TS. Dương Thu Hằng: “LẶN SÂU VÀO DÂN TỘC ĐỂ SÁNG TẠO CÁI MỚI” – MỘT PHƯƠNG THỨC HỘI NHẬP NHÌN TỪ SÁNG TÁC CỦA INRASARA

Bài viết đã in trong cuốn: Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số, NXB Đại học Thái Nguyên, 2014; Tham luận Hội thảo Quốc tế: “Kinh tế và văn hóa xã hội của các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập Asean” – Thái Nguyên 5-2015.
2012-Vietnamhoc.6
[tác giả đứng cạnh Inrasara phía trái]
Tóm tắt: Inrasara là một nhà văn khá quen thuộc trong đời sống văn học đương đại Việt Nam. Người đọc thường nhớ tới ông trong tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa – xã hội Chăm và nhà thơ khá thành danh với Tháp nắng, Lễ Tẩy trần tháng Tư (Giải thưởng văn học ASEAN 2005)… Gần đây, Inrasara liên tiếp cho ra đời ba cuốn tiểu thuyết đậm chất Chăm là Chân dung Cát (2006), Hàng mã kí ức (2011) và Tcherfunith (2012). Tham luận này sẽ đi sâu nghiên cứu nhằm chỉ rõ cảm thức hậu hiện đại – những vang động của trào lưu văn hóa thời đại – trong tiểu thuyết của Inrasara, đặc biệt là quan niệm mới về tiểu thuyết – kho lưu trữ sinh hoạt một dân tộc trong thời đại đó. Sau khi phân tích hiệu quả cơ bản của thủ pháp hậu hiện đại trong việc phản biện xã hội là thích hợp đối với thể loại tiểu thuyết và khẳng định rằng nó đã góp phần tích cực làm mới đời sống văn học Việt Nam hiện đương đại…; tham luận sẽ chỉ ra những tác động của quá trình hội nhập và phát triển đến quan niệm về tiểu thuyết và sáng tác của Inrasara nói riêng, nhà văn Việt Nam hiện đại nói chung.

SUMMARY
Ethnic Minority Culture as A Way of Integration: Novels of Inrasara in Vietnamese Literature

Dr. Duong Thu Hang
Inrasara is a prominent writer in Vietnamese contemporary literary life. Readers often remember him as a social-cultural researcher of Cham minority group and a reputable poet. His famous poetry collections are Tháp nắng, and Lễ tẩy trần tháng Tư which was awarded the ASEAN literary prize in 2005. Recently, Inrasara has published three novels which are Chân dung Cát (2006), Hàng mã kí ức (2011), and Tcherfunith (2012). This research clarifies the new conception of novel: a novel is an archive which stores cultural activities and identity of a community. Especially, it focuses on the postmodern sense in these novels. We investigate how the postmodern techniques in the novels work as social criticism and positively contribute to renew Vietnamese contemporary literature. Finally, this article points out how the process of integration and development influence the conception of novel of Inrasara in particular and of Vietnamese writers in general.

Sinh ra tại làng Chăm Chakleng (tỉnh Ninh Thuận) và được nuôi dưỡng bởi nguồn dinh dưỡng Chăm với kho văn thơ khổng lồ, bất tận…, Inrasara đã thể hiện nguồn cảm hứng mãnh liệt về con người Chăm, số phận Chăm, văn hóa Chăm trong tất cả các hoạt động văn học và trước tác của mình. Với nhà văn này, một mặt, bản sắc dân tộc là phần tinh túy nhất của văn hóa dân tộc đã được gạn lọc qua hàng ngàn năm lịch sử cần phải được bảo tồn, lưu giữ; mặt khác, bản sắc không phải là cái gì tĩnh mà là một thực thể động. Con người hôm nay phải sáng tạo phần mình để đóng góp vào kho văn hóa dân tộc…”(1). Với quan niệm ấy, Inrasara luôn là người mẫn cán trong việc thực thi công việc bảo lưu và sáng tạo, phát triển văn hóa, văn học của dân tộc mình. Dân tộc Chăm đã để lại những di sản văn hoá vô cùng quý giá. Ngoài một nền kiến trúc và điêu khắc phong phú, đặc sắc, nền văn học Chăm có đóng góp không nhỏ vào nền văn hóa phức hợp nói chung, văn học của dân tộc Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, hiện nay nhiều giá trị văn học tốt đẹp của quá khứ đang bị mai một, mất mát dần. Là một công dân hữu trách, Inrasara từng tâm sự: “Tôi muốn tìm hiểu tâm hồn dân tộc mình và tôi nghĩ văn chương là biểu hiện trọn vẹn nhất. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn giới thiệu với thế giới bên ngoài về một nền văn chương có một bề dày truyền thống đang có nguy cơ thất truyền” (2). Từ đó, hàng loạt công trình nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, các tập tiểu luận phê bình của Inrasara liên tiếp được xuất bản và giành nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Không chỉ dừng lại ở vai trò “người coi kho”, hàng loạt các tập thơ đậm chất Chăm ra đời là minh chứng rõ nhất cho vai trò “kẻ sáng tạo” của nhà “Chăm học”. Như thế vẫn chưa đủ. Ngay trong những năm đầu của thế kỷ XIX, Inrasara liên tiếp cho ra đời ba cuốn tiểu thuyết: Chân dung cát (2006), Hàng mã ký ức (2011) và Tcherfunith (2012) thể hiện những nghiệm sinh sâu sắc về xu hướng toàn cầu hoá của xã hội hiện đại. Vốn là một nhà thơ giàu khát vọng sáng tạo, Inrasara tiếp tục mang theo những phẩm chất ấy trên hành trình khai phá địa hạt tiểu thuyết. Ông quan niệm: Tiểu thuyết, “ngoài khám phá tâm hồn con người trong cách thế khác, còn là kho lưu trữ sinh hoạt một dân tộc trong thời đại đó, vừa đứng biệt lập vừa bổ sung cho thiếu hụt của lịch sử. Làm tốt chức năng đó, hình thức tiểu thuyết cũng cần được thay đổi/ trương nở để đáp ứng trúng nhịp thời đại mình đồng thời với mỗi đề tài mà nó nhắm tới”(3).
2. Đọc tiểu thuyết của Inrasara đồng nghĩa với việc mở kho lưu trữ tinh thần dân tộc Chăm. Chân dung Cát là diện mạo tinh thần Chăm đương đại được khắc hoạ bằng những câu chuyện buồn vui của đời sống hiện thực và cả những truyền thuyết, huyền sử thông qua hàng loạt chân dung hoạt kê… Qua tiểu thuyết này, người Chăm và văn hóa văn minh Champa hiển lộ và sống giữa cộng đồng nhân loại. Hàng mã kí ức thì thử kể câu chuyện khác về Chăm theo tinh thần hậu hiện đại. Từ khi vương quốc Champa tan rã, sau bao biến động của xã hội, thời cuộc đổi thay…, dân tộc Chăm hòa vào đất nước Việt Nam thống nhất. Hơn hai thế kỷ sống xen cư và cộng cư với các dân tộc khác, cộng đồng Chăm vẫn giữ được truyền thống văn hóa đặc sắc cùng tinh thần cốt cách Chăm. Đó chẳng lẽ không phải là điều đáng tự hào? Để lưu giữ và sáng tạo, bảo tồn và phát triển, hơn ai hết các cây bút Chăm đã ngụp lặn thật sâu vào minh triết của dân tộc mình. Hàng mã kí ức chính là một thể nghiệm như thế của Inrasara. Chẳng hạn, tinh thần tùy tiện đã khiến nhà văn Chăm cho rằng việc lưu giữ kí ức dân tộc không phải công việc duy của sử gia hay nhà nghiên cứu mà chính là công việc của thi sĩ. Đương nhiên, thi sĩ – nghệ sĩ – nhà văn sẽ “lập biên bản” tinh thần dân tộc theo cách của kẻ sáng tạo! Mà trong sáng tạo có sự hủy phá, hay hủy phá để sáng tạo, hủy phá trong sáng tạo lại chính là tinh thần thoát thai từ tư tưởng Shiva. Song song tồn tại trong một sinh thể Chăm là tinh thần “tạm bợ” và “vĩnh cửu”, “an phận” và “phiêu lưu”, “nhát hèn” và “dũng cảm”, “ham chơi” và “chăm chỉ”, “nghiệt ngã” và “vô tư”… Ranh giới giữa các mặt đối lập ấy e chừng quá mong manh, khiến người đọc nhập nhòa khó nhận diện, không dám gọi tên. Chẳng hạn: kí ức vốn là cái có thật, là những chuyện có thật được chủ thể nhớ lại, nhưng đặt sau từ “hàng mã” thì kí ức đó lại không thể xem là chân thực được nữa. Như vậy, Hàng mã kí ức là câu chuyện thật thật hư hư… Làm cho người đọc nghi ngờ độ xác thực của những câu chuyện nghe có vẻ rất thật, rất nghiêm túc; đồng thời lại thấy những câu chuyện, những vấn đề mà tác giả hư cấu xem ra vẫn có lý, có cơ sở thực tế… chính là thành công đầu tiên của tiểu thuyết này, theo tinh thần Chăm.
Nếu minh triết Chăm quan niệm: “Học không phải để mưu lợi mà để biết” thì nhà văn Chăm đã vận dụng để đưa ra quan niệm viết: Viết không phải để lưu danh mà để vô danh! Cũng chính vì không cần lưu danh mà người viết tha hồ tưởng tượng và sáng tạo thỏa thích mà không lo phải đối diện, đối thoại với bất cứ yêu cầu hay khuôn khổ nào. Chẳng hạn, nói đến lịch sử là nói đến một loại văn bản lưu giữ sự thật về quá khứ, về những điều tương đối nghiêm cẩn, cần thiết đối với một cộng đồng. Nhưng với Hàng mã kí ức thì “Lịch sử như là mớ hổ lốn” không hơn! Tất nhiên, lịch sử đó, “Ai biết được, nó thật đến mức độ nào!?” bởi chính tác giả tự sẻ chia: “Thật mà chưa hẳn đúng thật” …
Hành trình văn học nhân loại nói chung, văn học Việt Nam nói riêng đã từng trao gửi niềm tin vào các đại tự sự (grand narratives) hay tự sự chủ đạo (master narratives). Đó là những truyện kể (stories) mà một nền văn hóa hay một dân tộc tường thuật và tin vào. Và chính nó cũng tạo nên tâm thức cộng đồng và duy trì sức mạnh của nền văn hóa hay dân tộc đó. Song, cùng với thời gian, đã có nhiều tấm màn bí mật về lịch sử, về quá khứ thần thiêng được vén lên, con người ngộ ra phần nào sự thật. Đó cũng chính là khi người ta dần bất tín với các đại tự sự. Họ tìm sự cứu chuộc ở các tiểu tự sự (small narratives) – những truyện kể mang tính cá nhân, địa phương, tạm bợ trong một hoàn cảnh cụ thể. Không thể đòi hỏi ở các tiểu tự sự những chân lí phổ quát, ổn định và mong muốn tất cả mọi người tin theo, thậm chí làm theo… như với các đại tự sự trước kia. Hàng mã kí ức, vì vậy đã tự do kể về “…cuộc đời tôi và mảnh đời của những người xung quanh thế giới tôi, sự kiện hay sự việc tôi biết, tôi trải nghiệm, cuốn sách tôi đọc…”. Và chính những câu chuyện vụn vặt như thế đã giúp người đọc nhận chân cuộc sống với mọi đúng – sai, buồn – vui, thấp hèn – cao cả, hạnh phúc – khổ đau, hời hợt – sâu lắng, trì trệ – tiến bộ… Nó đúng với bản chất của mọi sự vật hiện tượng luôn chứa đầy mâu thuẫn, luôn vận động, phát triển trong thế giới bất toàn và không ngừng biến động. Và tất cả các thuộc tính Chăm khác dường như cũng đồng hiện trong Hàng mã kí ức như: tinh thần thần tùy tiện, giải sân hận, nghệ sĩ tính, ham nghệ thuật, ham chơi, ngẫu hứng và bấp bênh, kiêu hãnh và tự ti…
Hiển hiện trong các “kho lưu trữ” đó là con người và văn hóa Chăm chân thực, sinh động, đầy thú vị. Trong lời giới thiệu Chân dung cát, Khánh Phương viết: “Có thể gặp những câu chuyện éo le, bí ẩn về những thân phận dường như phải gánh chịu nỗi bi thương, cái phi lí, khát vọng và sự bế tắc khủng khiếp của con người” (4). Độc giả cũng dễ nhận thấy những phức cảm tính cách của con người Chăm trong tiểu thuyết của Inrasara, đặc biệt là một nỗi buồn khó hiểu: “Con người Chăm mạnh mẽ, bản lĩnh văn hóa nhưng “buồn đến muốn tìm gò mối lủi vào”” (5). Chung quan điểm này, Trần Vũ cũng khẳng định: “Nỗi buồn Chăm, bí ẩn Chăm, có lẽ đó là điều mỗi bạn đọc có thể hướng tới và sẻ chia với tác giả Chân dung cát” (6). Đó là những truyền thuyết xưa cũ vừa hào hùng vừa cay đắng của một cộng đồng mạnh mẽ, có bề dày văn hoá và trí tưởng tượng mãnh liệt trong chặng đường dài vươn mình huy hoàng và tàn lụi. Đó là những đoạn trích sổ ghi chép, nhật ký của những nhân vật trí thức Chăm đầy những suy tư táo bạo, bất ngờ về lẽ tồn vong của ngôn ngữ, văn hoá và cộng đồng. Tương tự, cũng dễ nhận thấy trong Hàng mã kí ức của Inrasara là cảm hứng sâu lắng, ưu tư về con người: “Inrasara rủ rỉ câu chuyện, như lời tâm tình về cuộc đời mình, về bạn bè, về làng xóm…” (7). Đó là những con người có nguyên mẫu thật trong đời sống nhưng được Inrasara tái hiện lại trong một cuốn tiểu thuyết mang tính chất hư cấu. Rõ ràng, nhà văn có ý thức qua tiểu thuyết “vẽ gương mặt cha ông mình, thông qua đó vẽ gương mặt văn hóa của dân tộc mình” (8). Trên những trang viết của Inrasara, con người Chăm hiện lên với những gam màu, đường nét đa dạng, mang đậm cốt cách dân tộc. Họ mang chứa những nét tính cách vừa quen vừa lạ so với hình ảnh những con người xuất hiện trong sáng tác của những cây bút DTTS khác. Đó là những con người Chăm mang vẻ đẹp bản nguyên với cuộc đời và số phận dị biệt; con người Chăm “rối loạn đa nhân cách” – hệ quả của sự tha hóa trong đời sống hậu hiện đại: đầy chất nghệ sĩ, tài năng, thông minh nhưng cũng phi thực tế, ảo tưởng; con người Chăm hữu trách và ưu tư với cộng đồng, văn hóa dân tộc; cả những con người bình dị với bộn bề lo toan của đời sống thường nhật, với bao nỗi cơ cực, buồn vui, bi hài của cuộc đời. Đó là Thuman – “nông dân – thi sĩ” có sở thích làm thơ, thuyết thơ với quan điểm: “Dẫu thế nào đi nữa cũng phải sống và sáng tạo”. Hay Jaklan – “nhà ngôn ngữ học cấp xã”- từ bỏ tất cả, suốt đời chỉ theo đuổi một mục đích nghiên cứu duy nhất về “mối liên hệ có tính lịch đại giữa âm vị tiếng Chăm và tiếng Churu”. Nếu Jaklan tìm về với giá trị tinh thần của dân tộc thì Pathit lại quan tâm đến cái gọi là vật chất với ý tưởng vĩ đại: thực hiện kế hoạch vĩ mô là biến Chăm thành một vùng đất trù phú, bắt đầu từ Chakleng rồi nhân điển hình ra… Trong tiểu thuyết của Inrasara còn biết bao những số phận khác “ngẫu hứng và bấp bênh” như Chế Khan, Lâm Màng, Phú Văn Hoanh, Đàng Phu, Phú Tr, Trà Chân,… hay anh chàng Chăm kiều Đàng John Thak dù sống ở Mỹ nhiều năm nhưng vẫn bảo tồn được dân tộc tính, khát khao đưa người Chăm ở khắp nơi trên thế giới gia nhập vào “cộng đồng mở” của nhân loại.
Những tính cách đa chiều, rối loạn giữa khát vọng và thực tế, cống hiến và sự suy tưởng đầy ngộ nhận được thể hiện tập trung nhất trong nhân vật Cao Xuân Hoang – một con người có tài “luôn đứng đầu lớp từ trường làng, quận cho đến tỉnh” nhưng cũng đầy ngang tàng khi kết luận đề thi môn Lịch sử là sai và cương quyết không làm bài. Hắn tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và trở thành “chuyên viên cao cấp”, cố vấn cho các cố vấn về nhiều vấn đề có tầm vĩ mô trong nước và khu vực. Tiếng tăm của hắn bỗng vang dội khắp nơi. Hắn cho rằng ở xã hội Chăm chỉ có sa đọa mới làm nên chuyện. Hắn từng kiên trì gửi thư lên các cơ quan chức năng với nguyện vọng phục hồi trường Pô-klông, trung tâm Văn hóa Chàm nhưng có lúc lại tuyên bố phản động rằng: “Chăm đúng là nòi phung phí”. Hắn có lúc rất tự hào, kiêu hãnh là Chăm, mong muốn mỗi tác giả Chăm là sứ giả mang tầm khu vực, là gạch nối nối liền nước ta với khối ASEAN; từng có lúc đưa ra các biện pháp rất thực tế rằng: Chăm cần học lại tiếng Chăm thế kỉ XIX, đọc Dictionnaire E. Aymonier, trau dồi cho tinh Esperanto để có một nhãn quan vượt thời đại nhưng có lúc lại ảo tưởng sản xuất ra những ý tưởng xuất phát từ di sản của cha ông để xuất khẩu với giá cao như “một sự bán đứng cái được coi là bản sắc Chăm”… Có thể nói, việc xây dựng kiểu nhân vật mang chứng rối loạn đa nhân cách và những phát ngôn tùy tiện, thậm chí là phản bác, đối chọi nhau như vậy, Inrasara đã diễn ngôn văn hóa Chăm theo cách của riêng mình. Nếu trong tiểu thuyết của Vi Hồng, Cao Duy Sơn, con người thường chỉ có một nét tính cách hoặc là tận thiện, “hoàn hảo đến mức tưởng chừng như phi lí” hoặc là tận ác với những thủ đoạn, nham hiểm và hành vi độc ác, đồi bại… thì trong tiểu thuyết của Inrasara: con người luôn mang trong mình những mâu thuẫn, những dằn vặt giữa khát vọng và thực tế, giữa bản năng và lí trí, giữa khả năng và hiện thực. Trước khi đến với tiểu thuyết, Inrasara đã có một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, tâm hồn dân tộc Chăm rất sâu sắc. Và giờ đây cốt cách, tâm hồn dân tộc ấy được thể hiện qua số phận, cuộc đời những nhân vật đa nhân cách như đã phân tích ở trên vừa như một kiểu “lập biên bản tinh thần dân tộc” vừa thể hiện mong muốn mọi người biết đến Chăm, đến con người Chăm trong tính hiện thực sinh động và đa dạng chân thực.
3. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp của người Chăm đã được tái hiện lại với thái độ vừa tự hào vừa pha chút dự cảm lo âu về sự suy tàn, mai một của nó. Trong tiểu thuyết của Inrasara “có thể bắt gặp những truyền thuyết xưa cũ vừa hào hùng vừa cay đắng của một cộng đồng mạnh mẽ, có bề dày văn hóa và trí tưởng tượng mãnh liệt trong chặng đường dài vươn mình huy hoàng và tàn lụi” (9). Dường như, Inrasara đang tìm trở lại trong quá khứ để vẽ lại diện mạo của “nền văn hóa tộc người Chăm, Nam Trung Bộ”, “những vỉa tầng văn hóa Chăm” … với vai trò một “phu phục sử” (Đinh Trần Toán). Không phải là những thắng cố, thổ cẩm, hoa xòe, những phiên chợ tình thơ mộng, những điệu hát sli, hát lượn…của các DTTS ở miền núi phía Bắc mà đó là những nét chạm trổ điêu luyện của các nghệ nhân Chăm, những giếng Vuông bí ẩn dọc dải đất miền Trung nắng gió nhưng không bao giờ khô nước, là gốm Bàu Trúc, là trống Baranưng…Đặc biệt là Tháp Chàm – một công trình kiến trúc nằm trong hệ thống tín ngưỡng của dân tộc Chăm, là nơi tôn vinh các vị thần linh, những vị anh hùng đã có công giúp vương quốc Champa vinh quang và phồn thịnh. Trong tiểu thuyết của Inrasara hiện ra bạt ngàn những tháp Chàm cô độc, hiên ngang và đầy bí ẩn: “Tháp Ppo Nưgar, Tháp Nhạn, Bánh Ít và cánh Tiên, Dương Long, rồi cuối cùng về Mỹ Sơn”. Những ngọn tháp mà “vẻ đẹp của chúng biến thiên theo thời gian, cùng cuộc thịnh suy đất nước. Đẹp của Dương Long là đẹp kiêu hãnh đầy nhuệ khí, Ppo Klaung Girai đẹp toàn bích, còn của Ppo Rome đích thị là cái đẹp suy tàn”. Người đọc chưa từng một lần đặt chân đến vùng đất của những ngọn tháp kia có thể cảm nhận được vẻ bí ẩn, hào hùng, bi tráng của chúng qua tiểu thuyết của Inrasara với những huyền sử mang đầy màu sắc huyền thoại mà nhà văn tạo dựng.
Với người Chăm, sách và chữ là rất quý – như tặng vật của thần thánh – nên họ luôn trân trọng. Ở mỗi gia đình có ciet sách thì “Định kì, ciet sách được mang ra phơi nắng, cúng bái thành kính với lễ vật đơn sơ” nếu không nó sẽ biến thành sách hoang và điều đó là tối kị với Chăm. Đây là một nét phong tục rất đẹp, thể hiện sự trân quý với tri thức của Chăm. Con người Chăm từ khi được sinh ra cho đến cuối đời đều được thực hiện đầy đủ những “nghi lễ vòng đời” một cách “rất ư thanh thoát, nhẹ nhàng”. Nghi lễ ấy bao gồm: lễ mang vòng (nếu sinh ra mà thể trạng yếu), tháo vòng (khi lớn khôn khỏe mạnh), Bbơng mưnhum (khi lấy vợ), tẩy rửa (khi gặp vận xui, làm sạch tội lỗi), đám qua đêm (khi chết), đám thiêu (sau khi chết một, hai năm). Thậm chí người Chăm khi sống còn sắm sửa trước cho mình đồ chết (kaya angwei) và rất trân trọng nó để rồi cuối cùng đốt đi ở cuối đời. Người già mà nằm giường lâu ngày, đi khó thì Chăm làm lễ buộc dao (Ikak dhaung) cho “người chết được về sớm, để kịp ngày lành tháng tốt làm đám thiêu”. Đám thiêu cũng phải tuân thủ theo các bước tuần tự nhất định khá phiền hà và thậm chí rùng rợn. Sau đó sẽ được cho vào nhập kut (nghĩa trang dòng họ mẹ của Cam Ahier) nếu không sẽ bị thành ma Hời vất vưởng, linh hồn không siêu thoát. Vì thế kut “đó là nỗi linh thiêng hơn mọi nỗi linh thiêng với Chăm Bà-la-môn”.
Chăm có nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa vùng miền từ những lễ hội với quy mô và nghi lễ nhỏ đến những lễ hội với quy mô rộng và nhiều thủ tục. Đó là lễ Yor Yang, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu diễn ra hàng năm từ tháng Giêng đến hết tháng Tư Chăm lịch. Hay lễ Cabbur được “tổ chức vào đầu nửa cuối tháng chín Chăm lịch, để tưởng niệm và tạ ơn mẹ”. Nhắc đến Chăm không thể không nói đến lễ Katê, một lễ hội dân gian thiêng liêng và đặc sắc tưởng nhớ những người đã khuất và các vị anh hùng dân tộc. Đây là lễ hội chung của cả người Chăm Ba-la-môn và người Chăm Banì được tổ chức ở các đền tháp cổ kính vào tháng bảy theo lịch Chăm. Nếu các dân tộc khác có tết Nguyên Đán thì người Chăm có tết Rija Nưgar- nghĩa là lễ hội của xứ sở. Đây có thể xem là một lễ hội lớn nhất của dân tộc Chăm, nó “mang ý nghĩa tẩy rửa, tống khứ cái xấu xa khỏi làng, khỏi cộng đồng để đón nhận mọi điều tốt lành vào palei”. Ngoài ra, đọc tiểu thuyết của Inrasara, độc giả còn được biết đến nhiều lễ hội khác của Chăm như: lễ Ramưwan của người Chăm Banì (lễ cúng ông bà tổ tiên, tổ chức mỗi năm một lần vào tháng Chín Hồi lịch); lễ Chặn đầu nguồn (lễ nghi nông nghiệp); lễ Xuk Yơng (Lễ thứ Sáu quay vòng tổ chức ba năm một lần để các chức sắc Cam Awal của bảy giáo đường Bani – Ninh Thuận họp bàn về phong tục – tín ngưỡng)… Cứ có lễ hội là có múa. Chăm có tới bảy mươi hai điệu múa đủ loại, từ: múa quạt , múa kiếm, múa roi, múa chèo thuyền, múa đội lu, múa khăn, múa âm dương…Chính vì sự quyến rũ, uyển chuyển, cả sự mạnh mẽ, lôi cuốn, dứt khoát trong các điệu múa mà đây luôn là tiết mục được trông đợi nhất trong các lễ hội và luôn nhận được những tràng hoan hô (ahei) cỗ vũ nhiệt thành…
Có thể thấy rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống và các lễ hội của người Chăm đã được tái hiện trong tiểu thuyết của Inrasara làm nổi bật bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Với Inrasara, những giá trị đó “hôm qua là bí mật tráng lệ; hôm nay tôi gọi nó là “bí mật câm””. Nó có cái gì ma quái, hấp dẫn nhưng cũng mong manh và ít nhiều ẩn chứa sự suy tàn. Cảm hứng về văn hoá Chăm trong tiểu thuyết của Inrasara vì thế là cảm hứng về linh hồn văn hoá chứ không phải cảm hứng về những thứ sản phẩm lưu kho, đông cứng, đúng như tinh thần Shiva: hủy phá để sáng tạo. Người Chăm hôm nay không phải ai cũng biết và hiểu hết những giá trị văn hóa của cha ông nhưng họ hãnh diện vì điều đó. Hình ảnh Cao Xuân Hoang, một chữ K đeo tai cũng không có, nhưng lại rất nhiệt tình bảo vệ ngôn ngữ truyền thống của dân tộc là một điển hình… Rõ ràng, thông qua cảm hứng về văn hóa cộng đồng dân tộc, Inrasara muốn gửi một bức thông điệp theo cách của mình: “Không ai tìm về quá khứ chỉ để chơi như một thứ cổ vật, Hàng mã kí ức (và các tác phẩm khác của Inrasara – chúng tôi nhấn mạnh) muốn gửi một thông điệp về phát triển văn hóa Chăm trong thời hiện đại” (10). Nói cách khác, thông qua tiểu thuyết – “những kho lưu trữ sinh hoạt” dân tộc Chăm – Inrasara đã kín đáo thể hiện sự tiên nghiệm về một cộng đồng chỉ có thể đứng dậy và tới trước ngưỡng cửa tồn vong bằng chính sức sống nội tại cũng như hạn chế của bản thân. Đó cũng chính là bước đi của Chăm hòa nhập vào xã hội hiện tại.
Như vậy, trong vai trò của kẻ “lưu giữ văn hóa”, Inrasara đã dựng lại cả một kho tàng văn hóa truyền thống đáng tự hào của cha ông cùng lời thức tỉnh thế hệ trẻ Chăm hôm nay hãy biết trân trọng và giữ gìn nó; đồng thời cũng xem đó là động lực để phấn đấu, sáng tạo làm cho nó giàu sang hơn nữa. Để chuyển tải tinh thần đó, Inrasara sử dụng tối đa những kĩ thuật của hậu hiện đại. Nhân vật của Inrasara chủ yếu được xây dựng ở góc độ tinh thần, mang trong mình cả dân tộc tính và cảm thức hậu hiện đại. Cách xây dựng nhân vật như thế tuy tránh được lối mòn trong văn xuôi truyền thống nhưng lại sa vào tính chất minh hoạ. Cốt truyện của ông là kiểu cắt dán, lắp ghép, hỗn hợp, đan xen nhiều thể loại; cố tình xóa bỏ thời gian tuyến tính, nới rộng không – thời gian về nhiều chiều kích để tối đa hóa điểm nhìn trần thuật và mở rộng biên độ nhận thức cho người đọc. Kiểu cốt truyện này tuy mới mẻ nhưng sẽ là khó tiếp nhận đối với phần lớn độc giả truyền thống. Ngôn ngữ và giọng điệu được Inrasara sử dụng linh hoạt, mang nhiều sắc thái mới mẻ nhưng đôi khi bị đẩy đến cực đoan làm giảm đi hứng thú thẩm mỹ của người đọc, bởi ngôn ngữ đời thường không có nghĩa là dung tục, sống sít và nếu chỉ chú trọng phô diễn kiến thức văn hóa, lịch sử sẽ làm giảm tính hình tượng của ngôn từ nghệ thuật… Chẳng hạn, sự xuất hiện (mà không hề có chú thích) của hơn 1000 đặc ngữ Chăm và 39 đoạn thơ, bài phù trú Chăm trong Chân dung cát và Hàng mã ký ức chẳng những không mang lại hiệu quả nghệ thuật mà còn gây rối, làm giãn mạch tư duy và sự cảm thụ, nên có thể gây ức chế, phản cảm với người tiếp nhận tác phẩm. Tuy vậy, những nỗ lực của Inrasara trong việc thể nghiệm một quan niệm tiểu thuyết mới theo cách riêng của người nghệ sĩ có cá tính, không lặp lại ai mà cũng không lặp lại mình là điều không thể phủ nhận.
4. Vậy do đâu mà Inrasara có điều kiện và tự tin mạnh bước trên hành trình hội nhập của mình? Câu trả lời trước hết không gì khác chính là sự dấn thân của Inrasara. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 6 anh chị em nhưng Inrasara được ưu ái hơn cả. Ông từng tâm sự, ông có hai ân huệ là được học hành liên tục và có một người cha nông dân mẫu mực, hiền từ, cần cù và ham mê sách cổ nhân: “Chính trong những đêm trăng thơ mộng nơi thôn trang, nhiều lần được nghe Người ngâm thơ mà tôi thuộc nằm lòng Ariya Glơng Anak (một trong ba tác phẩm xuất sắc nhất của văn chương Chăm) ngay thời tôi mới 5, 6 tuổi, khi còn chưa cắp sách tới trường” (11). Thông minh và “luôn ở tư thế của kẻ sẵn sàng vứt bỏ tất cả. Để lên đường. Nhập nhằng giữa phá/ xây, gom nhặt/ làm mới, nghiên cứu/ sáng tạo…” nên cuộc đời của Inrasara là một chuỗi những chuyển dời, ngắt quãng đột ngột: đỗ thủ khoa, là sinh viên xuất sắc, nhưng lại đột ngột thôi học để đọc Camus, Nietzsche, Krishnamurti, Dostoievski và …làm thơ. Ngay từ thời sinh viên, ông đã sáng tác bằng tiếng Chăm và bắt đầu sưu tầm văn học cổ điển Chăm. Ông đã từng làm việc ở Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận, đi khắp các plây Chăm để sưu tầm văn học dân gian và tìm cảm hứng sáng tạo thơ. Với ông, đó là khoảng thời gian sáng tạo hứng thú nhất: “…Bước chân tuổi trẻ tôi rong ruổi trên khắp ngõ hẻm quê hương. Tâm hồn tôi mở ngõ đón nhận những mới lạ, ngạc nhiên tiếp ngạc nhiên: câu hát, giọng nói, phương ngôn, màu áo…Tôi hồn nhiên tắm trong không khí đời sống Chăm, như thế”. Có lẽ chính bầu sữa Chăm – nơi chứa đựng nhiều vỉa tầng văn hóa, những truyền thuyết xa xưa, bí ẩn cùng một kho báu văn học đặc sắc và phong phú đã làm nên một thứ mật ngọt có sức hút kì diệu với Inrasara để ông đi tìm những giá trị văn hóa tưởng như đã bị lớp bụi thời gian phủ mờ và để tiếp tục sáng tạo, làm cho nó thêm phong phú, giàu có.
Rõ ràng, quê hương, gia đình là những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp văn học của Inrasara. Với Inrasara, văn hóa Chăm không phải là “xác trâu cho diều hâu tôi sà đến rỉa rói, trục lợi”, vì thế ông không khai thác mà ngụp lặn và lớn dậy từ giữa lòng nền văn hóa ấy để sáng tạo cái mới. Văn chương, với ông như là một định mệnh: “Nhà văn là kẻ sống thời đại mình, phơi trần toàn bộ con người mình ra với nó – trọn vẹn” và đến khi “một hoát ngộ nổ ra nơi sâu thẳm tâm hồn kẻ sáng tạo” (12) thì nhà văn đứng trước trang viết với một sự cô đơn toàn phần, khi ấy nhà văn nhìn thấy quê hương của mình. Điều này cho thấy Inrasara yêu và nặng lòng với Chăm biết nhường nào. Cùng với tình yêu ấy, sự cố gắng, tâm huyết và miệt mài, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của Inrasara đã làm nên một trí thức Chăm, một nhà “Chăm học” và hơn hết là một nghệ sĩ sáng tạo.
Bên cạnh yếu tố cá nhân thì hoàn cảnh/ điều kiện hậu hiện đại mà thời đại toàn cầu hóa gần đây mang lại cũng là một lí do quan trọng. Xu hướng toàn cầu hóa hiện nay đã biến thế giới thành một cái làng toàn cầu global village (13). Chỉ vài chục năm trước đây khó có thể tưởng tượng một nhà văn DTTS sinh sống ở những “vùng sâu vùng xa” lại có thể cập nhật tri thức và công bố những sáng tác nóng hổi của mình với độc giả toàn thế giới thông qua “cửa sổ quốc tế” – những website, blog, facebook… như bây giờ. Chính internet, văn học mạng phát triển là con đường ngắn nhất tạo điều kiện cho các nhà văn có thể “nhảy thẳng vào văn chương hậu hiện đại mà không phải đi xuyên qua hiện đại” (14). Văn học Chăm với Inrasara là tiêu biểu cho tinh thần này. Tiểu thuyết nói riêng và các sáng tác nói chung của ông có thể xem là những hành động cụ thể nhằm xóa nhòa ranh giới giữa văn học DTTS và văn học Việt Nam như ông từng thổ lộ: “Có thể nói, tư tưởng chủ đạo của Inrasara là suy tư và hành động ở vạch đứt lằn ranh ngoại vi/trung tâm, ở mọi khía cạnh, cấp độ khác nhau” (15). Hàng loạt bài viết ở nhiều cấp độ, mang tính hệ thống của ông về vấn đề này là minh chứng cho sự xuyên thấm từ tư tưởng đến trang viết của một nhà văn tâm huyết, khắc khoải mong được đóng góp và hội nhập.
Bên cạnh những cơ hội chia sẻ lợi ích chung về kinh tế – chính trị – xã hội, toàn cầu hóa đặt ra một câu hỏi lớn: làm thế nào để vừa hội nhập vừa giữ được bản sắc dân tộc?… Minh triết Chăm trong tiểu thuyết của Inrasara có thể coi là những minh chứng cho sức đề kháng của văn hóa, văn học trong thời kỳ hội nhập. Hơn thế, chúng còn khẳng định, toàn cầu hóa là cơ hội tốt lành cho người Chăm thâu thái cái mới làm giàu cho văn học dân tộc mình, giúp họ có tư cách của kẻ sáng tạo chứ không chỉ đóng vai trò là người giữ kho hay những phu phục sử. Phải chăng, cái mới đó xuất phát từ một chất Chăm đậm đặc của một người nghiên cứu dân tộc tính lâu dài như Inrasara? Là người say mê dân tộc mình, Inrasara rất tự hào về nền văn học viết của Chăm. Ông say sưa nói về dân tộc mình – dân tộc có chữ bản địa đầu tiên, có bia tiếng Sanscrit đầu tiên ở Đông Nam Á… Song, ông cũng hiểu sâu sắc rằng bản sắc dân tộc không phải chỉ nằm ở phần lưu giữ, bảo tồn mà còn là sáng tạo và phát triển. Với ông, “bản sắc không phải là cái gì tĩnh mà là một thực thể động. Con người hôm nay phải sáng tạo phần mình để đóng góp vào kho văn hóa dân tộc (…). Trong khi thách thức là rất lớn, với tốc độ phát triển của thời hiện đại, văn hóa Internet đã nhốt cả nhân loại trong một cái làng toàn cầu chật hẹp…”(16). Do vậy, Inrasara đã bình tĩnh, chủ động từng bước một để thực thi công việc của một Chăm hữu trách với dân tộc: từ vai trò của người lưu giữ, bảo tồn với các cuốn Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm, Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường (viết chung), Tự học tiếng Chăm; Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại…; rồi dần dần soạn được bộ Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển dày dặn; chủ biên đặc san Tagalau… và đến nay, ông đang thực hiện tiếp vai trò của người “lặn sâu vào dân tộc” để sáng tạo, phát triển văn hóa Chăm bằng tiểu thuyết sau khi đã thành danh trong lĩnh vực thơ ca.
Tài liệu tham khảo:
(1) Ngọc Lan (2006), Inrasara – Viết như một công dân thế giới, Báo Thế thao – Văn hóa, 14-7-2006
(2) Inrasara (1995), Văn học Chăm – trường ca, Nxb Văn hóa dân tộc, H, tr.64.
(3) Inrasara (2008), Song thoại với cái mới – tiểu luận, Nxb Hội Nhà văn & Nhà sách Kiến thức, H. tr. 43.
(4),(5),(15),(16), Khánh Phương (2006), Đôi mắt như niềm bí mật Chăm, Báo Xã hội và Gia đình, tháng 8-2006..
(6) Trần Vũ (2006), Lời giới thiệu Chân dung cát, http://Inrasara.com
(7) (10) Vũ Xuân Tửu (2011), Kí ức vụn nhân đọc Hàng mã kí ức, http//Inrasara.com
(8) Đinh Trần Toán (2011), Đọc Hàng mã kí ức và biết Inrasara, Báo Văn nghệ, số 43
(9) Khánh Phương (2006), Giới thiệu Chân dung cát, Vnexpress.net, 14/07/2006.
(11) Inrasara (1999), Các vấn đề văn hóa – xã hội Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, H, tr.58.
(12) Inrasara (2006), Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo – tiểu luận – phê bình, Nxb Văn nghệ, H.
(13) Inrasara (2010), Minh triết Chăm, http: www//Inrasara.com
(14) Jurgen Osterhammel & Niels P. Petersson (2003), Globalization: A Short History, translated by Dona Geyer, Princeton University Press, USA.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *