Lãng du thế giới tháp chàm-01. TỪ VĂN HÓA DU LỊCH MÀ ĐI…

“Lãng du thế giới tháp Chàm” sẽ là loạt tút dài ngày về Tôi & tháp Chàm, ở đó “Người Việt Nam lên tháp để làm gì?” là một khởi động. Kì vọng nó sẽ rất hấp dẫn. Tiếc, vừa nổ máy đã có vài trục trặc nhỏ…

Câu chuyện.

[1] Katê 2008, bạn văn từ các nơi về Phan Rang chơi Katê. Chuyện rôm rả, từ Hà Nội đến Sài Gòn, văn chương lẫn chính trị cũng không chừa. Tôi nói:

– Lần đầu về đất Cham, bao nhiêu điều cần khám phá. Thổ nhưỡng lạ, không gian văn hóa mới, câu chuyện mới lạ… vậy mà các bạn cõng cô gái đẩu đầu từ con sông xưa về…

Thế là chưng hửng!

[2] Cận Tết 2006, từ Thái Nguyên bạn văn mời tôi xuống Hải Phòng diễn với Hội Văn nghệ. Khi tôi đọc đến bài thơ “khóc văn cao” của Bùi Chát, và cho nó là bài thơ lớn nhất trong năm, một bạn thơ ngúng nguẩy bỏ ra ngoài. Đợi anh nguôi giận và trở lại, tôi nói:

– Không thấy nó lớn, không phải lỗi ở bạn, không lỗi ở tác giả, mà ở nhà trường. Nền giáo dục ta không dạy mĩ học sáng tạo mới, vấn đề nằm tại đó.

[3] Mới nhất, tháng 5-2022, hai văn nhân, một từ Bắc một từ Nam về Phan Rang. Lên tháp, hai bạn chuyện cũ lặp lại. Vẫn vãng cảnh, vẫn tạo dáng bấm vài pô ảnh đưa lên FB. Vẫn như xưa, và như… mọi người. Không tò mò, không ngạc nhiên – đi với ông Sara mà không có lấy nửa câu hỏi về… THÁP.

Cả ba câu chuyện diễn ra với thành phần được cho là “tinh hoa” đã vậy, huống chi quần chúng. Không trách! Lỗi ở nền giáo dục.

Trong khi sinh viên [hay nhiều gia đình] Nhật, Hàn, Tây… đi, luôn có cuốn sổ cầm tay. Hỏi, hỏi và ghi chép. Họ vẫn vãng cảnh, vẫn chụp hình, nhưng đa phần là hỏi, để hiểu hay biết sâu hơn về di tích ấy. Ta thì ngược lại.

Hà cớ kêu: “Không thể trách – chính quyền nào nhân dân nấy”. Một bạn comment:

“Không ai, không có chế độ hay chính quyền nào đòi hỏi du khách “vãng cảnh chùa” Hương phải có một kiến thức hay một trình độ hiểu biết cơ bản Phật Giáo, dầu rằng đây là nơi hành hương tâm linh Phật giáo VN.”

Một câu hỏi hơi bị vui. Không đòi hỏi, không hạch sách, cũng chả bỏ tù… mà là NÂNG CẤP VĂN HÓA DU LỊCH. Qua đó khai dân trí, từ “tinh hoa” xuống tận quần chúng. Là nhiệm vụ của nền giáo dục.

Lẽ nào ta cứ tự nguyện ở lại… vùng trũng?!

P.S

Về chuyện bán vé. Tháp Chàm là di tích bảo tồn chứ không là bảo tàng. Khác với Ba Tháp [tháp Hòa Lai] là tháp hoang ‘bimông bhao’, đa phần còn lại là tháp sống ‘bimông diiup’, nghĩa là Cham còn cúng tế. Lễ, bà con lên tháp hành lễ; đi xa lỡ đường, sinh linh Cham tạt vào ‘talabat’ Pô Yang… thì không thể chặn bán vé thu tiền được.

Vụ này đã bàn nhiều rồi, và ban quản lí khu Tháp đã giải quyết ổn rồi. Bạn Scott Nguyen không theo dõi nên không nắm được đó thôi.

Thêm: Bạn nhiều lần bàn lạc qua chính trị và hơi hướng công kích cá nhân. Trao đổi với Vincent Ngo hôm qua, là một.

Chính tả: Tháp Poklong Garai, đúng là: phiên âm Pô Klong Girai, Pô Klong Garai, chuyển tự: Po Klaong Garai [Klaung Girai]; Tháp Bà Ponagar, đúng là: Pô Inư Nưgar; chuyển tự: Po Nagar, Po Inư Nưgar…

[Năm 2001, mừng Mỹ Sơn, bà con Cham từ Phan Rang ra, tìm góc cây to ngồi hành lễ]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *