Lãng du thế giới tháp Chàm-14. CHAM ISLAM, ĐẠO CHÚA & THÁP

Lãng du tháp Chàm, để ý xíu, ta hiếm khi thấy bóng dáng sinh linh Cham Muslim hay đức tin khác. Lạ không!? Bởi nói đến Cham,

– biểu tượng tối thượng là THÁP CHÀM

– thân phận lịch sử là DÂN TỘC MẤT NƯỚC

– tâm thế chủ đạo là BẢO TỒN BẢN SẮC

– phương tiện hợp nhất là TIẾNG NÓI.

Vậy việc xét xem các cộng đồng Cham ứng xử với mỗi sự thể ấy như thế nào, là điều cần thiết.

Câu chuyện.

Tôi có người họ xa theo Tin Lành, hôm ghé nhà chơi, tôi đem chuyện “nâng tượng” sai bản sắc Cham ở tháp Pô Inư Nưgar ra bàn, thì bị gạt ngang: Chớ mang vụ tượng thần hay cúng tế ra nói ở đây, Chúa không thích mấy thứ đó.

Thế mới kẹt! Tại sao người Cham Islam hay đạo Chúa… không quan tâm tới tháp? Đây không phải câu hỏi mang tính phân biệt đối xử, mà là THỰC TẾ. Nêu thực tế và truy tìm nguyên nhân của hiện tượng xã hội, mới mong hiểu biết và có tiếng nói cảm thông.

Bốn thế kỉ qua, Cham Pangdurangga theo hai tôn giáo chính: Bà-la-môn và Bà-ni. Từ năm 1960, Islam trở lại lôi cuốn cộng đồng Cham Phan Rang, để sau hơn nửa thế kỉ, có khoảng ba ngàn người theo. Do đức tin của Islam quy định, đó là:

[1] Lời tuyên thệ Shahadah đầu tiên để thành một Muslim: Tôi chứng nhận rằng không có Thượng Đế đích thực nào khác ngoài Allah và tôi chứng nhận rằng Muhammad là vị Thiên Sứ của Ngài.

Vì Allah là duy nhất, nên người Islam không thờ thần Yang nào khác, mà tháp luôn có tượng Pô Yang – là đương nhiên.

[2] Pô Yang trên tháp luôn có tượng, là các vị vua anh minh của Champa được nhân dân thần hóa và đúc tượng để thờ phụng. Muslim thì không chấp nhận “tượng thần”, nên bà con Cham Islam không lên tháp khấn vái, là phải.

[3] Cộng đồng Muslim tuyệt đối không cúng kiếng, mà Cham Pangdurangga lên tháp là để trả nợ/ cầu Yang với các hình thức cúng kiếng, nhỏ thì khay trầu cau, lớn thì mâm xôi, gà…

[4] Cuối cùng, một trong năm cột trụ của Islam là Hadjj, tức hành hương Mecca đời người một lần, và Mecca là duy nhất, chứ không “đất thánh” nào khác, cho dù đó là Đất Thánh Ia Trang hay Thánh địa Mỹ Sơn. Bà con Cham Islam không hành hương Ia Trang, Mỹ Sơn là đúng lẽ.

Các nguyên do này cũng ứng với Tin Lành, Công giáo [ngoài trừ tượng]. Thế nên không lạ, khi Cham luân lạc qua Thái Lan, Cambodia, Malaysia ít khi mang khao khát quay trở về Việt Nam làm cuộc hành hương đất Tháp. Như sinh linh Cham gốc Pangdurangga.

Có đáng tiếc không?

Bởi, nếu xem kiến trúc tháp là di sản chung thuộc văn minh Champa, thì dẫu bạn theo tôn giáo nào bất kì, bạn vẫn có thể đến đó thưởng lãm công trình nghệ thuật độc đáo của ông bà, nhất là lên tiếng khi di sản ấy bị xâm hại.

Vẫn có thể lắm chứ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *