Bá Minh Truyền: Trường Trung học Pô Klong xưa và nay

 * Trường Trung học Pô Klong – 1973, Photo tư liệu

Tóm  tắt

Để phát triển giáo dục ở vùng xa vùng sâu, vùng tộc người bản địa sinh sống, Nhà nước cho nhân rộng loại hình giáo dục Trường Dân tộc Nội trú khắp các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước. Nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa có một mô hình quản lí nào phù hợp với tính đặc thù cho từng cộng đồng tộc người. Học sinh người Chăm vẫn chịu sự giáo dục hoàn toàn giống như hệ thống giáo dục khác của Bộ Giáo dục và đào tạo. Bài viết “Trường Trung học Pô Klong xưa và nay” nhằm đóng góp thêm tư liệu nghiên cứu về quá trình phát triển giáo dục người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận qua mô hình Trường THPT Dân tộc Nội trú. Qua đó, đưa ra ý kiến khuyến nghị xây dựng sự nghiệp giáo dục đạt chất lượng hơn. 

 

1. Tên gọi Trường Trung học Pô Klong.

1.1. Trường Trung học An Phước (1965-1970).

Trước năm 1975, tổ chức hành chính tỉnh Ninh Thuận được chia làm 4 quận là Thanh Hải, Bửu Sơn, An Phước và Du Long([1]). Tuy là tỉnh nhỏ song trình độ văn hóa của người dân phát triển khá tốt. Toàn tỉnh có ba Trường Trung học Công lập: Trường Trung học Duy Tân ở Phan Rang, Trường Trung học Tháp Chàm ở quận lỵ Bửu Sơn, Trường tỉnh hạt Đinh Bộ Lĩnh ở Dư Khánh (quận Thanh Hải). Trong đó, hệ thống giáo dục có quy mô lớn nhất là Trường Trung học Duy Tân, có đến lớp 12 (lớp Đệ nhất cũ) dạy đến bậc tú tài. Có hai Trường Trung học Tư thục: Trường Bồ Đề, Trường Trương Vĩnh Ký và hai Trường Trung học Bán công: Trường Trung học Bán công Nguyễn Công Trứ, Trường Trung học Bán công Tháp Chàm([2]).

Tất cả hệ thống giáo dục này, đều nằm xa địa bàn dân cư sinh sống của người Chăm. Cho nên, chỉ theo học hết bậc Tiểu học (Trường làng), đa số học sinh người Chăm không có điều kiện và phương tiện để vào thành phố Phan Rang-Tháp Chàm theo học ở bậc Trung học trở lên. Năm 1965, Nha Trung học tỉnh Ninh Thuận có kế hoạch mở thêm một Trường Trung học mới vào năm học 1965-1966([3]). Đứng trước cơ hội đó, ông Quận trưởng An Phước là Dương Tấn Sở (người Chăm) đề nghị xin cho mở trường trung học tại quận An Phước. Vì vậy, trường trung học đầu tiên dành cho người Chăm chính thức được thành lập và được đặt tên là Trường Trung học An Phước vào năm 1965.

 

1.2. Trường Trung học Pô Klong (1971-1975).

Đầu năm 1970, Trường Trung học An Phước chuyển cơ sở giáo dục vào thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Tại cơ sở mới, Nhà trường có nhiều bước tiến triển nhanh hơn về số lượng học sinh và cơ sở vật chất. Ban lãnh đạo Nhà trường là ông Thành Phú Bá đã đề xuất chọn tên Pô Klong Girai – một nhân vật trong huyền thoại Champa có công chỉ đạo xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, được nhân dân thờ phượng  trong đền tháp([4]). Trước khi đưa ra chính thức, tên gọi trường, đã được sự thảo luận rộng rãi trong giới trí thức Chăm và được sự đồng tình, ủng hộ. Trong năm 1970, có cuộc họp đặc biệt của Hội đồng các Sắc tộc Trung ương với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra tại dinh Độc Lập (Sài Gòn). Nhân dịp này, phái đoàn tỉnh Ninh Thuận có ông Mang Lễ (người Raglai là Hội viên), ông Quảng Đại Minh (nguyên là tri huyện An Phước, dân biểu Việt Nam Cộng hoà thời Ngô Đình Diệm), ông Dương Tấn Sở (Hội viên) và ông Lưu Quang Sang (Hiệu trưởng Trường Trung học An Phước, Hội viên Hội đồng các Sắc tộc Trung ương), đã đề nghị với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho phép đổi tên Trường Trung học An Phước thành Trường Trung học Pô Klong (gọi tắt từ tên Pô Klong Garai).

Việc ông Lưu Quang Sang kiến nghị đặt tên gọi mới cho trường, được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận([5]). Một năm sau đó, Nhà trường nhận được công văn của Bộ Giáo dục cho phép đặt tên Trường Trung học Pô Klong([6]). Như vậy, tên gọi Trường Trung học Pô Klong ra đời không chỉ là sự lựa chọn của toàn thể nhân dân Chăm mà còn

là điều thiêng liêng cho học sinh người dân tộc bản địa ở Ninh Thuận mơ ước được vào học. Từ đó, học sinh có nhiều nghị lực phấn đấu rèn luyện đạo đức, học tập chăm chỉ, tranh đua với các trường trung học khác trên địa bàn tỉnh để xứng danh với vị anh hùng dân tộc Champa.

 

1.3. Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận (từ năm 1992 đến nay).

Ngày 16 tháng 4 năm 1975, tỉnh Ninh Thuận được giải phóng, 14 ngày sau đó, chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ hoàn toàn, đồng nghĩa với toàn bộ tổ chức bộ máy hành chính ngưng hoạt động. Trong đó, có cơ quan Bộ Phát triển Sắc tộc có chức năng duy trì hoạt động hệ thống Ký túc xá cho học sinh người dân tộc thiểu số, kéo theo việc đóng cửa Trường Trung học  Pô Klong. Năm 1976, chính quyền cách mạng cho phép mở lại trường học. Nhưng học sinh người Chăm đã bỏ học về nhà nhiều, một số ít tự tìm trường  khác học tiếp cho hết bậc trung học phổ thông để học lên bậc Cao đẳng và Đại học.

Để khai thác thế mạnh từng địa phương Nhà nước đã đề ra kế hoạch cải cách hành chính bằng việc tiến hành chia tỉnh Thuận Hải ra thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận làm đơn vị hành chính độc lập. Do đó, có đề án Quyết định thành lập Trường Trường Trung học Phổ thông (THPT) Dân tộc Nội trú (DTNT) tỉnh Ninh Thuận, tiếp tục sử dụng cơ sở vật chất Trường Trung học Pô Klong và tổ chức sinh hoạt Ký túc xá (KTX) lại cho học sinh người dân tộc thiểu số. Toàn bộ hoạt động của Trường THPT DTNT giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận quản lý, chế độ tài chính của trường do UBND tỉnh quyết định. Như vậy, tên Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận ra đời từ Quyết định số 929/QĐ-UBTH, do Phó Chủ tịch tỉnh Thuận Hải là Ông Văn Quát  ký ngày 7 tháng 11 năm 1991 tại thành phố Phan Thiết. Mặc dù, tên gọi của nhà trường đã rõ ràng, nhưng theo thói quen, người Chăm vẫn cứ gọi là Trường (Trung học) Pô Klong. Học sinh thường ghi trên giấy kiểm tra là Trường THPT Pô Klong.

2. Hoàn cảnh ra đời Trường Trung học Pô Klong.

2.1. Trường Trung học An Phước.

Năm 1954, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam, với việc kí kết hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam. Hơn mười năm sau nổ ra sự kiện vịnh Bắc bộ (năm 1965) Mỹ đã trực tiếp đưa quân đội vào miền Nam, đưa tình trạng chiến tranh thêm nóng bỏng và phức tạp. Song song với chiến tranh, là các vấn đề dân tộc thiểu số lại nổi lên không thể hòa giải bằng cuộc hội đàm, xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh vũ trang của các tộc người thiểu số, đòi quyền ly khai, tự trị khỏi chính phủ miền Nam. Đó là cuộc nổi dậy của phong trào Fulro tại buôn Sar Pa vùng gần biên giới Campuchia vào ngày 20-9-1964([1]).

Trước tình huống bất ngờ đó, chính phủ Việt Nam Cộng hòa yêu cầu chấm dứt mọi hành động quân sự để đi đến một phiên họp giải quyết những vấn đề dân tộc thiểu số. Ngày 15-10-1964, cuộc thương thuyết đầu tiên được tiến hành tại Pleiku dưới sự chủ tọa của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có. Đến ngày 19-10-1964, Trung tướng Nguyễn

Khánh có mặt để kết thúc hội nghị với lời hứa hẹn sẽ xem xét mọi nguyện vọng của Fulro liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục dành riêng cho dân tộc thiểu số ở miền Trung Việt Nam([1]). Ngày 13-9-1965, chính phủ Việt Nam Cộng hòa tiếp tục có cuộc hội đàm với Fulro, để sớm chấm dứt tình trạng bất ổn ở vùng dân tộc thiểu số. Cuộc hội đàm này, mang lại cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở miền Trung Việt Nam một số chính sách bảo vệ quyền lợi về kinh tế, xã hội, tư pháp, nhất là vấn đề giáo dục([2]).

Trong thỏa thuận giáo dục, chính phủ Việt Nam Cộng hòa chấp thuận thành lập một Trường Thiếu sinh quân ở Pleiku, một Trường Sư phạm Cao Nguyên và một Trường Kỹ thuật Y Ut tại thành phố Ban Mê Thuột. Ngoài ra, còn cho phép thành lập một số Trường Trung học dành cho người dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng([3]). Đến ngày 1-10-1965, ở tỉnh Ninh Thuận tiến hành khai giảng khóa học đầu tiên tại Trường Trung học An Phước để tiếp nhận học sinh là người Chăm và tộc người khác vào nhập học. Như vậy, sự ra đời của Trường Trung học An Phước trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, một phần do nhu cầu phát triển giáo dục cấp thiết vùng Chăm, phần khác do ảnh hưởng từ kết quả việc giải quyết vấn đề dân tộc thiếu số mang lại.

 

 Trường Trung học Pô Klong – 2008, Photo Inrasara.

2.2. Trường Trung học Pô Klong.

Đầu năm 1970, một trận pháo kích của quân giải phóng tấn công vào Trung tâm Huấn luyện Địa phương quân. Sự kiện trên, khiến cho phụ huynh học sinh và nhà trường lo lắng. Học sinh không tiếp tục ở trong Ký túc xá, xin ra ngoài ngủ nhờ nhà dân.Trước hoàn cảnh đó, Nhà trường xin ý kiến chỉ đạo từ phía chính quyền quận An Phước và Ty Phát triển Sắc tộc tỉnh Ninh Thuận. Nhà trường được sự chấp thuận từ phía chính quyền đồng ý chuyển cơ sở giáo dục vào thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Ty Phát triển Sắc tộc cấp Ký túc xá dành cho học sinh tộc người thiểu số cho Nhà trường tiếp quản và đứng ra chi trả tất cả các khoản chi phí sinh hoạt, ăn, ở, đi lại của học sinh nội trú.

Nhu cầu học tập của học sinh gia tăng, trường được nâng cấp lên thành Trường Trung học Đệ nhị cấp (THPT ngày nay) với tên gọi mới là Trường Trung học Pô Klong. Theo nhu cầu phát triển và sự đề nghị của phụ huynh học sinh, Ban lãnh đạo Nhà trường xin Bộ Giáo dục mở thêm lớp 10 và lớp 11. Căn cứ vào nguyện vọng chính đáng này, Bộ giáo dục chấp thuận bằng Nghị định số 202-KH/CP ngày 15-2-1971([1]). Hoạt động giáo dục của Trường Trung học Pô Klong diễn tiến đến ngày tỉnh Ninh Thuận được giải phóng hoàn toàn (16-04-1975) thì Nhà trường ngưng hoạt động.

 

2.3. Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận.

Ngày 1-4-1992, tỉnh Thuận Hải được tách làm thành hai đơn vị hành chính là Bình Thuận và Ninh Thuận. Trong những ngày đầu mới tái lập tỉnh, xuất hiện rất nhiều vấn đề

khó khăn cần sớm giải quyết, trong đó, có vấn đề chăm lo sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Để tạo điều kiện cho học sinh tộc người bản địa và con em các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ có điều kiện đến trường đến lớp học tập và có nơi ở sinh hoạt ổn định Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận được thành lập. Từ ngày ra đời đến nay (năm 2012), Nhà trường đã có những bước phát triển mới về cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy. Hơn thế nữa, Nhà trường được kế thừa toàn bộ diện tích đất đai và cơ sở vật chất từ Trường Trung học Pô Klong.

 

3. Quá trình phát triển Trường Trung học Pô Klong.

3.1. Quá trình phát triển Trường Trung học An Phước (1965-1970).

3.1.1. Cơ sở vật chất.

Tháng 6 năm 1965, quận An Phước nhận được quyết định thành lập Trường Trung học An Phước. Nhưng cơ sở vật chất chỉ có một phòng học mượn của Trường Tiểu học Bầu Trúc (Vĩnh Thuận), cách quận lỵ An Phước tám cây số để làm lớp học([1]). Tại cơ sở này, hoạt động giáo dục tiến hành được năm tháng (hết học kỳ I).  Lãnh đạo Nhà trường, ông Thành Phú Bá xin ý kiến chỉ đạo từ chính quyền cho phép chuyển Trường về gần trung tâm hành chính quận An Phước, để tiện đường giao thông và có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Tuy nhiên, cơ sở mới của Nhà trường cũng chỉ là mượn tạm Văn phòng Chi Thanh niên quận An Phước làm lớp học. Hoạt động dạy học được ba tháng, Nhà trường được tiếp quản cơ sở của Trường Tiểu học thôn Phú Nhuận. Cơ sở mới tiếp quản này trong tình trạng đã hư hỏng, xuống cấp nhiều, gồm có ba phòng học([2]). Mặc dù vậy, cũng giúp cho Nhà trường và học sinh tạm ổn định để tiến hành việc dạy và học được thuận lợi. Đến mùa hè năm 1966, Nhà trường ra sức huy động mọi nguồn lực có thể, để xây dựng cơ sở vật chất “trường ra trường, lớp ra lớp”. Lời kêu gọi đó, được phía chính quyền là ông Dương Tấn Sở ủng hộ, về phía học sinh có ông Lưu Quý Tân làm đại diện Hội phụ huynh học sinh thường xuyên có mặt cùng gánh vác khó khăn và chia sẻ thiếu thốn với Nhà trường. Đặc biệt, những thanh niên từ các làng Chăm tình nguyện đến hỗ trợ, giúp đỡ ngày công lao động xây cất, sửa chữa trường lớp, làm vệ sinh khuôn viên sân trường, đóng bàn ghế và xây dựng cả một Ký túc xá cho học sinh ở nội trú([3]).

Bên cạnh đó, học sinh còn tự tay vào bao cát, đào hầm trú ẩn phòng ngừa pháo kích. Những việc làm của thanh niên tình nguyện, trong việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức sinh hoạt nề nếp, kỉ luật phải kể tới vai trò hướng dẫn của anh Quảng Văn Đủ vừa đi học vừa gắn bó với mọi hoạt động của Nhà trường. Ngoài ra, còn có giáo viên phụ trách môn tiếng Anh là ông Jay Scarborough (người Mỹ) cũng hỗ trợ cho Nhà trường, bằng cách xin các vật liệu xây dựng từ quân đội Hoa Kỳ ở sân bay Thành Sơn, cung cấp thực phẩm và tặng quà cho học sinh([4]). Đa phần học sinh Trường Trung học An Phước, sinh sống ở nhiều làng khác nhau lại cách xa trường học. Để đảm bảo việc đến lớp đều đặn, Nhà trường và Hội phụ huynh tổ chức cho học sinh ở nội trú đóng tiền, góp gạo theo tuần, tháng, thuê bà Thị Yên (thôn Chất Thường) làm đầu bếp, đi chợ, nấu ăn với sự giúp

đỡ của học sinh([1]).

Như vậy, cơ sở vật chất Trường Trung học An Phước hoàn toàn do sự nỗ lực của lãnh đạo Nhà trường, xã hội Chăm góp sức xây dựng lên. Tuy rằng, cơ sở vật chất không được khang trang và tiện nghi. Nhưng đó là thành quả lao động của Nhà trường, phụ huynh, học sinh cùng nhau chung tay xây dựng, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó mà Nhà trường vẫn tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học bình thường. Học sinh có nơi sinh hoạt ổn định và gần trường học nên đảm bảo chất lượng giáo dục và đã hạn chế rất nhiều việc bỏ học của học sinh cũng như vi phạm nội quy, kỉ luật của nhà trường.

3.1.2. Đội ngũ giáo viên.

Khi mới thành lập Nha Trung học (tương đương với Phòng Giáo dục ngày nay) tỉnh Ninh Thuận chỉ bổ nhiệm duy nhất một nhân sự là ông Thành Phú Bá đang giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Đức chuyển sang quản lý Trường Trung học An Phước vào tháng 6 năm 1965 với chức danh mới là Quản đốc([2]). Với cương vị  người đứng đầu Nhà trường, ông Thành Phú Bá đã tiến hành những công việc đầu tiên quyết định đến sự tồn tại của Nhà trường, là thực hiện công tác tuyển sinh đầu vào lớp 6. Sau hai tháng chuẩn bị, mọi công tác đều đã hoàn tất. Tuy nhiên, sau nhiều lần gởi công văn yêu cầu bổ sung thêm giáo viên vẫn chưa thấy trả lời từ phía Nha Trung học. Ông Thành Phú Bá vẫn phải quyết định cho tiến hành hoạt động dạy và học bình thường vào đầu tháng 10 năm 1965. Hoạt động giáo dục đã trải qua hết học kỳ I, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra.

Trong tình cảnh đó, ông Thành Phú Bá phải đứng ra dạy hết tất cả các môn học([3]). Để không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, Nhà trường phải chuyển cơ sở khỏi địa bàn thôn Bầu Trúc mới tiếp nhận được giáo viên đến dạy. Năm 1966, ông Đàng Năng Quạ, từ Quảng Nam được thuyên chuyển về theo chế độ biên chế đầu tiên, kế đến, là cô Nguyễn Thị Lành, Đỗ Thị Vân Tô, Nguyễn Văn Như Ý người gốc Huế, giáo viên dạy môn Văn học. Ông Jay Scarborough là thanh niên tình nguyện đến từ đất nước Hoa Kỳ được Ty Phát triển Sắc tộc tỉnh Ninh Thuận giới thiệu đến dạy môn Anh văn từ tháng 9 năm 1967 đến hết khóa học năm 1971([4]). Từ năm 1965-1970, Nhà trường chỉ có duy nhất hai giáo viên biên chế chính thức là ông Thành Phú Bá và Đàng Năng Quạ, còn lại là giáo viên được mời hợp đồng thỉnh giảng.

3.1.3. Mô hình Trường Trung học An Phước.

Trường Trung học An Phước nằm trong hệ thống giáo dục Quốc dân. Đứng đầu là Quản đốc (tương đương Hiệu trưởng), có quyền tuyển dụng, bổ nhiệm và quản lý giáo viên, giám thị, nhân viên. Từ 1965-1970, giáo viên của nhà trường rất thiếu thốn, Nhà trường lệ thuộc vào nguồn giáo viên từ Trường Trung học Duy Tân. Vì vậy, phải tiếp nhận cả thanh niên tình nguyện người Chăm vừa tốt nghiệp tú tài đến dạy học. Giám thị là những giáo viên tình nguyện ở lại tại trường, cùng sinh hoạt với học sinh và quản lý các hoạt động của học sinh sau giờ lên lớp chính thức, giám sát việc thực hành nội quy quy chế của học sinh. Nhân dân Chăm cũng tham gia vào quá trình giáo dục học sinh. Họ thường xuyên đến kiểm tra vấn đề dạy và học của Nhà trường, đóng góp ý kiến cho Nhà trường thực hiện hoạt động giáo dục phù hợp đặc điểm tâm lý tộc người. Đặc biệt, nhân dân Chăm đã xây dựng một Ký túc xá dành cho học sinh ở xa trường có nơi sinh hoạt nội trú, tổ chức bộ phận cấp dưỡng chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho học sinh.

3.2. Quá trình phát triển Trường Trung học Pô Klong (1971-1975).

3.2.1. Cơ sở vật chất.

Đến tháng 4 năm 1970, do sự cố vừa kể trên, phụ huynh bàng hoàng, lo lắng, gây tâm lý bất an trong học sinh và Nhà trường. Một lần nữa, Nhà trường phải nhờ Ty Phát triển Sắc tộc tỉnh Ninh Thuận xin phép ông Tỉnh trưởng Trần Văn Tự chuyển trường về thành phố Phan Rang – Tháp Chàm để đảm bảo an ninh. Được sự chấp thuận của chính quyền, nhưng Nhà trường cũng chỉ tiến hành hoạt động dạy và học tạm thời trong Nhà Vãng lai, Ty Phát triển Sắc tộc tỉnh Ninh Thuận (ngày nay là trụ sở Ban Biên soạn sách chữ Chăm)([1]). Tại cơ sở mới này, học sinh được đưa vào nội trú trong Ký túc xá dành cho học sinh dân tộc thiểu số, đang theo học ở thành phố Phan Rang và trong nhà khách dành cho người dân tộc thiểu số có nhu cầu tá túc khi vào thành phố Phan Rang có việc.

Bên cạnh đó, một số học sinh nữ được sắp xếp, tổ chức sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa Chàmdo linh mục Gérard Moussay (người Pháp) quản lý. Tuy rằng, Trung tâm Văn hóa Chàm chuyên việc nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, phong tục của người Chiêm, người Thượng, mục đích tìm hiểu văn hóa xa xưa giúp phát triển cộng đồng, định hướng phát triển mới cho các dân tộc thiểu số xây dựng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc

Việt Nam([1]). Số lượng học sinh ngày càng gia tăng, cơ sở vật chất luôn trong tình trạng thiếu thốn phòng học. Khi mới dời vào thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Nhà trường chỉ tổ chức dạy học tạm tại Cơ quan Ty Phát triển Sắc tộc, còn Ký túc xá dựng lên bằng gỗ thì do chính học sinh tự xây cất.

Đến năm 1971, được sự đóng góp của nhân dân Chăm và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và trung ương, Nhà trường xây dựng năm phòng đúc. Cuối năm 1972, Hội phụ huynh học sinh xây thêm ba phòng học, giúp giải quyết phần nào tình hình thiếu phòng học. Trong năm học 1973, Nhà trường được Bộ Giáo dục trợ cấp thêm 4.500.000 đồng để tiếp tục xây năm phòng ở trên tầng lầu. Công việc xây dựng cơ sở vật chất tiến hành từ tháng 4 đến cuối tháng 5 năm 1973 thì hoàn tất[2]. Ngoài ra, khi chuyển vào thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Trường Trung học Pô Klong xây dựng được một phòng Thư viện cho học sinh đến đọc sách và tra cứu, ông Jay Scarborough mua sách đọc thêm tặng cho Nhà trường([3]). Từ đó, giúp cho Nhà trường có được cơ sở vật chất cơ bản đủ đáp ứng cho việc dạy và học.

Như vậy, với quyết tâm phải đảm bảo chỗ học ổn định cho học sinh, Nhà trường đã tiến hành một chương trình quyên góp từ nhân dân, để xây dựng cơ sở vật chất, bằng việc tổ chức mười bốn đêm lưu diễn văn nghệ qua các làng Chăm. Số tiền ủng hộ từ xã hội Chăm và Bộ Giáo dục hỗ trợ thêm, đã cho phép Nhà trường xây dựng cơ sở vật chất mới, làm cho bộ mặt nhà trường trở nên khang trang, uy nghi với hàng chữ Trường Trung học Pô Klong. Quá trình phát triển cơ sở vật chất của Nhà trường khá chậm chạp, phải kinh qua bốn lần chuyển địa điểm học. Ban lãnh đạo Nhà trường, đã nỗ lực phấn đấu mới hình thành được một cơ sở giáo dục hoàn chỉnh “Trường ra trường, lớp ra lớp” chấm dứt tình trạng bế tắc, thiếu thốn về phương tiện và đồ dùng dạy học.

 

3.2.2. Đội ngũ giáo viên.

Năm 1970, ông Lưu Quang Sang là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Trường Trung học Duy Tân, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, khi Nhà trường có bước phát triển từ bậc Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông. Nhận nhiệm sở được một năm, ông thôi chức vụ tại Trường([4]) . Thay vào đó, ông Nguyễn Văn Tỷ nhận chức Hiệu trưởng, tiếp tục công việc quản lý và điều hành hoạt động dạy và học cho đến tháng 4 năm 1975. Đội ngũ giáo viên của Trường Trung học Pô Klong hình thành một khối giáo viên đầy nhiệt huyết, như thầy Thành Phú Bá nhiệt tình hết lòng vì học sinh, thầy Đàng Năng Quạ cương trực sát cánh cùng học sinh, cô Nguyễn Văn Như Ý dìu dắt, ân cần với học sinh nữ, thầy Jay Scarborough nghiêm túc, chuẩn mực về giờ giấc và tác phong sư phạm của một người nước ngoài. Thầy Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ, Từ Công Phú, v.v… Tùy thời điểm theo yêu cầu môn học vì thiếu giáo viên đứng lớp, các thầy phải thay phiên nhau kiêm nhiệm nhiều môn học khác nhau([5]).

Bên cạnh việc đảm nhận dạy học, giáo viên trong trường còn kiêm nhiệm chức vụ

khác như ông Thành Phú Bá thường xuyên túc trực tại trường theo dõi sinh hoạt của học sinh sau giờ lên lớp, chăm lo phát triển cơ sở vật chất cho Nhà trường, ông Đàng Năng Quạ làm giám thị quản lý học sinh nam, cô Nguyễn Văn Như Ý làm giám thị quản lý nữ sinh, ông Jay Scarborough thông qua mối quan hệ với quân đội Hoa Kỳ, đứng ra xin học bổng, thực phẩm, vật liệu xây dựng cần thiết cho Nhà trường. Tất cả giáo viên trên đều tình nguyện tá túc cùng với học sinh tại trường để chăm sóc cho học sinh có được điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất.

Lúc bấy giờ, ở tỉnh Ninh Thuận có hai giáo viên dạy nổi tiếng là thầy Phan Văn Ngật (môn Toán), đồng thời cũng là Phó Ty Giáo dục tỉnh Ninh Thuận và thầy Phan Thuận (Vật lý), được học sinh và giáo viên truyền miệng nhau “Nhất Đồng nhì Ngật, nhất Giảng nhì Thuận” đều được Hiệu trưởng Trường Trung học Pô Klong mời về dạy thỉnh giảng([1]). Mặt khác, hàng năm Nhà trường thường đăng tin tuyển giáo viên từ các Trường. Đối với những giáo viên người Chăm giảng dạy ở Trường Trung học Pô Kong, họ có quan niệm là họ đang đóng góp vào sự phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số chứ không phải là công chức dạy ăn lương. Do đó, các giáo viên ngoài việc truyền thụ kiến thức trên lớp còn dạy hướng nghiệp, định hướng cho học sinh phát triển toàn diện về tri thức, nhân cách và đạo đức. Đặc biệt, chú trọng giáo dục văn hóa dân tộc, giúp học sinh có niềm tự hào và yêu quý bản sắc văn hoá truyền thống của mình.

 

3.2.3. Mô hình Trường Trung học Pô Klong.

Mô hình Trường Trung học Pô Klong về cơ bản giống với mô hình Trường Trung học An Phước. Nhưng có sự phát triển hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Nhà trường không còn lệ thuộc vào giáo viên thỉnh giảng, mà đã xây dựng được một đội ngũ sư phạm đông đảo. Hoạt động của giám thị vẫn được duy trì và mở rộng thêm cho học sinh cùng tham gia công tác kiểm tra sinh hoạt, nội quy quy chế nhà trường. Đặc biệt, Bộ Phát triển Sắc tộc thay thế người dân đứng ra chịu mọi chi phí sinh hoạt ăn, ở, đi lại của học sinh nội trú. Ngoài ra, Bộ Phát triển Sắc tộc còn cử nhân viên đến quản lý học sinh nội trú. Nhà trường hoàn toàn độc lập trong việc quản lý học sinh sau giờ học chính quy. Thay vào đó, Nhà trường chỉ tập trung vào vấn đề chuyên môn, giáo dục học sinh.

3.2.4. Quy trình tuyển sinh đầu vào.

Để được nhận vào học tại Trường Trung học An Phước  sau này là  Pô Klong, tất cả học sinh  dân tộc Chăm (và một số người Kinh sinh sống ở làng Chăm biết nói tiếng Chăm) đều phải có điều kiện tối thiểu đã tốt nghiệp bậc Tiểu học. Ngoài ra, Nhà trường còn đứng ra trực tiếp tuyển sinh bằng cách kiểm tra năng lực của học sinh qua kì thi đầu vào với môn Toán và Văn. Học sinh có điểm số cao nhất sẽ được nhận vào học theo số chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Từ năm 1965-1970, Nhà trường tuyển sinh mỗi năm học một lớp 6 với số lượng khoảng năm mươi học sinh/ lớp([1]). Riêng khoá học khai giảng đầu tiên (năm 1965) có 65 học sinh được tiếp nhận vào học tại trường([2]). Khi hoàn tất chương trình Trung học Đệ nhất cấp (Trung học cơ sở), học sinh sẽ được chuyển tiếp vào học trong hệ thống trường công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, để học tiếp chương trình Trung học Đệ nhị cấp (Trung học phổ thông). Thông thường, học sinh Trường Trung học An Phước thường chuyển trực tiếp vào học tại Trường Trung học Duy Tân (một trường điểm tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

Từ năm 1970-1975, Nhà trường đã có bước phát triển mới về chất và lượng, được Bộ giáo dục chính thức cho đổi tên từ Trường Trung học An Phước thành Trường Trung học Pô Klong (ngày 15-2-1971)([3])có chức năng giáo dục bậc Trung học Đệ Nhị cấp (Trung học Phổ thông). Đến năm học 1973-1974, tất cả học sinh Trường Trung học Pô Klong không phải chuyển sang trường khác học nữa, mà được xét tuyển lên thẳng lớp 10

luôn([1]). Nhà trường tuyển sinh và tiến hành hoạt động dạy học được đến lớp 11, có định hướng tiếp tục mở thêm lớp 12. Sau đó, tiến tới thành lập trường đại học đầu tiên cho người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Kế hoạch chưa thành công thì biến cố lịch sử tháng 4 năm 1975 dẫn đến Nhà trường đóng cửa, ngưng hoạt động([2]).

Từ năm 1992-2012, hàng năm Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận thông báo chỉ tiêu tuyển sinh xuống các huyện, xã, có tộc người bản địa cư trú về kế hoạch chiêu sinh của Nhà trường. Mỗi địa phương có trách nhiệm giới thiệu học sinh cho Nhà trường. Từ năm học 1992-1993, Nhà trường tuyển sinh từ lớp 8 (THCS) vào nhập học. Trong niên khóa 1995-1996 và 1996-1997, Nhà trường mở rộng tuyển sinh thêm lớp 7. Năm học 1997-1998, không tuyển sinh học sinh bậc THCS nữa, chỉ tuyển sinh đầu vào từ lớp 10 và mở thêm hệ Bán công đến năm học 2002-2003 mới chấm dứt hẳn hệ Bán công trong Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến năm 2012, Nhà trường có sự thay đổi về khu vực tuyển sinh, những học sinh người Chăm không còn được ưu tiên trong số chỉ tiêu hàng năm của trường. Nhà trường, chỉ tuyển sinh những học sinh nằm ở địa bàn khó khăn về giáo dục, những địa phương thuộc vùng cao và vùng xa, những học sinh thuộc diện gia đình chính sách. Với cách tuyển sinh như vậy, chỉ có người Raglai, Kaho, Churu và các tộc người miền Bắc di cư vào tỉnh Ninh Thuận hay gia đình thuộc diện chính sách mới được ưu tiên xét tuyển hay cử tuyển vào nhập học. Chỉ tiêu học sinh vùng người Chăm rất ít, thậm chí có xã không có học sinh nào. Do đó, chất lượng học sinh tuyển vào chưa đồng đều về trình độ và chưa đáp ứng với cấp học([3]).  Mặc dù, số học sinh của Nhà trường gia tăng nhanh bình quân hàng năm có 250-300 học sinh toàn trường theo học các lớp 10, 11, 12.

3.2.5. Phương châm giáo dục của Trường Trung học Pô Klong.

Từ Trường Trung học An Phước đến Trường Trung học Pô Klong, là quá trình phát triển vô cùng khó khăn về mọi mặt, từ cơ sở vật chất đến nhân sự. Nhà trường đã xây dựng từng bước để có thể tồn tại và vững vàng tiến lên. Ban lãnh đạo Nhà trường, đứng đầu là ông Thành Phú Bá đã có nhiều hoạt động sáng tạo bằng những việc làm cụ thể cổ vũ tinh thần học tập và lao động của học sinh bằng khẩu hiệu([4]).

Sinh hoạt tự túc

Kỷ luật tự giác

Tháo vát tự cường.

Khẩu hiệu này được treo ở hành lang trường, tất cả học sinh đều ghi nhớ và thực hành nghiêm chỉnh những nội quy quy chế nhà trường đề ra và nêu cao tinh thần tự giác trong học tập và sinh hoạt. Chính phương châm giáo dục này, đã rèn luyện cho học sinh đức tính tự lập tự chủ trong mọi hoạt động giáo dục, là chìa khoá dẫn đến thành công ở ngôi trường dân tộc nội trú dành cho học sinh các tộc người bản địa ở tỉnh Ninh Thuận. Phương châm giáo dục trên như kim chỉ nam hoạt động của Trường Trung học Pô Klong.

3.3. Dạy tiếng Chăm ở Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận.

Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”. Tiếng Việt được thừa nhận là một công cụ giao tế chung của tất cả các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định 53/CP (ngày 22-2-1980) của Hội đồng Chính phủ khẳng định như sau “Tiếng và chữ phổ thông (tiếng Việt) là ngôn ngữ chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nó là phương tiện giao lưu không thể thiếu được. Vì vậy, mọi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ và quyền lợi học tập và sử dụng tiếng và chữ phổ thông và ở vùng dân tộc thiểu số, tiếng và chữ dân tộc được dùng đồng thời với tiếng và chữ phổ thông”. Những quan điểm chung này được thể hiện thông qua những chủ trương và nhiệm vụ cụ thể ở từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Nhà nước giúp đỡ phát triển tiếng nói và chữ viết dân tộc thông qua việc phát triển giáo dục song ngữ vùng dân tộc thiểu số. Trong Luật phổ cập tiểu học (năm 1991) có ghi “Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt thực hiện giáo dục tiểu học”([1]).

Các chính sách về ngôn ngữ trên cho phép Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận tổ chức dạy và học chữ Chăm. Tiếng Chăm được giao cho cơ quan Ban Biên soạn sách chữ Chăm (BBSSCC) tỉnh Ninh Thuận phụ trách việc đào tạo giáo viên, viết giáo trình và theo dõi hoạt động dạy và học ở các hệ thống trường tiểu học. Ra đời, từ năm 1978, BBSSCC đã có nhiều đóng góp đáng kể trong phong trào dạy và học tiếng Chăm([2]) . Vì thế, Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận đã mời giáo viên từ BBSSCC đến dạy tiếng Chăm cho học sinh lớp 10 và lớp 11. Thời lượng mỗi khóa học là 66 tiết. Sách giáo khoa và tài liệu hỗ trợ học tập khác đều được phát miễn phí([3]). Việc dạy tiếng Chăm có nhiều thuận lợi là học sinh đã lớn tuổi, cách phát âm tốt. Tuy nhiên, học sinh thường vắng mặt các buổi học tiếng Chăm, không chú tâm học tập, chưa nhận thức đúng giá trị của tiếng Chăm trong xã hội([4]). Bởi vì, tiếng Chăm chỉ được xem là môn học phụ, không có tính điểm vào tổng kết các môn học.

Để kích thích sự đam mê và khuyến khích học sinh tham dự lớp học tiếng Chăm, giáo viên phải linh hoạt trong giảng dạy bằng nhiều hình thức như kể chuyện, dạy hát, nói chuyện về chuyên đề văn hóa Chăm, động viên học sinh đến lớp thường xuyên và đầy đủ. Khó khăn lớn nhất trong quá trình dạy tiếng Chăm là học sinh chỉ được học 2 tiết/tuần thay vì phải là 4 tiết/tuần theo đúng chỉ đạo của Bộ giáo dục và đào tạo, theo đúng thiết kế chương trình giảng dạy của BBSSCC. Những học sinh tộc người Chăm mới học tiếng Chăm, còn các tộc người khác trong trường không phải bắt buộc đi học, nếu có đi học tiếng Chăm thì người Raglai chỉ đến lớp từ 2 đến 3 tuần  rồi nghỉ học hẳn. Mặc dù, tất cả đều là học sinh cùng một trường, tình trạng học ghép chung lớp 10 và 11 làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy học([1]). Để kết thúc mỗi khoá học tiếng Chăm ở Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận, học sinh sẽ phải tham dự kì thi qua hai kĩ năng đọc và viết, có thể là bình luận một đoạn thơ hay bài đồng dao.

Từ năm 2002 đến năm 2010, số học sinh theo học lớp tiếng Chăm giảm xuống nhiều. Riêng năm học 2005-2006 và 2008-2009, nhà trường không có tổ chức dạy tiếng Chăm. Số lượng học sinh khối lớp 11 tham gia học lớp tiếng Chăm nhiều hơn khối lớp 10 như năm học 2003-2004, khối lớp 11 có 35 học sinh (44,8%), khối lớp 10 chỉ có 20 học sinh (18,3%). Năm học 2009-2010, khối lớp 11 có 24 học sinh (20,6%), khối lớp 10 chỉ có 16 học sinh (15,2%) tham gia lớp học tiếng Chăm([1]).

Việc dạy và học tiếng Chăm ở bậc THPT, chỉ duy nhất được thực hiện ở Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, học sinh có thái độ không tích cực khi tham gia lớp học tiếng Chăm. Do đó, cần phải xác định lại vai trò và ý nghĩa của việc học tiếng mẹ đẻ trong hệ thống trường dân tộc nội trú. Mặt khác, tiếng Chăm phải được dạy phổ biến cho học sinh toàn trường, chứ không riêng học sinh người Chăm mới học tiếng Chăm.

Kết luận

Từ năm 1965-1970, Ban lãnh đạo Nhà trường kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng Trường Trung học An Phước tương tự như hình thức hoạt động của Trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời vào đầu thế kỉ XX ở Hà Nội. Nhà trường chỉ đứng ra tổ chức giảng dạy, học sinh phải tự túc trong mọi vấn đề, ăn mặc, ở, đi lại và sinh hoạt tại Ký túc xá. Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam, nhà trường từng bước phát triển trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Nhưng, Trường Trung học An Phước vẫn đạt được thành tựu quan trọng trong sự nghiệp giáo dục.

Từ năm 1971-1975, ngôi trường có đông học sinh Chăm theo học được đổi tên thành Trường Trung học Pô Klong. Tên trường và biển trường đã có sức cổ vũ lớn, giúp học sinh nêu cao tinh thần tự giác, tính danh dự và lòng tự trọng. Từ đó, học sinh nỗ lực học tập và rèn luyện đạo đức, kỉ luật thật tốt để thi đua với các trường khác xứng danh với ngôi trường mang tên vị lớn của dân tộc. Nhà trường có bước phát triển vững chắc, từ cơ sở vật chất đến chức năng giáo dục. Bên cạnh, giáo dục học sinh bậc Trung học Đệ nhất cấp (THCS), trường đã mở rộng thêm bậc Trung học Đệ nhị cấp (THPT), thu hút nhiều giáo viên dạy giỏi đến với Nhà trường. Điểm nổi bật của Trường Trung học Pô Klong nằm ở cách thức tuyển sinh toàn vùng Chăm. Sau đó, chọn lựa học sinh khá, giỏi vào nhập học, cách thức tổ chức sinh hoạt phù hợp với đặc điểm tâm lí tộc người.

Từ năm 1992-2010, khi tỉnh Ninh Thuận được tái lập, Nhà nước đã quyết định thành lập trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận dành riêng cho học sinh tộc người bản địa, nhằm tạo cán bộ nguồn cho địa phương. Đây mới thật sự là ngôi trường chuyên biệt dành cho học sinh tộc người thiểu số. Các hoạt động chính khóa và sinh hoạt nội trú tại KTX đều do nhà trường quản lý. Tuy nhiên, do cách thức tổ chức và giảng dạy, không khác nhiều so với hệ thống trường THPT công lập khác dẫn đến tình trạng học sinh đầu cấp (lớp 10) khó hòa nhập được, việc bỏ học giữa chừng của học sinh diễn ra phổ biến.

Khuyến nghị:

Như vậy, muốn cho học sinh trường chuyên biệt (Trường DTNT) phát huy được lợi thế, điểm mạnh nhằm ươm mầm nhân tài cho địa phương. Trong quá trình giáo dục cần chú trọng một số vấn đề như sau :

Thứ nhất, quy trình tuyển sinh đầu vào phải đảm bảo tuyển sinh mở rộng toàn vùng người Chăm và tộc người thiểu số sinh sống, lựa chọn học sinh khá, giỏi nhất vào học.

Thứ hai, giáo viên giảng dạy ở trường chuyên biệt, ngoài đủ chuẩn về trình độ và năng lực sư phạm, cần phải có hiểu biết căn bản về văn hóa dân tộc bản địa, có sự cảm thông và chia sẻ với học sinh.

Thứ ba, tăng cường giảng dạy ngoại ngữ, tin học và đào tạo nghề phổ thông cho học sinh.

Thứ tư, sinh hoạt ngoại khóa rất quan trọng trong việc hình thành tình cảm, thái độ, nhân cách của học sinh. Nhà trường cần nghiên cứu những hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm lí tộc người đưa vào giáo dục học sinh.

 Thứ năm, Nhà nước cần có chính sách đầu tư dài hạn, học sinh hoàn thành chương trình THPT tiếp tục được hỗ trợ học tiếp bậc đại học, cao đẳng trở lên.

Tóm lại, Quá trình giáo dục học sinh người Chăm qua mô hình trường dân tộc nội trú từ Trường Trung học An Phước và Pô Klong đến Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận (1965-2010), là một chặng đường vẻ vang, đã cung ứng cho xã hội một đội ngũ trí thức và nhà khoa học đông đảo cho địa phương. Vấn đề giáo dục không chỉ giải quyết công ăn, việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xoá bỏ bất bình đẳng về giới mà còn góp phần ổn định tình hình an ninh – chính trị vùng dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận./.

Chú thích BBT Inrasara.com: Bài viết có vài biểu đồ, độc giả có thể tham khảo thêm đặc san Tagalau 13, 2012.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Abd. Karim (Lộ Trung Cân), Báo Thị Hoa (2007). Trường Pô Klong & Đặc san Ước vọng. Hoa Kỳ, IOC.
  2.  Lâm Giang (Biên khảo) (1970). Panduranga – Sơn xuyên Ninh Thuận. Ninh Thuận, Tòa hành chính.
  3.  Lưu Văn Hân, Trần Minh Quốc (Chỉ đạo biên soạn) (2000). Toàn cảnh giáo dục Việt Nam. Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia.
  4.  J.Donald Walter (Hà Hải Châu dịch) (2009). Giáo dục vì cuộc sống. TP Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
  5.  Phan Thanh Long (Chủ biên) (2010). Lí luận giáo dục. TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học Sư phạm.
  6.  Nhiều tác giả (1993). Giáo dục ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số phía Nam. Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội.
  7.  Nhiều tác giả (2003). Phát triển giáo dục vùng dân tộc Khmer Nam Bộ. TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia.
  8.  Nhiều tác giả (2006). Khoa học giáo dục đi tìm diện mạo mới. TP Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
  9.  Nhiều tác giả (2008). 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục. Hà Nội, NXB Tri thức.
  10. 10.  Nhiều tác giả (2009). Tagalau 10. Hà Nội, NXB Văn học.
  11. 11.  Perter F. Oliva (Nguyễn Kim Dung dịch) (2006). Xây dựng chương trình học. Hà Nội, NXB Giáo dục.
  12. 12.  Thành Phần (2004). “Tình hình giáo dục của dân tộc thiểu số ở bậc Cao đẳng và Đại học”, trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam những vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội. TP Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp.
  13. 13.  Sakaya (2010). Văn hoá Chăm nghiên cứu và phê bình. Tập 1. Hà Nội, NXB Phụ nữ.
  14. 14.  Nguyễn Q. Thắng (2005). Khoa cử & giáo dục Việt Nam. TP Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp.
  15. 15.  Đinh Lê Thư (Chủ biên) (2005). Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer đồng bằng sông cửu long. TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia.
  16. 16.  Tsunesaburo Makiguchi (Cao Xuân Hảo hiệu đính) (2009). Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo. TP Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
  17. 17.  Đỗ Văn Tú (1973). Vấn đề giáo dục sinh viên học sinh các sắc tộc. Sài Gòn, Bộ Phát triển Sắc tộc.
  18. 18.  Trần Văn Tự (1974).  Ninh Thuận ngày nay. Ninh Thuận, Tòa Hành chính.
  19. 19.  Nguyễn Văn Tỷ (2009). Giáo dục toàn diện và sự phát triển xã hội (sách tham khảo cho giáo viên, sinh viên, học sinh và cha mẹ học sinh). Hà Nội, NXB Thanh niên.

 

Chú thích:

 

(1), (2), (21)   Lâm Giang (Biên khảo). 1970. Panduranga – Sơn xuyên Ninh Thuận. Ninh Thuận: NXB Tòa Hành chính, tr. 65, tr. 82, tr.83.

(3), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (20), (22), (24) , (28), (29), (30), (33), Abd. Karim (Lộ Trung Cân), Báo Thị Hoa. 2007, tr. 39, tr.40, tr.19, tr.12, tr.13, tr.11, tr.43, tr.15, tr.47, tr.15, tr.13, tr.47, tr.73, tr.15

(4) (27) Phỏng vấn Thành Phú Bá (Quản đốc Trường Trung học An Phước 1965-1969) qua Email ngày 30-6-2010.

(5) Phỏng vấn Lưu Quang Sang (Hiệu trưởng Trường Trung học Pô Klong 1970-1971) qua Email ngày 24-03-2010

tr 12.

(19)  Phỏng vấn Jay Scarborough (Giáo viên dạy Anh văn Trường Trung học Pô Klong) qua Email ngày 1-11-2010.

(23) Phỏng vấn Phú Trạm-Inrasara (Học sinh khóa 5 năm học 1969-1970), ngày 27-08-2010, tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

(25)  Nhiều tác giả. 2009. Tagalau số 10. Hà Nội: NXB Văn học, tr. 257.

(26)  Phỏng vấn Lưu Văn Đảo (Học sinh khóa 5 năm học 1969-1970), ngày 27-6-2010, tại thôn Hoài Trung, xã Phước Thái, Ninh Phước – Ninh Thuận.

(31) Phỏng vấn Nguyễn Văn Tỷ (Hiệu trưởng Trường Trung học Pô Klong từ năm 1971-1975) ngày 16-10-2010, tại thôn Phước Nhơn, xã An Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

(32) Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận, Báo cáo tổng kết năm học về quản trị, đời sống và nội trú năm học 2009-2010, tr.1.

(34) Đinh Lê Thư (Chủ biên). 2005. Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia.

(35) Sakaya. 2010. Văn hóa Chăm nghiên cứu và phê bình, tập 1. Hà Nội: NXB Phụ nữ, tr. 489.

(36) Ban Biên soạn sách chữ Chăm. 2002. Báo cáo hoạt động của Ban Biên soạn sách chữ Chăm và công tác dạy học chữ Chăm Ninh Thuận năm học 2001-2002, tr.5.

(37) Phỏng vấn ông Lưu Văn Đảo (Giáo viên dạy tiếng Chăm), ngày 29-6-2010, tại Ban Biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận.

(38) Ban Biên soạn sách chữ Chăm. 2009. Tổng kết công tác dạy – học tiếng Chăm và hoạt động của Ban Biên soạn sách chữ Chăm năm học 2008-2009, tr. 1.

(39) Số liệu được tổng hợp từ báo cáo hàng năm của Ban Biên soạn sách chữ Chăm từ năm 2002-2010.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *