Văn nghệ Việt Nam, điểm danh vài con bệnh-08. BÈ PHÁI

Hơn nửa thế kỉ trước, André Gide cho rằng văn chương Pháp các nhóm chưa thành trường phái đã ra phe phái. Việt Nam, càng đúng. Có khi ở ta, nó nặng hơn nữa. Bởi giai đoạn qua, văn học ta hình thành và phát triển trong môi trường xã hội chả giống ai của mình.

Câu chuyện.

Hội thảo thơ tại TPHCM ngày 25-8-2006, một phóng viên diễn sai tham luận: “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”. Tôi phone tới Ban biên tập mắng vốn. Người phụ trách tờ báo trả lời đầy thiện chí:

– Inrasara viết đi, chúng tôi sẽ đi ngay ngày mai.

Viết, gửi đi. Tội là, ở phản hồi công phu kia, tôi “sơ ý” trích một đoạn ngắn của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. Thế là ấy nói [qua một người bạn] khá… vô tư: “Inrasara nhận bao nhiêu ơn mưa móc của Nhà nước ta mà lại đi trích dẫn nhà văn phản động ở nước ngoài”. Dĩ nhiên bài bị ách lại.

Tiểu luận về sáng tác về Hoàng Sa-TS vừa đăng lên BBC, sáng mở mắt, tôi nhận ngay cú phone của ông bạn vong niên từ Hà Nội:

– Có vai vế ở Hội Nhà văn Việt Nam, sao chú em viết thế?

– Một sự kiện lớn của đất nước kéo theo loạt sáng tác, mà chẳng có ai động bút…

Không đợi tôi phân trần, ông bạn phán ngay:

– Chẳng có lợi tí ti nào cho chú em cả!

Trước nữa, năm 2007, bài “Văn chương mạng” được Văn nghệ đăng với mấy sửa đổi tệ hại. Đòi đính chính không được, tôi buộc giải minh trên Tienve. Sau đó, qua trao đổi thư điện tử, tôi nói với ban biên tập:

– Nếu bài không hợp thì đừng đăng, còn khi “biên tập”, báo cần có sự đồng ý của tôi chứ.

Bị đẩy vào thế kẹt, Lã Thanh Tùng “thở dài”:

– Chúng tôi cứ tưởng anh Inrasara là “người nhà” của báo [nên mới tùy ý sửa!]

Mới nhất, bài “Chú giải ngắn về văn chương vỉa hè Sài Gòn”, cánh vỉa hè Sài Gòn luận: Rằng hay thì thật là hay, nhưng Inrasara có phải dân vỉa hè đâu mà lên tiếng bênh vực văn chương vỉa hè!

Không bàn về ngoài luồng thì Đào Hiếu cho “Sara chỉ biết mỗi văn chương chính thống”, trong khi tôi viết khá nhiều. Viết, thì Phan Nhiên Hạo hô, “Sara muốn vuốt ve ngoài lề”!

Mèng! Đâu phải người trong cuộc mới có thể nhận định về văn chương “phe” mình. Tôi viết, như nhà phê bình “lập biên bản” văn chương hôm nay. Viết, để giải minh tâm thế sáng tác của bộ phận văn học ở đó tồn tại không ít khuôn mặt và tác phẩm sáng giá.

Bốn câu chuyện nói lên điều gì?

Không gì khác ngoài tinh thần đảng [phe, bè] phái có mặt đậm đặc trong sinh hoạt văn học. Từ ngoại vi đến chính lưu, từ trong đến ngoài, từ Bắc vô Nam. Nó lan truyền rộng và phát triển mạnh, bởi định kiến, vì quyền lợi của cá nhân hay tập thể, có khi không vì gì cả. Tâm thế quy định cách nghĩ, cách lo và cách hành xử của đại đa số người viết hôm nay.

Nhẹ thì lo cho nhau, như thái độ can gián của ông bạn vong niên trên. Nặng xíu thì ông không thuộc phe chúng tôi chớ phát ngôn thay chúng tôi, theo cách nghĩ của cánh vỉa hè thượng dẫn. Hoặc như vài kẻ học thức Cham thói quen cho rằng vấn đề văn hóa Cham chớ để mấy nhà nghiên cứu Việt xen vào. Trầm trọng hơn nữa thì loại nhau ra ngoài cuộc, hệt lối hành xử của vị biên tập nhật báo kia.

Hậu quả của tinh thần đảng [phe, bè] phái nguy hại thế nào không biết, điều thấy rõ hơn cả là: chính bản thân văn học chịu thiệt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *