1. Thế nào là thơ hay? (xin lược bớt mấy “kính thưa nhà thơ, thưa bác…”)
Hãy thử so sánh nguyên văn câu thơ Inrasara trong bài thơ “Apsara Vũ nữ Chàm”: “Nụ cười phiêu lãng trên môi”;
Khi phổ thành ca khúc, nhạc sĩ Amư Nhân biến thành: “Trên môi cười điệu nghệ”.
Ai nhận ra được sự khác biệt tế vi giữa hai câu trên, sẽ biết thế nào là thơ hay!
Chuyện kể. Ba bạn trẻ Cham ngồi lai rai quán chiều. Hai người thơ trẻ cùng làm thơ tự do tranh cãi nhau về vụ thơ tao hay thơ mầy dở. Tranh cãi đến quên luôn đứa bạn không làm thơ chung bàn đang ngồi như trời đặt. Cãi mà không đặt trên nền nào thì cần đến mấy thùng bia mới xong, hả Bà Trời?
Sau đó bạn trẻ không làm thơ đến gặp tôi hỏi, làm sao biết thơ hay với không hay; bởi cả hai bài câu cú lổn ngổn như nhau, không vần vè, không êm tai… hệt nhau. Tôi nói, không khó. Thơ dẫu là loài vô bằng cỡ nào, không phải là không thể [lôi nhau ra tòa] phân xử. Này nhé, bạn có thể truy:
– cấu trúc bài thơ kia khác lạ tới đâu;
– ngôn từ và thi ảnh mới mẻ chỗ nào;
– tứ thơ độc đáo ra sao;
– và cuối cùng toàn bài thơ có làm lay động [con tim/ khối óc] bạn không?
Hay mà không sáo, không sến mới là hay thứ thiệt.
Chẳng hạn thơ về tháp (cùng đề tài), người thơ đều cảm nhận về nỗi cô độc, tàn tạ của tháp (cùng tâm cảm), và với ít khả năng thơ, ai cũng có thể làm nên bài thơ về tháp Chàm gọi là đọc được. Nhưng để có thơ hay thì cần đến tài năng đặc biệt. Tài năng được đo bằng mấy yếu tố cụ thể như vừa kể.
Dĩ nhiên muốn cảm nhận được một bài thơ hay, và biết nó hay tới mức nào, bạn cũng cần đọc thật nhiều thơ… hay.
2. Làm thế nào không bị bế tắc sáng tạo?
Kẻ sáng tạo dẫu trường sức tới đâu đến lúc nào đó cũng bế tắc. Làm gì? Tôi có tiểu luận “Bế tắc sáng tạo” in trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006, nêu lên mấy cách giải quyết của nhà văn lớn trên thế giới. Tôi thì khác.
Tôi làm nhiều việc khác nhau: Văn học và kinh doanh, nghiên cứu hay hoạt động xã hội… Bế tắc thơ tôi chuyển sang nghiên cứu, bế tắc tiểu thuyết tôi viết phê bình, không thể viết tôi chuyển qua hoạt động xã hội như cách nạp năng lượng. Vân vân.
Làm sao nuôi được ngọn lửa? – Say YÊU, là HỌC. Inrasara được một nhà thơ cho biệt danh: học sĩ!
Chẳng nói đâu xa, trong cộng đồng Cham thôi.
Từ Công Phụng ngay ở năm cuối Trung học Duy Tân – Phan Rang, đã sáng tác ca khúc “Bây giờ tháng mấy” nổi tiếng. Ông yêu âm nhạc, và ông tiến tới, để trở thành một trong mươi nhạc sĩ công lớn trong làm mới tân nhạc Việt.
Bạn học của tôi “thiên tài” chả kém: Ở tuổi 13-14 thơ đã rền vang đến lũ con gái nhìn lác mắt. Thế nhưng bởi không thực sự YÊU thơ [bạn ấy yêu cái gì khác không biết], và nhất là không chịu học. Để rồi nửa thế kỉ sau mới cho ra đời một tập thơ sến.
3. Tại sao là Hàng mã kí ức?
Tôi thích kể chuyện.
Tôi ngày càng nhận ra rằng khó có thể kể chuyện một cách nghiêm trang được. Dù là chuyện tốt hay xấu, hay hoặc dở, buồn hay vui, khôi hài hay rất mực nghiêm túc đi thế nào chăng nữa, cũng vậy.
Không tính mấy hồi kí giả, hồi kí bịa, ngay cả những hồi kí thật nhất, chúng vẫn không đáng tin. Bởi cái thật kia không gì khác, chẳng gì hơn là những sự kiện kể lại.
Thứ nhất, dù đó là sự kiện ghi chép tại chỗ, thế nhưng các ghi chép vào thời điểm ấy chỉ được tiếp cận một cách thiếu khuyết, chưa nói là tiếp cận có chọn lựa. Còn nếu đó là sự kiện nhớ lại, kí ức kia chắc chắn đã chịu không ít hao mòn; cạnh đó trí tưởng tượng xen vào can thiệp, làm cho nó méo mó thêm. Đó là chưa nói lối nhìn sự kiện luôn bị quy định bởi tri thức, định kiến.
Tiếp, khi hôm nay kể lại, sự kiện bị/ được kiểm duyệt, định hướng theo lợi ích bản thân ta, gia đình ta, cộng đồng ta sống cùng tôn giáo hay hệ tư tưởng chính trị của phe nhóm hay cộng đồng. Cuối cùng, sự thể bất toàn kia được kể qua thứ ngôn ngữ đầy bất toàn của người kể.
Hỏi, chứ nó còn đáng tin không? – Chắc chắn là không rồi.
Dẫu sao sự kiện của các cá thể hay cộng đồng vẫn cần được kể lại. Để cá nhân, dân tộc, và loài người có lịch sử.
Như vậy, “giả” là thứ không phải thật, mà nó được làm ra với vẻ bề ngoài giống thật để mang giá trị như đồ thật với mục đích đánh lừa một phía quần chúng có thể không biết. Trong khi “mã” cũng là “đồ giả” ai cũng biết là giả, nhưng vẫn chấp nhận nó, ở cả hai phía: người sản xuất và người tiêu thụ.
Ở Hàng mã kí ức, tôi biết kí ức được thể hiện qua con chữ của tôi chỉ là đồ giả, tôi nhìn nhận nó giả, và tôi không ý định đánh lừa người đọc – với tư cách kẻ tiêu thụ – rằng nó là đồ thật.