Lãng du thế giới tháp chàm-02. NAO YANG

Lối năm tuổi gì đó, nhớ thời còn chưa vào lớp Năm, tôi theo anh Đạm ‘nao Yang’ tháp Pô Rômê. Mẹ cho phép hai anh em đi.

Nao Yang’ nghĩa đen là “đi Thần”, tức đi “lễ Thần”. Cham ưa xài lối nói tắt thế. ‘Ngak Yang‘: “làm Thần”, ai lại chơi kiểu đó cơ chứ! Nhưng mọi mọi Cham đều hiểu, đó là “cúng tế Thần Linh”.

Mặt trời chưa ló dạng, hai đứa đã hòa theo dòng người, đi. Non tám cây số  cuốc bộ. Đường đất lồi lõm đầy vũng nước đọng. Quá làng Hậu Sanh palei Thôn lối một điếu thuốc, anh Đạm kêu tôi “cắn ngón tay”: Từ đây đến tháp mầy nhớ không nói ‘klai klu’.

– Mầy vừa nói ‘klai klu’ đó thôi, – tôi cãi. Hai anh em tôi vẫn còn tao mầy với nhau.

Anh Đạm cắn ngay ngón tay rồi thả ra. Tôi thì anh không cho thả, cứ cắn vậy cho tao. Chúng tôi chạy ù lên vượt đoàn người. Chốc chốc anh quay lại xem tôi có thả ra không. Tôi vội cắn chặt lại. Cứ thế hai đứa lên đỉnh đồi tháp.

Lạ quá! Đầu óc tôi như quay cuồng, khi thì tôi thấy làng Hậu Sanh nằm về hướng Tây khi thì hướng Nam. Mặt trời thì lộn tùng phèo hết. Đã thế thuở đó quanh khu tháp Pô Rômê rừng cây gặp mùa mưa um tùm lá. Tôi hỏi anh Đam sao mình biết đường về, anh nói cứ theo tao. Tôi hỏi sao anh biết, thì tao theo mọi người.

Lạ nữa, anh chàng người Raglai tay cầm cây rựa trèo lên và bám quanh thân tháp như loài nhện tìm chặt mấy cành nhánh chim thả phân gặp mưa chúng trổ tùm lum. Tôi cứ lo anh ta rớt thì hết Katê.  

Rồi bà già Raglai địu ‘paliu’ con sau lưng lần từng bước lên đồi, ở miệt palei Pabhan đi lên. Lần đầu tiên tôi thấy. Đấy, đi Katê mà tôi cứ chú ý vào mấy vụ ngoài lề đó.

MẸ – 1977

Mẹ Raglai địu con từ núi xuống

Đá bằng cao bất chợt mẹ dừng chân

Nắng chiều nghiêng soi người trong dáng đứng

Như dáng Bà Chúa Xứ tự ngàn năm.

AMAIK

Amaik Raglai guy anưk mưng rơm ngauk

Tali glaung takai dơh amaik jrơng trun

Pađiak bier harei klak bbleng bbleng thaik

Yuw thaik Inư Nưgar mưng ribuw thun.

Đó là đầu tiên tôi lên tháp, sau đó khi lên Trung học, tôi vô số lần tìm đến tháp, riêng lẫn chung, đến nỗi tôi với tháp làm một lúc nào không biết.

Năm 1974, đám học sinh chúng tôi lên tháp Pô Klong Girai ngày Katê. Lúc này tôi không còn bị mất phương hướng tự nhiên nữa, mà bị về nỗi người. Bà con lễ về, đám học sinh ở lại trên đồi tháp sinh hoạt từng nhóm. Bốn, năm nhóm nhỏ gì đó. Nàng ở nhóm khác, áo trắng nữ sinh đẹp như ‘patri ratna’. Ngồi bên này mà tôi cứ dòm qua. Mỗi hất mái tóc, liếc nhìn, mỉm cười là mỗi làm cho tim tôi xao động. Xao động theo tôi về đến kí túc xá, và khá lâu sau đó nữa. Cho đến khi tôi sang ngang yêu “sau lưng” nàng khác.

EM-1977

Về đây rừng núi bao dong

Tháp trong nét cổ, em trong dáng hiền

Nắng chiều đổ bóng em nghiêng

Quàng vai với bóng anh lên đỉnh đồi.

“Katê nào cũng mưa”, tên một truyện ngắn của Jalau đăng đặc san Panrang. Truyện ngắn không hay, riêng cái tít thì tuyệt. Ám ảnh. Xong lễ trên tháp, cứ xế chiều là mưa, mưa dai dẳng. Lên tháp, tôi không cúng tế, không hòa vào dòng người hành lễ, mà lặng lẽ đi vòng quanh đồi tháp, chốc chốc dừng lại – chiêm nghiệm.

Và ở lại một mình, trên tháp. Tôi đến quỳ trước cửa Kalan, chắp hai tay trước trán, thả hồn trống không trước anh linh tổ tiên và thần Yang.

MƯA-1977

Mưa xối xả trên đồi tháp cổ

Mưa nay có vọng tiếng mưa xưa

Mà nghe nghìn bước chân trong lá

Như cố nhân vừa qua cố đô.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *