Phát ngôn của Inrasara-5. Về NHÀ VĂN & TRÍ THỨC

[1] Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Việt đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Chính phủ. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Như thế, nếu không sợ những điều không đáng sợ, trí thức Cham vẫn có thể làm nên nhiều chuyện (Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2006).

[2] Một nhà văn hậu hiện đại là kẻ, vừa theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới, đồng thời vẫn có thể đi vào làng quê vùng sâu vùng xa điều tra vụ mất cắp gà để hỗ trợ chính quyền địa phương giải trừ tệ nạn xã hội (“Đối thoại hậu hiện đại,” Tienve.org, 3-2009).

[3] Vụ Ghur Raneh 2012 cũng thế, tôi như ông ‘Lo tangoh’ dấn sâu vào, đến nỗi Trà Vigia phải kêu: Sara có phải Bà-ni đâu, khi không ách giữa đàng mang vào cổ. Tôi nói: Sứ mệnh của trí thức là tìm lấy ách giữa đàng mà mang (Inrasara.com, 2012)

[4] “Nhà văn Việt Nam sợ đứng trước công chúng, tại sao?” Chúng ta không được đào tạo để nói, sợ nói đã đành; chúng ta quen nghĩ, tôi muốn chính tác phẩm của tôi đến với độc giả; cuối cùng, trước công chúng – đối mặt với câu hỏi nhạy cảm, ta không biết đàng nào mà mò (Inrasara.com, 2012).

[5] Lên tiếng là bổn phận trí thức, như nhiệm vụ của chó là, sủa.

Xong cuộc Ghur Bà-ni, tôi nói với bà con và chức sắc: Đừng kể công Sara. Tôi chỉ lên tiếng cảnh báo Trung ương, chính quyền địa phương và cả cộng đồng Cham biết và hiểu vấn đề, còn việc thành là ở bà con (Inrasara.com, 2014).

[6] Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc (Minh triết Cham, 2015).

[7] Nơi thế giới chữ nghĩa, tôi đại ớn là loài nhà văn phấn đấu làm quan văn…

Nhà văn là kẻ phơi mình trước công chúng. Không tổ chức, không phe phái, không quyền lực, hắn chỉ có chữ bảo vệ mình (Inrasara.com, 2016).

[8] Nếu bạn không phải đến hội thảo với mục đích làm đầy hội trường, cho không khí xôm tụ, sau đó nhận bao thư rồi về; nếu bạn không phải đến cho đủ mặt, mà giành phần được lên diễn đàn công khai nói lên ý kiến độc lập của bạn, mạnh mẽ và dứt khoát…

Nếu bạn dám là trí thức, thì các loài hội thảo vô bổ ở đất nước này đã rất khác (“Nếu”, Inrasara.com, 2019).

[*] Sakurai Kunitoshi, nguyên Hiệu trưởng Đại học Okinawa, người phụ trách web môi trường Okinawa – Nhật Bản trong bài “Cuộc chiến của Inrasara” tháng 7-2019, viết:

“Ông Inrasara là một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng quốc tế, được biết đến rộng rãi. Thuyết giảng tại Đại học Okinawa, khi được hỏi thế nào là một trí thức, ông trả lời:

‘Nếu bạn chuyên làm thơ, bạn chỉ là một nhà thơ, không là trí thức. Nếu bạn chỉ biết nghiên cứu, bạn chỉ là chuyên gia, mà không là trí thức. Trí thức là kẻ lên tiếng cho cộng đồng về vấn đề ngoài chuyên môn của mình, tiếng nói ấy được cộng đồng tín nhiệm và hỗ trợ.’

Với kẻ tự cho mình là trí thức, đó là một định nghĩa làm chói tai. Tuyên bố của Inrasara là một sự khích lệ nóng bỏng đối với chúng tôi. Nó như là một thông điệp.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *