[hay. Bạn có thực sự yêu Pô-Klong không?]
Có thể nói, 80% người có học Cham đang đóng góp cho cộng đồng và đất nước hôm nay, xuất thân từ lò Pô-Klong. Tồn tại trong thời gian không dài [10 năm], Pô-Klong đã đào tạo lứa sinh linh Cham, vững về kiến thức, chuẩn về kỉ luật, và đa phần có trách nhiệm xã hội.
Hiện, các anh chị em tản đi các nơi, kẻ mất người còn, tuy nhiên đó chính là thế hệ danh giá nhất sau thời kì đại khủng hoảng, chắc chắn thế! Nhà văn, nhà nghiên cứu, tiến sĩ, bác sĩ, kĩ sư, doanh nhân, và không ít người có vai vế trong chính quyền, từ địa phương đến trung ương.
Cộng đồng Cham bé nhỏ, anh chị em mỗi ngày quanh đi quẩn lại thấy mặt nhau, cả ở tận bên kia nửa vòng trái đất – qua phương tiện kĩ thuật hiện đại, ta cũng thường xuyên thăm hỏi nhau. Từng gặp mặt, họp lớp, cả sinh hoạt chung cơ quan. Từng tổ chức nhóm đi thăm quý thầy, hàn huyên, chúc thượng thọ. Vân vân.
Câu hỏi đặt ra: Đâu là cái nhìn tổng quan và sâu sắc nhất về Pô-Klong? Với bát ngát dấu vết lưu lại từ vùng thẳm sâu kí ức chắt lọc của hàng trăm đứa con Pô-Klong? Để lưu lại cho các thế hệ đi sau biết, cha mẹ, ông bà họ đã làm được gì…
– Không đâu cả! Buồn không?
Ban Biên soạn sách chữ Chăm đã có “dấu vết để lại”, Trường Trung học Pô-Klong – tại sao không?
P.S.-1
Phim: BAN BIÊN SOẠN SÁCH CHỮ CHĂM, DẤU VẾT ĐỂ LẠI
Quay phim: Jaya
Thuyết minh & phỏng vấn: Phú Nhân Tâm & Xuân Bào
Cố vấn: Inrasara & Ysa Cosiem
và Phú Nhân Tâm: phỏng vấn
Tài trợ: Quang Cẩn, Lưu Quang Sáng, Ysa Cosiem
,
P.S.-2
Inrasara
TRƯỜNG TRUNG HỌC PÔ-KLONG
Trường Trung học An Phước là tiền thân của Trường Trung học Pô-Klong.
Lớp Ðệ thất niên học 1965-1966 là năm học đầu tiên, Thành Phú Bá làm Quản đốc kiêm giáo viên đứng lớp. Lúc bấy giờ trường mượn tạm một phòng học của trường Bàu Trúc làm lớp học.
Hết học kỳ 1, Trường dời về Phú Nhuận, từ đó, Trường An Phước coi như tạm ổn. Năm học đầu tiên với 65 học sinh đi qua trong hoàn cảnh khó khăn đó (Thành Phú Bá, “Từ Trường Trung Học An Phước Đến Trường Trung Học Pô Klong”, Champaka số 6, 2007).
Tháng 4-1970, cơ sở bị pháo kích Trung tâm huấn luyện địa phương quân nằm gần khu vực Trường lạc qua. Thấy mất an ninh, ông Dương Tấn Sở, lúc này là Thiếu Tá Trưởng Ty Phát Triển Sắc tộc Ninh Thuận đã tích cực vận động dời trường về thị xã Phan Rang, và đổi tên thành Trường Trung học Pô-Klong từ năm 1971.
Pô-Klong đã có cấp III, ông Lưu Quang Sang vốn là giáo viên đệ nhị cấp của Trường Trung học Duy Tân Phan Rang, làm Hiệu trưởng thay ông Thành Phú Bá, kể từ năm 1970. Được một năm, ông đắc cử Dân biểu Việt Nam Cộng hòa, vào Sài Gòn làm việc để ông Nguyễn Văn Tỷ thay, cho đến năm 1975.
Trường Pô-Klong có ấn hành nội san “Ước Vọng” mang tính cách sinh hoạt nội bộ.
Chắc chắn đây là nơi đào tạo thế hệ trí thức Cham mới, sau thế hệ đầu đàn trước đó.
Thành Phú Bá nhận định:
“Trường Pô-Klong đã đóng một vai trò tích cực trong xứ mạng đào tạo một lớp thanh niên thanh nữ dân tộc Cham có trình độ văn hóa và tác phong đạo đức tốt mà ngày hôm nay họ đang tham gia trên nhiều lãnh vực hoạt động của xã hội, giữ nhiều chức vụ khác nhau trong các cơ quan công quyền. Họ luôn tự hào là dân tộc Cham, góp phần cùng với các dân tộc anh em trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt nam Dân chủ, công bằng và văn minh”.
Sau tháng 4-1975, Trường Trung học Pô-Klong bị giải thể, Trường nhiều lần thay tên đổi họ thành: Trường Thanh niên Dân tộc, Trường Nội trú Dân tộc và nay là Trường Trung học Phổ Thông Dân tộc Nội trú. Trường đã mất hoàn toàn chất Cham, như nó đã từng làm được qua mười năm (1965-1975) hình thành và phát triển.
Thương thay!