Văn nghệ Việt Nam, điểm danh vài con bệnh-11. CẬN THỊ

[hay. Bạn không thấy ngôi sao nào đó không phải là nó không có]

Bàn về “Một số lý thuyết ngoại nhập và văn học Việt Nam gần đây” (Vanvn.net, 3-8-2016), Nguyễn Hòa viết:

“… năm 2004, trả lời phỏng vấn Thể thao và Văn hóa, dịch giả kể trên nói: “tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”, nhưng 12 năm đã qua vẫn chưa thấy lối viết hậu hiện đại “trở nên phổ biến ở Việt Nam”, phải chăng “chẳng bao lâu nữa” cũng chỉ là thời hạn tù mù? Thiển nghĩ, đưa ra một luận điểm “cấp tiến, hữu nghĩa” nhưng quá lâu chưa được kiểm chứng, thì cũng nên kiểm tra lại ý kiến của mình!”

Dù Nguyễn Hòa không chỉ rõ “dịch giả kể trên” là ai, đích thị đó là luận điểm của Hoàng Ngọc-Tuấn trả lời báo Thể thao & Văn hóa từ 12 năm trước: ngày 6-1-2004. Phiền nỗi, đó lại là một dự cảm chuẩn.

Nếu chỉ đọc báo Văn nghệ, hay tạp chí của Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí văn nghệ các tỉnh, và báo chính thống các loài, bạn hô thế thì không sai. Trong khi tinh thần hậu hiện đại là phi tâm hóa, nơi đó đại bộ phận sáng tác hậu hiện đại nằm ở “ngoại vi”: Văn chương mạng, văn học ngoài luồng, tác phẩm in không qua giấy phép xuất bản của Nhà nước…

12 năm, xuất hiện cả trăm tác giả hậu hiện đại ở phía chính thống lẫn ngoại vi thuộc ba “thế hệ” khác nhau, thì “lối viết hậu hiện đại trở nên phổ biến ở Việt Nam” là một thực tế rõ như ban ngày.

Không nhận ra chúng mới là mắc chứng cận thị, không thể nhìn xa. Nghĩa là mù: mù quan sát; còn có đọc, mà xem chúng không là văn chương, là mù kiểu khác: mù lí thuyết. Từ mù lí thuyết đến mù thẩm định cách nhau chưa tới nửa gang tay.

Bạn không nhìn thấy ngôi sao nào đó không phải là nó không hiện hữu.

20 năm, ở đó năm 2002 được xem là năm bản lề chuyển hướng hệ mĩ học sáng tạo, tôi có thể kê biên nửa trăm nhà văn, nhà thơ sáng tác có ít/ nhiều yếu tố hậu hiện đại trong cảm thức/ thủ pháp.

Trong nước: Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Như Huy, Nguyễn Quốc Chánh, Khúc Duy, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Bỉm, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Đặng Thân, Nguyễn Viện, Lê Anh Hoài, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Hoàng Long, Phương Lan, Thanh Xuân, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Liêu Thái, Lưu Mêlan, Nguyễn Thúy Hạnh…

Ngoài nước: Nguyễn Tôn Hiệt, Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh, Vương Ngọc Minh, Đinh Linh, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hoàng Tranh, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Hoàng Bắc, Trần Vũ, Lê Văn Tài, Thận Nhiên, Phan Quỳnh Trâm…

Từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, tùy bút, từ thơ cho đến phê bình, đủ cả.

Bạn không nhìn thấy là vấn đề của bạn. hậu hiện đại đã, đang và sẽ còn tiếp diễn…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *