những gì liên quan đến trào lưu này.

Bàn tròn Văn chương Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam tại Vũng Tàu mùa hè 2015, ngồi bàn chủ trì, khi tôi nhắc tới phong trào Hậu hiện đại và Tân hình thức, dưới hội trường bật lên vài tiếng khúc khích, rồi lây lan. Nhà thơ Lương Định khúc khích to hơn cả. Đồng chủ trì với tôi: nhà thơ Mãi Liễu ngó qua hướng khác.

Sáng hôm sau ngồi cà-phê, tôi hỏi hai bạn thơ có khúc khích:

– Các bạn biết nhiều về Tân hình thức, Hậu hiện đại không?

– Ui, mấy thứ thời thượng cần gì…

– Này nhé – tôi ôn tồn, Hậu hiện đại là trào lưu văn hóa ảnh hưởng toàn thế giới từ 30 năm qua, là thời thượng sao? Cả ngàn công trình khoa học. vạn bài nghiên cứu về nó, đó là chưa nói tới sáng tác với phê bình. Nhân loại ngốc hết à…

Im lặng.

– Ở Việt Nam, Bùi Văn Nam Sơn được coi là nhà nghiên cứu triết học hàng đầu, ông đề cập nhiều đến hậu hiện đại, rồi có cả bài về toán học hậu hiện đại. Ai dám kêu ông thời thượng nào? 

Im lặng.

– Tôi biết anh chị em ta mang nặng mặc cảm thiểu số, rằng thiểu số là ở thế yếu thế lép, hỏi có nên không! Tư tưởng cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm. Sinh linh vùng sâu miền xa vẫn đứng ngang bằng với kẻ chợ sống nơi trung tâm văn hóa lớn. Chớ anh nhà thơ Việt đa số chắc gì làm thơ hay hơn tui cây bút Mông thiểu số, chẳng phải sao?

Không biết, không tìm hiểu để biết mà vẫn cứ chống, cứ mỉa mai là thứ mặc cảm khó trị nhất.

Trào lưu văn nghệ hay triết học ra đời góp phần mình làm giàu sang tinh thần nhân loại, và rồi thế nào nó cũng qua đi. Siêu thực qua đi, dấu ấn của nó in đậm nét ở mọi nền nghệ thuật thế giới. Hiện sinh qua đi, tinh thần dấn thân ở lại, cùng câu nói nổi tiếng của Albert Camus: “Một cuộc đời không là gì cả, một cuộc đời là tất cả”.

Hậu hiện đại qua đi, phần mình – sau gạn đục khơi trong, tôi rút ra ba thứ:

Tư tưởng cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm; tinh thần đầy tính nhân văn của hậu hiện đại là tôn trọng sự khác biệt; và kẻ hậu hiện đại hành động theo châm ngôn: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương, cục bộ”.

Không tuyệt sao!?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *