Văn nghệ Việt Nam, điểm danh vài con bệnh-04. SỢ

Hãi cái lớn, ta nghĩ ra chữ “tàu lạ”, sợ nỗi cao, ta bày ra từ “đồng chí X”.

Chánh trị đã vậy, văn nghệ lại càng. Ta sợ ý tưởng lạ, sợ sự thật trắng, sợ cả con chữ nhạy cảm. Sợ cho mình, sợ giùm cho nhau. Còn đỡ, ta sợ cả nói hay bàn về cái sợ. Nhà văn Phạm Lưu Vũ đặt cho biệt ngữ “văn hóa sợ”, tắt một lời: bệnh sợ.

Thông báo chủ đề Bàn tròn Văn chương “Nhà văn né tránh hiện thực, tại sao?” – Vắng hoe! Có mỗi Nguyễn Đình Chính, nhưng đến giờ chót thì: “anh bận đi Pháp rồi, Sara ơi”. Để rồi, mỗi nữ sĩ Dạ Ngận chịu chơi đóng thế!

Ngày 8-1-2009, Hội Nhà văn tổ chức hội thảo “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước” tại Đồng Nai, nhà thơ Hữu Thỉnh khai hội, đại ý: Chúng ta sợ tụt hậu với truyền thống dân tộc, sợ không theo kịp văn học thế giới, và cả sợ lạc hậu với hiện thực đất nước.

Đề dẫn khiến cả hội nức lòng, nói… theo. Buổi chiều, tôi diễn:

– Sợ lạc hậu với hiện thực đất nước, đúng. Vậy đâu là thời sự nóng nhất của đất nước làm rúng động trái tim người Việt trên khắp thế giới, hai năm qua? Sự kiện HS-Trường Sa có phải? Hỏi, hơn 60 nhà văn ngồi hội trường này, ai động cập đến nó?

Im lặng! Tôi tiếp:

– Tôi là duy nhất. Bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” trên Tiền Vệ cuối năm 2007 là một. Rồi tiểu luận, phê bình: “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Hoàng Sa-TS”, BBC, 9-7-2011, cũng là một nốt. Hà cớ?!

Trước trang giấy hay màn hình trắng, đặt bút hay gõ bàn phím, ta ngó quanh: Con cháu với bằng hữu ta, sinh viên hay độc giả từng ủng hộ ta. Thế là ta cắt, ta thiến, ta tự kiểm duyệt trước khi bị kiểm duyệt. Hậu đổi mới là thời hoàng kim của tự kiểm duyệt – Phạm Thị Hoài.

Tiếp, sợ dao kéo của Cục Xuất bản, trong khi ta rất muốn “đứa con tinh thần” ra đời chính thống. Sợ người đọc hiểu sai, ta tự kéo mình xuống hoặc giải thích rồi giải thích. Cực nhảm!

Nhà văn sợ đi một mình, sợ cô đơn, sợ bị cô lập. Hơn nữa, sợ chui ra khỏi lô-cốt định kiến, thoát khỏi ao làng chật chội.

Tôi có sợ không, không biết! Tôi từng “lang thang” khắp thế giới, không phải để cảm tác về nền văn hóa hay cảnh quan xa lạ, mà động cập đến sự kiện nóng nhất ở nơi ấy.

Afghanistan, Nadia Anjuman nữ nhà thơ trẻ bị bức hại đến chết, năm 2007, bài thơ “Ở nơi ấy, nhà thơ” ra đời. Miến Điện 2008, là “Ở nơi ấy, tự do” và “Ở nơi ấy, cuộc sống theo đuôi”; năm 2021 thêm “Tự do tươi rói”.

Australia, Tuổi trẻ đưa tin 14-2-2008: “Úc chính thức xin lỗi người bản địa”, tôi viết “Thời gian của một lời xin lỗi”; hôm sau “Khóc Tây Tạng” tiếp sức.

Tất cả xuất hiện cấp tập trên Tiền Vệ, nóng hầm hập.

Cuối thập niên thứ hai của thế kỉ XXI:

Nhật Bản, loạt thơ về thảm họa kép ở Nhà máy điện Hạt nhân Fukushima: “Lời ru buồn cho Điện hạt nhân” liên tưởng qua Tchernobyl bên trời Tây.

Đài Loan, vụ rác thải hạt nhân đe dọa cả một cộng đồng bé nhỏ, tôi ứng tác chùm thơ tiếng Anh “Orchid Island Taiwan” để đọc tại hội thảo ở Đài Bắc.

Việt Nam thì vô số kể, với chục “cảm tác viết dưới hầm”, trong đó Dự án thép Cà Ná, có: “Miền Trung đau khổ… quen rồi”, “Việt Nam – giàu, đẹp và tanh bành” trên RFA. Còn Formosa, là loạt bài trong cụm: “Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ”.

Bát ngát thơ, đủ làm ra thi tập nóng hổi: Ở nơi ấy [thơ thời cuộc].

Nhà văn sống tận cùng thời cuộc, tại sao không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *