Ghi chép tháng 8-2010/2: Bế tắc sáng tạo & Sự kiện thơ trong năm

1. Bế tắc sáng tạo! Chả viết được bài thơ nhảm nào, chả nghĩ ra một cỏn con ý tưởng mới. Ngay tiểu luận văn chương cũng không nốt. Bài báo mọn càng không.

Một tòa soạn ở nước ngoài đặt bài mình tổng kết văn chương trong năm (như tạp chí Tia sángBBC từng). Ahei! Biết đâu sự vụ sẽ giải quyết được bế tắc. Tức thì mình có ngay danh sách, chỉ giới hạn ở thơ:

10 sự kiện THƠ trong năm
Thơ đến từ đâu? của Nguyễn Đức Tùng, tập hợp các bài anh phỏng vấn nhà thơ, đã gây xôn xao dư luận văn giới, cả trong và ngoài nước. Sau đó lây lan sang cả chuyện ngoài văn chương.
Các giải thưởng nhảm nhí. Trong khi Hội Nhà văn Việt Nam ba năm liền không chọn được tập thơ nào để trao giải (sợ hãi là chính) thì Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh hai năm liên tục chọn loài thơ đại sến để cho giải (chẳng mất lòng ai và rất an toàn)! Giải Bách Việt năm tập trong đó hai tập thơ của tác giả Chăm được chọn vào chung khảo là Tuệ Nguyên và Đồng Chuông Tử, là một hiện tượng.
Thơ Trình diễn được trình diễn ở Văn Miếu – Hà Nội là một sự kiện. Sự kiện này được tiếp diễn tại Festival Huế. Vùng xa là vậy, trong khi Sài Gòn vốn là đất văn nghệ tự do lại cấm tịt loại hình thơ khi nó còn trứng nước. Xin đồng bào hãy nhớ lại vụ cắt đột xuất buổi Trình diễn thơ của Hội đồng Anh năm 2007!
– Vào quý 3-2010, xuất hiện hai tập thơ khá sáng giá là Bông & GiấyThơ Kể cùng của NXB Lao động. Trong lúc Bông & Giấy tập hợp nhiều giọng thơ khác nhau của vài thế hệ thơ, thì qua Thơ Kể – với miệt mài của nhà thơ Khế Iêm, thơ tân hình thức vốn bị cho là ngoại lai đã chính thức nhập vào dòng chảy của thơ Việt đương đại.
– Xuất bản chính lưu, hai tập thơ Hôm sauĐột nhiên gió thổi của Mai Văn Phấn in cuối năm 2009, đánh dấu một nỗ lực cách tân khác của chính anh trong hành trình thơ Việt. Sự vận động vươn vượt không ngưng nghỉ của nhà thơ này là rất đáng trân trọng.
– Hàng loạt ấn phẩm của NXB Giấy vụn rất đáng đọc là: Bài thơ của kẻ yêu nước mình của Trần Vàng Sao, Thơ một vần của Bùi Chát, Khi kẻ thù ta buồn ngủ của Lý Đợi, Trước khi thành giấy vụn của Trúc Ty và phỤt của Bỉm (NXB Tùy Tiện).
– Cuối cùng là Hiện tượng Lê Vĩnh Tài và Lưu Mêlan. Gọi là hiện tượng, bởi đây là hai tác giả viết mạnh nhất trong năm qua. Ồ ạt và táo tợn. Lê Vĩnh Tài liên tù tì cật vấn thơ, từ đó đưa thơ va chạm mạnh với thời sự văn học đương thời. Lưu Mêlan viết như kẻ nhập đồng, chỉ để phơi hết cỡ tâm trạng và tâm tưởng cá thể mình. Lên đồng như thế, cả hai gặp nhau ở dễ nguy cơ lặp lại. Nhưng nỗi làm nên cái khác giữa hai người thơ này là, trong lúc Lê Vĩnh Tài chính chuyên với Tiền Vệ, thì Lưu Mêlan chơi tuốt tuồn tuột từ Tiền Vệ đến Da Màu tận Vanchuongviet chấm ọc.
Vân vân…
Chuyện là thế, còn mình có hứng viết không thì tùy trời.

2. Cô nàng là ai – không biết, chỉ biết là có làm thơ gì gì đó. Bao nhiêu tuổi – cũng chả hay; chỉ nghe mang máng khoảng trên dưới 40 gì đó. Thêm, ở miền Trung, và có học viết văn đâu đó…
Ừ, thì văn chương! Chẳng vấn đề gì cả. Đã có nhiều người làm văn chương rồi bỏ văn chương. Phiền chăng, ta cứ ảo tưởng về mình. Cũng chả có gì đáng trách! Ai mà không ảo tưởng về tài năng của mình cơ chứ? Chăm, Kinh hay Tây Tàu gì cũng hệt vậy thôi. Có nhà thơ trung bình nọ còn gởi nguyên tập thơ sến ơi là sến mà còn tuyên bố nó xứng đáng giật Nobel văn chương đầu tiên cho Việt Nam đến Sara nữa mà. Còn thêm tiết mục chửi rủa bao nhiêu quan văn đã không công nhận tài năng ta nữa chớ. Bao nhiêu điển hình [tiên tiến] khác.
Nói chi quý cô tài năng chả thấy đâu vào đâu, được vài đàn anh xoa đầu xuýt xoa. Không ảo tưởng mới lạ. Nhưng nếu ảo tưởng mà đóng cửa ngồi nhà tự sướng thì không sao, đằng này lại hiên ngang xộc vào đời kẻ láng giềng không quen biết. Mới phiền.
Sara đã bị như thế.
Sáng sớm tinh mơ mở mắt, bật computer thấy ngay trong Inbox một bức thư ca ngợi ông Inrasara tận trời mây lộng gió: “Anh Inrasara là nhà thơ số một Việt Nam”! Kế tiếp là cái file tập thơ “mà em rất tâm đắc” đính kèm. Cuối cùng là “anh đọc góp ý cho em nhé”! Mình đã bõ công viết bức thư như thế này nè:

Sài Gòn, 17-8-2010
Bạn thơ thân mến
Thật lòng mình rất vui khi nhận được thơ của người làm thơ không quen. Càng vui hơn nữa khi bạn thơ đó tin tưởng nhờ cho ý kiến. Hôm nay rảnh, mình đã đọc xong một hơi tập thơ của bạn. Như vầy bạn nhé, cuộc văn chương nhiêu khê khó lường và buồn bã lắm, nên để tiện làm việc, mình có vài nguyên tắc trong ứng xử.
1. Hạn chế tối đa viết về tác phẩm chưa xuất bản. Dù mỗi tháng mình nhận không ít bản thảo của bạn thơ từ nhiều nơi nhờ viết giới thiệu, nhưng đến nay đã 15 năm nhập cuộc làng viết, mình mới chỉ viết cho 5 người bạn rất thân. Thân, không thể không viết.
2. Góp ý cũng vậy. Đã có nhiều chuyện phiền lòng trong giới văn nghệ. Bạn thơ thân quen hay có khi người làm thơ tự nhận “đàn em” vẫn ít khi “chịu” nghe, thậm chí lắm lúc mất lòng không đáng, dù ban đầu chính họ bảo “bạn/ ông anh cứ thẳng thắn phê bình”. Nên mình rất ngại về khoản này.
3. Do đó, mình cương quyết từ chối các lời mời tham gia Ban giám khảo cho Giải thưởng nào đó. Có một lần lỡ nhận, may mà Giải đó bất thành. Đã không ít người cho là chảnh. Không đâu bạn à. Như thế này: Ban giám khảo đó gồm 3 người (đã từng xảy ra), nếu 2 vị kia bỏ phiếu cho tập thơ nào đó, còn mình thì thấy tập đó “nhảm, nhàm” thì mình đành phục tùng đa số. Sau đó, các bạn thơ quen thuộc với lối nhận định của Sara sẽ cho “ông này ba phải” thì hết cãi! Nên, từ chối là thượng sách…
Tập thơ của bạn, in xong nhớ gởi cho mình, nếu hứng, mình sẽ viết.
Vậy bạn nhé. Hi vọng có ngày gặp nhau.
Thân mến, Inrasara
.

Vậy thôi, rất bình thường như nắng mưa mây gió của trời. Thế mà người làm thơ kia viết điện thư tới tấp rủa sả ông Sara. Rồi vụ rủa lây lan lên cả mục “phản hồi” website Inrasara.com nữa. Đó có là web riêng của Sara cho cam. Cộng đồng Chăm đọc nó. Rồi bạn đọc thuộc tộc khác. Ô là là!!! Chưa hết, thêm khoản lâu lâu còn xuống nước nhắn tin hẹn hò vui vẻ nữa… Mèng ôi. Dạ kính thưa chị Hai, cho em xin.


3. Minh triết và minh triết trong kinh doanh, là Hội thảo khoa học được Trung tâm Minh triết tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 29-8-2010.

Mình không viết tham luận, bởi không có gì để viết cả. Không ít “nhà” không có gì để viết, cũng viết. Viết và đọc. Ở hội nghị hay hội thảo nào cũng thế, hiếm vị nào bỏ được cái tật dai và dài. Có ai nghe kia chứ! Mình đọc mình nghe thôi. Vừa bị hành hạ ở Đại hội Nhà văn, nay lại tiếp tục chui vào để bị hành hạ tại hội thảo này. Ai khiến? Mặc cho Ban chủ trì kêu, quý bác cứ đọc hay nói. 20-30 phút. Có bác còn bê nguyên xi bài giảng triết học Mác Lê ở trường chính trị về dạy các học giả với nhà văn ngồi hội trường nữa. Bác nữa thì kể lể lê thê về công trình văn học đồ sộ của mình. Lạc đề và lạc đề… Hội thảo nguyên ngày, đến giữa buổi chiều thì mình dzọt!

4. 5 bản thảo nộp nhà xuất bản hơn năm, quý nhà mãi hứa mà chưa nhà nào chịu đỡ đẻ cho chúng vỡ tiếng khóc chào đời. Thế nào trong năm này phải in cho xong bộ ba Thơ Việt đương đại, dù bất cứ hình thức nào. Để tránh cái tình trạng “bế tắc sáng tạo”. Phải thanh lí hết cái cũ mới làm được cái mới, không thì cứ lôi đầu chúng ra sửa lại. Tội ơi là tội!
Ba nhà đã có giấy phép, “tháng 10 này in cho anh” – hứa thế. Biết đâu chừng nếu trời Phật thương, cuốn tiểu thuyết Hàng mã kí ức và tập thơ Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] sẽ cùng ló mặt chào đời vào quý cuối tư. Cả Tagalau 11 nữa. Để có quà mừng Katê.
Dự án Quốc gia đang chuẩn bị tái bản Trường ca ChămVăn hóa – Xã hội Chăm, Nghiên cứu & Đối thoại. Sang năm làm 3 cuốn nữa. Đwa karun!

2 thoughts on “Ghi chép tháng 8-2010/2: Bế tắc sáng tạo & Sự kiện thơ trong năm

  1. Xin Sara xem lại chút, “pHụt”, thơ Bỉm, nxb Tuỳ Tiện, chứ không phải nxb Giấy Vụn. 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *